TCCSĐT - Sáng nay 27-9, tại thành phố Đà Lạt, Ðảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã khai mạc Ðại hội đại biểu Ðảng bộ lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015. Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo.

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ vừa qua, do đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trình bày, nêu rõ: Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Ðảng bộ lần thứ VIII, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện được mục tiêu đưa Lâm Đồng thoát khỏi tình trạng chậm phát triển. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 14%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; năm 2010, tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 49%, công nghiệp và xây dựng chiếm 20%, dịch vụ chiếm 31%.
 
Trong 5 năm 2006-2010, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 32.328 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1.200 triệu USD; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 11.285 tỉ đồng. Quy mô và chất lượng nền kinh tế được nâng lên đáng kể, một số ngành và lĩnh vực phát triển vượt bậc; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng đầu tư.
 
Lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm, hộ nghèo giảm nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên (năm 2010, GDP bình quân đầu người đạt 19 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%, trong đó vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn dưới 15%).
 
Các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống... có những bước phát triển quan trọng. An ninh chính trị, trật tự xã hội tiếp tục ổn định. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng đã được nâng lên rõ rệt. Công tác phát triển đảng viên, xoá thôn, buôn "trắng" tổ chức đảng, đảng viên được quan tâm; trong nhiệm kỳ, bình quân hằng năm kết nạp được 1.718 đảng viên. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân được khẳng định. Đoàn kết trong Đảng và đồng thuận trong xã hội ngày càng được tăng cường, củng cố.
 
Báo cáo cũng nêu rõ những hạn chế, yếu kém cần phải tiếp tục khắc phục, như: Khả năng hội nhập, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa của tỉnh còn thấp; chất lượng, hiệu quả, tính bền vững của nền kinh tế còn hạn chế; công nghiệp, dịch vụ chậm phát triển; kết cấu hạ tầng yếu và thiếu đồng bộ.
 
Nhiều vấn đề xã hội bức xúc như lao động, việc làm, ô nhiễm môi trường... chưa được giải quyết kịp thời; đời sống của một bộ phận nhân dân, đặc biệt là nông dân, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. An ninh chính trị còn tiềm ẩn yếu tố mất ổn định. Chất lượng lãnh đạo, hoạt động của hệ thống chính trị ở một số địa phương chưa đồng bộ; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở một số nơi còn hạn chế.

Báo cáo chính trị đã đề ra phương hướng, mục tiêu tổng quát trong 5 năm 2011- 2015 là: Giữ vững đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ, trong hệ thống chính trị, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ; đề cao tinh thần trách nhiệm, ý thức chấp hành kỷ cương của đội ngũ cán bộ, đảng viên; phát huy mọi nguồn lực, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng; đảm bảo quốc phòng, an ninh; đưa Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Phạm Quang Nghị đề nghị Đảng bộ trong nhiệm kỳ tới cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ cụ thể sau:

Thứ nhất, tiếp tục giữ vững và phát huy sự đoàn kết, nhất trí; phát huy hơn nữa truyền thống cách mạng, quyết không bỏ lỡ thời cơ vượt qua khó khăn, thách thức, đưa Lâm Đồng phát triển đi lên với tinh thần và khí thế mới.

Thứ hai, trong định hướng phát triển kinh tế của tỉnh, cần tính đến khả năng có thể đạt được tốc độ cao hơn nữa. Cần tập trung suy nghĩ để xác định những khâu, những lĩnh vực cần có bước đột phá mạnh mẽ để làm chuyển biến tình hình, làm cho tỉnh phát triển nhanh và hiệu quả hơn trong nhiệm kỳ tới, góp phần quan trọng thúc đẩy Tây Nguyên sớm trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước.
 
Chú trọng phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp. Cần coi đây là một trong những mũi nhọn đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao chất lượng và hiệu quả, nhất là việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch, các loại cây, con có thế mạnh của địa phương. Phát triển công nghiệp của tỉnh phải gắn với định hướng phát triển của vùng Tây Nguyên và khu vực Đông Nam bộ; cần ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản.

Thứ ba, coi trọng hơn nữa công tác xây dựng, quản lý và thực hiện quy họach phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, vùng, cả quy họach tổng thể và quy họach chi tiết, trong đó quan trọng nhất là quy họach sử dụng đất. Quy họach đô thị cần đặc biệt chú ý đến thành phố Đà Lạt, vì Đà Lạt là thành phố có môi trường khí hậu, thiên nhiên hết sức quý báu, nổi tiếng trong và ngoài nước. Cần quan tâm bảo vệ môi trường, trong đó đặc biệt chú ý vấn đề xử lý chất thải trong quá trình khai thác và chế biến bô-xít, tuyệt đối không để xảy ra ô nhiễm sông suối, nhất là lưu vực sông Đồng Nai.

Thứ tư, quan tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nhằm huy động tối đa các nguồn lực trong dân, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời rà soát, xử lý các dự án không đúng mục đích và tiến độ. Tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, xem đây là một mũi đột phá quan trọng. Đẩy mạnh quan hệ hợp tác, liên kết chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ để cùng phát triển.

Thứ năm, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; coi trọng đào tạo tại chỗ; chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cần xác định văn hóa cũng là một tài nguyên, lợi thế, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quan tâm làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng.

Thứ sáu, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 10-NQ/TW (khóa X) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an tòan xã hội.

Thứ bảy, đi đôi với việc tiếp tục củng cố các tổ chức đảng thật sự trong sạch vững mạnh, cần đặc biệt coi trọng củng cố, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong hệ thống chính trị. Làm tốt công tác quy họach, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, trong đó quan tâm, chú ý cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số và xây dựng đội ngũ cán bộ kế thừa. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Đại hội tiếp tục làm việc đến ngày 29-9./.