TCCSĐT - Ngày 18-10-2015, phát biểu tại một diễn đàn an ninh ở Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Malaysia, Tướng Zulkefli Mohd Zin, tuyên bố hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên các hòn đảo ở khu vực có tranh chấp trên Biển Đông là hành động “khiêu khích phi pháp”.

Cuộc đua vào chiếc ghế tổng thống Mỹ và Quốc hội Canada năm 2016

 

 Các ứng viên của Đảng Dân chủ. Ảnh: TTXVN

Vào lúc 21h ngày 13-10 (theo giờ miền Đông nước Mỹ) tức sáng 14-10 (theo giờ Việt Nam), 5 ứng cử viên của Đảng Dân chủ Mỹ đã bắt đầu cuộc tranh luận đầu tiên được phát trực tiếp trên sóng truyền hình trong cuộc đua để trở thành đại diện cho Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2016. Năm ứng cử viên gồm: cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, 67 tuổi; Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sander, 74 tuổi; cựu Thống đốc bang Maryland Martin O’Malley, 52 tuổi; Thượng nghị sĩ bang Virginia Jim Webb (Gim Oép), 69 tuổi; cựu Thống đốc bang Rhode Island Lincoln Chafee, 62 tuổi. Giới quan sát nhận định cuộc tranh luận là cơ hội quan trọng để các ửng viên trình bày cương lĩnh tranh cử của mình về các vấn đề kinh tế và chính sách đối ngoại, đối nội trong nỗ lực lôi kéo sự chú ý và ủng hộ của cử tri.

Về bầu cử Quốc hội Canada, do liên tục bị mất điểm trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây, Thủ tướng Canada Stephen Harper đã quyết định chuyển hướng tranh cử, tập trung vào việc duy trì những ghế mà Đảng Bảo thủ (CPC) cầm quyền đang nắm giữ. Sự chuyển hướng này của Thủ tướng Harper và Đảng CPC được thể hiện rất rõ trong các cuộc vận động tranh cử cuối tuần qua và trong Ngày nghỉ lễ Tạ ơn (12-10). Theo đó, thay vì tìm thêm ghế dân biểu ở những điểm bầu cử mà CPC chưa có thì Thủ tướng Harper quyết định tập trung củng cố ở những điểm được coi là “thành trì” của CPC. Đây có thể coi là sự chuyển hướng mang tính chiến lược của CPC trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ của cư tri dành cho đảng này liên tục sụt giảm và ngày càng tụt hậu so với Đảng Tự do (LIB) đối lập của ông Justin Trudeau.

Hội nghị chuyên đề về Con đường tơ lụa và Cuộc họp lần thứ 25 ICAPP

 

Họp báo về Hội nghị chuyên đề các đảng chính trị châu Á ngày 13-10-2015. Ảnh: chinadaily.com.cn

Từ ngày 14-10 đến ngày 16-10-2015, tại Bắc Kinh (Trung Quốc) đã diễn ra Hội nghị chuyên đề các đảng chính trị châu Á (ICAPP), với chủ đề “Tầm nhìn mới của Con đường tơ lụa: hành động vì sự phát triển chung”, do Đảng Cộng sản Trung Quốc đăng cai tổ chức, và Cuộc họp lần thứ 25 Ủy ban Thường trực ICAPP với sự tham gia của hơn 300 đại biểu thuộc 64 đảng đến từ 32 quốc gia trên thế giới.

Các đại biểu bày tỏ hoan nghênh và đánh giá cao mục đích, ý nghĩa của sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, nhấn mạnh nguyên tắc tham vấn rộng rãi, cùng tham gia và cùng có lợi, mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững cho tất cả các nước, yêu cầu tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng chủ quyền quốc gia, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trong quá trình xây dựng và triển khai các sáng kiến hợp tác. Hội nghị đã thông qua “Tuyên bố chung Bắc Kinh về Con đường tơ lụa” nhấn mạnh cam kết của các đảng chính trị đối với việc thúc đẩy đối thoại, hợp tác vì lợi ích của người dân và thịnh vượng chung. Tại Cuộc họp lần thứ 25 Ủy ban Thường trực ICAPP, các đảng thành viên trong ủy ban đã cùng đánh giá các hoạt động của ICAPP thời gian qua và thông qua kế hoạch hoạt động của ICAPP trong thời gian tới, nhấn mạnh quyết tâm tiếp tục triển khai các mục tiêu trọng tâm của ICAPP, như vấn đề giành quy chế Quan sát viên Đại hội đồng Liên hợp quốc, củng cố quan hệ với các đối tác tại châu Phi, khu vực Mỹ Latinh, từng bước mở rộng quan hệ với các đảng chính trị chủ chốt tại châu Âu,…

Cuộc họp cấp cao lần thứ tám Diễn đàn toàn cầu về di cư và phát triển

 

Diễn đàn toàn cầu về di cư và phát triển lần thứ tám kêu gọi bảo đảm quyền con người và nhân phẩm của người di cư. Ảnh: migration.commission.ge

Từ ngày 14-10 đến ngày 16-10-2015, tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ đã diễn ra cuộc họp cấp cao lần thứ tám Diễn đàn toàn cầu về di cư và phát triển (GFMD 8) với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác: Di chuyển con người vì sự phát triển bền vững”.

Với 3 phiên họp toàn thể, 6 phiên thảo luận bàn tròn và 15 cuộc họp chuyên đề, GFMD 8 tập trung vào các nội dung chính gồm: hợp tác để tăng cường bảo hộ quyền của người di cư; đưa vấn đề di cư vào xây dựng chính sách ở cấp quốc gia và khu vực; các biện pháp để giảm thiểu di cư bắt buộc; giảm thiểu các chi phí liên quan đến di cư; bảo vệ người di cư trong thời gian khủng hoảng;... Các đại biểu thừa nhận vai trò của người di cư đối với phát triển và kêu gọi bảo đảm quyền con người và nhân phẩm của người di cư, chống phân biệt chủng tộc, ngăn ngừa bóc lột người nhập cư để bảo đảm lợi ích của người di cư và tối đa hóa sự đóng góp của họ đối với sự phát triển của cả nước gốc và nước tiếp nhận. Các đại biểu khẳng định sự cần thiết phải biến cam kết thành hành động cụ thể nhằm giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng di cư để di cư trở thành sự lựa chọn tự nguyện chứ không phải bị bắt buộc. Các quốc gia cần hợp tác xây dựng cơ sở dữ liệu và tăng cường chia sẻ thông tin về di cư; thực hiện các biện pháp giúp thuận lợi hóa sự di chuyển, bao gồm việc thông thoáng hơn các quy định pháp lý; giảm thiểu chi phí di cư, tạo điều kiện cho người di cư hòa nhập nhanh và chuyển tiền về nước dễ dàng; bảo đảm người di cư được hưởng sự đối xử bình đẳng.

EU vẫn bất đồng với Nga về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria

Ngày 15-10-2015, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ở Brussells (Bỉ), các nhà lãnh đạo EU đã tỏ ra mâu thuẫn khi đề cập hướng giải quyết chính trị cuộc khủng hoảng Syria, cũng như tiếp tục bất đồng với Nga trong vấn đề này. Tuyên bố được đưa ra sau ngày đầu tiên của Hội nghị nêu rõ EU sẽ tham gia tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại Syria trên cơ sở hợp tác chặt chẽ với Liên hợp quốc và các nước trong khu vực, đồng thời kêu gọi các bên cùng phối hợp hành động để đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, EU tiếp tục không thừa nhận vai trò của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong tiến trình giải quyết hòa bình cuộc xung đột này. Trong khi đó, phía Nga nhiều lần khẳng định Tổng thống hợp pháp của Syria Bashar al-Assad cần phải là một phần trong tiến trình này.

Liên quan chiến dịch không kích của Nga nhằm vào các mục tiêu của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trên lãnh thổ Syria theo đề nghị của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, tuyên bố của EU bày tỏ lo ngại khi cho rằng chiến dịch này còn nhằm vào phe đối lập Syria, điều mà Moskva nhiêu lần bác bỏ. Những nội dung trên tỏ ra mâu thuẫn với những tuyên bố trước đó của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini, trong đó cho rằng Nga có vai trò quan trọng trong việc lôi kéo chính quyền Damascus tham gia tiến trình giải quyết chính trị cuộc khủng hoảng Syria.

Hội nghị khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế thế giới

Sau năm ngày họp, ngày 16-10-2015, Hội nghị khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kết thúc tại Guam (Hoa Kỳ). Việt Nam và Fiji được bầu làm đại diện cho các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Tây Thái Bình Dương vào Hội đồng Chấp hành Đại hội đồng Y tế Thế giới nhiệm kỳ 3 năm, từ tháng 5-2016 đến tháng 5-2019. Hội đồng Chấp hành là nơi đề xuất và chuẩn bị các chương trình nghị sự cho Đại hội đồng Y tế thế giới, do đó có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hoạch định các chính sách y tế chủ chốt trên cấp độ toàn cầu.

Kết thúc Hội nghị, 5 nghị quyết về các vấn đề y tế của khu vực đã được thông qua, gồm: phòng, chống viêm gan virus, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, phòng, chống lao, phòng ngừa bạo lực và tai nạn thương tích và sức khỏe người dân ở đô thị. Trước đó, trong khuôn khổ hội nghị, các nước thành viên đã tham gia Phiên thảo luận về cách thức các quốc gia triển khai thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hiệp quốc sau năm 2015. So với các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs - mục tiêu đạt đến năm 2015), các Mục tiêu phát triển bền vững (đặt ra cho giai đoạn sau năm 2015) rộng hơn, bao quát hơn, song vẫn trên cơ sở tiếp nối và mở rộng và liên hệ mật thiết với các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ trước đây.

Malaysia chỉ trích hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

 

Đường băng phi pháp Trung Quốc xây dựng trên Đá Chữ Thập. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 18-10-2015, phát biểu tại một diễn đàn an ninh ở Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Malaysia, Tướng Zulkefli Mohd Zin, tuyên bố hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên các hòn đảo ở khu vực có tranh chấp trên Biển Đông là hành động “khiêu khích phi pháp”. Tuyên bố trên của Tướng Zulkefli Mohd Zin là một bình luận công khai hiếm thấy về vấn đề Biển Đông của Malaysia, quốc gia vốn cũng có tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này. Theo Tướng Zulkefli Mohd Zin, Trung Quốc đã cam kết rằng hoạt động xây dựng của nước này ở Biển Đông chỉ vì các mục đích dân sự, nghiên cứu hàng hải và nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các tàu thuyền đi lại an toàn ở khu vực đó. Tuy nhiên, ông Zulkefli Mohd Zin nhấn mạnh: “Thời gian sẽ cho thấy mục đích của Trung Quốc ở Biển Đông là gì...”.

Trước đó, ngày 17-10, hãng tin Bernama của Malaysia dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng nước này Hishammuddin Hussein phát biểu tại phiên họp toàn thể đầu tiên của Diễn đàn Hương Sơn lần thứ sáu tại Bắc Kinh (Trung Quốc), nhấn mạnh nước này vẫn tin chắc rằng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) là cách tốt nhất để giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ ở Biển Đông. Ông H. Hussein đã kêu gọi các bên tăng cường tham vấn để nhanh chóng xây dựng một COC hiệu quả, bảo đảm sự quản lý hợp lý các tuyến đường biển quan trọng và bầu trời mở trong khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Hussein nhắc lại quan điểm của Malaysia là vấn đề Biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình thông qua các diễn đàn đa phương./.