Lời Bộ Biên tập: Để góp phần quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI của Đảng, ngày 28-6-2012, tại thành phố Bắc Ninh, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức Hội thảo khoa học: “Thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị”. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc Báo cáo Đề dẫn của PGS, TS Vũ  Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Tổng thuật Hội thảo và một số bài tham luận tại Hội thảo.



BÁO CÁO ĐỀ DẪN

 

Ngày 16-1-2012, Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, ra một quyết sách chính trị quan trọng, mang tầm vĩ mô, có ảnh hưởng quan trọng đến đời sống chính trị đất nước, có ý nghĩa quyết định đối với sinh mệnh của Đảng, của chế độ ta. Đó là Nghị quyết số 12-NQ/TW, “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Hôm nay, chúng ta rất vinh dự về đây, xứ Kinh Bắc thiêng liêng và địa linh nhân kiệt, nơi sinh hạ vị Vua Lý Công Uẩn vĩ đại - người khởi nguồn Vương triều Lý lẫm liệt trong lịch sử nước nhà;  mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ mà Đảng ta, dân tộc ta đang chuẩn bị tiến tới kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí (09-7-1912 - 09-7-2012); để cùng nhau bàn bạc, tìm giải pháp hữu hiệu, đặng góp phần thực hiện tốt quyết sách chính trị ấy của Đảng ta.

Trong lịch sử nhân loại, tự cổ chí kim, ở bất cứ một thời đại nào, quốc gia, dân tộc nào, vấn đề người đứng đầu quốc gia, dân tộc, đứng đầu các vùng lãnh thổ, các lĩnh vực then chốt,... luôn được coi là một đại sự, một trọng sự. Bởi, đây là một trong những vấn đề có tính quyết định và liên quan mệnh hệ tới sự hưng suy, cường nhược, tồn vong của quốc gia, dân tộc. Chẳng hạn, ngay từ thời Hy Lạp cổ đại, ở thời kỳ thành bang (vào thế kỷ thứ V trước công nguyên), cách đây khoảng hơn 2.600 năm, người ta đã chế ước những điều kiện ngặt nghèo và cũng rất minh bạch về người đứng đầu thành A-ten lúc bấy giờ: Phạm một trong hai tội tham nhũng và quan hệ bất chính, sẽ bị cách chức và bị đuổi khỏi thành, cấm mười năm không được về thành và tham gia chính sự. Nhờ đó, họ đã chọn được người đứng đầu thành, đứng đầu các địa phương ngày càng tốt hơn, và Hy Lạp trở thành một quốc gia hưng thịnh, nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử cổ đại loài người.

Đối với nước ta cũng vậy. Ở bất cứ thời nào, ông cha ta cũng đau đáu xem việc đó là một trong những vấn đề sinh tử, mất còn của quốc gia, dân tộc chúng ta. Và, đây là một trong những công việc trọng đại nhất nhưng cũng khó khăn nhất. Hơn 900 năm trước, cổ nhân ta đã từng nói: việc lớn trong chính trị chẳng gì gấp bằng nhân tài và trọng dụng nhân tài. Tới thế kỷ XVIII, năm 1789, Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ đã xuống “Chiếu cầu hiền”. Trước và ngay sau khi chúng ta giành được chính quyền về tay nhân dân, để xây dựng Nhà nước Việt Nam non trẻ, giữa điệp trùng thách thức mất còn, chỉ trong hai năm 1945 - 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết hai bài nổi tiếng, có thể xem đây là những “Chiếu cầu hiền” của cách mạng Việt Nam: bài “Nhân tài và kiến quốc” (ngày 14-1-1945) và bài “Tìm người tài đức” (ngày 20-11-1946). Như vậy, không chỉ muôn bậc tiền hiền đều bận tâm mà ở mọi thời đại đều xem việc tuyển chọn đúng, trọng dụng tốt hiền tài, do đó việc lựa chọn đúng người đứng đầu quốc gia, đứng đầu bộ máy các cấp, các địa phương, luôn được coi là quốc sách chiến lược, là mưu kế căn bản, để mưu tính công cuộc phát triển phồn thịnh quốc gia - dân tộc Việt Nam. Điều đó trở thành một nét đẹp của nền chính trị, một dấu son về chủ nghĩa nhân văn của nền văn hiến Việt Nam ta.

Sự nghiệp đổi mới đất nước hơn 25 năm qua, kế thừa và phát huy truyền thống ấy, Đảng ta ngày càng chủ động và về cơ bản đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, các lĩnh vực; có nhiều tiến bộ trong việc chọn người, bố trí về mặt chiến lược đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết là những người đứng đầu các cấp từ Trung ương tới cơ sở trong toàn hệ thống chính trị; và điều đó đã góp phần quan trọng để đất nước ta giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đó là điều không ai có thể phủ nhận.

Tuy nhiên, việc giải quyết nhiệm vụ đó trên tầm vĩ mô hiện nay, chưa được như mong muốn, thực tế cho thấy còn không ít bất cập, khiếm khuyết “thực sự cấp bách”, bộc lộ nhiều khâu yếu kém đòi hỏi phải sửa chữa, xuất hiện nhiều “cục nghẽn mạch” đòi hỏi “phải làm ngay”, vì nó đang cùng với nhiều chứng bệnh khác tiềm tàng đe dọa sinh mệnh của Đảng ta, của chế độ ta. Đáng nói là, đội ngũ cán bộ cấp Trung ương, cấp chiến lược rất quan trọng, nhưng chưa được xây dựng một cách căn cơ, cơ bản... dẫn đến sự hẫng hụt, chắp vá, không đồng bộ và thiếu chủ động trong công tác bố trí, phân công cán bộ. Vả nữa, trong một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa được công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước. Điều đáng báo động hơn là, nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do đó, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ dám làm; tạo kẽ hở cho cách làm tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân (1).

Trong khi đó, yêu cầu phát triển mới của đất nước đang cấp bách đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới, xây dựng một thế bố trí chiến lược ngang tầm về đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết là đội ngũ người đứng đầu cấp ủy, bộ máy các cấp, các ngành, các địa phương trong toàn hệ thống chính trị, bảo đảm thống nhất và phù hợp; đồng thời, chủ động hoạch định và hoàn thiện một cơ chế hữu hiệu bảo đảm vừa phát huy vị thế, thẩm quyền, trách nhiệm giữa người đứng đầu? vừa nâng tầm hoạt động của tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan đơn vị từ Trung ương tới cơ sở một cách đồng bộ và hiệu quả trong một chỉnh thể hữu cơ, ngang tầm trọng trách lịch sử mới. Nói khái lược, đó chính là một trong những nội dung căn bản của quyết sách chính trị quan trọng của Đảng ta, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, là phải “xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị”(2), nhằm giải quyết hiệu quả trên tầm vĩ mô, mang ý nghĩa sống còn “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nếu không làm được như thế, rất khó “củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân”, càng khó “xây dựng Đảng ta thật sự là đảng cách mạng chân chính, ngày càng trong sạch, vững mạnh”, vô hình trung khiến cho sự nghiệp đổi mới của chúng ta rất khó có thể tiếp tục tiến lên, nếu không nói là phải đương đầu với chướng ngại, thách thức hiểm nghèo, thậm chí tiềm tàng nguy cơ thất bại, đổ vỡ có thể là nhãn tiền, như Đảng ta từng cảnh báo.

Vì lẽ đó, hôm nay, chúng ta tụ hội về đây, để cùng nhau bàn định và góp phần quyết tâm thực hiện tốt quyết sách chính trị quan trọng này của Đảng. Và, một lần nữa, cho phép tôi được thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo trân trọng cảm ơn sự có mặt của các đồng chí lãnh đạo quản lý các cấp, các nhà khoa học, toàn thể các đồng chí và các bạn hôm nay; cảm ơn các đồng chí vì lý do đặc biệt không thể tới dự, đã gửi tham luận về Hội thảo!

Ban Tổ chức Hội thảo nhận được 59 bản tham luận từ các đồng chí lãnh đạo, quản lý các cấp, từ các nhà khoa học, từ các doanh nghiệp, ở nhiều tỉnh, thành phố.

Nhìn tổng thể, 59 bản tham luận, dưới nhiều góc độ, từ nhiều cách tiếp cận, đã kiến giải vấn đề thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị một cách tương đối đa diện, khá phong phú, giàu tính gợi mở và có đóng góp nhất định, rất đáng ghi nhận về mặt lý luận và tổ chức thực tiễn. Ở chừng mực nào đó, chúng tôi có thể khái lược một cách tương đối, gồm ba nhóm vấn đề chủ yếu

Nhóm vấn đề thứ nhất , từ xuất phát điểm nhằm giải quyết những khía cạnh về phương pháp luận gắn với việc nhận diện và cắt nghĩa hệ khái niệm công cụ làm cơ sở cho việc nghiên cứu lý luận và từng bước tổng kết thực tiễn vấn đề, 11 bản tham luận góp phần làm rõ dưới nhiều góc cạnh, từ nguyên tắc cơ bản, nguyên tắc bao trùm và xuyên suốt - nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta; vấn đề tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách tới các vấn đề về thẩm quyền, trách nhiệm; mối quan hệ giữa thẩm quyền với trách nhiệm; các vấn đề tư chất, uy tín, nhân cách, phong cách và phương pháp làm việc của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; mối quan hệ các tiêu chí cần và đủ trong hệ giá trị của người đứng đầu cần phải có;... Đây là những vấn đề rất căn bản, có ý nghĩa quan trọng không chỉ về mặt phương pháp luận và nhận thức luận mà còn là tiền đề, điều kiện, là công cụ để chúng ta xem xét, phân tích, bước đầu sơ kết thực tiễn phong phú và phức tạp của vấn đề này.

Nhóm vấn đề thứ hai là, công việc có ý nghĩa quan trọng nhất là sự phân tích, đánh giá bước đầu một cách tổng thể, đa diện, nhiều góc cạnh trên phương diện tổ chức thực tiễn việc thực thi thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, xét trong mối quan hệ với tập thể, cơ quan, đơn vị; mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, giữa cá nhân và tập thể, giữa tập thể và tập thể trong mối quan hệ với người đứng đầu,... đã dành được sự tập trung chú ý tổng kết, lý giải của 23 tham luận, đối với các loại hình, các quy mô, các ngành, các doanh nghiệp từ cơ sở tới huyện thị, từ tỉnh, thành phố tới các bộ, ban, ngành ở Trung ương.

Điều rất đáng ghi nhận là, các tham luận, ở góc độ này hay khác, đã phát hiện và chừng mực nhất định đã nỗ lực kiến giải những bất cập, những mâu thuẫn về tiêu chí đánh giá, phương pháp phân loại và xếp loại người đứng đầu, về tập thể, cơ quan, đơn vị; về cơ chế vận hành; về những điều kiện cần và đủ; về chế độ giám sát, kiểm tra một cách thống nhất; về chính sách, chế độ; về đào tạo, bồi dưỡng; về cơ chế phát hiện, tuyển chọn và sử dụng,... liên quan tới và đối với người đứng đầu trong việc thực thi thẩm quyền gắn chặt với trách nhiệm của họ xét trong mối quan hệ tương tác, đa chiều với tập thể, cơ quan, đơn vị; giữa người đứng đầu cấp ủy với người đứng đầu chính quyền, giữa tập thể với tập thể, cơ quan, đơn vị với cơ quan, đơn vị cùng cấp hay cấp trên với cấp dưới,... trong hệ thống chính trị nước ta.

Nhóm vấn đề thứ ba là, có tới 39 tham luận ở các mức độ khác nhau đề cập, trực tiếp có 21 tham luận dành sự tập trung chuyên biệt luận giải, đề xuất và kiến nghị tiếp tục giải quyết vấn đề không chỉ về mặt phương pháp luận, nhận thức luận mà cả những khuyến nghị, kiến nghị một cách cụ thể ở từng khía cạnh, với từng lĩnh vực, nhằm nâng cao khả năng thực thi hiệu quả thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị,... từ sự nghiên cứu lý luận gắn với tổng kết thực tiễn. Điều nổi bật ở đây là, các tham luận phát hiện, góp phần tháo gỡ những lực cản, những chướng ngại, những vướng mắc không chỉ về chủ quan mà cả về khách quan, từ nâng cao nhận thức, tư tưởng tới dỡ bỏ những ách tắc về cơ chế vận hành; từ đổi mới phương pháp thực thi về cơ chế kiểm tra, giám sát tới từng bước hoàn thiện về chế độ, chính sách,...

Có thể nói, trên đây là những kết quả vô cùng quý báu, mà chúng tôi bước đầu khái lược và sơ bộ tổng hợp từ 59 bản tham luận gửi tới Ban Tổ chức Hội thảo. Đó không chỉ chứa đựng bầu nhiệt huyết chính trị, dụng công tìm tòi, mà còn thể hiện cả những suy nghĩ có tính đột phá, những cách làm thử nghiệm khá táo bạo,... Và, đây là sự kết tinh không chỉ trách nhiệm chính trị mà cả khả năng chính trị, không chỉ quyền lợi chính trị mà còn là bổn phận chính trị của chúng ta đối với Đảng và đối với danh dự của chính mỗi người.

Tất cả những kết quả trên đây rất đáng ghi nhận, nhưng mới chỉ là bước đầu. Nói một cách hình tượng, con đường sáng tạo về vấn đề hết sức quan trọng này vẫn đang ở phía trước và vẫn hết sức trập trùng và nan giải, đòi hỏi toàn Đảng ta, ở đây là cuộc Hội thảo của chúng ta, phải tiếp tục khám phá. Rất khó, nhưng chúng ta phải đi, phải đến và phải làm cho thật thành công, không thể khác được.

Với niềm tin ấy, quyết tâm ấy, bằng tiềm lực trí tuệ, bằng trách nhiệm cao cả của các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo và quản lý, các nhà tổ chức thực tiễn, cùng  toàn thể các đồng chí và các bạn ở đây hôm nay, Ban Tổ chức Hội thảo đề nghị các đồng chí tiếp tục thảo luận và làm sáng tỏ mấy loại vấn đề sau đây:

Thứ nhất, khảo cứu và làm rõ nội hàm về mặt khoa học những khái niệm có tính chất công cụ mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI đòi hỏi: Người đứng đầu là ai? Người đứng đầu cần có những tố chất gì, theo nghĩa cần và đủ, một cách chung nhất? Vị thế của người đứng đầu là gì và ở đâu? Người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền là những ai, họ giống và khác nhau như thế nào? Những tố chất nào quy định và làm nên họ? Thẩm quyền là gì, trách nhiệm là gì? Và, thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu là như thế nào, xét cả cấp ủy và chính quyền? Mối quan hệ giữa thẩm quyền và trách nhiệm như thế nào? Những điều kiện cần và đủ để bảo đảm việc thực thi thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu bao gồm những yếu tố gì? Cấp ủy, chính quyền là gì, gồm những ai, được tổ chức như thế nào? Mối quan hệ giữa người đứng đầu với cấp ủy, với chính quyền là như thế nào, được biểu hiện cụ thể ra sao?...

Còn những vấn đề gì nữa chung quanh loại vấn đề thứ nhất này, xin các nhà khoa học và các đồng chí bàn định thêm.

Thứ hai, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, không nể nang, né tránh, chúng tôi đề nghị các đồng chí đánh giá một cách khách quan việc thực thi nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên các lĩnh vực, các ngành, các cấp như thế nào? Nhận định một cách xác đáng về mức độ cao hay thấp, nói cụ thể là tới đâu trong việc xây dựng và thực thi cơ chế thẩm quyền gắn với trách nhiệm của người đứng đầu? Mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân người đứng đầu được thể hiện như thế nào và đang có những vướng mắc gì cần tháo gỡ cấp bách? Có hay không tình trạng hoặc buông lỏng, tắc trách quyền lực hoặc lạm dụng, thậm chí lộng quyền, lạm quyền, tham nhũng quyền lực, lợi ích phe nhóm, phường hội... của người đứng đầu trong việc thực thi công vụ, xét trong mối liên hệ với tập thể, với cơ quan, đơn vị? Và, còn những hiện trạng gì, những biến tướng gì và chúng như thế nào nữa không, đề nghị các đồng chí tiếp tục chỉ rõ thêm.

Thứ ba, đề nghị các đồng chí tiếp tục kiến giải dưới mọi góc độ, ở mọi chiều cạnh nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan, cả bên trong lẫn bên ngoài,... của hiện trạng nêu trên.

Thứ tư, xin dành sự quan tâm đặc biệt về các giải pháp hữu hiệu góp phần khắc phục, đẩy lùi những bất cập đó, nhất là vấn đề cơ chế. Vì, lâu nay, vẫn đang phổ biến tình trạng, tất cả những chứng bệnh mà không ít người và tổ chức mắc phải về vấn đề này, thường được đổ lỗi cho cơ chế. Vậy thì, cơ chế là gì, ai đẻ ra cơ chế? Cơ chế của chúng ta đang vận hành được điều lệ hóa, pháp luật hóa, được hiến định thì sao? Thử hỏi có cơ chế nào cho phép và dung thứ tệ ăn cắp, tham nhũng, nhất là lạm quyền, lộng quyền và tệ hơn là tham nhũng quyền lực? Thẩm quyền và trách nhiệm người đứng đầu, cơ chế thực hiện mối quan hệ này trong người đứng đầu, và người đứng đầu với tập thể như thế nào? Vậy, có gì phải sửa, và phải sửa cơ chế này như thế nào? Chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là, cơ chế thật sự, với những chế tài cụ thể, để phát hiện và trọng dụng người có đức, có tài như thế nào, nó ra sao? Những gì cần phải sửa, sửa ở đâu, ai sửa?

Cùng với các loại cơ chế, còn những gì nữa không? Vì, liên quan tới con người, tới tổ chức và mối quan hệ giữa con người với nhau, giữa cá nhân và tập thể, đâu chỉ ở cơ chế (cơ chế vận hành, cơ chế kiểm tra, giám sát, cơ chế dân chủ, cơ chế thưởng phạt, cơ chế - chính sách...), mà còn ở việc bảo đảm những điều kiện cần và đủ về cán bộ, về bộ máy, về phương tiện vật chất - kỹ thuật; về huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sức mạnh của toàn thể nhân dân; và những vấn đề gì nữa? Xin các đồng chí tiếp tục cho ý kiến.

Việc xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị là một trong ba vấn đề cấp bách, cũng là rất khó, rất phức tạp, đòi hỏi giải quyết phải rất khoa học, rất công phu và phải rất hiệu quả... về công tác xây dựng Đảng hiện nay. Dù khó khăn, phức tạp là vậy, nhưng chúng ta không thể không làm, ngược lại phải làm cho thật tốt. Vì, chỉ như thế, chúng ta mới có thể tạo được sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, nhằm xây dựng Đảng ta thật sự là đảng cách mạng chân chính, ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân, bảo đảm ngang tầm trọng trách lịch sử mới. Và, sự có mặt và bàn luận tại đây, cũng như sau này của tất cả chúng ta hôm nay và sau hôm nay chính là để thiết thực góp phần vào thực hiện thành công công việc trọng đại này!./.



(1) Xem: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 22 - 23

(2) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư đã dẫn, tr. 26