Chính phủ của Thủ tướng Anh Keir Stermer: Những thách thức cần giải quyết
TCCS - Đảng Lao động giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tháng 7-2024 đã mang đến sự thay đổi lần đầu tiên của Chính phủ Anh sau 14 năm cầm quyền của Đảng Bảo thủ. Bên cạnh những thuận lợi, Chính phủ của Thủ tướng Anh Keir Stermer sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn, bao gồm việc khắc phục tình trạng bất ổn về kinh tế - xã hội của đất nước, khủng hoảng di cư,... Thủ tướng Anh Keir Stermer đã đưa ra các cam kết để từng bước giải quyết, tuy nhiên khả năng hiện thực hóa những cam kết đó là không dễ dàng.

Giai đoạn khó khăn, nhiều thách thức
Bên cạnh việc phải đối mặt với những căng thẳng địa - chính trị, những hệ quả của đại dịch COVID-19 cũng như tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với các quốc gia trên thế giới, trong những năm gần đây, nước Anh còn phải đối mặt với những thách thức từ trong nước, như các cuộc đình công kéo dài nhất trong lịch sử, khủng hoảng chi phí sinh hoạt, lạm phát, khủng hoảng kinh tế… đến sự thay đổi trong chính trường với nhiệm kỳ thủ tướng 49 ngày của bà Liz Truss vào năm 2022, khiến nhiệm vụ điều hành đất nước thậm chí còn khó khăn hơn, làm giảm niềm tin của người dân đối với chính phủ, dẫn đến tình trạng gián đoạn hoạt động kinh tế của đất nước.
Nước Anh có sự thay đổi chính phủ đầu tiên sau 14 năm khi Đảng Lao động đạt 410/650 ghế tại Hạ viện, giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử trước Đảng Bảo thủ. Con số này gần bằng mức 418 ghế mà Công đảng từng đạt được trong chiến thắng năm 1997 dưới sự dẫn dắt của ông Tony Blair. Ngày 5-7-2024, ông Keir Starmer, lãnh đạo Công đảng Anh, đã chính thức trở thành thủ tướng mới của nước Anh. Các nhà phân tích cho rằng, sự chuyển hướng của cử tri Anh sau 14 năm lãnh đạo của Đảng Bảo thủ là do những lo ngại về vấn đề nhập cư, tác động của việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) năm 2016, đại dịch COVID-19, cuộc xung đột Nga - Ukraine và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt… Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ của Thủ tướng K. Stermer sẽ phải đối mặt với một loạt nhiệm vụ vô cùng khó khăn, như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết khủng hoảng di cư, cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng trong khi các kế hoạch chi tiêu khó có thể đáp ứng được quy mô của các cuộc khủng hoảng hiện tại ở Anh. Cụ thể là:
Thứ nhất, nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp.
Theo số liệu được công bố đầu tháng 5-2024, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Anh chỉ tăng 4,3% trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2023, so với mức tăng trưởng 46% trong 16 năm trước đó. Đây là tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1826(1). Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) cho biết năm 2023, GDP của Anh tăng 0,1% và ước đạt tăng 0,8% vào năm 2024 và 2% vào năm 2025. Dự báo tốc độ tăng trưởng GDP sẽ chậm lại xuống còn 1,8% vào năm 2026, sau đó là 1,5% vào năm 2027 và 2028(2).
Về tình trạng lạm phát, theo Ngân hàng Anh (BoE), lạm phát ở Anh đạt đỉnh điểm là 11,1% vào tháng 10-2022, nhưng đã giảm xuống còn 3.5% vào tháng 12-2024(3) do giá năng lượng đối với hộ gia đình không còn tác động nhiều đến lạm phát như những tháng trước đó. Ngân hàng BoE cũng dự báo đây chỉ là sự gia tăng tạm thời, sau đó lạm phát sẽ giảm trở lại mức mục tiêu 2%(4). Lạm phát cao là một trong những yếu tố chính đằng sau cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang diễn ra ở Anh. Cùng với chi phí thực phẩm tăng vọt, hóa đơn năng lượng cao đã ảnh hưởng nặng nề đến các hộ gia đình ở Anh, nhất là những người có thu nhập thấp phải chi tiêu nhiều hơn cho chi phí nhà ở.
Việc thắt chặt tiền tệ đã làm suy yếu nền kinh tế, dẫn đến hiện tượng mất việc làm hàng loạt. ONS cho biết, tỷ lệ thất nghiệp ở Anh hiện nay lên tới 4,2% (tương đương giai đoạn bùng phát dịch bệnh COVID-19 vào năm 2021). Đặc biệt, số lượng người thất nghiệp trong thời gian dài (trên 6 tháng) ở mức rất cao so với các nước có nền kinh tế phát triển khác, ảnh hưởng lớn đến mức sống của các hộ gia đình. Thực tế tình trạng “ngân sách âm” đang phổ biến trong các hộ gia đình trung lưu ở Anh sau những cuộc khủng hoảng kéo dài. Ngân hàng Trung ương Anh cho biết, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng trong ba năm tới và sẽ ở mức 4,3% vào năm 2024, sẽ giảm xuống 4,1% vào năm 2025, và 4% vào năm 2026(5).
Gánh nặng thuế của Anh được đánh giá có nguy cơ đạt mức cao nhất kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai trong khi nợ công gần bằng 100% GDP do những khoản chi tiêu lớn để hỗ trợ nền kinh tế trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đại dịch COVID-19 và giá năng lượng tăng vọt vào năm 2022(6). Theo ONS, tính đến tháng 12-2024, tính đến cuối tháng 12-2024, nợ công của Anh ước tính tương đương 97,2% GDP(7). Trong khi đó, Văn phòng Trách nhiệm ngân sách (OBR) cho biết, thuế tính theo tỷ lệ GDP tại Anh hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 70 năm qua, tăng từ 32,8% GDP (giai đoạn 2012 - 2013) lên 36,9% (giai đoạn 2023 - 2024) và đang tiến tới mức 37,7% vào các năm 2026 - 2027. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là mức thuế cao nhất chưa từng có ở Anh(8).
Thứ hai, vấn đề nhập cư vẫn là mối lo ngại lớn.
Đến cuối năm 2023, số lượng người di cư đến Anh là khoảng 685.000 người, cao gần gấp ba lần so với một thập niên trước. Trong đó, Ấn Độ đứng đầu danh sách với 250.000 người đến Anh để sinh sống lâu dài. Tiếp theo là Nigeria (141.000 người), Trung Quốc (90.000 người), Pakistan (83.000 người) và Zimbabwe (36.000 người)(9). Theo phân tích dữ liệu của Chính phủ Anh, tổng cộng có 36.816 người di cư đã vượt eo biển Manche vào Vương quốc Anh vào năm 2024. Con số này tăng 25% so với năm 2023 (29.437 người)(10).

Thứ ba, khủng hoảng trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) vốn là niềm tự hào của nước Anh, cung cấp các dịch vụ y tế đến người dân miễn phí. Tuy nhiên, NHS đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, bao gồm nhu cầu chăm sóc của người dân ngày càng tăng sau khi các lệnh hạn chế về đại dịch COVID-19 được nới lỏng; sự gia tăng bệnh nhân nhiễm cúm và các loại virus mùa đông khác; tình trạng thiếu nhân viên y tế... Trước đó, NHS đã liên tục bị cắt giảm ngân sách trong hơn một thập niên trước khi xảy ra đại dịch COVID-19 khiến tình hình thêm căng thẳng.
Thứ năm, vấn đề biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất mà Anh phải đối mặt. Các đợt nắng nóng ở châu Âu, lũ lụt ở Anh, hạn hán, cháy rừng ở châu Âu năm 2023… là một trong những nguyên nhân đẩy giá thực phẩm ở Anh tăng cao. Anh nằm trong số 20 quốc gia phát thải khí nhà kính hàng đầu trên thế giới. Trước khi tổ chức hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021, Anh đã thực hiện các mục tiêu giảm phát thải đầy tham vọng thông qua cam kết kế hoạch khí hậu quốc gia nhằm giảm 68% lượng phát thải vào năm 2030 và giảm 78% vào năm 2035 so với mức của năm 1990(11). Theo Climate Action Tracker, mục tiêu đến năm 2030 của Anh phù hợp với mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C so với mức tiền công nghiệp.
Tuy nhiên, các chương trình hiện tại không đi đúng hướng để đạt được mục tiêu không phát thải. Sự phụ thuộc vào khí đốt và các chương trình của chính phủ đã không phát huy được hiệu quả trong việc tăng cường các biện pháp tiết kiệm năng lượng đã và đang làm trầm trọng thêm những tác động của biến đổi khí hậu. Theo cơ quan tư vấn khí hậu của Anh, các nỗ lực thích ứng với khí hậu của Anh đã không theo kịp với những tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe của con người, cũng như đến kết cấu hạ tầng và an ninh lương thực.
Tuy nhiên, đây cũng có thể là cơ hội cho Chính phủ của Đảng Lao động, một đảng không bị vướng vào các vụ bê bối và chia rẽ nội bộ. Với đa số phiếu bầu đạt được trong Quốc hội, Đảng Lao động sẽ có đủ khả năng để giải quyết các vấn đề tồn tại lâu dài và mang lại tư duy mới trong việc hoạch định chính sách. Việc Đảng Lao động lên cầm quyền đang tạo đà cho một làn sóng thay đổi mạnh mẽ trong cả xã hội lẫn chính trường Anh. Mặc dù còn nhiều thách thức phía trước, nhưng với sự hỗ trợ từ các nhóm lợi ích và đánh giá tích cực từ các tổ chức quốc tế, Chính phủ của Thủ tướng Anh K. Starmer có nhiều cơ hội để thực hiện thành công các cam kết và mang lại sự thay đổi tích cực cho đất nước. Nước Anh đang bước vào một giai đoạn mới với kỳ vọng về sự cải thiện trong các lĩnh vực quan trọng và vị thế quốc tế được nâng cao.
Những cam kết cần thực hiện
Ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng K. Starmer nhận định nước Anh sẽ phải đối mặt với một thời kỳ khó khăn khi chính phủ của ông phải nỗ lực giải quyết hàng loạt thách thức sâu sắc mà quốc gia này đang phải đối mặt. Do vậy, mặc dù thừa nhận đây là một trong những quyết định “khó khăn”, song trong bài phát biểu đầu tiên tại Hội nghị Đảng Lao động kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Anh K. Starmer đưa ra quyết định buộc phải cắt giảm trợ cấp chi phí nhiên liệu vào mùa đông năm nay. Trong đó, khoản trợ cấp thanh toán nhiên liệu mùa đông dành cho người về hưu - vốn được Chính phủ của Thủ tướng Anh Tony Blair đưa ra vào năm 1997 - được cho là gây nhiều tranh cãi khi hóa đơn tiền điện trong mùa đông năm 2024 sẽ cao nhất từ trước đến nay đối với những người cao tuổi.
Tiếp đến là tình trạng bạo loạn diễn ra ở một số thành phố của Anh vào tháng 8-2024 mới đây. Tại Thủ đô London, Birmingham, Liverpool và một số thành phố khác ở Anh, hàng nghìn người biểu tình chống phân biệt chủng tộc đã xuống đường để phản đối lời kêu gọi tổ chức nhiều cuộc tuần hành chống người nhập cư của các nhóm cực hữu. Trước vấn đề này, các nhà phân tích cho rằng, Chính phủ của Thủ tướng Anh K. Starmer sẽ phải chịu trách nhiệm không chỉ về luật pháp và trật tự xã hội, mà còn về cách thức thúc đẩy sự gắn kết cộng đồng trong một xã hội ngày càng chia rẽ. Trong 25 năm qua, đã có những cuộc thảo luận về việc xây dựng chiến lược thúc đẩy sự gắn kết và hội nhập tại Anh, nhưng trong một thời gian dài, trọng tâm được hướng đến lại là chống chủ nghĩa cực đoan và quá trình cực đoan hóa của người Hồi giáo, nhất là sau các cuộc tấn công khủng bố ở Mỹ và Anh.
Nhiệm vụ quan trọng đối với Chính phủ của Thủ tướng Anh K. Starmer là thúc đẩy nền kinh tế thoát khỏi tình trạng tê liệt hiện tại để trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), trong khi vẫn tuân thủ các hạn chế chi tiêu của đảng cầm quyền trước đó - Đảng Bảo thủ - và tránh tăng thuế. Đây là yêu cầu cần sự nỗ lực từ Chính phủ của Thủ tướng Anh K. Starmer trong các cam kết để từng bước giải quyết các thách thức.
Một là, cam kết thay đổi chính sách thuế với mục tiêu là tăng thuế đối với người giàu. Theo đó, đề xuất tăng thuế thu nhập đối với những người có thu nhập cao, nhất là những người có thu nhập trên 150.000 bảng/năm. Mục tiêu thu thêm tối thiểu 8 tỷ bảng/năm từ nguồn này nhằm bổ sung ngân sách tài trợ cho các chương trình xã hội, như xây dựng 300 nghìn căn nhà/năm, đầu tư cho hệ thống giáo dục công hay giải quyết vấn đề y tế. Theo Viện Nghiên cứu kinh tế Anh (NIESR), các biện pháp tăng thuế có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, tuy nhiên sẽ giúp cải thiện cân đối ngân sách và giảm nợ công về lâu dài.
Hai là, cam kết tăng đầu tư vào kết cấu hạ tầng, bao gồm xây dựng đường sá, cầu cống và mạng lưới giao thông công cộng với khoản ngân sách tối thiểu 50 tỷ bảng trong 5 năm tới. Chính phủ Anh cũng sẽ cung cấp các khoản vay ưu đãi và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp này phát triển, từ đó tạo ra nhiều việc làm mới.
Ba là, cam kết tái thiết lĩnh vực công đang chịu ảnh hưởng kéo dài của tình trạng tăng trưởng kinh tế trì trệ, biến động chính trị do Brexit và chính sách “thắt lưng, buộc bụng” bằng cách thúc đẩy làn sóng đầu tư công - tư. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo, nếu thành công với gói đầu tư công thì GDP của Anh có thể tăng khoảng 0,5%/năm trong nhiệm kỳ tới.
Bốn là, điều chỉnh chính sách nhập cư. Chính phủ của Thủ tướng Anh K. Starmer cam kết hạn chế các tàu thuyền nhỏ vượt biên qua eo biển Manche với việc thành lập một đơn vị chỉ huy an ninh biên giới mới. Chính phủ Anh sẽ đưa ra Dự luật An ninh biên giới, tị nạn và nhập cư mới, trao cho chính quyền các quyền hạn chống khủng bố mới để phòng, chống tội phạm có tổ chức và nạn buôn người. Chính phủ Anh cam kết cắt giảm số lượng người di cư bằng cách tăng cơ hội đào tạo tại Anh, thay vì “nhập khẩu lao động” từ nước ngoài.
Năm là, cam kết ban hành Dự luật chống gian lận, sai sót và nợ mới nhằm hiện đại hóa Bộ Lao động và Lương hưu, cho phép thu hồi số tiền bị mất do gian lận, đồng thời bảo vệ những người yêu cầu bồi thường dễ bị tổn thương khỏi các khoản nợ.
Sáu là, cam kết tham gia tích cực các nỗ lực quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm cam kết giảm phát thải CO2 xuống mức bằng 0 vào năm 2050 với khoản đầu tư bổ sung 27 tỷ bảng(12). Cam kết này nhận được sự hoan nghênh của các tổ chức môi trường như Greenpeace và Friends of the Earth, được coi là một bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu với việc giảm phát thải CO2 và tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường của Anh. Cam kết về biến đổi khí hậu có thể đặt nước Anh vào vị trí lãnh đạo trong các nỗ lực quốc tế nhằm bảo vệ môi trường.
Có thể thấy, nước Anh thời kỳ hậu Brexit có nhiều mối lo ngại và cuộc xung đột Nga - Ukraine, gần đây nhất là xung đột ở Trung Đông càng làm cho những khó khăn mà Anh phải đối mặt thêm trầm trọng. Bởi để duy trì ảnh hưởng và khả năng theo đuổi thành công các lợi ích của mình, một quốc gia cần có một nền kinh tế trong nước mạnh mẽ và nền chính trị trong nước ổn định. Đó là thách thức lớn nhất mà Anh phải đối mặt những năm gần đây. Nước Anh đang ở trong một vị thế bấp bênh sau khi rời khỏi EU. Trong bối cảnh cạnh tranh địa - chính trị ngày càng gay gắt như hiện nay, việc Đảng Lao động có cải thiện được vị thế của Anh trên trường quốc tế hay không sẽ phụ thuộc trước hết vào việc giải quyết được các vấn đề trong nước./.
---------------------------------
(1) John Power: “Why has the UK’s economy grown so slowly under the Tories?” (Tạm dịch: Tại sao nền kinh tế Anh lại tăng trưởng chậm như vậy dưới thời Đảng Bảo thủ?), ngày 2-7-2024, https://www.aljazeera.com/economy/2024/7/2/why-has-the-uks-economy-grown-so-slowly-under-the-tories#:~:text=Gross%20domestic%20product%20%28GDP%29%20per%20capita%20grew%20just,lowest%20growth%20rate%20since%201826%2C%20according%20to%20it
(2) D. Clark: “Forecasted annual growth of gross domestic product in the United Kingdom from 2000 to 2029” (Tạm dịch: Dự báo tăng trưởng hàng năm của tổng sản phẩm quốc nội tại Vương quốc Anh từ năm 2000 đến năm 2029), ngày 4-11-2024, https://www.statista.com/statistics/375195/gdp-growth-forecast-uk/
(3) Office for National Statistics: “Consumer price inflation, UK: December 2024” (Tạm dịch: Lạm phát giá tiêu dùng, Vương quốc Anh: Tháng 12 năm 2024), ngày 15-1-2025, https://www.ons.gov.uk/economy/inflationandpriceindices/bulletins/consumerpriceinflation/latest
(4) Bank of England: “Monetary Policy Report” (Tạm dịch: Báo cáo chính sách tiền tệ), tháng 8-2024, https://www.bankofengland.co.uk/monetary-policy-report/2024/august-2024?trk=public_post_comment-text
(5) D. Clark: “Annual unemployment rate in the United Kingdom from 2000 to 2029” (Tạm dịch: Tỷ lệ thất nghiệp hàng năm tại Vương quốc Anh từ năm 2000 đến năm 2029), ngày 4-11-2024, https://www.statista.com/statistics/374800/unemployment-rate-forecast/#:~:text=In%202024%2C%20the%20annual%20unemployment%20rate%20of%20the,before%20falling%20again%20to%20four%20percent%20in%202026
(6) William Schomberg: “Next UK government faces toughest challenge since 1950s on debt – IFS” (Tạm dịch: Chính phủ Anh tiếp theo phải đối mặt với thách thức khó khăn nhất kể từ những năm 1950 về nợ – IFS), ngày 25-1-2024, https://www.reuters.com/world/uk/next-uk-government-faces-toughest-challenge-since-1950s-debt-ifs-2024-01-25/
(7) Office for National Statistics: “Public sector finances, UK: December 2024” (Tạm dịch: Tài chính khu vực công, Vương quốc Anh: Tháng 12-2024), ngày 22-1-2025, https://www.ons.gov.uk/economy/governmentpublicsectorandtaxes/publicsectorfinance/bulletins/publicsectorfinances/december2024
(8) Institute for Fiscal Studies: “How have government revenues changed over time?” (Tạm dịch: Doanh thu của chính phủ đã thay đổi như thế nào theo thời gian?), ngày 21-8-2023, https://ifs.org.uk/taxlab/taxlab-key-questions/how-have-government-revenues-changed-over-time
(9) Hanna Duggal: “UK general election 2024: Key issues by the numbers” (Tạm dịch: Tổng tuyển cử Anh năm 2024: Các vấn đề chính theo số liệu), ngày 4-7-3-2024, https://www.aljazeera.com/news/2024/7/4/uk-general-election-2024-key-issues-by-the-numbers
(10) Ian Jones: “Channel crossings by migrants in 2024: Key numbers” (Tạm dịch: Số lượng người di cư vượt eo biển năm 2024: Những con số chính), ngày 1-1-2025, https://www.irishnews.com/news/uk/channel-crossings-by-migrants-in-2024-key-numbers-2VJKGS2XNZM3HM4U7XONJYHK6A/
(11) Tirana Hassan: “United Kingdom: Events of 2022” (Tạm dịch: Vương quốc Anh: Sự kiện năm 2022), https://www.hrw.org/world-report/2023/country-chapters/united-kingdom
(12) Tử Uyên: “Một giai đoạn mới cho nước Anh”, ngày 10-7-2024, https://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/mot-giai-doan-moi-cho-nuoc-anh-i736929/
Kết quả quan trọng trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ở tỉnh Đồng Tháp  (13/01/2025)
Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới  (28/12/2024)
Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội  (26/12/2024)
Vấn đề già hóa dân số ở Việt Nam: Thách thức và giải pháp  (27/11/2024)
- Quan hệ kinh tế Trung Quốc - Nhật Bản từ khi tham gia RCEP và một số hàm ý đối với Việt Nam
- Vị thế nông nghiệp Việt Nam sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, huy động nguồn lực to lớn của nhân dân, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Sự phát triển quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về bảo vệ an ninh quốc gia và việc vận dụng trong tình hình mới
- Nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giải quyết vấn đề dân tộc, tôn giáo hiện nay
-
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam