Tại buổi làm việc với Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, bà Susan Schnall, đại diện Đoàn các nhà khoa học Mỹ thừa nhận “tổ chức quan trọng nhất cần đứng ra nhận trách nhiệm và bồi thường cho các nạn nhân da cam Việt Nam là Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất Mỹ”.

Ngày 5-6, tại Hà Nội, Đoàn các nhà khoa học Mỹ đã đến thăm và làm việc với Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA).

Tại buổi làm việc, thay mặt VAVA, PGS.TS Trần Xuân Thu, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký VAVA đã nhiệt liệt chào mừng Đoàn các nhà khoa học Mỹ đã đến thăm và làm việc với VAVA. PGS.TS Trần Xuân Thu đã thông tin với Đoàn về tổ chức, hoạt động của VAVA; về vấn đề chăm sóc nạn nhân chất độc da cam của Chính phủ Việt Nam…

Về sự tồn lưu dioxin, PGS.TS Trần Xuân Thu cho biết, mức độ ô nhiễm dioxin do quân đội Mỹ sử dụng ở miền Nam Việt Nam trong chiến tranh là mức ô nhiễm cao nhất thế giới. Theo thời gian và điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm ở Việt Nam, nồng độ dioxin đã giảm nhiều. Tuy vậy, ở các địa điểm là cơ sở kho tàng trước đây của quân đội Mỹ còn đang tồn lưu dioxin với nồng độ rất cao. Cụ thể, tại các căn cứ quân sự cũ của Mỹ nơi tàng trữ và nạp chất độc lên máy bay như sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng, Phù Cát còn tồn lưu chất độc ở mức cao và rất cao lên tới hàng chục, hàng trăm nghìn ppt. Tại sân bay Biên Hòa, một mẫu cao nhất là trên 1 triệu ppt, gấp trên 1.000 lần mức độ cho phép của Hoa Kỳ. Tại Đà Nẵng, mẫu cao nhất là 365.000 ppt, tại Phù Cát là 238.000 ppt.

Chính phủ Việt Nam đã tiến hành tiêu độc ở Biên Hòa theo phương pháp chôn lấp tích cực 100.000 m3 trong số vài trăm nghìn m3 đất bị nhiễm với kinh phí 5 triệu USD; đang phối hợp với Mỹ tiêu độc ở khu nhiễm sân bay Đà Nẵng với khối lượng đất là 72.900 m3 đất theo phương pháp giải hấp nhiệt với chi phí là 43 triệu USD và 30 tỷ Việt Nam đồng; đang phối hợp với UNDP để tiêu độc khu nhiễm độc Phù Cát (Bình Định) với 6.000m3 đất theo phương pháp chôn lấp với sự đầu tư 2 triệu USD.

PGS.TS Trần Xuân Thu cũng chia sẻ, các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam được nhân dân trong và ngoài nước ủng hộ cả về vật chất và tinh thần, nhờ đó cuộc sống của họ đã vơi bớt khó khăn. Chính phủ Mỹ đã dần dần thấy trách nhiệm của mình trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học ở Việt Nam và đã có những động thái ban đầu tham gia khắc phục hậu quả. Tuy vậy, họ chưa quan tâm đúng mức đến các nạn nhân Việt Nam, họ còn né trách nhiệm, các công ty hóa chất Mỹ chưa chịu đền bù tổn thất cho nạn nhân Việt Nam.

PGS.TS Trần Xuân Thu khẳng định, nhân dân tiến bộ Mỹ, trong đó có nhiều nhà khoa học đã lên tiếng ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, lên tiếng đòi Chính phủ Mỹ ngừng việc phun rải chất độc ở Việt Nam. Tiếng nói của các nhà khoa học Mỹ đã góp phần chấm dứt cuộc chiến tranh hóa học của Mỹ ở Việt Nam. Các nạn nhân Việt Nam và VAVA hy vọng các nhà khoa học Mỹ tiếp tục ủng hộ về vật chất và tinh thần cho cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân Việt Nam.

Thay mặt Đoàn các nhà khoa học Mỹ, bà SuSan Schnall bày tỏ vui mừng vì “sau những việc làm của Chính phủ Hoa Kỳ, chúng tôi vẫn được người dân Việt Nam đón tiếp nồng hậu, nhiệt tình.” Bà cho biết, Đoàn đến Việt Nam lần này nhằm gặp gỡ người dân Việt Nam để trực tiếp khảo sát thực tế hậu quả của chất độc da cam, khảo sát chất độc da cam ở trong đất.

Bà chia sẻ, thời gian qua, Đoàn đã nhận được sự giúp đỡ cả về mặt vật chất và tinh thần từ Hiệp hội sức khỏe cộng đồng Mỹ cho các nạn nhân. Đoàn cũng đã phối hợp với các hạ nghị sỹ Mỹ để viết lên một dự luật mà trong đó đòi hỏi Chính phủ Mỹ có trách nhiệm bồi thường khoảng 1 tỷ đô la Mỹ để giúp đỡ các nạn nhân da cam Việt Nam, khắc phục hậu quả với môi trường. “Chúng tôi thừa nhận rằng tổ chức quan trọng nhất cần đứng ra nhận trách nhiệm và bồi thường cho các nạn nhân da cam Việt Nam là Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất Mỹ.”- bà SuSan Schnall nói.

Bà cũng khẳng định sẽ tiếp tục các nỗ lực đang làm để nâng cao nhận thức của cộng đồng, tiến hành vận động về mặt luật pháp trong Quốc hội Mỹ cho cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Trong buổi làm việc, Đoàn các nhà khoa học Mỹ cũng đã nghe báo cáo về phương thức xây dựng hồ sơ xác định nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; nghe báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 về kết quả nghiên cứu và hợp tác của Việt Nam trong khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Đồng thời, VAVA và các nhà khoa học đã thảo luận chung về các vấn đề liên quan.

Sau buổi làm việc với VAVA, Đoàn các nhà khoa học Mỹ sẽ đi khảo sát thực tế tại một số tỉnh, thành như Đà Nẵng, Huế…/.