TCCSĐT - Từ ngày 20 đến ngày 22-9-2010, tại thành phố Niu Oóc, (Mỹ), Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc kiểm điểm việc thực hiện các MDG diễn ra với phiên họp toàn thể cùng sáu phiên thảo luận bàn tròn với các chủ đề “Giải quyết thách thức của đói nghèo và bình đẳng giới,” “Hoàn thành các mục tiêu về y tế và giáo dục,” “Thúc đẩy phát triển bền vững,” “Giải quyết các vấn đề mới nổi và phương thức tiếp cận mới,” “Đáp ứng nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất,” “Mở rộng và tăng cường các mối quan hệ đối tác.”
 
1. WB: Thế giới cần thích nghi với nền kinh tế toàn cầu mới đa cực

Ngày 20-9-2010, tại Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc kiểm điểm tiến trình thực hiện MDG, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), Rô-bớt Giô-en-lích (Robert B. Zoellick) khẳng định, nền kinh tế toàn cầu hiện nay đã thay đổi cơ bản so với thời điểm Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc năm 2000 phát động các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG). Vì vậy, thế giới cần thích nghi với nền kinh tế toàn cầu mới đa cực. Chủ tịch WB Rô-bớt Giô-en-lích nhấn mạnh, chính các nền kinh tế đang nổi lên đã đưa nền kinh tế toàn cầu ra khỏi khủng hoảng. Ông Giô-en-lích dự báo châu Phi có thể sẽ trở thành một cực toàn cầu của tăng trưởng kinh tế thế giới. Trước khủng hoảng, các nền kinh tế châu Phi tăng trung bình 5% trong một thập kỷ và trong 3 năm gần đây, tăng 6% mỗi năm. Tỷ lệ nghèo đói giảm trung bình 1% mỗi năm. Với chính sách đúng đắn và quản lý tốt, châu Phi ngày càng hấp dẫn đầu tư nước ngoài. 56 tỉ USD đã được đầu tư phát triển mạng điện thoại di động đưa số người sử dụng điện thoại di động ở châu Phi tăng từ 4 triệu lên 400 triệu người. Số khách du lịch đến khu vực Tiểu Xa-ha-ra châu Phi đã tăng gấp 3 lần.

2. IMF kêu gọi chia sẻ trách nhiệm giữa 3 đối tác chính thúc đẩy kinh tế toàn cầu

Ngày 20-9-2010, tại trụ sở của Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã kêu gọi chia sẻ trách nhiệm giữa 3 đối tác chính thúc đẩy phát triển của nền kinh tế toàn cầu là các nền kinh tế phát triển, các nền kinh tế đang phát triển và các tổ chức tài chính, thương mại quốc tế như IMF, Ngân hàng Thế giới (WB)…. Trong diễn văn tại Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc kiểm điểm việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG), Giám đốc điều hành IMF, Đô-mi-ních Xtrau-xơ Can (Dominique Strauss-Kahn) cho rằng, chia sẻ trách nhiệm như vậy hiện đã là nhu cầu khẩn cấp vì thành công của tiến trình đưa nền kinh tế toàn cầu trở lại đúng đường như trước khủng hoảng đều phụ thuộc vào sự phục hồi tăng trưởng toàn cầu cân bằng và bền vững. Tất cả các nỗ lực nhằm đạt MDG đều sẽ thất bại nếu không phục hồi sự cân bằng này. Các nền kinh tế phát triển và cả các nền kinh tế đang nổi lên hàng đầu thế giới cần tập trung trước hết đảm bảo phục hồi bền vững. Hợp tác giữa các nền kinh tế này góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới 2,5% trong 5 năm qua, tạo thêm 30 triệu việc làm, đưa 33 triệu người thoát khỏi đói nghèo. Các nền kinh tế phát triển còn phải giữ cam kết tăng viện trợ phát triển ở mức 0,7% tổng thu nhập quốc dân (GNP) cho các nước nghèo, đồng thời mở cửa thương mại vì thương mại là một trong những hình thức quan trọng và hiệu quả nhất để các nền kinh tế giàu giúp các nền kinh tế nghèo, thu nhập thấp.

3. WTO: Thương mại toàn cầu năm 2010 tăng trưởng kỷ lục

Ngày 20-9-2010, Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã nâng dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2010 từ mức 10% lên 13,5%, mức tăng trưởng thương mại toàn cầu cao nhất hàng năm từ trước đến nay. Nguyên nhân của sự điều chỉnh này là do tốc độ phục hồi của các luồng thương mại toàn cầu từ nay đến cuối năm 2010 nhanh hơn so với dự kiến. Dự báo này của WTO đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của thương mại thế giới từ mức suy giảm 12,2% của năm ngoái do tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu, đồng thời cũng ghi nhận mức tăng trưởng này sẽ bù đắp hiệu quả cho toàn bộ những tổn thất của thương mại thế giới trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua. WTO cũng dự báo xuất khẩu hàng hóa của các nước công nghiệp phát triển trong năm nay sẽ tăng 11,5%, gần như đảo ngược hoàn toàn xu hướng sụt giảm hồi năm ngoái, và cao hơn hẳn mức tăng dự báo 7,5% được cơ quan này đưa ra hồi tháng 3-2010. Đối với phần còn lại của thế giới, tăng trưởng thương mại dự kiến sẽ đạt 16,5% trong năm nay, một sự phục hồi ngoạn mục so mới mức giảm 7,8% trong năm ngoái và cũng cao hơn mức tăng dự báo 11% được đưa ra hồi tháng 3-2010.

4. Mỹ khẳng định quan hệ đồng minh với Nhật Bản

Ngày 20-9-2010, Phó Tổng thống Mỹ Giô-xép Bai-đơn (Joseph Biden) tuyên bố nỗ lực cải thiện quan hệ với Trung Quốc của Mỹ "phải qua Tô-ki-ô". Tuyên bố này được đưa ra chỉ ba ngày trước khi Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma hội đàm Thủ tướng Nhật Bản Na-ô-tô Can (Naoto Kan) ở Niu Oóc bên lề cuộc họp của Đại Hội đồng Liên hợp quốc. Phát biểu tại hội nghị thường niên của Hội đồng Mỹ - Nhật, Phó Tổng thống Bai-đơn nhấn mạnh tới bản chất cơ bản của mối quan hệ với Nhật Bản, một đồng minh chủ chốt của Mỹ trong chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Oa-sinh-tơn. Theo ông Bai-đơn, Tô-ki-ô có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, các vấn đề an ninh khu vực khác cũng như những thách thức về xã hội và chính trị. Ông nói thêm rằng, người dân Mỹ phải hiểu mối quan hệ với Nhật Bản là "nhân tố cốt yếu" đối với những gì mà Oa-sinh-tơn có thể làm tại khu vực này.

5. Hơn 100 nước phê chuẩn Nghị định thư bổ sung NPT

Ngày 21-9-2010, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Niu Oóc (Mỹ) hơn 100 nước đã ký kết, phê chuẩn hoặc thừa nhận Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT) và Nghị định thư bổ sung của văn kiện này. Ðiều này cho phép Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) quyền tiếp cận lớn hơn đối với chương trình hạt nhân của các nước. Tổng Giám đốc IAEA Y.A-ma-nô cho biết, Ru-an-đa và Xoa-di-len là nước thứ 101 và 102 phê chuẩn Nghị định thư bổ sung của NPT.

Ngày 20-9-2010, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã tiến hành đại hội thường niên ở Viên (Áo) với sự tham gia của đại diện tất cả 151 nước thành viên, tập trung thảo luận một loạt vấn đề như bầu chọn nước thành viên vào Ban Giám đốc, ngân sách năm 2011, an ninh hạt nhân và hợp tác về chuyên môn.

6. Cộng đồng Ca-ri-bê hối thúc Mỹ dỡ bỏ cấm vận chống Cu-ba

Ngày 21-9-2010, Cộng đồng Ca-ri-bê (CARICOM) đã ra tuyên bố phản đối cuộc bao vây, cấm vận do Mỹ đơn phương áp đặt chống Cu-ba, đồng thời hối thúc Oa-sinh-tơn thực hiện nghị quyết của Liên hợp quốc dỡ bỏ chính sách thù địch chống La Ha-ba-na. Trong tuyên bố của mình, Ban Thư ký CARICOM nhấn mạnh tại Hội nghị Cu-ba - CARICOM lần thứ ba, vừa diễn ra tại La Ha-ba-na, ngoại trưởng các nước thành viên đã lên tiếng phản đối cuộc bao vây, cấm vận của Mỹ chống Cu-ba, đồng thời tái khẳng định quan điểm của tổ chức này tăng cường quan hệ hợp tác với Cu-ba, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, đào tạo nhân lực và phòng chống thảm họa, thiên tai. Các nước thành viên CARICOM cũng cho rằng cần phải thúc đẩy hợp tác, tinh thần đoàn kết và hội nhập phục vụ phát triển giữa các nước Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê, cũng như bảo vệ độc lập, chủ quyền và bản sắc dân tộc. Tuyên bố kêu gọi các nước khu vực cần nỗ lực bảo vệ môi trường sống. CARICOM, thành lập năm 1958 với 16 nước thành viên và 11 nước quan sát viên, chủ trương thực hiện ba mục tiêu chính: thúc đẩy hợp tác kinh tế trong khuôn khổ một thị trường chung, thắt chặt quan hệ chính trị - kinh tế, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa và công nghiệp giữa các nước thành viên.

7. Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế công bố báo cáo "Thảm họa thế giới 2010"

Ngày 21-9-2010, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) công bố báo cáo "Thảm họa thế giới 2010" trong đó nêu rõ: khoảng 2,57 tỉ cư dân đô thị ở các nước có thu nhập trung bình và thấp đang phải đối mặt với những nguy cơ nghèo đói và thảm họa khó lường do đô thị hóa nhanh, quản lý yếu kém, dân số tăng, dịch vụ y tế kém và bạo lực đô thị gia tăng do phải sống trong những căn nhà tồi tàn ở những nơi nguy hiểm, không có cơ sở hạ tầng giảm rủi ro cũng như không có dịch vụ. Những nguy cơ này thường liên quan chặt chẽ với nhau và mối liên hệ đó sẽ tăng lên do biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, di dời bắt buộc là nguy cơ đe dọa thường xuyên đối với dân nghèo thành thị. Những cuộc di dời bắt buộc quy mô lớn, có khi chỉ là cho các dự án chỉnh trang đô thị hoặc tái phát triển, đã đẩy hàng triệu người vào cảnh không có chỗ ở hàng năm. Tổng Thư ký IFRC Bê-ke-lê Giê-le-ta (Bekele Geleta) cho biết, cần phải lấp đầy những "lỗ hổng" lớn về kết cấu hạ tầng và dịch vụ giảm rủi ro thảm họa cho phần lớn người dân ở Mỹ La-tinh, châu Phi và châu Á để tránh bị ảnh hưởng nặng nề hơn do biến đổi khí hậu trong những năm tới. Theo ông, quản lý đô thị tốt là yếu tố cơ bản đảm bảo người dân được quyền tham gia phát triển môi trường đô thị, không bị gạt ra ngoài lề xã hội và không bị bỏ rơi trong thảm họa, biến đổi khí hậu, bạo lực và bệnh tật.

8. Hội nghị kiểm điểm thực hiện các MDG

Từ ngày 20 đến ngày 22-9-2010, tại thành phố Niu Oóc, (Mỹ), Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc kiểm điểm việc thực hiện các MDG diễn ra với phiên họp toàn thể cùng sáu phiên thảo luận bàn tròn với các chủ đề “Giải quyết thách thức của đói nghèo và bình đẳng giới,” “Hoàn thành các mục tiêu về y tế và giáo dục,” “Thúc đẩy phát triển bền vững,” “Giải quyết các vấn đề mới nổi và phương thức tiếp cận mới,” “Đáp ứng nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất,” “Mở rộng và tăng cường các mối quan hệ đối tác.” Trong ba ngày hội nghị, các nhà lãnh đạo đã đề cập nhiều biện pháp nhằm đạt được MDG đúng thời hạn chót vào năm 2015, trong đó có việc xóa đói giảm nghèo, cải thiện tỷ lệ trẻ em đến trường, tăng cường sức khỏe bà mẹ và trẻ em, tăng tỷ lệ tiếp cận nước sạch và các điều kiện vệ sinh, ngăn chặn lây truyền HIV từ mẹ sang con, mở rộng tiếp cận các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh HIV/AIDS, kiểm soát bệnh sốt rét, lao và các bệnh nhiệt đới khác. Hội nghị bế mạc với việc thông qua văn kiện đề cập mọi vấn đề của thế giới dựa trên tám mục tiêu MDG, trong đó, đặc biệt tập trung vào các hành động, chính sách và chiến lược nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển hiện đang bị tụt lại phía sau cũng như hỗ trợ việc thực hiện các mục tiêu đang bị chệch hướng, từ đó từng bước cải thiện cuộc sống của những người nghèo khổ cùng cực.

9. Nga và NATO cải thiện quan hệ

Ngày 22-9-2010, sau cuộc họp Hội đồng Nga - NATO cấp ngoại trưởng bên lề khóa họp 65 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại Niu Oóc (Mỹ), Tổng Thư ký NATO An-đớt Phốc Ra-xmút-xen (Anders Fogh Rasmussen) tuyên bố, NATO đang trên con đường vững chắc cải thiện quan hệ với Nga. Ông Ra-xmút-xen cho biết NATO và Nga hy vọng tăng cường hợp tác quân sự, nỗ lực đạt được tiến bộ cả trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa lẫn kiểm soát vũ khí thông thường trước thời điểm liên minh quân sự này tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào tháng 11 tới. Tổng Thư ký NATO thừa nhận những bất đồng cơ bản vẫn gây chia rẽ Mát-xcơ-va và các nước phương Tây, song khẳng định ông được khích lệ bởi những cuộc thảo luận cho đến thời điểm này. Ông Ra-xmút-xen nói: "Các cuộc thảo luận đã diễn ra theo đúng tinh thần, giải quyết đúng vấn đề và làm rõ thực tế rằng chúng ta hiện nay đang thực sự đi trên con đường vững chắc nhằm cải thiện quan hệ NATO-Nga". Về phần mình, đại diện thường trực của Nga tại Hội đồng Nga - NATO Đmi-tơ-ri Rô-gô-din (Dmitry Rogozin) nhấn mạnh các vấn đề chính sách quân sự, vấn đề an ninh châu Âu và an ninh quốc tế được thảo luận tại cuộc họp. Theo ông, cuộc họp diễn ra "tuy không dễ dàng, nhưng bổ ích". Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa thống nhất về vấn đề an ninh châu Âu. Về mối quan hệ Nga – NATO, Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn cũng đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ các kế hoạch của NATO xây dựng hợp tác với Nga trong vấn đề phòng thủ tên lửa, cho rằng liên minh này cần tán thành một kế hoạch vào trước tháng 11 nhằm nối lại các cuộc diễn tập phòng thủ tên lửa và thử nghiệm những phương thức liên kết các hệ thống cảnh báo sớm. Theo bà Hi-la-ri Clin-tơn, NATO và Nga có quan hệ đối tác quan trọng cần tăng cường và làm sâu sắc thêm để thúc đẩy lợi ích chung và giải quyết các thách thức chung.

10. Diễn đàn quốc tế về Bắc Cực

Ngày 22 và 23-9-2010, tại Mát-xcơ-va (Liên bang Nga) đã diễn ra Diễn đàn quốc tế về Bắc Cực với chủ đề “Bắc Cực - khu vực để đối thoại” do hãng thông tấn Nga “RIA Novosti” và Hội Địa lý Nga phối hợp tổ chức. Tham dự Diễn đàn có gần 300 khách mời, trong đó có các chuyên gia nghiên cứu về Bắc Cực; khách mời đến từ các quốc gia có liên quan trực tiếp tới Bắc Cực gồm I-xlan-đi-a, Ca-na-đa, Phần Lan, Na-uy, Mỹ, Thuỵ Điển, Đan Mạch; cùng đại diện nhiều tổ chức phi chính phủ các doanh nghiệp, các chính khách và luật sư. Các nội dung chính của Diễn đànxoay quanhcác vấn đề Bắc Cực liên quan tới lợi ích của toàn nhân loại và lợi ích của các quốc gia có chủ quyền tại đây. Một trong những vấn đề quan trọng được thảo luận là việc xúc tiến quá trình xác định ranh giới thềm lục địa ở Bắc Cực. Theo tính toán của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga, khoảng hơn 800 triệu người trên khắp thế giới sẽ rơi vào khu vực được coi là thảm họa do sự tan băng ở Bắc Cực liên quan tới tầng ô-dôn bị tàn phá, gây ra. Nhiều khu vực nông nghiệp sẽ bị nước biển dâng nhấn chìm trong nước. Việc khai thác tài nguyên ở Bắc Cực đang tàn phá môi trường sinh thái nơi đây. Do cuộc tranh chấp chủ quyền ở Bắc Cực ngày càng gay gắt, đã tới lúc các quốc gia có liên quan cũng như cộng đồng quốc tế cần tiến hành đối thoại thẳng thắn và nghiêm túc về Bắc Cực.

11. Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Trung Quốc bàn thảo nhằm giải quyết bất đồng về giá trị đồng nhân dân tệ

Ngày 23-9-2010, Tổng thống B.Ô-ba-ma đã có cuộc gặp song phương kéo dài hai giờ đồng hồ vớiThủ tướng Ôn Gia Bảo. Đây là cuộc gặp được dư luận hết sức quan tâm bởi nó diễn ra trong bối cảnh các nghị sĩ Mỹ dường như đang tiến gần hơn bao giờ hết tới việc thông qua một dự luật có khả năng sẽ trừng phạt việc Trung Quốc duy trì giá trị của đồng nhân dân tệ (NDT) ở mức "thấp giả tạo". Tại cuộc gặp, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã thúc giục Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nhanh chóng tiến hành các bước đi nhằm giải quyết bất đồng về giá trị đồng nhân dân tệ (NDT). Tổng thống B.Ô-ba-ma nhấn mạnh tỷ giá đồng NDT là "vấn đề quan trọng nhất" trong cuộc gặp này. Ngày 22-9-2010, phát biểu trước báo giới tại Niu Oóc (Mỹ) bên lề hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã kêu gọi cải thiện mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, đồng thời khẳng định các lợi ích kinh tế giữa hai nước "gắn kết chặt chẽ với nhau". Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho rằng, vấn đề tỷ giá đồng NDT không làm mất cân bằng quan hệ thương mại giữa hai nước và không phải là "thủ phạm" gây ra tình trạng thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ. Theo Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, "cơ cấu đầu tư và thương mại Trung - Mỹ" là nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho rằng, Trung Quốc và Mỹ - hai nền kinh tế hàng đầu thế giới - "cần tích cực hợp tác kinh tế và thương mại với quy mô lớn", đồng thời nhấn mạnh sự tin tưởng lẫn nhau là điều kiện tiên quyết để thực hiện điều đó. Theo ông, mối quan hệ kinh tế và thương mại Trung - Mỹ tốt đẹp và ổn định phù hợp với những lợi ích cơ bản của hai nước.

12. ADB, FAO và IFAD phối hợp hỗ trợ châu Á - Thái Bình dương thoát khỏi đói nghèo

Ngày 24-9-2010, tại Niu Oóc (Mỹ), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) và Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) đã ký Khuôn khổ đối tác an ninh lương thực khu vực châu Á - Thái Bình dương nhằm phối hợp các nguồn lực hỗ trợ các nước khu vực châu Á - Thái Bình dương giải quyết nạn đói và tăng cường an ninh lương thực. Các đại diện của Liên hợp quốc nhấn mạnh, mặc dù châu Á - Thái Bình dương đạt được những thành tựu ấn tượng trong tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ nhưng khu vực này vẫn tụt hậu so với các khu vực khác về an ninh lương thực và nạn đói. Số người bị đói trong khu vực lên tới 578 triệu người, chiếm 2/3 tổng số người bị đói trên toàn cầu. Tuy nhiên, ADB, FAO và IFAD đều cảnh báo ở châu Á - Thái Bình dương số người bị đói vẫn đang tăng lên và hàng tỉ người vẫn có nguy cơ rơi vào tình trạng thiếu lương thực. Khuôn khổ đối tác an ninh lương thực sẽ thúc đẩy 4 trụ cột khuyến khích các nỗ lực tập thể bao gồm hài hoà đầu tư khu vực và xuyên biên giới; thúc đẩy hợp tác mạnh hơn trong nghiên cứu nông nghiệp; hỗ trợ tăng cường buôn bán lương thực trong và liên khu vực, chia sẻ các bài học và các thực tiễn tốt về chính sách và thể chế để cải thiện an ninh lương thực tới các hộ gia đình.

13. Ngày Ngôn ngữ châu Âu

Ngày 24-9-2010, tại Brúc-xen (Bỉ), đã diễn ra hội nghị “Ngôn ngữ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ". Tới dự hội nghị có khoảng 150 doanh nghiệp, các tổ chức kinh doanh, cùng đại diện của các quốc gia và chính quyền địa phương tại châu Âu. Phát biểu tại Hội nghị, Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách Giáo dục, Văn hoá, Đa ngôn ngữ và Thanh niên, bà An-đru-la Va-xi-lu (Androula Vassiliou) nhấn mạnh, người châu Âu ngày càng nhận thức rõ sự khác biệt mà kỹ năng sử dụng ngoại ngữ có thể tạo ra đối với cuộc sống của họ. Theo bà, có kỹ năng sử dụng ngoại ngữ cũng giống như có một tài sản thiết thực cho sự phát triển cá nhân của mỗi con người. Biết ngoại ngữ có thể đem lại nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho công ty, tạo cho công ty lợi thế cạnh tranh và mở cửa được nhiều thị trường xuất khẩu. Các số liệu thống kê cho thấy 11% số doanh nghiệp vừa và nhỏ không ký kết được hợp đồng làm ăn với các đối tác do thiếu kỹ năng sử dụng ngoại ngữ. Cái giá cho điều này là sự tổn thất hàng triệu ơ-rô và thị trường việc làm bị đe dọa. Với 23 ngôn ngữ chính thức và hơn 40 thổ ngữ cũng như ngôn ngữ của người thiểu số, Liên minh châu Âu là cộng đồng đa ngôn ngữ duy nhất gồm nhiều quốc gia và dân tộc. Ngày Ngôn ngữ châu Âu được phát động lần đầu tiên vào năm 2001 để kỷ niệm sự đa dạng ngôn ngữ của EU và để nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại ngữ trong cuộc sống.

14. Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN-Hoa Kỳ lần thứ hai

Chiều 24-9-2010 theo giờ địa phương (sáng 25-9 theo giờ Hà Nội), tại thành phố Niu Oóc, Hoa Kỳ, đã diễn ra Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN-Hoa Kỳ lần thứ hai. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã tập trung kiểm điểm những tiến triển tích cực trong quan hệ đối thoại ASEAN-Hoa Kỳ, nhất là kể từ Hội nghị lần thứ nhất diễn ra vào tháng 11-2009 tại Xin-ga-po; đề ra phương hướng và biện pháp đẩy mạnh quan hệ đối tác tăng cường trong thời gian tới. Các nhà lãnh đạo nhất trí thông qua việc lập Nhóm các nhân vật nổi tiếng ASEAN - Hoa Kỳ để nghiên cứu và đề xuất biện pháp tăng cường hợp tác hai bên trong thời gian tới. Các nhà lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ nhất trí hai bên cần tăng cường hợp tác hơn nữa trên các lĩnh vực cùng quan tâm. Hai bên sẽ tiếp tục triển khai kịp thời và hiệu quả các thỏa thuận hợp tác hiện có, nhất là Kế hoạch hành động triển khai Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ đối tác tăng cường ASEAN - Hoa Kỳ trong giai đoạn hiện nay và tiếp theo (2011-2015). Phát biểu tại hội nghị trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thông báo những kết quả đạt được trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, cũng như quan hệ đối ngoại của ASEAN, trong đó có quan hệ với Hoa Kỳ. Kết thúc, Hội nghị đã ra Tuyên bố chung, trong đó đề ra nhiều biện pháp nhằm tăng cường hợp tác nhiều mặt ASEAN-Hoa Kỳ và nhất trí phấn đấu đưa quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ phát triển lên tầm cao mới.

*** Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần từ ngày 13-9 đến ngày 19-9-2010