Cơ hội mới thúc đẩy hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào
Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ CHDCND Lào Thongsing Thammavong đồng chủ trì buổi lễ.
Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thoonglun Sisulit, đại diện một số bộ, ngành, địa phương của hai nước.
Thúc đẩy hợp tác toàn diện
Với việc khánh thành cột mốc đại 460 tại cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An) - Nam On (Bolikhamsai) đã đánh dấu việc hoàn thành công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào trên thực địa. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh biên giới, xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, cùng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới nói riêng và sự phát triển của hai nước nói chung.
Việc hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo mốc biên giới Việt Nam - Lào trên thực địa là một thắng lợi to lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo tiền đề cho việc bắt tay ngay vào giai đoạn tiếp theo hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý để có thể hoàn thành toàn bộ Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào vào năm 2014.
Từ nay về sau, hệ thống mốc quốc giới hiện đại rõ ràng sẽ tạo thuận lợi cho công tác quản lý và bảo vệ biên giới, mở rộng hợp tác thương mại, thúc đẩy đầu tư và thúc đẩy giao lưu nhân dân, trao đổi văn hóa, du lịch giữa các vùng biên giới hai nước, góp phần củng cố an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội, củng cố an ninh quốc phòng vùng biên giới, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước.
“Hoa thơm, trái ngọt” đơm kết từ quan hệ hữu nghị truyền thống
Phát biểu tại Lễ chào mừng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, vấn đề biên giới lãnh thổ được lãnh đạo hai Đảng và Chính phủ hai nước đặc biệt quan tâm, coi trọng và chỉ đạo sát sao. Ngay sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến vĩ đại của mình, hai bên đã nỗ lực hợp tác, sát cánh cùng nhau tổ chức quản lý, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị trên cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế đồng thời phù hợp với thực trạng đường biên giới và mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.
Từ năm 2008, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân hai nước đã có nhiều nỗ lực phối hợp triển khai Dự án Tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào. Nhiệm vụ trọng tâm là tăng thêm số lượng cột mốc; tôn tạo, xây mới các cột mốc hiện có; hoàn thiện hồ sơ pháp lý đường biên giới hai nước.
Lễ khánh thành “Cột mốc đại 460” tại Thanh Thủy - Nam On hôm nay đánh dấu việc hoàn thành toàn bộ công tác tăng dày, tôn tạo mốc biên giới trên thực địa. Đây là thắng lợi chung của hai nước trong việc xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển. Sự kiện này trực tiếp tạo thuận lợi cho việc giao lưu, hợp tác phát triển kinh tế của hai tỉnh Nghệ An, Bolikhamsai. Đồng thời mở ra những cơ hội mới thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư của hai nước và quốc tế vào khu vực này; đưa cửa khẩu Thanh Thủy - Nam On trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các du khách trong và ngoài nước.
“Việc hoàn thành công tác cắm mốc giới quốc gia là sự kiện trọng đại, có ý nghĩa lịch sử lâu dài trong quan hệ hai nước chúng ta, là “hoa thơm, trái ngọt” được đơm kết từ quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào; là thành quả của tình bạn, tình đồng chí thủy chung, son sắt, thể hiện sự nhất trí cao, sự tin cậy lẫn nhau giữa các cấp lãnh đạo và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ.
Phát huy thành quả đạt được vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các cơ quan, địa phương liên quan của hai nước cùng tích cực triển khai các công việc, phấn đấu hoàn thành toàn bộ Dự án vào năm 2014 theo đúng thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao hai nước. Trong đó, quan trọng nhất là việc xây dựng, đàm phán và ký kết Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.
Đồng thời, xây dựng, đàm phán, ký kết Hiệp định mới về Quy chế quản lý biên giới, Quy chế về cửa khẩu và quản lý cửa khẩu đáp ứng công tác quản lý biên giới trong tình hình mới, nhất là tạo thuận lợi cho việc giao thương, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh - quốc phòng vùng biên giới.
Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các con đường giao thông tại các vùng biên giới và các cửa khẩu nhằm tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư và du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thiết thực mang lại đời sống ngày càng tốt đẹp hơn cho nhân dân vùng biên giới của 2 nước.
Tài sản vô giá để lại cho thế hệ mai sau
Phát biểu tại Lễ chào mừng, Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong nhấn mạnh, từ bao đời nay, hai nước Lào và Việt Nam đã có truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường vì sự tồn tại và sự phát triển của mỗi nước. Hai nước có vị trí địa lý liền kề nhau, có núi liền núi, sông liền sông cùng với truyền thống quan hệ hữu nghị, giúp đỡ lẫn nhau.
Tiếp nối truyền thống tốt đẹp đó, đến thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Kaysone Phomvihane kính yêu đã tiếp tục củng cố vun đắp và gìn giữ, nâng niu mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam. Truyền thống đó tiếp tục được phát huy và không ngừng đơm hoa, kết trái trong thời kỳ bảo vệ và phát triển đất nước của hai nước ngày nay.
Về công tác biên giới, sau khi hoàn thành công tác khảo sát và cắm mốc biên giới theo Hiệp ước về hoạch định biên giới Lào - Việt Nam năm 1977 và Nghị định thư bổ sung về hoạch định biên giới Lào - Việt Nam năm 1986, Bộ Chính trị của hai nước đã tiếp tục chỉ đạo Chính phủ, Ủy ban biên giới Quốc gia của hai nước xây dựng Dự án Tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Lào - Việt Nam với nguyện vọng thiết tha làm cho đường biên giới hai nước rõ ràng và chính xác, trở thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác vì sự phồn thịnh của nhân dân và là tài sản vô giá truyền lại cho các thế hệ con cháu mai sau của 2 nước.
Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong kêu gọi các bộ, ngành hữu quan, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang và toàn thể bà con nhân dân của hai nước hãy đóng góp hết sức mình vào việc bảo vệ, gìn giữ cột mốc biên giới, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau và giúp đỡ nhau trên mọi mặt vì sự phồn thịnh lâu dài của hai nước.
Nhân dịp này, Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong bày tỏ lòng cảm ơn chân thành tới Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em đã luôn dành sự hỗ trợ quý báu, hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng của Lào trước đây cũng như ngày nay.
Tại buổi lễ, thay mặt Ủy ban Liên hợp phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền hai nước, Chủ tịch Ủy ban Liên hợp cắm mốc biên giới Lào Bun Kot Sang Som Sac đã báo cáo kết quả tình hình thực hiện Dự án Tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào.
Sau 5 năm triển khai thực hiện, với sự nỗ lực lớn của các bộ, ngành hữu quan và chính quyền địa phương cùng lực lượng trực tiếp tham gia công tác cắm mốc trên thực địa 2 nước, công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới đã đạt được những thành quả hết sức to lớn. Đến nay, trên tuyến biên giới dài 2.067km, hai bên đã hoàn thành xây dựng một hệ thống mốc hiện đại, bền vững bằng đá hoa cương với 793 vị trí mốc (tương ứng với 835 cột mốc) và cắm bổ sung trên 20 cọc dấu, góp phần làm rõ hướng đi của đường biên giới.
Trong thời gian tới, hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác, khẩn trương xây dựng và ký kết các văn bản pháp lý liên quan đến biên giới như: Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào, Hiệp định mới về Quy chế quản lý biên giới, Quy chế về cửa khẩu và quản lý cửa khẩu... phấn đấu hoàn thành toàn bộ Dự án Tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào vào năm 2014.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong cùng đại diện hai nước đã trồng cây lưu niệm tại khu vực cửa khẩu Thanh Thủy - Nam On./.
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử”: Khẳng định lập trường chính nghĩa của Việt Nam  (09/07/2013)
Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai - một vấn đề cần kiên quyết thực hiện  (09/07/2013)
Bài học về sự chỉ đạo chiến lược của Đảng trong đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước  (09/07/2013)
Hà Giang xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội  (09/07/2013)
Nhật Bản: Chiến lược quốc phòng mới “chủ động tích cực”  (09/07/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay