Để tiếp tục phát triển công đoàn doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước ở Hà Nội
TCCS - Thời gian qua, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội nỗ lực đẩy mạnh mọi mặt hoạt động của tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Đây là nhiệm vụ lâu dài, do đó bên cạnh nỗ lực của Công đoàn thành phố, còn cần sự tạo điều kiện, cùng tập trung tháo gỡ khó khăn của các cấp, các ngành và sự đồng tình hưởng ứng của người lao động.
Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới vì sự phát triển toàn diện, mạnh mẽ của Thủ đô, đã đặt lên vai công đoàn tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước những khó khăn mới, những trọng trách mới. Địa bàn mở rộng nhanh, với số lượng doanh nghiệp và số lượng người lao động tăng lên mạnh, nhưng bố trí lại dàn trải, do đó gây khó khăn cho hoạt động của các liên đoàn lao động quận, huyện, cho đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách cấp trên cơ sở. Trong khi đó, cán bộ công đoàn chuyên trách còn ít (do phụ thuộc vào chỉ tiêu biên chế); trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chưa đáp ứng được yêu cầu công việc; nhiều chính sách cụ thể bất cập chưa được tháo gỡ đồng bộ...
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay Hà Nội có trên 2.200 tổ chức công đoàn cơ sở (CĐCS) và khoảng 203.000 đoàn viên khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Hiện có khoảng 8.000 doanh nghiệp có đủ điều kiện, nhưng vẫn chưa thành lập tổ chức công đoàn.
Theo đánh giá chung, chất lượng, hiệu quả hoạt động của CĐCS doanh nghiệp ngoài nhà nước nhìn chung chưa cao. ở một số doanh nghiệp, tổ chức công đoàn còn lúng túng trong nội dung và phương pháp hoạt động, chưa tập trung vào thực hiện chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và xây dựng, củng cố hoàn thiện quan hệ lao động, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Do vậy, tổ chức công đoàn chưa trở nên hấp dẫn đối với người lao động. Cũng vì lý do này, người sử dụng lao động (NSDLĐ) chưa thấy vai trò của công đoàn trong phát triển sản xuất, kinh doanh ở doanh nghiệp, nên chưa ủng hộ, tạo điều kiện cho thành lập và hoạt động của công đoàn.
Ở những doanh nghiệp cổ phần chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước, hoạt động của công đoàn tương đối nền nếp; quyền lợi của người lao động được bảo đảm theo các quy định của pháp luật; mối quan hệ giữa công đoàn với giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị công ty tương đối ăn ý, nhịp nhàng. Công tác phát triển Đảng ở những doanh nghiệp này vẫn thực hiện tốt.
Đối với những doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, nhìn chung chủ công ty tương đối có ý thức tuân thủ pháp luật của Việt Nam, cơ bản họ tạo điều kiện cho công đoàn ra đời và hoạt động. Tuy nhiên, các tổ chức chính trị - xã hội khác cũng như công tác phát triển Đảng hầu như chưa được triển khai.
Ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó phát triển tổ chức công đoàn. Trong số 8.000 doanh nghiệp có đủ điều kiện (theo thống kê cho đến hiện nay) nhưng chưa thành lập tổ chức công đoàn, hầu hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sở dĩ có tình trạng này là vì:
- Các doanh nghiệp phân bố rải rác, quy mô nhỏ gây không ít khó khăn trong công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn từ việc thành lập đến quy trình hoạt động của tổ chức công đoàn. Cộng vào đó, công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật lao động của các cấp chính quyền, tổ chức công đoàn các cấp đối với các doanh nghiệp này chưa sâu sát.
- Việc điều tra khảo sát phân loại doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập tổ chức công đoàn theo quy định ở một số địa phương, đơn vị chưa được cập nhật thường xuyên, đầy đủ nên công tác tham mưu chỉ đạo còn gặp nhiều khó khăn.
- Các quy định về tổ chức công đoàn chưa bám sát thực tế. Việc thu phí công đoàn gặp nhiều trở ngại. Do đó, càng phát triển nhiều đoàn viên và CĐCS ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì càng nhiều khó khăn về kinh phí cho hoạt động công đoàn. Tình trạng nhiều doanh nghiệp lách luật, chỉ cần có quyết định thành lập công đoàn để có con dấu của công đoàn cơ sở nhằm hợp pháp cho việc xuất hàng của mình (những đơn xuất hàng sang những thị trường một số nước phát triển, yêu cầu phải chứng nhận doanh nghiệp có tổ chức công đoàn), chứ không hoạt động gì, trong khi đó cũng chưa có chế tài để ngăn chặn tình trạng tổ chức công đoàn hình thức này và những tác động hiệu quả từ phía tổ chức công đoàn cấp trên cơ sở.
- Số cán bộ chuyên trách cấp trên cơ sở quá thiếu, luân chuyển liên tục, chỉ tiêu biên chế lại ít và do chính quyền quận, huyện quyết định. Những người làm công tác công đoàn ở cơ sở, nhất là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ hạn chế về trình độ, ảnh hưởng tới hoạt động nghiệp vụ nói chung, nhiệm vụ đại diện và bảo vệ quyền lợi của công nhân nói riêng. Trong khi đó, công tác công đoàn đối với họ đều là kiêm nhiệm.
Việc làm báo cáo theo quy định thường kỳ gửi công đoàn cấp trên vừa không bảo đảm về thời gian, vừa không đạt yêu cầu về nội dung, do đó gây ra khó khăn cho công tác quản lý và theo dõi hoạt động công đoàn của các cơ quan chức năng.
- Chế độ đãi ngộ đối với người làm công tác công đoàn chưa tương xứng với yêu cầu công việc. Cán bộ công đoàn chuyên trách hưởng lương theo ngạch, bậc, trong khi yêu cầu công việc luôn phải bám sát địa bàn, doanh nghiệp nhưng phương tiện làm việc, đi lại còn hạn chế. Đối với số làm công tác công đoàn ở cơ sở, trong khi vẫn phải đảm nhận công việc chính của mình ở doanh nghiệp, thì phần phụ cấp cho công tác công đoàn từ quỹ công đoàn phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của NSDLĐ.
Đại hội đại biểu Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội lần thứ XIV đã đề ra các mục tiêu cụ thể là: "Phấn đấu đến hết hết nhiệm kỳ, đạt 60% doanh nghiệp đủ điều kiện phát triển công đoàn thành lập được tổ chức CĐCS. Hằng năm có trên 90% CĐCS các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp khu vực nhà nước và 45% CĐCS khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt tiêu chuẩn CĐCS vững mạnh".
Để đạt được mục tiêu đề ra, công đoàn các cấp đã tiến hành nhiều biện pháp: kiện toàn, thành lập Ban chỉ đạo phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn; tiến hành điều tra, khảo sát để nắm vững số doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập công đoàn, thống kê số lượng người lao động
chưa vào công đoàn; tìm hiểu nguyên nhân các doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn, người lao động chưa gia nhập tổ chức công đoàn để có kế hoạch và biện pháp cụ thể khắc phục...
Công đoàn các cấp cũng đã chủ động phối hợp với chính quyền đồng cấp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ vận động thành lập tổ chức công đoàn và phát triển đoàn viên theo quy định của pháp luật.
Kết thúc năm 2009, công tác phát triển đoàn viên và tổ chức công đoàn doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước ở Hà Nội đạt được kết quả ban đầu là:
Phát triển 5.425 đoàn viên, thành lập 21 CĐCS ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước đã phát triển 18.560 đoàn viên, thành lập 222 CĐCS.
Tổng kết công tác năm 2009, Đoàn Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội thống nhất nhận định: Công đoàn thành phố có những nỗ lực nhất định, nhiều đơn vị đạt và vượt tiến độ so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Các CĐCS tuy mới thành lập và đi vào hoạt động nhưng nhìn chung đã thực hiện khá tốt chức năng và nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như việc xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.
Từ thực tế công tác công đoàn và tình hình tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước trên địa bàn, Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội đã chủ trương đề xuất nhằm tháo gỡ những vướng mắc để hoạt động tốt hơn:
- Thống nhất chỉ tiêu biên chế cán bộ chuyên trách công đoàn, giao tổng số biên chế hệ thống công đoàn Hà Nội để LĐLĐ thành phố có sự chủ động phân bổ biên chế, nhằm tập trung cho những khu vực cần thiết. Có cơ chế, hướng dẫn cụ thể để tăng cường đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách cho khu vực có nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước, có đông đoàn viên và CNLĐ.
- Đề nghị Thành ủy, UBND thành phố cần sớm ban hành cơ chế, chính sách cụ thể về xây dựng nhà ở và các thiết chế văn hóa cũng như cơ sở hạ tầng để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động tại khu, cụm, điểm công nghiệp.
- Đề nghị có quy định chặt chẽ để các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều có trách nhiệm trích nộp kinh phí công đoàn theo quy định (không chỉ có doanh nghiệp có tổ chức công đoàn mới phải trích nộp kinh phí công đoàn), nhằm tạo sự bình đẳng đối với các doanh nghiệp. Cần có cơ chế để bảo vệ người làm công tác công đoàn bị mất việc do đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Đồng thời, cần có chế tài để xử phạt nghiêm các doanh nghiệp không nộp kinh phí công đoàn.
- Tình trạng các doanh nghiệp đã thu đủ bảo hiểm xã hội của người lao động, nhưng trốn tránh, chậm nộp lên bảo hiểm xã hội gây thiệt hại cho người lao động. Do vậy, cần thực hiện tốt Nghị định số 86/2010/NĐ-CP của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.
Để tiếp tục phát triển công đoàn doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước trên địa bàn Hà Nội, công đoàn các cấp đang nỗ lực:
Thứ nhất, tập trung xây dựng bằng được đội ngũ người làm công tác công đoàn của các doanh nghiệp bằng nhiều biện pháp, với nỗ lực và quyết tâm cao. Để cho họ hoạt động đều tay, có hiệu quả, công đoàn các cấp cần bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và phương thức hoạt động đối với công tác công đoàn ở các loại hình doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
Thứ hai, công đoàn cấp trên cần phối hợp tốt với cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở địa phương giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về người lao động, về hoạt động của tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Đồng thời, bám sát cơ sở làm tốt việc hướng dẫn, chỉ đạo cho công đoàn cơ sở trong mọi hoạt động.
Thứ ba, quan tâm xây dựng tiếng nói chung giữa chủ doanh nghiệp với người lao động. Thực tế từ nhiều địa phương trên cả nước cho thấy, nơi nào xây dựng được tiếng nói chung giữa người lao động, đại diện là tổ chức công đoàn, với người sử dụng lao động, biểu hiện cụ thể là xây dựng và thực hiện tốt thỏa ước lao động tập thể, thì sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp đó ổn định.
Thứ tư, đối với những địa bàn có khu công nghiệp tập trung, nhiều doanh nghiệp, cần được ưu tiên bố trí, bồi dưỡng cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở vừa có năng lực chuyên môn, vừa có tinh thần trách nhiệm cao để trực tiếp giúp đỡ đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở về kỹ năng thương lượng tập thể, hòa giải lao động và tham gia giải quyết tranh chấp lao động; tổ chức các cuộc hội thảo, trao đổi kinh nghiệm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ./.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015 (28/09/2010)
ADB nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam (28/09/2010)
- Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý
- Phát triển nhân lực khoa học, công nghệ Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số
- Góc nhìn chuyên gia - Dự báo chiều hướng chính sách đối ngoại của chính quyền mới ở Mỹ: Tác động và một số vấn đề đặt ra
- Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong kỷ nguyên mới
- Hoàn thiện thể chế thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nhà nước - lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước
-
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội và thách thức của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay