Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á, Thái Bình Dương: “Chúng tôi cố gắng đảm bảo những hỗ trợ của chính phủ sẽ theo một hướng tiếp cận mở và hiệu quả để giải quyết vấn đề chất độc da cam Việt Nam”

Đêm 4-6 (theo giờ Hà Nội), tại Thủ đô Oa-sinh-tơn của Mỹ, Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương và Môi trường toàn cầu thuộc hạ Viện Mỹ tổ chức thành công cuộc điều trần lần thứ hai về chất độc da cam Việt Nam.

Cuộc điều trần về chất độc da cam lần thứ hai này có chủ đề: “Để hoàn thành nghĩa vụ của mình, chúng ta cần làm gì để đề cập ảnh hưởng của chất độc da cam tại Việt Nam?

Đại diện phía Việt Nam có Đại sứ Ngô Quang Xuân, Phó chủ nghiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội,  Chủ tịch nhóm đối thoại Việt - Mỹ về chất độc da cam, Giáo sư Võ Quý đại diện cho các nhà khoa học Việt Nam cùng nhiều nhân chứng khác đến từ Việt Nam. Về phía chính phủ Mỹ, ông Scot Marciel, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương tham dự. Ngoài ra, nhiều tổ chức quốc tế và các nhà khoa học của Mỹ cũng tham dự cuộc điều trần này.

Mở đầu phiên điều trần, Hạ nghị sỹ Mỹ Eni Faleomavaega, Chủ tịch tiểu ban điều trần cho biết, gần 80 triệu lít hoá chất đã được Quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, khiến cho hàng triệu người Việt Nam trở thành nạn nhân của chất độc này. Các nhà khoa học, các nhân chứng của Mỹ và Việt Nam đã đọc bản báo cáo về ảnh hưởng của chất độc da cam  đối với con người và môi trường tại Việt Nam. Các nhân chứng cũng trả lời các câu hỏi liên quan, đồng  thời  đưa ra các khuyến nghị cho các nghị sỹ quốc hội của Mỹ. 

Đại diện Chính phủ Mỹ, ông Scot Marciel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á, Thái Bình Dương nói: “Hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam về vấn đề chất độc da cam và dioxin phát triển rất mạnh, vượt qua cả phạm vi cuộc đối thoại giữa hai Chính phủ. Cách đây 2 ngày cũng tại Mỹ đã diễn ra cuộc đối thoại của nhóm đối thoại Việt - Mỹ về vấn đề này. Trong thời gian tới, chúng tôi cố gắng đảm bảo rằng những hỗ trợ của chính phủ Mỹ sẽ theo một hướng tiếp cận mở và hiệu quả để giải quyết vấn đề chất độc da cam Việt Nam”.

Bà Mary Dolan, Phó Chủ tịch Tổ chức quốc gia Mỹ về người khuyết tật cho rằng: “Chính phủ Mỹ cần tiếp tục hỗ trợ cho các hoạt động nhân đạo ở Việt Nam, đồng thời trong thời gian tới Mỹ cần thể hiện trách nhiệm nhiều hơn trong vấn đề này. Các hỗ trợ của Mỹ không nên chỉ là hỗ trợ về mặt kỹ thuật và viện trợ nước ngoài”. 
 
Giáo sư Võ Quý tham dự với tư cách nhân chứng đánh giá về kết quả của cuộc điều trần lần thứ hai khẳng định: “Cuộc điều trần lần thứ hai mở rộng hơn lần trước, nhiều người quan tâm hơn và số người đến dự cũng nhiều hơn. Theo tôi, làm cho dư luận nhân dân Mỹ, chính quyền Mỹ, Quốc hội mỹ hiểu biết thêm và khi hiểu biết thêm họ có thể vận động nhân dân và chính quyền ủng hộ ta nhiều hơn. Chúng ta cũng cần sự ủng hộ của của nhiều nước, không chỉ của Mỹ mà còn của các nước khác nữa thì mới có thể giải quyết nhanh chóng hậu quả của chiến tranh hoá học ở Việt Nam”.