TCCSĐT - Ngày 23 tháng 6 năm 2012, tại thành phố Đà nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 77/2007/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí và Sơ kết 4 năm thực hiện Quy chế Phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí giữa Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ ngoại giao và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Dự Hội nghị có gần 500 cán bộ là lãnh đạo các cơ quan báo chí, sở thông tin và truyền thông, người phát ngôn của các cơ quan trung ương, ủy ban nhân dân các tỉnh tham dự. Đồng chí Đỗ Quý Doãn, thứ trưởng Bộ thông tin và truyền thông chủ trì hội nghị.
Ngoài báo cáo tổng kết đánh giá về tình hình thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong 5 năm qua của Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội nghị đã dành nhiều thời gian để nghe ý kiến tham luận của các cơ quan có liên quan về cung cấp thông tin và các cơ quan báo chí.
Đến nay, theo quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Thủ tướng Chính phủ, hầu hết các bộ, cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ và ủy ban nhân dân các tỉnh đều đã ban hành quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí cũng như cử người phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí.

Các bộ cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đã thực hiện tốt việc cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí bằng hình thức tổ chức họp báo, cung cấp thông tin trên trang điện tử, cung cấp bằng văn bản hoặc báo cáo tại các buổi giao ban báo chí hằng tuần do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì.

Theo đánh giá tại Hội nghị, việc ban hành và thực hiện nghiêm túc Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí là rất cần thiết, bảo đảm quyền tự do ngôn luận của công dân và quyền thông tin của báo chí, bảo đảm sự công khai minh bạch thông tin của các cơ quan hành chính nhà nước và những người có trách nhiệm trong hoạt động quản lý nhà nước, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân về mọi mặt của đời sống xã hội. 

Tại một số cơ quan cấp bộ và ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhờ thực hiện tốt Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, người phát ngôn đã phát huy được tác dụng không những chủ động cung cấp thông tin cho báo chí theo định kỳ mà kể cả khi có những sự kiện đột xuất bất thường. Việc cung cấp những thông tin kịp thời, nhanh chóng đã làm cho “chiếc cầu nối” giữa các cơ quan hành chính với cơ quan báo chí và nhân dân ngày càng được dễ dàng hơn.

Về việc thực hiện Quy chế Phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ có liên quan đã phối hợp để cung cấp thông tin một cách chủ động, kịp thời, chính xác, phản bác, loại bỏ các tin đồn thất thiệt làm cho các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế tin tưởng đồng tình ủng hộ các chính sách của Chính phủ.

Kết thúc hội nghị, hầu hết đại biểu đều thống nhất, nhờ thực hiện nghiêm Quy chế Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí nên ý thức của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương… về công tác tuyên truyền, quan hệ với báo chí được tăng cường, đối với những vấn đề quan trọng, nhạy cảm có ảnh hưởng lớn trong xã hội, việc cung cấp thông tin cho báo chí được kịp thời, chính xác, làm tốt công tác định hướng thông tin, hướng dẫn, ổn định dư luận xã hội. Tuy nhiên cũng cần thấy rõ hạn chế là việc thực hiện Quy chế chưa được đồng đều giữa các cơ quan, địa phương, thậm chí một số nơi còn thiếu nghiêm túc làm ảnh hưởng không tốt đến các công việc đang thực thi.

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt Quy chế, các đại biểu đề nghị đối với các cơ quan hành chính nhà nước cần phải có người phát ngôn chuyên nghiệp, cơ quan cấp bộ và ủy ban nhân dân các địa phương cần thiết phải có bộ phận giúp việc cho người phát ngôn, trên cơ sở đó cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước để trao đổi cung cấp thông tin kịp thời, chính xác và hiệu quả.

Đối với các cơ quan báo chí cần phải chủ động xây dựng mối quan hệ hợp tác thường xuyên chặt chẽ có trách nhiệm với các bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương và người phát ngôn trong khai thác thông tin nhằm bảo đảm tính chính xác, hiệu quả.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cần có sự giám sát, đôn đốc việc thực hiện nghiêm túc Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí và Quy chế phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí, tổ chức trao đổi học hỏi rút kinh nghiệm, đào tạo, bồi dưỡng cho người phát ngôn…/.