TCCSĐT - Từ ngày 01 đến 03-7, tại Hà Nội, đã diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội Nông dân Việt Nam.

1. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội Nông dân Việt Nam

Đại hội lần này đã xác định phương hướng nhiệm kỳ 2013 - 2018: Tiếp tục phát huy tinh thần “Đoàn kết - Đổi mới - Chủ động - Hội nhập - Phát triển bền vững”, khẳng định vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Đại hội đã thảo luận và thông qua các văn kiện: Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa V nhiệm kỳ 2008 - 2013 với tiêu đề “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động, xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh, phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”; Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam (sửa đổi, bổ sung); Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa V và thông qua Nghị quyết Đại hội.

Đại hội đã quyết định số lượng thành viên Ban Chấp hành Hội Nông dân Việt Nam khóa VI (nhiệm kỳ 2013 - 2018) gồm 125 ủy viên; tại Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VI gồm 122 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam khóa V tái đắc cử Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam khóa VI.

2. Báo cáo phát triển con người của Việt Nam năm 2013

Ngày 03-7, tại Hà Nội, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã công bố Báo cáo phát triển con người năm 2013. Trong hơn 40 nước đang phát triển, Việt Nam được đánh giá là nước đạt những tiến bộ hơn cả về phát triển con người trong những thập niên gần đây.

Theo báo cáo toàn cầu của UNDP, chỉ số phát triển con người của Việt Nam đã tăng 41% trong hai thập niên qua. Năm 2012, Việt Nam đứng thứ 127 trong tổng số 187 quốc gia, nằm trong nhóm xếp hạng trung bình về phát triển con người. Nhận định của Liên hợp quốc chỉ ra rằng: Tăng trưởng kinh tế không tự chuyển thành tiến bộ về phát triển con người, các chính sách hỗ trợ người nghèo và sự đầu tư thích đáng tập trung vào các lĩnh vực như giáo dục, dinh dưỡng, y tế và các kỹ năng lao động có thể giúp tăng khả năng tiếp cận việc làm và tạo cơ sở cho phát triển bền vững.

Báo cáo phát triển con người năm 2013 đã tiến hành phân tích, đánh giá 40 quốc gia đang phát triển với các thành tựu nổi bật về phát triển con người trong những năm gần đây. Những kết quả phát triển con người của Việt Nam có được là nhờ các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ nhằm cải cách hệ thống giáo dục và y tế công cộng, các chương trình xóa đói, giảm nghèo mang tính đột phá.

3. Hội nghị lần thứ 11 Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Ngày 04-7, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị lần thứ 11.

Trên cơ sở tình hình công tác Mặt trận 6 tháng đầu năm, Hội nghị đi sâu đánh giá những kết quả đã làm được và những tồn tại, hạn chế để xác định trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm nhằm thực hiện tốt Chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2013 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đoàn Chủ tịch cho ý kiến một số nội dung về công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Mặt trận Tổ quốc các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII. Đồng thời, cho ý kiến về việc thay đổi nhân sự Ủy viên Ủy ban, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số nội dung quan trọng khác, trong đó có việc triển khai dự án Dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sửa đổi,...

Thảo luận tại Hội nghị, các ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cho ý kiến về những nội dung mà Ban Thường trực trình để tiếp tục chuẩn bị và triển khai thực hiện trong thời gian tới. Nhấn mạnh việc nêu cao hơn nữa vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị và sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhiều ý kiến đề nghị cần thực sự chú trọng hơn nữa đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận.

Các ý kiến cũng hoan nghênh việc Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã nghiêm túc tiếp thu nhiều kiến nghị liên quan đến Điều 9 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong đó, có những nội dung quan trọng như: Quy định về chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; quy định về chức năng thực hiện đối ngoại nhân dân; vai trò trong giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận,…

4. Hà Nội công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 18 chức danh

Ngày 04-7, tại Kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 18 chức danh do Hội đồng nhân dân thành phố bầu.

Đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, nhấn mạnh: Đây là lần đầu tiên Hội đồng nhân dân thành phố tiến hành lấy phiếu tín nhiệm nên không tránh khỏi những khó khăn, bất cập và khiếm khuyết. Thành phố sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm, vừa làm vừa điều chỉnh để hoàn thiện trong những năm tiếp theo.

Qua thảo luận, nhìn chung cán bộ được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm có đạo đức phẩm chất tốt, hoàn thành nhiệm vụ, năng lực chuyên môn bảo đảm; không có đại biểu nào có câu hỏi muốn làm rõ về lý lịch hoặc những thắc mắc về cá nhân người được lấy phiếu tín nhiệm; không có ý kiến của cử tri đề nghị người được lấy phiếu giải trình thông qua Mặt trận Tổ quốc.

Một số kết quả lấy phiếu tín nhiệm đáng chú ý như sau: Trong số 93 phiếu hợp lệ, đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố đạt 91,58% số phiếu tín nhiệm cao, 1,05% số phiếu tín nhiệm thấp. Người có số phiếu tín nhiệm thấp chiếm tỷ lệ cao nhất trong số 18 chức danh là Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Đình Đức, với tỷ lệ 24,21%.

5. Công bố luật, nghị định, pháp lệnh được thông qua

Ngày 5-7, Văn phòng Chủ tịch nước công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố các luật: Luật Phòng, chống khủng bố; Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp; Luật Hòa giải ở cơ sở và Nghị quyết kéo dài thời hạn sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối.

Đây là các luật và nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII. Các luật, nghị định, pháp lệnh được thông qua đều có những điểm mới phù hợp với tình hình của nước ta như:

Luật Khoa học và Công nghệ có nhiều nội dung mới, quy định rõ hơn về nhiệm vụ, nguyên tắc của hoạt động khoa học, công nghệ; chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ,... phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI. Một trong những điểm mới của Luật là quy định ưu đãi trong việc sử dụng nhân lực, nhân tài khoa học, công nghệ; thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài,... Luật có hiệu lực thi hành từ 01-01-2014.

Để thực hiện Chiến lược cải cách thuế đến năm 2020, giảm dần mức động viên, khoản 6, Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định từ 01-01-2014, áp dụng mức thuế suất phổ thông là 22%, doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất phổ thông 20% kể từ 01-7-2013. Từ ngày 01-01-2016, mức thuế suất phổ thông là 20% và mức thuế suất ưu đãi 20% được giảm xuống còn 17% (khoản 7 Điều 1).

Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp nhằm thực hiện mục tiêu tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì hoạt động, đặc biệt là các doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, kinh doanh ổn định, có lực lượng lao động gắn bó lâu dài, đóng góp cho xã hội và ngân sách nhà nước; tạo cơ sở pháp lý để khuyến khích các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa đăng ký lại thực hiện dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng tại Việt Nam. Luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01-8-2013.

6. Kết thúc đợt 1 kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013

Ngày 05-7, Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013: sau khi kết thúc đợt 1 kỳ thi, tỷ lệ thí sinh đến dự thi đạt 77,09%, cao hơn khoảng 1% so với năm 2012.

Đợt 1 kỳ thi tuyển sinh đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, công bằng. Hội đồng tuyển sinh các trường thực hiện nghiêm túc quy định của Quy chế thi tuyển sinh; không khí trường thi trật tự, an toàn. Các vi phạm Quy chế tuyển sinh được phát hiện, xử lý nghiêm túc, kịp thời.

Về đề thi, theo đánh giá chung ban đầu, đề thi các môn thi đại học đợt I khối A, A1 và V vừa sức, nội dung chủ yếu nằm trong chương trình THPT lớp 12, đặc biệt đề thi có tính phân loại cao, đáp ứng yêu cầu của kỳ thi tuyển chọn và có một số câu hỏi mang tính ứng dụng, gắn với thực tiễn. Đề thi được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu, không có sai sót.

Cả 3 buổi thi của đợt I, toàn quốc có 134 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật (Khiển trách: 19; Cảnh cáo: 4; Đình chỉ: 111). Trong số 111 thí sinh bị đình chỉ thi, có 1 trường hợp thi hộ, còn lại chủ yếu mang điện thoại di động vào phòng thi; có 7 cán bộ tham gia công tác tuyển sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật (Khiển trách: 5; Đình chỉ: 2).

7. Hội nghị Mạng nghiên cứu và đào tạo Việt Nam (VinaREN) lần thứ 6

Ngày 05-7, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị Mạng nghiên cứu và đào tạo Việt Nam (VinaREN) lần thứ 6. Đây là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học tổng kết các hoạt động của VinaREN trong những năm qua và đề ra phương hướng hoạt động trong những năm tới với trọng tâm là thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động ứng dụng của VinaREN tại các tổ chức nghiên cứu và đào tạo, trong hoạt động của các nhà nghiên cứu.

Tại Hội thảo, các đại biểu đến từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh,… đã khẳng định vai trò, hiệu quả của VinaREN trong hoạt động dự báo khí tượng thủy văn, hoạt động y học từ xa, phát triển tính toán hiệu năng cao và phục vụ nghiên cứu, đào tạo,…

VinaREN là kết quả triển khai thực hiện dự án Mạng Thông tin Á - Âu giai đoạn 2 tại Việt Nam (TEIN2 VN). VinaREN hiện có 6 trung tâm vận hành mạng, kết nối hơn 60 mạng thành viên, bao gồm hàng trăm viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức hoạt động khoa học, trung tâm thông tin tư liệu, bệnh viện lớn tại 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước. VinaREN tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng nghiên cứu và đào tạo Việt Nam kết nối mạng tốc độ và hiệu năng cao với hơn 50 triệu đồng nghiệp tại hơn 8.000 trung tâm nghiên cứu và đào tạo trên thế giới nhằm chia sẻ thông tin khoa học và công nghệ, thúc đẩy các hoạt động hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo (thông qua công tác đào tạo qua mạng, y học từ xa, tính toán lưới, điện toán đám mây, dự báo thời tiết và ứng phó với biến đổi khí hậu,…)./.