TCCSĐT - Đó là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà trong Hội nghị “Nhân rộng các mô hình và triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội các tỉnh, thành phía Nam” do Cục Phòng chống tệ nạn xã hội thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 04-5-2018.

Theo báo cáo tại Hội nghị, trong 4 tháng đầu năm 2018 được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các ngành, các cấp đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống, kiểm soát ma túy, phòng, ngừa tệ nạn mại dâm đã mang lại kết quả nhất định, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Đáng chú ý là, với việc xây dựng 3.063 đội công tác xã hội tình nguyện, với 19.734 tình nguyện viên tại xã, phường, thị trấn ở khắp 42 tỉnh, thành phố, theo đó, đội công tác xã hội tình nguyện đã tổ chức triển khai nhiều phong trào ý nghĩa. Thế nhưng, tình hình nghiện ma túy và tệ nạn mại dâm vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ ngày càng tinh vi và khó kiểm soát.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận và đánh giá khách quan những kết quả đã làm được, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020 và những giải pháp triển khai của từng địa phương. Theo đó, các đại biểu cho rằng, khó khăn, tồn tại rõ nhất là do nhận thức về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội của lãnh đạo một số địa phương chưa thống nhất, dẫn đến việc chỉ đạo triển khai thiếu quyết liệt, không liên tục. Công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế, nhất là vùng sâu, vùng xa. Chế tài xử lý vi phạm còn thiếu, đáng chú ý là các quy định về xử lý vi phạm trong Pháp lệnh chưa thống nhất với Luật phòng, chống mua bán người, Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa rõ ràng dẫn đến khi triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: Hội nghị này là dịp để những người làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cùng nhau đánh giá kết quả thực hiện trong thời gian vừa qua, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và đặc biệt là nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các mô hình và nhiệm vụ trọng tâm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội của các địa phương. Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết: Thời gian qua, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trình Chính phủ xem xét, phê duyệt và ban hành nhiều văn bản quan trọng liên quan đến lĩnh vực của ngành, như Chỉ thị 25/CT-TTg về tăng cường công tác phòng chống và cai nghiện ma túy trong tình hình mới; Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020; Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020.

Để công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trong thời gian tới đạt kết quả tốt hơn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà lưu ý: Xuất phát từ tình hình thực tiễn, lãnh đạo các tỉnh, thành phía Nam cần đưa ra những mô hình, giải pháp cụ thể. Từ các mô hình, giải pháp đó đánh giá hiệu quả đạt được trong quá trình triển khai. Trong đó, cần chú trọng rút kinh nghiệm từ cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, để từ đó tăng cường tham mưu cho cấp ủy, chính quyền; đúc kết kinh nghiệm, đề xuất cho quá trình xây dựng các quy định./.