Việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp thời gian gần đây và một số kiến nghị
Thất nghiệp: thực trạng và cách nhìn nhận
Thời gian qua, công luận, ngay cả một số các cơ quan, ban, ngành có liên quan về chính sách cho công nhân, lao động, lo ngại về hệ lụy của tình trạng thất nghiệp gia tăng (có tới cả triệu lao động thất nghiệp) ở Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… Ngay cả ngành bảo hiểm xã hội cũng đặt vấn đề vỡ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, người lao động lợi dụng chính sách này, cấu kết với doanh nghiệp để trục lợi. Theo chúng tôi, đây là nhận định chưa có cơ sở khoa học.
Theo điều tra của Viện Công nhân - Công đoàn (tiến hành cuối năm 2012), tiền lương, thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc 31,1% số người lao động nghỉ làm tại các doanh nghiệp để đăng ký bảo hiểm thất nghiệp. Tiếp đến là các lý do khác như: doanh nghiệp di dời, thu hẹp sản xuất, chiếm 16,8%; do muốn lĩnh trợ cấp thất nghiệp, chiếm 16,6%; người lao động muốn chuyển về gần nhà, chiếm 9,2%; do doanh nghiệp phá sản, giải thể chiếm 7,6%; do môi trường, điều kiện làm việc độc hại, nặng nhọc, chiếm 6,9%... Như vậy, phần lớn số người lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp là do mức bảo hiểm nhận được khá hơn mức thu nhập khi đi làm trước đó của họ, hoặc do những nguyên nhân khác mà cuối cùng phải đăng ký bảo hiểm thất nghiệp.
Thực tế khảo sát cho thấy, việc người lao động trục lợi từ bảo hiểm thất nghiệp khó xảy ra, hiếm gặp. Vì đối với người sử dụng lao động, việc biến động lao động trong doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất lao động, tính ổn định của sản xuất và gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý lao động, do đó họ sẽ không khuyến khích điều này; với người lao động, trong thời buổi suy thoái kinh tế, để tìm được việc làm mới tốt hơn là rất khó, nên họ sẽ không dễ bỏ việc để hưởng 60% mức lương trung bình của 6 tháng gần nhất, vì đó sẽ là sự sụt giảm đáng kể về thu nhập, mức thu nhập của người lao động đã thấp thì nay lại càng thấp hơn, cuộc sống càng trở nên khó khăn hơn.
Những hạn chế của việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian qua
Hạn chế đầu tiên là từ phía người lao động, do không đăng ký bảo hiểm thất nghiệp. Có rất nhiều nguyên nhân khiến người lao động không đi đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, nhưng cơ bản nhất là do hiểu biết của họ về bảo hiểm thất nghiệp còn nhiều hạn chế. Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 24,7% số người được hỏi cho biết, họ không đi đăng ký bảo hiểm thất nghiệp vì không biết sẽ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp; các nguyên nhân tiếp theo là do chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 20,1%; vì đã tìm được việc làm mới, chiếm 15% và nhiều nguyên nhân khác.
Tiếp đó là nguyên nhân từ phía các đối tượng có liên quan. Có 50% người lao động cho biết, họ có đi đăng ký thất nghiệp nhưng lại không được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp vì doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội nên không chốt được sổ bảo hiểm xã hội. Ngay cả cán bộ ở trung tâm giới thiệu việc làm cũng không hướng dẫn đăng ký thất nghiệp một cách cụ thể, thủ tục còn rườm rà, phải đi lại nhiều lần mới hoàn thành được hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định (chiếm tới 42,3% số ý kiến trả lời), và không hiểu rõ các quy định của bảo hiểm thất nghiệp (chiếm 37,7%). Để giải quyết những tình trạng đó, 60,3% người lao động tự tìm hiểu về các quy định và trình tự của bảo hiểm thất nghiệp, chỉ có 7,3% nhờ cán bộ công đoàn giúp đỡ và 7,4% nhờ cán bộ doanh nghiệp giúp đỡ.
Qua thực tế, không phải công nhân, lao động nào cũng may mắn được thanh toán bảo hiểm thất nghiệp, muốn thanh toán được họ cần phải có trợ giúp hay hỗ trợ từ nhiều đối tượng, chứ không phải cứ thất nghiệp là được hưởng chế độ. Mong mỏi của người lao động là, ngoài được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, hưởng trợ cấp thất nghiệp, còn được hỗ trợ học nghề một cách thiết thực. Đây là một chính sách rất ưu việt của Nhà nước, song do mức hỗ trợ học nghề còn thấp, cộng với tâm lý nôn nóng muốn có việc làm mới nên hầu hết người lao động thất nghiệp không mấy mặn mà với việc học nghề mới. Người lao động quan niệm, “Kiếm cơm trước, học nghề tính sau”. Mất việc, thu nhập giảm đáng kể, do gánh nặng tài chính gia đình khiến đại đa số đến trung tâm giới thiệu việc làm chủ yếu để đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp và tìm việc làm mới, không muốn là người thừa trong gia đình cũng như xã hội. Điều này giải thích tại sao chỉ có 1,5% số người được hỏi cho biết ưu tiên lựa chọn đầu tiên của họ khi thất nghiệp là đi học nghề, số còn lại chọn đi làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc tìm việc làm mới...
Nhìn chung, quá trình triển khai bảo hiểm thất nghiệp đang có một số vướng mắc, bất cập như sau:
- Các thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp còn rườm rà, khó khăn cho việc xác định đối tượng cụ thể có tham gia bảo hiểm thất nghiệp hay không, khiến nhiều cán bộ các trung tâm giới thiệu việc làm lúng túng; các văn bản hướng dẫn không thống nhất, chưa phù hợp với thực tế, không trùng khớp về tiến độ triển khai.
- Về các quy định của bảo hiểm thất nghiệp: Quy định về điều kiện để người lao động tham gia bảo hiểm, nơi hưởng bảo hiểm thất nghiệp còn nhiều bất cập, trình tự thủ tục (từ khâu đăng ký đến giải quyết hồ sơ và nhận trợ cấp thất nghiệp) quá phức tạp; thời gian đăng ký thất nghiệp và thời gian làm thủ tục để hưởng trợ cấp thất nghiệp còn ngắn, người lao động không đủ thời gian để hoàn thành hồ sơ.
- Nhận thức của người sử dụng lao động còn hạn chế trong việc thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với người lao động trong vấn đề bảo hiểm thất nghiệp. Tình trạng doanh nghiệp phá sản, giải thể, nợ tiền bảo hiểm xã hội, trốn đóng bảo hiểm xã hội còn phổ biến; doanh nghiệp chậm ban hành quyết định nghỉ việc, thanh lý hợp đồng lao động… hay làm thủ tục chốt sổ chậm với cơ quan bảo hiểm xã hội.
- Nhận thức của người lao động về các quyền lợi được hưởng khi hưởng trợ cấp thất nghiệp còn hạn chế. Phần lớn người lao động chỉ quan tâm đến tiền trợ cấp thất nghiệp mà không chú ý đến quyền được giới thiệu việc làm và học nghề miễn phí. Điều này cho thấy, công tác tuyên truyền về chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa đúng mức, dẫn đến người lao động còn mơ hồ về bảo hiểm thất nghiệp.
- Bên cạnh đó, theo quy định, người lao động chỉ được hưởng trợ cấp nếu thời gian mất việc từ 15 ngày trở lên; tức là, sau khi có quyết định thôi việc, trong thời gian 15 ngày, người lao động chưa tìm được việc làm mới thì sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, một số người lao động sau khi đã đăng ký mất việc, nhưng trong 15 ngày tiếp theo đã tìm được việc làm mới, vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp, điều này cũng ảnh hưởng nhất định tới những đối tượng chưa tìm được việc làm trong thời gian pháp luật quy định.
Một số kiến nghị
Qua thực tế, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã chứng tỏ tính đúng đắn và ưu việt của nó, nhưng khi thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, đặc biệt là từ góc độ người lao động, những người trực tiếp đóng góp và kỳ vọng vào chỗ dựa này khi họ gặp hoàn cảnh khó khăn. Thực tế điều tra, khảo sát cho thấy, cần phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về chính sách bảo hiểm thất nghiệp để nâng cao hiệu lực và hiệu quả thực hiện, bảo đảm tối đa người lao động làm công ăn lương đều có quyền tham gia bảo hiểm thất nghiệp và hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
- Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP của Chính phủ nhằm đơn giản tối đa quy trình, thủ tục giải quyết bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm linh hoạt, đơn giản, thuận tiện, giúp người lao động dễ tiếp cận bảo hiểm thất nghiệp, giảm chi phí, thời gian đi lại, đồng thời bảo đảm người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp kịp thời để giúp họ đỡ khó khăn trong cuộc sống. Đồng thời, hạn chế tối đa tình trạng lợi dụng, trục lợi từ bảo hiểm thất nghiệp.
- Chuyển nhiệm vụ quản lý lao động thất nghiệp, chi trả trợ cấp thất nghiệp cho cơ quan lao động và bảo hiểm xã hội quận, huyện thực hiện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động thất nghiệp khi đăng ký và hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp của cơ quan bảo hiểm và của doanh nghiệp. Có chế tài xử phạt đủ sức răn đe đối với các bên liên quan có sai phạm trong thực hiện bảo hiểm xã hội, những doanh nghiệp chây ỳ, nợ đọng và trốn tránh trách nhiệm bảo hiểm xã hội; nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
- Cần sớm nghiên cứu và đưa vào vận hành thống nhất trong toàn quốc phần mềm quản lý lao động thất nghiệp, nhằm quản lý một cách khoa học và chặt chẽ đối với lao động thất nghiệp, chống lạm dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, đa dạng hóa hình thức và nội dung tuyên truyền về chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động và người lao động./.
Tìm hiểu thêm về vấn đề cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh  (17/05/2013)
Tổng thống Nga V. Pu-tin vẫn giành được tín nhiệm cao sau một năm cầm quyền  (17/05/2013)
Dễ cùng thuyền, khó cùng hội  (17/05/2013)
Hội nghị tập huấn công tác xây dựng gia đình  (17/05/2013)
Thuế “lưu kho” bất động sản - giải pháp cần quan tâm  (17/05/2013)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay