TCCSĐT - Trong 2 ngày 4 và 5-6-2009, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức Hội nghị đánh giá công tác quản lý nhà nước về báo chí 2 năm 2007-2008 và triển khai những nhiệm vụ chủ yếu của công tác này trong 2 năm 2009-2010

Trong 2 năm qua, các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí trong cả nước đã tích cực triển khai rà soát, xây dựng mới và sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật về báo chí; thường xuyên cung cấp thông tin cho báo chí về các chương trình, mục tiêu lớn của Chính phủ, các vấn đề và lĩnh vực quan trọng; phát hiện, ngặn chặn và xử lý kịp thời thỏa đáng các hành vi vi phạm của các cơ quan báo chí…, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Tính đến tháng 5-2009, cả nước có 687 cơ quan báo chí in, 67 đài phát thanh và truyền hình, 21 báo điện tử, 160 trang tin điện tử... và hơn 16.000 nhà báo.
 
Thông qua báo chí, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã đến nhanh với người dân; thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới.

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về báo chí vẫn còn nhiều tồn tại lớn như: Hệ thống pháp luật về báo chí vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn công tác quản lý và hoạt động thông tin, báo chí trong tình hình mới; trình độ nhận thức, sự hiểu biết về Luật Báo chí, các văn bản dưới Luật về báo chí, công tác quản lý nhà nước về báo chí nói chung còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra; sự phối hợp giữa một số Sở Thông tin và Truyền thông với các cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí và các cơ quan chức năng khác ở địa phương còn chưa chặt chẽ, thường xuyên...

Các ý kiến và tham luận tại Hội nghị đã đánh giá cao những kết quả đạt được, đồng thời cũng rút ra nguyên nhân tồn tại, khuyết điểm trong công tác quản lý báo chí và bàn nhiệm vụ cho 2 năm 2009 - 2010.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Lê Doãn Hợp nhấn mạnh: Công tác quản lý nhà nước về báo chí cần hướng đến mục tiêu chiến lược, xây dựng nước ta trở thành quốc gia về công nghệ thông tin. Để đạt được mục tiêu đó, trước hết cần tập trung quy hoạch báo chí, nhất là báo in và phát thanh – truyền hình, đồng thời tập trung tăng cường nguồn nhân lực và công tác quản lý nhà nước về báo chí

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Đỗ Quý Doãn khẳng định, những kết quả đạt được của công tác quản lý nhà nước về báo chí 2 năm qua là rất lớn, đáng biểu dương. Phát huy thành quả đó, đồng thời nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cả nước cần tiếp tục quán triệt các văn bản, chỉ đạo của Đảng, đổi mới tư duy quản lý nhà nước về báo chí; tiến hành sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về báo chí phù hợp với yêu cầu thực tiễn của sự phát triển báo chí; đẩy mạnh hơn nữa công tác tham mưu, định hướng, chỉ đạo báo chí, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí đội ngũ cán bộ và khẩn trương xây dựng đề án Chiến lược thông tin quốc gia đến năm 2020.../.