TCCSĐT - Nhằm cung cấp một số thông tin về dự thảo Thông tư liên tịch quy định thống nhất giá dịch vụ y tế khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng toàn quốc, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị tập huấn cho hơn 50 phóng viên của các cơ quan báo chí tại Thành phố Hồ Chí Minh vào sáng ngày 19-10-2015.

Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế Nguyễn Nam Liên cho biết: Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng Thông tư liên Bộ quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Đây là việc làm rất cần thiết, bởi hiện nay, theo thống kê có khoảng 1.800 dịch vụ y tế trong danh mục được bảo hiểm y tế đang thanh toán đều sẽ được điều chỉnh giá trong Thông tư này.

Theo đó, giá dự kiến ban hành gồm: Giá khám bệnh, phân theo hạng bệnh viện; giá ngày giường bệnh phân theo hạng và chuyên khoa; giá các dịch vụ kỹ thuật áp dụng chung cho tất cả các hạng bệnh viện. Trong đó, đáng chú ý là giá viện phí theo Thông tư mới này chỉ áp dụng với người bệnh thanh toán bảo hiểm y tế; đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế thì vẫn áp dụng theo mức giá hiện nay, dự kiến sẽ cân nhắc thời điểm phù hợp để chính thức điều chỉnh theo giá viện phí mới vào năm 2016. Với việc điều chỉnh giá viện phí mới bắt đầu từ cuối năm nay, khoảng 23,7 triệu người là người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ bảo hiểm y tế sẽ có lợi hơn; các đối tượng đang tham gia bảo hiểm y tế cơ bản không bị ảnh hưởng nhiều, còn những người chưa có thẻ bảo hiểm y tế chắc chắn gánh nặng viện phí sẽ tăng cao hơn.

Phân tích về lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế, đồng chí Nguyễn Nam Liên chia sẻ: Giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo lộ trình, song Bộ Y tế cũng nhận thức được việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế là rất “nhạy cảm”, do vậy trước tiên liên Bộ phải thực hiện điều chỉnh cho nhóm đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế trước còn nhóm đối tượng chưa có thẻ bảo hiểm y tế vẫn thực hiện theo quy định cũ. Bên cạnh đó, việc tăng giá dịch vụ y tế không đơn thuần là giá để người dân chi trả chi phí khám, chữa bệnh cho bệnh viện mà quan trọng hơn cả đó là cơ sở để cơ quan bảo hiểm xã hội thay mặt cho người dân thanh toán cho bệnh viện.

Cũng tại Hội nghị, các phóng viên đã được nghe và cùng trao đổi với lãnh đạo Bộ Y tế, các chuyên gia trong lĩnh vực này về những vấn đề được xã hội quan tâm như những đóng góp của ngành y đối với sự phát triển của xã hội và đất nước; đạo đức của ngành y đối với người bệnh; công tác phòng chống dịch bệnh;…

Đặc biệt, với chuyên đề “Đổi mới việc giáo dục, rèn luyện y đức phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, GS, TSKH. Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các Cơ quan Đảng Trung ương, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết: Xuất phát điểm của ngành y không phải là nghề kiếm sống, nhưng hiện nay ngành y đã trở thành nghề kiếm sống. Do đó, những vấn đề đặt ra với y đức hiện nay biểu hiện rất rõ ở chỗ, nghề y từ phục vụ nay đã chuyển sang dịch vụ.

GS, TSKH. Phạm Mạnh Hùng muốn gửi đến những người đang làm trong ngành y và những người muốn bước chân vào hoạt động lĩnh vực này về câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”, “Lương y như từ mẫu”,… Theo đó, GS, TSKH. Phạm Mạnh Hùng lý giải: Người thầy thuốc không chỉ dừng lại ở hành động như người mẹ hiền mà phải kiêm luôn công việc của người mẹ hiền. Làm được điều đó, thì hình ảnh của người thầy thuốc sẽ đẹp mãi trong lòng nhân dân, y đức luôn là niềm tự hào của ngành y tế, mỗi thầy thuốc cần phải nêu cao lòng nhân ái, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với bệnh nhân.

Tiếp đó, GS, TSKH. Phạm Mạnh Hùng lưu ý, “ngành y có những đặc điểm rất đặc biệt liên quan đến sinh mạng con người, đòi hỏi trách nhiệm cao, sức ép nghề nghiệp lớn. Vì thế, nếu người thầy thuốc kê một đơn thuốc gồm những thuốc không cần thiết và đắt tiền hoặc thầy thuốc chỉ định một xét nghiệm không cần thiết và đắt tiền thì chính người thầy thuốc đó là người gây ra nghèo đói cho người bệnh”. Cũng theo GS, TSKH. Phạm Mạnh Hùng, trước những thách thức mà ngành y tế phải đối mặt trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, người thầy thuốc, cán bộ và nhân viên y tế phải chủ động rèn luyện, nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn, phát huy phẩm chất cao đẹp của người thầy thuốc như mẹ hiền trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân./.