Sáng 31-12, dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2008 và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2009 ngành Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những đóng góp của ngành Công Thương góp phần cùng cả nước đạt những thành tựu quan trọng phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2008 đầy khó khăn thách thức vừa qua.
 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2008 và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2009 ngành Công Thương - Ảnh Chinhphu.vn

Về nhiệm vụ năm 2009, Thủ tướng yêu cầu ngành Công Thương bám sát 5 giải pháp cơ bản nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế mà Chính phủ đã đề ra để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cụ thể của ngành.

Thủ tướng giao, năm 2009 ngành Công Thương nâng cao hiệu quả xuất khẩu, phấn đấu tăng 13% kim ngạch xuất khẩu và yêu cầu ngành phải có chiến lược, chính sách và cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, đặc biệt ở lĩnh vực công nghiệp.

Bên cạnh đó, phải kiểm soát giảm nhập siêu đến mức thấp nhất. Thủ tướng cho rằng, cần chú trọng đầu tư bởi sức tiêu thụ cho sản xuất và tiêu dùng ngày càng lớn. Mặt khác, phải giám sát chặt chẽ thị trường trong nước, cân đối cung cầu. Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước trong ngành Công Thương năm 2009 tăng hiệu quả, tăng sức cạnh tranh, xứng đáng với vai trò tiên phong phát triển kinh tế đất nước.

Thủ tướng mong muốn ngành Công Thương cần phát huy thế mạnh trên các lĩnh vực sản xuất như đóng tàu, công nghiệp cơ khí…để tạo thêm việc làm cho người lao động. Cần bám sát chủ trương tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất phát triển của Chính phủ như giảm thuế, bảo lãnh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận ngân hàng, giảm lãi suất ngân hàng…để áp dụng ngay trong đơn vị mình.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu ngành Công Thương cần khắc phục những mặt hạn chế của năm 2008, như kiểm soát thị trường trong nước có thời điểm còn chưa chặt chẽ, chưa kịp thời phát hiện các yếu tố tiêu cực tiềm ẩn để có biện pháp phòng ngừa. Hệ thống phân phối hàng hóa, nhất là những mặt hàng thiết yếu bộc lộ nhiều yếu kém. Hoạt động dự báo, cảnh báo các tác động và nguy cơ của các yếu tố bên ngoài vào hoạt động của doanh nghiệp chưa kịp thời. Công tác đầu tư xây dựng có thời điểm bị đình trệ kéo dài… Từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, chung sức chung lòng cùng cả nước thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2009.

Kịp thời điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường

Nhìn lại năm 2008, mặc dù trong bối cảnh khó khăn do chịu ảnh hưởng lớn của suy thoái kinh tế thế giới, bằng nỗ lực vượt khó, ngành Công Thương vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá. Trong đó, công nghiệp và xây dựng tăng 6,33%. Ước đạt khoảng 650 nghìn tỉ  đồng, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 14,6% so với năm 2007.

Những sản phẩm công nghiệp chủ yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu năm 2008 cơ bản đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế và tiếp tục tăng trưởng. Một số sản phẩm như máy công cụ, động cơ diezen, quần áo may mặc… đạt mức tăng trưởng cao. Kim ngạch xuất khẩu năm 2008 ước đạt 63 tỉ USD, tăng trên 29,5% so với năm 2007 nhưng nhìn chung tình hình xuất khẩu cả năm gặp không ít khó khăn, đặc biệt những tháng cuối năm, kim ngạch xuất khẩu cả nước đã giảm dần, ảnh hưởng tới tổng kim ngạch cả năm. Nhập siêu cả nước năm 2008 ước đạt 17 tỉ USD, đạt mục tiêu đề ra là kiềm chế nhập siêu dưới 20 tỉ USD.

Tuy trong điều kiện khó khăn nhưng thị trường trong nước năm 2008 tương đối ổn định và duy trì được nhịp độ khá cao. Bộ Công Thương đã thực hiện khá tốt và kịp thời công tác điều tiết cung cầu,  bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ cả nước năm 2008 ước đạt 968.000 tỉ đồng, tăng 31% so với năm 2007, mạng lưới chợ và loại hình thương mại truyền thống tiếp tục được quan tâm phát triển, người dân ở miền núi, hải đảo vẫn được cung cấp các mặt hàng thiết yếu.

Theo báo cáo của các Sở Công Thương, sản xuất công nghiệp của các vùng hiện đang tiếp tục phát triển trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh của từng địa phương. 

Năm qua, ngành Công Thương đã nỗ lực thực thi các cam kết và tham gia các hoạt động của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), cùng các nước ASEAN hoàn thành Hiệp định hàng hoá ASEAN, triển khai thực thi các Hiệp định FTA đã ký, bao gồm cả Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản…Cùng với việc đàm phán mở cửa thị trường, Việt Nam đã ký kết nhiều hợp đồng thương mại về dầu khí, công nghiệp, khoáng sản với các quốc gia khác, mở ra một hướng đi khả quan hơn cho tương lai./.