TCCSĐT - Ngày 29-6-2012, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức Kỳ họp thứ 4 bàn về dự thảo “Kế hoạch tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2011 – 2015” và cho ý kiến về dự thảo “Quy chế làm việc của các Tiểu ban của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2011 - 2015”; thảo luận bước đầu dự thảo “Báo cáo đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Kỳ họp, đồng chí Đinh Thế Huynh chỉ rõ: Hoạt động của Hội đồng Lý luận Trung ương các nhiệm kỳ qua đã thu được những kết quả nhất định, nhưng còn có những hạn chế, yếu kém. Vấn đề đặt ra phải tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Hội đồng, Cơ quan Hội đồng, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả tư vấn các vấn đề lý luận chính trị theo chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Lý luận Trung ương được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao. Kỳ họp lần thứ 4 tập trung thảo luận những nội dung chủ yếu của việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Lý luận Trung ương. Đồng chí nhấn mạnh: trong nhiệm kỳ này, cần phải nâng cao chất lượng hoạt động của các Tiểu ban. Đây cũng là một trong những nội dung đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng.

Đề cập về vấn đề đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Đây là vấn đề rất lớn, cấp thiết và cũng rất khó. Việc sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế nhà nước mà nòng cốt là doanh nghiệp nhà nước đã được triển khai thực hiện trong hơn 20 năm qua và được đẩy mạnh một bước quan trọng kể từ khi Đảng ta có Nghị quyết Trung ương 3, khóa IX và đã đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay, số lượng các doanh nghiệp nhà nước đã giảm mạnh. Các doanh nghiệp nhà nước tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng mà Nhà nước cần nắm giữ. Phần lớn các doanh nghiệp nhà nước hoạt động có lãi, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và chủ động nguồn thu ngân sách nhà nước. Số doanh nghiệp thua lỗ giảm. Trong bối cảnh lạm phát và suy giảm kinh tế những năm gần đây, kinh tế nhà nước mà nòng cốt là các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô. Về cơ bản, vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước được bảo toàn và phát triển.

Đồng chí cũng chỉ rõ: tuy đạt được những kết quả nêu trên nhưng doanh nghiệp nhà nước còn tồn tại không ít hạn chế, yếu kém. Còn nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong những lĩnh vực sản xuất kinh doanh mà các thành phần kinh tế khác có thể đảm đương, đạt hiệu quả cao hơn. Hiệu quả kinh doanh và sức cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp nhà nước thấp, chưa tương xứng với nguồn lực được giao; trình độ công nghệ của nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn ở mức thấp. Thực trạng hoạt động, quản lý tài chính ở không ít tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế, yếu kém, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro mất cân đối tài chính, thua lỗ kéo dài…

Nhằm hình thành bước đầu hệ thống luận cứ khoa học để xây dựng Báo cáo tổng hợp, tư vấn cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chuẩn bị Đề án “Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” trình Hội nghị Trung ương 6, khóa XI, đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề: Làm rõ vai trò, vị trí chủ đạo của kinh tế nhà nước mà nòng cốt là doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Làm rõ quan điểm, nội hàm về đánh giá doanh nghiệp nhà nước trên các mặt cả về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Từ đó góp phần đánh giá đúng và tạo ra đồng thuận xã hội về vai trò, vị trí của kinh tế nhà nước mà nòng cốt là doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế quốc dân; Kiến nghị những giải pháp, nhất là giải pháp về cơ chế, chính sách để doanh nghiệp nhà nước nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, thực sự là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, góp phần xứng đáng để kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Giới thiệu khái quát những nội dung chủ yếu trong Kế hoạch tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng và dự thảo Quy chế làm việc của các Tiểu ban, đồng chí Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết: Hội đồng sẽ tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ về hình thức và nội dung phương thức hoạt động; quán triệt sâu sắc ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về nội dung, kế hoạch với các thành viên Hội đồng, cán bộ, nhân viên Cơ quan Hội đồng nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, thống nhất nhận thức về hành động; điều chỉnh công việc về phương thức hoạt động của Hội đồng, Cơ quan Hội đồng; củng cố tăng cường hoạt động, phát huy vai trò của các Tiểu ban trong các hoạt động chuyên môn, chuẩn bị kỹ nội dung trước, trong và sau các kỳ họp Hội đồng, xây dựng các chuyên đề, báo cáo chuyên sâu, thẩm định về các dự án; đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng tư vấn của Hội đồng, chuyển phương thức tư vấn chủ yếu thông qua hội thảo khoa học tại các Kỳ họp Hội đồng sang phương thức tư vấn thông qua nhiều hoạt động chuyên môn của các Tiểu ban, của Thường trực Hội đồng trước và sau kỳ họp; nâng cao chất lượng các chuyên đề, các báo cáo tư vấn, thẩm định các đề tài, dự án... Phát huy trí tuệ tập thể và trách nhiệm của Ban Thư ký, Thường trực Hội đồng từ khâu thống nhất đề cương đến khâu thẩm định cuối cùng trước khi ký gửi; tăng cường các hoạt động chuyên môn, dành thời gian hợp lý cho các hoạt động thông tin, tọa đàm, trao đổi, đối thoại... khoa học phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng, nhất là đối với các tiểu ban, Ban Thư ký và Thường trực Hội đồng chuyên trách; củng cố tăng cường, tổ chức, cán bộ của Cơ quan Hội đồng. Xây dựng Đề án tổ chức, cán bộ của Cơ quan Hội đồng. Bổ sung nhân lực cho Ban Thư Ký, Văn phòng đủ để đáp ứng yêu cầu cao, về chất lượng và khối lượng công việc.