TCCSĐT - Đó là nhận định của đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại Hội nghị về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và thu chi ngân sách tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2017 được tổ chức sáng 05-9-2017.

Theo báo cáo tại Hội nghị, trong 8 tháng đầu năm 2017, thu ngân sách của Thành phố ước thực hiện là 224.010 tỷ đồng, đạt 64,39% dự toán, tăng 11,47% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, Thành phố có 26.614 doanh nghiệp mới được thành lập với số vốn đăng ký là 358.890 tỷ đồng; có 38.710 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng 183.475 tỷ đồng (tăng 9,6% về số lượt doanh nghiệp và tăng 48% về vốn bổ sung). Đối với việc thu hút FDI, 8 tháng năm 2017 có 515 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư là 593,54 triệu USD. Ngoài ra, Thành phố đã chấp thuận cho 1.418 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký góp vốn, mua cổ phần vốn góp với tổng vốn góp đăng ký đạt 1,85 tỷ USD. Chỉ số phát triển công nghiệp 8 tháng đầu năm ước tăng 7,31% so với cùng kỳ, bốn ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực, thực phẩm) tăng 11,8%, cao hơn mức tăng của toàn ngành. Trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại, xuất nhập khẩu tiếp tục phát triển; kim ngạch xuất khẩu tăng hơn so với cùng kỳ, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của Thành phố; hoạt động thương mại bán lẻ chú trọng về chất lượng, bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa cho nhu cầu sinh hoạt người dân.

Đáng chú ý, Thành phố đã đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, chuyển giao các tiến bộ về giống và áp dụng công nghệ, tư vấn và hỗ trợ cải tiến kỹ thuật, đặc biệt đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất hoa lan; phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, phát triển giống cây, giống con chất lượng cao, hoa - cây kiểng, rau an toàn, giống bò thịt, nâng cao chất lượng đàn bò sữa... Qua đó, giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản 8 tháng đầu năm ước đạt 7.635,7 tỷ đồng, tăng 6,5% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,0%). Đạt được những tín hiệu tích cực trên, theo ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố là nhờ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp…

Tuy nhiên, sau khi nghe báo cáo, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố đã bày tỏ sự lo lắng khi các chỉ số phần nào phản ánh mục tiêu phát triển của Thành phố khó đạt được mục tiêu đề ra. Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố, thì ngành công nghiệp, nông nghiệp tăng không nhiều, vì “qua 8 tháng đầu năm, đối chiếu với chỉ tiêu phát triển 8,4% - 8,7% đặt ra khó lòng đạt được. Thời gian rất gấp, chỉ còn hơn 1 quý nữa thôi, nhưng với tình hình hiện nay khó có thể đạt tới mốc 8%”. Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Thành Phong thẳng thắn phê bình lãnh đạo một số sở, ngành về những con số không thống nhất được báo cáo lên: “Thời điểm 6 tháng đầu năm, tôi nhớ đã nhắc các đồng chí ngành công nghiệp cố gắng đẩy mạnh tăng trưởng lên 7,5%, 7 tháng đầu năm các đồng chí báo cáo đúng sự thật. Tới tháng 8, các đồng chí báo cáo tăng nhưng thực chất đâu phải con số này, con số thực chỉ 7,19%”. Hay, “trong lĩnh vực nông nghiệp các đồng chí báo cáo là tăng 6,5% nhưng cũng không đạt được con số này. Số liệu như vậy mà các đồng chí cũng không báo cáo cho đúng được”.

Từ đó, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhận định, “nếu chúng ta thụ động thì sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế của Thành phố”. Do đó, đồng chíNguyễn Thành Phong đề nghị các sở, ngành phải căn cứ trên các con số cụ thể và tình hình thực tế để đề ra giải pháp; đồng thời, yêu cầu các đơn vị tổng hợp hết các khó khăn, vướng mắc và báo cáo lên Ủy ban Nhân dân Thành phố, trên cơ sở đó, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố sẽ làm việc với các sở ngành để tháo gỡ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Cũng tại Hội nghị, theo báo cáo của Sở Y tế, số ca nghi ngờ bị sốt xuất huyết phải nhập viện trong tháng 8-2017 tiếp tục cao hơn so với tháng trước (tăng 12,8%), với 2.261 ca và tăng 100,1% so với cùng kỳ năm trước. Thống kê từ đầu năm tới ngày 15-8, trên địa bàn Thành phố có 12.406 ca bị sốt xuất huyết phải nhập viện (tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2016) và trong số này đã có 4 ca tử vong.

Theo ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố, dù số ca bị sốt xuất hyết hiện có dấu hiệu dừng lại nhưng vẫn cao so với cùng kỳ tháng trước. Đáng chú ý nhất là các quận 12, Bình Tân và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn vẫn chiếm tỷ lệ cao. Để đối phó trước tình hình này, Sở đã xây dựng đề án cộng tác viên trong việc phòng, chống dịch; đồng thời đã có kế hoạch liên tịch giữa 3 đơn vị gồm Sở Y tế, Sở Tài nguyên - Môi trường và Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác phối hợp diệt lăng quăng, diệt muỗi mỗi tuần cho đến hết năm.

Trước những vấn đề trên, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu ngành y tế Thành phố cần phải hết sức quan tâm đến việc phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết do đang có xu hướng tăng vào mùa mưa. Theo đó, chú trọng vào công tác truyền thông để giúp người dân hiểu, có được thông tin nếu có sự điều chỉnh về thuốc hay các loại vacxin./.