Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người trực tiếp nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ

TS. Trần Thị Ngọc Sơn Trưởng Bộ môn Cơ cấu cây trồng - Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long
21:43, ngày 01-03-2013
TCCSĐT - Với tinh thần phấn khởi cao độ khi được sống trong bầu không khí dân chủ của đợt lấy ý kiến toàn dân đóng góp ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tôi xin đóng góp 3 ý kiến sau:

- Về “Lời nói đầu”, tôi cơ bản nhất trí với Dự thảo. Tuy nhiên, đề nghị bổ sung thêm ở đoạn thứ tư: “Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh… trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” thêm một cụm từ sau “thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” là “trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu toàn cầu” cho phù hợp với tình hình mới.

- Liên quan đến nội dung về “Khoa học, công nghệ” trong Chương III “Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường”, tôi có ý kiến như sau: 

Thực tiễn đã chứng minh những đóng góp của khoa học, công nghệ đối với sự phát triển của đất nước ta trong thời gian qua là rất to lớn. Vì vậy, tôi rất đồng tình với nội dung nêu trong khoản 1 Điều 67 của Dự thảo: “Khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt, là động lực thúc đẩy phát triển đất nước”. Xin nêu một ví dụ điển hình: Nhiều năm qua, là đơn vị sự nghiệp khoa học, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ, nổi bật là đã chọn tạo ra trên 100 giống lúa mới, có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh và thích nghi với các điều kiện khắc nghiệt của môi trường. Những thành tựu này đã góp phần không nhỏ vào việc tăng sản lượng lúa gạo của nước ta hằng năm, đặc biệt là sản lượng gạo xuất khẩu năm 2012 lên đến 7,7 triệu tấn, thu về 3,4 tỷ USD, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu 8,2%. 

Thế nhưng hiện nay, trong thực tế vẫn tồn tại một nghịch lý là những người làm nghiên cứu khoa học như chúng tôi lại phải đối mặt với những thủ tục nhiêu khê, gây nhiều khó khăn trong quá trình nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Ví dụ: một dự án nghiên cứu khoa học thường phải mất từ 50- 60% thời gian và nhân lực dành cho các thủ tục thanh quyết toán tài chính. Cụ thể như muốn thanh toán công lao động kỹ thuật từ 120.000 đồng/công lao động cần phải có bản sao chứng minh nhân dân và bằng cấp đại học! Những thủ tục nhiêu khê về tài chính như vậy đã gây nên tổn phí chất xám rất lớn trong hoạt động khoa học, công nghệ. 

Vì vậy, ở khoản 3 Điều 67 của Dự thảo, đề nghị bổ sung thêm từ “người thực hiện” sau từ “người tham gia” để khoản 3 có nội dung như sau: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia, người thực hiện và được hưởng thụ lợi ích từ các hoạt động khoa học, công nghệ”. Bởi lẽ, nếu viết như Dự thảo là: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và được hưởng thụ lợi ích từ các hoạt động khoa học, công nghệ” thì mới nói lên được một vế là “tham gia” tức là “được vào cuộc”. Trong khi đó, những người ở “trong cuộc” thì sao, thiếu phần bảo đảm điều kiện thuận lợi cho người “trong cuộc” hoàn thành được trọng trách của mình. Ngoài ra, cũng nên xem xét bổ sung thêm cơ chế khoán vào luật khoa học và công nghệ để tạo điều kiện tối ưu cho công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, tránh hiện tượng chảy máu chất xám ngày càng nhiều trong tương lai.

- Liên quan đến nội dung về “Bảo vệ môi trường” trong Chương III: Đây là vấn đề còn bỏ ngỏ và các cơ chế, chính sách chưa cụ thể, quá trình thực hiện thì mỗi nơi mỗi kiểu. Ví dụ như việc xử phạt những cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị gây ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương thời gian qua chưa đến nơi đến chốn, còn nặng tính hình thức, trong khi đó, nhiều người dân chưa hiểu và nắm rõ về Luật môi trường. Trước thực tế đó, đề nghị cần bổ sung vào đoạn thứ hai của khoản 2, Điều 68 trong Dự thảo, sau cụm từ “… được Nhà nước khuyến khích” nội dung sau: “Tăng cường giáo dục ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường cho từng cá nhân, từng tổ chức, đặc biệt là giáo dục trong trường học”. 

Nhìn chung, bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đưa ra lấy ý kiến nhân dân lần này được chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc. Tuy nhiên, một số thuật ngữ cần sử dụng từ mang tính phổ thông, tránh dùng từ chung chung. Ví dụ như từ “mọi người”, “không ai” ở một số điều, khoản có thể làm cho nhiều người hiểu chưa đúng nội dung./.