TCCSĐT - Trong Tuyên bố Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, mục tiêu Bảo đảm bền vững về môi trường được đặt ra là: đẩy lùi tình trạng suy giảm tài nguyên môi trường; giảm một nửa tỷ lệ người dân không có khả năng tiếp cận bền vững với nước sạch vào năm 2015; cải thiện đáng kể cuộc sống của ít nhất 100 triệu người ở các khu nhà ổ chuột vào năm 2020; thực hiện lồng ghép các nguyên tắc phát triển bền vững trong chính sách chương trình quốc gia.

Trên cơ sở Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, Việt Nam đã cụ thể hóa và đặt mục tiêu trong kế hoạch 5 năm 2006 -2010 là: phủ xanh đất trống đồi núi trọc, đưa tỷ lệ che phủ rừng năm 2010 lên trên mức 42 - 43%; phấn đấu đến năm 2010 đạt 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm; 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường, 90% chất thải rắn được thu gom; xử lý trên 80% chất thải nguy hại và 100% chất thải y tế. Xử lý cơ bản sự cố môi trường trên các dòng sông; 95% dân cư thành thị và 75% dân cư ở nông thôn sử dụng nước sạch.

Trong Báo cáo “Việt Nam tiếp tục chặng đường thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ năm 2008” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, trong số 9 chỉ tiêu dược sử dụng để đánh giá khả năng đạt Mục tiêu Bảo đảm bền vững về môi trường vào năm 2015, Việt Nam có khả năng đạt 7 chỉ tiêu. Những chỉ tiêu về phát triển bền vững (PTBV) và bảo vệ môi trường (BVMT), bao gồm bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), đã được lồng ghép vào các chiến lược và kế hoạch phát triển, các văn bản pháp lý ở cấp cao nhất tại Việt Nam. Đáng chú ý là Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khoá IX) “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”; luật BVMT (1995 - 2005), Luật ĐDSH; Chiến lược BVMT đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2020; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2001 - 2010; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010; Chương trình nghị sự 21 (2004).

Chỉ tiêu về tỷ lệ diện tích đất có rừng che phủ có những cải thiện rõ rệt. Do bị chiến tranh tàn phá nặng nề, rồi sau đó bị khai thác, sử dụng không hợp lý nên tỷ lệ đất có rừng che phủ chỉ còn 27,2% vào năm 1990. Nhờ những nỗ lực trong bảo vệ phục hồi và trồng rừng mới, tỷ lệ này được cải thiện, nâng lên 39% vào năm 2008, gần với mức trước chiến tranh. Trung bình mỗi năm có thêm 0,6% diện tích đất được che phủ dần.
 
Việt Nam cũng triển khai mạnh mẽ dự án trồng mới 5 triệu hec-ta rừng; có những nỗ lực đáng kể trong bảo tồn đất tự nhiên duy trì tính độc đáo và ĐDSH của đất nước. Sau hơn 10 năm thực hiện Công ước quốc tế về ĐDSH, Việt Nam hiện có 126 khu bảo tồn thiên nhiên với tổng diện tích trên 2,5 triệu hec-ta. Diện tích đất tự nhiên được bảo tồn để duy trì ĐDSH sẽ tăng 11,6% vào năm 2010, tăng 28% so với trước khi tham gia Công ước ĐDSH. Nguồn vốn đầu tư cho bảo tồn ĐDSH hiện nay chiếm 20% đến 30% tổng đầu tư cho lĩnh vực môi trường.

Tỷ lệ người dân được tiếp cận với nước sạch và điều kiện vệ sinh tốt hơn được cải thiện đáng kể; các chương trình xây dựng nhà ở cho cộng đồng, nhất là cho tầng lớp dân cư có thu nhập thấp, khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các khu nhà ở kiên cố ở các vùng thường xuyên bị bão lụt thiên tai đang tiếp tục được triển khai; thực hiện hỗ trợ cho người nghèo có điều kiện tiếp cận và có khả năng mua sử dụng các ngôi nhà kiên cố với giá cả phù hợp bằng hình thức trả góp. Mục tiêu hướng đến là: đến năm 2010, sẽ giảm hơn một nửa số nhà ổ chuột hiện nay và xóa toàn bộ nhà ổ chuột vào năm 2020.

Mặc dù đạt các thành tựu nêu trên nhưng Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều hạn chế, thách thức trong việc bảo vệ môi trường. Chẳng hạn: tỷ lệ che phủ rừng tuy có tăng nhưng chất lượng rừng chưa được cải thiện; nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên đã bị khai thác cạn kiệt, sử dụng lãng phí, kém hiệu quả; tăng trưởng kinh tế nhanh tạo sức ép lên môi trường; quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng kéo theo sự khai thác quá mức nguồn nước ngầm, ô nhiễm nguồn nước mặt, chất lượng môi trường còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ giảm sút.

Tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, đã đưa Việt Nam vào danh sách là 1 trong 5 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ngập chìm nặng nhất. Ước tính nếu nước biển dâng 3m sẽ có khoảng 25% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất đối với GDP lên tới 25%.

Để đạt những mục tiêu BVMT, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý môi trường; nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về BVMT; đưa nội dung BVMT vào các chương trình giáo dục đào tạo; lồng ghép các mục tiêu môi trường vào các chỉ tiêu kế hoạch phát triển; huy động nhiều nguồn vốn của Nhà nước và nhân dân đầu tư cho môi trường. Có cơ chế phạt nghiêm minh đối với các hành vi gây suy thoái môi trường; nhanh chóng xây dựng và thực hiện chương trình Môi trường Quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất./.