Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nguyễn Nhân Chiến Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh
21:30, ngày 06-11-2018

TCCSĐT - Bắc Ninh nằm ở cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, là vùng đất giàu truyền thống văn hiến, yêu nước và cách mạng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho tỉnh Bắc Ninh tình cảm đặc biệt và sự quan tâm sâu sắc.

1- Trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp xuất bản tại Pháp năm 1925, dưới bút danh Nguyễn Ái Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến sự lao khổ của người dân Bắc Ninh: “Tỉnh Bắc Ninh (Bắc Kỳ) bị lũ lụt tàn phá, thế mà cũng phải nộp 500.000 đồng tiền thuế”(1).

Chỉ 11 ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, ngày 13-9-1945, nhân Lễ kỷ niệm Lý Bát Đế, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm làng Đình Bảng (nay thuộc thị xã Từ Sơn) thắp hương tưởng niệm các vị vua triều Lý. Người căn dặn: “đồng bào phải hăng hái tăng gia, thực hành tiết kiệm, sẵn sàng diệt giặc nghèo nàn, giặc dốt và giặc ngoại xâm, Đình Bảng cần ra sức phát huy truyền thống cách mạng. Trước hết phải có nhiều biện pháp tích cực và chấm dứt nạn đói kém”(2).

Ngày 04-02-1946, khi về Đình Bảng xem xét địa điểm dự bị họp phiên đầu tiên của Quốc hội khóa I, Người nói: “Quốc hội họp lần đầu tiên ở đây sẽ là một vinh dự lớn cho Đình Bảng. Cả nước sẽ hướng về Đình Bảng”(3). Khi làm việc với Ủy ban hành chính tỉnh vào tháng 05-1946, Người “nhấn mạnh những việc phải làm ngay như: đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm ổn định cuộc sống, phải nâng cao dân trí, thi đua diệt giặc dốt và ủng hộ thiết thực cuộc kháng chiến của đồng bào Nam Bộ”(4).

Không chỉ quan tâm đến những vấn đề quốc kế dân sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm đến các cụ phụ lão, các giới. Cuối năm 1946, khi đến thăm cụ Nguyễn Phụ Doãn (Đình Bảng, thị xã Từ Sơn) và cụ Chắt Minh (Phù Lưu, Tân Hồng, thị xã Từ Sơn), Người mong muốn các cụ động viên con cháu sẵn sàng đảm đương việc giữ nước, giữ làng. Về thăm Tòa giám mục địa phận Bắc Ninh ngày 17-11-1946, Người rất vui lòng về tinh thần đoàn kết của đồng bào lương, giáo trong tỉnh(5).

Thời kỳ miền Bắc bước vào khôi phục và phát triển kinh tế sau năm 1954, là người đứng đầu Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Dự Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất Bắc - Bắc tổ chức tại đền Đô (Đình Bảng, Từ Sơn) ngày 17-12-1955, Người căn dặn: “các cô, các chú phải giúp nhau sửa chữa cho bằng được những sai lầm, khuyết điểm... phải gắn liền công tác cải cách ruộng đất với việc phát triển sản xuất nông nghiệp”(6).

Ngay khi đê Mai Lâm bị vỡ, ngày 05-9-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm xã Mai Lâm và vùng bị lụt ở Bắc Ninh, Người nhắc cán bộ, đồng bào chớ chủ quan... phải đề phòng lụt và phải chống hạn... Cán bộ phải giúp đỡ khuyến khích nhân dân đẩy mạnh sản xuất công, nông nghiệp. Muốn thế phải đi đúng đường lối quần chúng và làm đúng chính sách(7).

Ngày 11-7-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị thi đua của tỉnh tổ chức tại thị xã Bắc Ninh. Người nhắc nhở cán bộ và nhân dân Bắc Ninh đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt khó vươn lên, củng cố, xây dựng và phát triển tổ đổi công, hợp tác xã nông nghiệp, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp..., đưa Bắc Ninh thành một tỉnh giàu có.

Xác định thủy lợi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp, trong hai năm 1958 - 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần về thăm công trình đại thủy lợi Bắc - Hưng - Hải. Tháng 10-1958, trong lần thứ hai đến công trường, Người nhấn mạnh: “Việc xây dựng công trường đại thủy lợi Bắc - Hưng - Hải là một chiến dịch. Trong chiến dịch này, ta phải có tinh thần quyết chiến, quyết thắng”(8). Ngoài ra, phải tổ chức tốt, phải ra sức thi đua, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, “chống tác phong quan liêu, chống lãng phí”(9). Ngày 14-9-1959, khi về dự Hội nghị thủy lợi toàn miền Bắc tại xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, Người phân tích về nhiệm vụ của công tác thủy lợi: “Làm thủy lợi phải là phong trào của toàn dân. Xã này với xã khác, huyện này với huyện khác, tỉnh này với tỉnh khác, đều có liên quan với nhau, phải cùng làm, phải thảo luận với nhau, phải đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, không nên chỉ nhìn thấy lợi ích của nơi mình mà để thiệt cho nơi khác”(10). Ngày 25-7-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi kiểm tra đê sông Cầu và công tác chuẩn bị phòng chống lũ lụt ở Bắc Ninh, “Người căn dặn cán bộ các ngành trong tỉnh phải tích cực động viên nhân dân tham gia, phải chuẩn bị chống giặc lụt như trong thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm, cần khắc phục tư tưởng chủ quan trong cán bộ, nhân dân, phải thường xuyên sẵn sàng đối phó kịp thời với bão lụt”(11).

Cùng với “dân trí”, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm đến “dân cường” để nước thịnh. Vì vậy, ngày 14-12-1961, khi đến thăm Trường trung cấp Thể dục thể thao Từ Sơn, Người căn dặn giáo viên và học sinh: “Học thể dục thể thao không phải là để làm ông kiện tướng nọ, bà kiện tướng kia, mà để phục vụ sức khỏe nhân dân... Nhân dân ta nhờ tập luyện các môn võ cổ truyền đã đánh thắng bọn xâm lược. Ngày nay ta phải kế tục truyền thống thượng võ của tổ tiên, nhưng phải chọn lọc”(12).

Không chỉ quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chăm lo công tác xây dựng Đảng. Ngày 17-10-1963, về dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Bắc lần thứ nhất (ngày 01-4-1963, tỉnh Hà Bắc chính thức làm việc theo đơn vị hành chính mới trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang), “Người nhấn mạnh vấn đề đoàn kết nhất trí trong Đảng, nhất là khi hai tỉnh mới sáp nhập. Người dặn dò cán bộ phải tuyệt đối tránh địa phương chủ nghĩa, phải nhất trí về tư tưởng, về hành động, về tình cảm. Mỗi đảng viên phải khắc phục bệnh cá nhân chủ nghĩa, bệnh công thần, óc địa vị, kèn cựa, không ai phục ai, không giúp đỡ nhau, không cộng tác chặt chẽ với nhau; phải đề cao cảnh giác cách mạng và chấp hành thật đúng các chính sách của Đảng”(13). Tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biểu dương kết quả phát triển công nghiệp của tỉnh, đồng thời Người chỉ rõ: “Công nghiệp của tỉnh cần có phương hướng sản xuất rõ ràng, đúng đắn, đặc biệt là phải chú trọng phục vụ nông nghiệp; phải nâng cao chất lượng sản phẩm... Công nhân và cán bộ phải nâng cao tinh thần làm chủ”(14).

Ngày mồng 1 Tết Đinh Mùi (tức ngày 09-02-1967), Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, chúc Tết Đảng bộ và nhân dân xã Tam Sơn (thị xã Từ Sơn). Người căn dặn: “Chúng ta phải loại trừ tệ nạn thiếu dân chủ, loại trừ cái thói quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lãng phí”(15).

2- Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh khắc ghi ân tình và những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về: chăm lo đời sống nhân dân; nâng cao dân trí; tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, công nghiệp; làm tốt công tác thủy lợi; về phát triển hợp tác xã; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; tin tưởng vào lực lượng và trí tuệ của nhân dân; đổi mới tác phong, lề lối làm việc, chống tư tưởng bảo thủ, quan liêu, tham ô, lãng phí; làm tốt công tác thi đua khen thưởng; xây dựng Bắc Ninh trở thành tỉnh giàu có... trong 18 lần Người về thăm. Đây là động lực để Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh nỗ lực lao động sản xuất, công tác đạt được những thành tựu quan trọng.

Thực hiện nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc với các phong trào “Tất cả cho tiền tuyến”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng”, “5 tấn thóc trên 1 ha gieo trồng”, “Nghìn việc tốt”..., Bắc Ninh đã trở thành hậu phương vững chắc, luôn hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước, đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Để ghi nhận những công lao và đóng góp này, Đảng và Nhà nước ta đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 8 huyện, thị xã, thành phố; 41 xã, phường, thị trấn và 21 cá nhân trong tỉnh; phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho 1.386 mẹ.

Trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc sau khi đất nước thống nhất, Bắc Ninh cùng cả nước khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế. Trong thời kỳ đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, phát huy tiềm năng, thế mạnh, năng động, sáng tạo, tập trung mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng quê hương.

Sau 20 năm tái lập, từ một tỉnh thuần nông, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, cơ sở vật chất nghèo nàn, kết cấu hạ tầng lạc hậu, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn..., đến nay Bắc Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại:

Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao: bình quân giai đoạn 2016 - 2018 tăng 12,6%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; phấn đấu năm 2018 đứng trong tốp đầu cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp, về quy mô nền kinh tế, về thu hút vốn FDI,... Toàn tỉnh có 16 khu công nghiệp tập trung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích 6.397,68 ha, thu hút nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và nhiều tập đoàn lớn, như Samsung, Canon, Nokia, Foster, Hồng Hải... đầu tư phát triển công nghiệp, công nghệ cao vào các khu công nghiệp tập trung. Công nghiệp phát triển với tốc độ cao là động lực tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước.

Công tác quy hoạch, quản lý xây dựng, phát triển đô thị, xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, thành phố Bắc Ninh trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Đề án xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022 được tập trung hoàn thiện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Chính trị xin chủ trương thực hiện.

Nông nghiệp, nông thôn có sự chuyển dịch tích cực theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững: trong tỉnh đã hình thành được 200 vùng sản xuất lúa, 71 vùng chuyên canh rau màu, 9 vùng sản xuất hoa, cây cảnh cao cấp, 20 vùng cây ăn quả tập trung. Toàn tỉnh hiện có 153 trang trại chăn nuôi, 47 trang trại trồng trọt, 27 trang trại thủy sản, 21 trang trại tổng hợp, thu nhập bình quân 1,83 tỷ đồng/trang trại; có 88 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 24 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP; 78 vùng sản xuất chuyên canh với tổng diện tích khoảng 1.500 ha. Đã hình thành nhiều vùng trồng rau an toàn, cánh đồng hàng hóa mẫu lớn cho năng suất, giá trị cao. Năm 2018, giá trị trồng trọt ước đạt 104 triệu đồng/ha.

Bắc Ninh có hạ tầng kỹ thuật, thủy lợi, đường điện, đường giao thông nội đồng và các kết cấu hạ tầng khác phục vụ sản xuất nông nghiệp được đầu tư đồng bộ và khá hoàn chỉnh, với gần 900 km kênh mương đã được cứng hóa, 669 trạm bơm phục vụ tưới tiêu. Tỉnh đã hỗ trợ xây dựng hơn 22.200 bể biogas để xử lý chất thải từ chăn nuôi; 98,3% cư dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 99,6% trường học, 100% trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh. Đến hết năm 2018, dự kiến có 88 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 90,7% tổng số xã toàn tỉnh, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn là 18,6 tiêu chí/xã, vượt 30% so với mục tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra (mục tiêu là 60%); có 04 đơn vị cấp huyện (Tiên Du, Quế Võ, Gia Bình và thị xã Từ Sơn) hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả nổi bật: tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 95,76%, kiên cố hóa phòng học đạt 98,5%; 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia (cao nhất cả nước); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66% (đứng thứ 6 toàn quốc); tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 ước còn 2%. Bắc Ninh là một trong những tỉnh có nhiều chính sách an sinh xã hội đi trước và cao hơn mức bình quân của cả nước, như mua bảo hiểm y tế cho người cao tuổi từ đủ 65 tuổi đến dưới 80 tuổi, trợ cấp cho người cao tuổi từ đủ 70 tuổi đến dưới 80 tuổi; thực hiện chương trình sữa học đường cho 100% trẻ mầm non và học sinh lớp 1, 2 tiểu học. Việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, người có công về đích sớm hơn 3 năm so với kế hoạch cả nước.

Công tác quốc phòng, an ninh được bảo đảm; các mặt công tác nội chính, cải cách hành chính được thực hiện có hiệu quả: thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công của tỉnh, trung tâm ành chính công cấp huyện và bộ phận một cửa tại 126/126 ủy ban nhân dân cấp xã nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân giải quyết công việc. Công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt nhiều kết quả tích cực; công tác tư pháp và cải cách tư pháp được đẩy mạnh, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được thực hiện có hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đối ngoại nhân dân được mở rộng.

Công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị có nhiều đổi mới và đạt kết quả tích cực: đến giữa nhiệm kỳ đã đạt và vượt 12 chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, 12 chỉ tiêu sẽ đạt trong thời gian còn lại. Việc thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI và khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Hoạt động của các cấp chính quyền có nhiều đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, thu hút được đông đảo hội viên, đoàn viên tham gia; sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường, mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân được củng cố.

Chỉ tính sau 20 năm tái lập, tỉnh 3 lần được Chính phủ tặng thưởng Cờ thi đua xuất sắc các năm 2006, 2007 và 2012; Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh năm 2012, Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2017; 10 tập thể và 01 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; 05 tập thể, 24 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Độc lập; 267 tập thể, 291 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động; 34 Chiến sĩ thi đua toàn quốc; 03 Nhà giáo nhân dân; 85 Nhà giáo ưu tú; 02 Thầy thuốc nhân dân; 39 Thầy thuốc ưu tú; 02 Nghệ sĩ nhân dân; 20 Nghệ sĩ ưu tú; 249 tập thể được tặng thưởng Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ; 476 tập thể, 836 cá nhân được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh những thành tích, kết quả đạt được, cũng còn một số hạn chế tồn tại cần sớm chỉ đạo khắc phục trong thời gian tới. Hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022 theo hướng “Hiện đại, văn hóa, sinh thái, tri thức và đô thị thông minh”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp:

Thứ nhất, phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, nhược điểm, rà soát các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trên cơ sở đó đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng, xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát huy lợi thế so sánh, nâng cao năng lực cạnh tranh để nâng cao hiệu quả kinh tế; chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hàng hóa, xây dựng nông thôn mới hài hòa bền vững.

Thứ hai, tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực: quy hoạch, đất đai, xây dựng cơ bản, tài nguyên, môi trường, giao thông... nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nêu cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu. Tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; quản lý chặt chẽ việc thu, chi ngân sách các cấp theo quy định.

Thứ ba, hoàn thiện và đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Bộ Chính trị cho chủ trương Đề án xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tiếp tục chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh theo lộ trình phù hợp với nguồn lực.

Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác quản lý và hiệu quả hoạt động các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình, giải quyết việc làm, giảm nghèo và an sinh xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, các mặt công tác tư pháp, tiếp dân, giải quyết đơn thư và công tác thanh tra. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác đối ngoại, tạo môi trường ổn định để phát triển bền vững.

Thứ năm, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trước hết là nêu cao trách nhiệm, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ chủ chốt, người đứng đầu. Nâng cao chất lượng các mặt công tác xây dựng Đảng: tuyên giáo, tổ chức - cán bộ, kiểm tra - giám sát, nội chính, dân vận... trên cơ sở quán triệt và thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Khắc ghi ân tình và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh tiếp tục phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng, tăng cường đoàn kết, quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh./.

---------------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 83
(2), (3) Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh: Bác Hồ với Bắc Ninh, 2000, tr. 19, 22
(4) Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh: Bác Hồ với Bắc Ninh, Sđd, tr. 25
(5), (7) Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh: Bác Hồ với Bắc Ninh, Sđd, tr. 27-33, 40-41.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 210 - 211
(8), (11) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, t. 7, tr. 128, 410
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 530 - 531
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 284 - 285
(12) Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh: Bác Hồ với Bắc Ninh, Sđd, tr. 68 – 69
(13), (15) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, t. 8, tr. 345; t. 10, tr. 27
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 181