Các cuộc bầu cử đại biểu quốc hội khóa XI và XII - một số vấn đề đặt ra cho cuộc bầu cử đại biểu quốc hội khóa XIII
Cả hai cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XI và khóa XII đều đã được tổ chức theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (được Quốc hội khóa X, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25-12-2001). Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XI được tiến hành vào ngày 19-5-2002; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII được tiến hành vào ngày 20-5-2007. Hai cuộc bầu cử này đã đạt được thắng lợi to lớn, bảo đảm dân chủ, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm; ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân và là sự kiện trọng đại của đất nước.
Tổng hợp kết quả từ các ủy ban bầu cử trong cả nước cho thấy, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XI với 99,73% tổng số cử tri cả nước tham gia bầu cử, đã bầu đủ 498 đại biểu; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII có 99,64% tổng số cử tri cả nước tham gia bầu cử, đã bầu được 493 đại biểu. Cơ cấu các đại biểu trúng cử, nhìn chung, sát với dự kiến.
Thành công của các cuộc bầu cử đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm từ sự lãnh đạo của Đảng, sự tham gia với tư cách làm chủ của công dân, sự hướng dẫn của các cơ quan hữu trách, phát huy sức mạnh của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, sự chỉ đạo - tác nghiệp của các cấp chính quyền.
Tuy nhiên, trong các cuộc bầu cử này cũng đã nảy sinh một số vấn đề thực tiễn, cần được xem xét, xử lý. Tại kỳ họp thứ 8, tháng 11-2010, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân, nhưng đó mới chỉ là xây dựng cơ sở pháp lý cho việc cùng một ngày vừa bầu cử đại biểu Quốc hội, vừa bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân mà chưa sửa đổi nhiều về nội dung. Vì vậy, một số vấn đề bị vướng mắc ở hai cuộc bầu cử trước, lần này cần được hướng dẫn để thống nhất thực hiện:
Về quyền ứng cử
Điều 2 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội hiện hành quy định: "Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ hai mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội". Năm 2008, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Quốc tịch, trong đó, Điều 13 quy định: "Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam". Các quy định trên đây có liên quan đến quyền bầu cử và quyền ứng cử, đặc biệt là quyền ứng cử đại biểu Quốc hội của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài về nước sinh sống có thời hạn. Vì vậy, phải kết hợp hướng dẫn Điều 2 và Điều 13 của các luật nói trên (quyền và tiêu chuẩn) cho thống nhất để có thể tổ chức thực hiện thuận lợi.
Về tiêu chuẩn và cơ cấu: Tiêu chuẩn thì vẫn đúng nhưng hệ thống 5 tiêu chuẩn có những nhược điểm nhất định nên khó vận dụng, phát sinh những bất hợp lý. Cơ cấu là cần thiết, song yêu cầu “vừa bảo đảm cơ cấu, vừa bảo đảm tiêu chuẩn” thì không dễ thực hiện. Có thể dẫn ra một vài ví dụ:
Trước hết, nói về tiêu chuẩn, có thể thấy, đây là những định hướng cho mọi người phấn đấu, giữ mình và vươn lên thì hợp lý hơn là tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội. Chẳng hạn, Điều 3 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội ghi: “Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp... Có phẩm chất đạo đức tốt... Có trình độ và năng lực... Liên hệ chặt chẽ với nhân dân... Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội”. Với các quy định chung này thì vài ba chục triệu công dân từ 21 tuổi trở lên có đủ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội. Vậy làm sao có thể chọn lọc chính xác 500 người thực sự nổi trội trong tổng thể số lượng lớn cả vài ba chục triệu người?
Hai là, do không có định lượng nên rất khó “đo đếm”, chọn lựa. Ví dụ, với tiêu chuẩn 3 “Có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội...” thì một người tốt nghiệp đại học mới công tác được vài ba năm và một người có trình độ trên đại học đã có vài chục năm công tác, giữ chức vụ quản lý, có vị thế chính trị đều được công nhận là có trình độ và năng lực. Chúng ta thử hình dung, nếu được phép cho điểm, thì có người đạt điểm 9, điểm 10, có người đạt điểm 5, điểm 6, nhưng tất cả đều là đạt tiêu chuẩn. Song, trong những điều kiện cụ thể, phải bảo đảm cơ cấu, rất có thể người đạt điểm 5, điểm 6 thì trúng cử, còn người đạt điểm 9, điểm 10 lại bị loại. Vì vậy, phải có sự hướng dẫn thật cụ thể, trong đó hướng dẫn người ứng cử phải đạt đến một trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ nhất định (đủ năng lực tham gia xây dựng pháp luật, đủ khả năng giám sát hoạt động của các đối tượng bị giám sát, đủ năng lực tư duy để bấm nút quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước) thì mới được ứng cử.
Một trong những thành tựu của nền giáo dục - đào tạo nước ta là khá nhiều dân tộc thiểu số đã có đủ những người có học vấn, có tri thức để làm đại biểu dân cử các cấp. Thực tế các khóa Quốc hội gần đây cho thấy, xu hướng nâng cao trình độ học vấn là khá rõ (khóa IX chỉ có 62,20% đại biểu có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, đến khóa XII đã lên tới 95,96%. Ba khóa liền - từ khóa X đến khóa XII - không có đại biểu nào chỉ có trình độ học vấn trung học cơ sở trở xuống), do đó, đã từng bước nâng cao được chất lượng hoạt động của đại biểu và hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đây cũng là tiêu chuẩn thứ 3 “Có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước” và là điều kiện của tiêu chuẩn thứ 5 “Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội” (nếu năng lực, trình độ quá hạn chế thì không thể hoạt động được). Nói tóm lại, phải cụ thể hóa trình độ và năng lực của ứng cử viên đại biểu Quốc hội.
Mặt khác, Luật Tổ chức Quốc hội vẫn giữ quy định đại biểu kiêm nhiệm phải dành ít nhất một phần ba thời gian cho hoạt động của Quốc hội thì nên chăng cũng quy định, ngoài những chức danh luật định, những người còn lại nếu đã kiêm nhiệm quá nhiều việc, giữ nhiều chức vụ, hoặc người định cư ở nước ngoài (thời gian sinh sống ở ngoài nước là chính), không nên ứng cử đại biểu Quốc hội, vì không có thời gian, hoặc không thể chia sẻ được thời gian cho hoạt động của Quốc hội, như quy định tại Khoản 5, Điều 3: "Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội”.
Về người tự ứng cử: Một thực tế đáng lưu tâm là số người tự ứng cử đại biểu Quốc hội qua các cuộc bầu cử là khá lớn. ở cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XI, sau hiệp thương lần thứ 3 còn 13 người, bầu được 2 người. ở cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII, sau hiệp thương lần thứ 3 còn 30 người, bầu được 1 người. Vấn đề đặt ra là, tại sao số người tự ứng cử thì nhiều mà kết quả bầu lại thấp? Về pháp lý, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội xuyên suốt nguyên tắc về sự bình đẳng giữa các ứng cử viên được giới thiệu và các ứng cử viên tự ứng cử. Dân chủ là một thành tố, một thuộc tính mang tính bản chất của Nhà nước ta. Tuy nhiên, ở đây còn có người hiểu dân chủ một cách không đầy đủ. Trong hai cuộc bầu cử trước, có một số người tự ứng cử nói rằng “cứ ứng cử, được thì tốt, không được cũng chẳng mất gì”! Có người không nắm được những quy định đối với ứng cử viên nên cùng lúc làm nhiều hồ sơ, gửi đến nhiều nơi, với hy vọng trượt nơi này còn có nơi khác. Có người sinh sống và làm việc ở địa phương nhưng lại gửi hồ sơ về Hội đồng bầu cử Trung ương... Nói tóm lại, không ít người tự ứng cử do không nắm vững tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, không nắm được Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội; do công tác phổ biến pháp luật, công tác thông tin, tuyên truyền chưa thật sâu rộng nên đã không qua được các lần hiệp thương hoặc không đắc cử. Như vậy, đã đến lúc phải hướng dẫn “điều kiện” tự ứng cử. Trên thực tế, đã có “điều kiện” đối với người tự ứng cử là đảng viên, đó là phải được tổ chức cơ sở đảng đồng ý thì mới được ứng cử. Theo chúng tôi, đối với người tự ứng cử không phải là đảng viên, nên chăng hồ sơ ứng cử phải được cử tri chấp thuận, bằng cách đưa công đoạn lấy ý kiến cử tri nơi cư trú hay tạm cư trú lên trên và biên bản chấp thuận của cử tri là một thủ tục trong hồ sơ, hoặc người tự ứng cử phải lấy được một lượng chữ ký nhất định của cử tri nơi sinh sống và nơi làm việc.
Về việc lấy ý kiến cử tri
Việc lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi ứng cử viên công tác (theo các Điều 34 và 35 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội) và nơi ứng cử viên cư trú (theo các Điều 37 và 38 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội) đã diễn ra tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của mỗi nơi. ở những cơ quan, tổ chức, tổ dân phố, thôn bản chỉ có một, hai ứng cử viên, mà những ứng cử viên đó lại "sáng giá", được tín nhiệm gần như tuyệt đối, thì hội nghị đã biểu quyết bằng hình thức giơ tay. Còn ở những nơi các ứng cử viên có lắm "điều gai góc", sau thảo luận, hội nghị thường áp dụng hình thức bỏ phiếu kín. Cả hai hình thức biểu hiện sự tín nhiệm đều đúng cả, vì luật cho phép lựa chọn và sử dụng một trong hai hình thức. Tuy nhiên, trên thực tế đã xuất hiện những tình huống không thật chính xác trong sự tín nhiệm bằng hình thức giơ tay. Vì thế, trong cuộc bầu cử tới, cần hướng dẫn trường hợp nào thì biểu quyết bằng cách giơ tay, trường hợp nào thì bỏ phiếu kín để bảo đảm sự công bằng giữa các ứng cử viên. Tuy nhiên, việc lấy ý kiến cử tri phải đúng với ý nghĩa là một kênh thông tin để góp phần đánh giá được mức độ tín nhiệm của ứng cử viên; không nên biến việc lấy ý kiến cử tri thành một cuộc bầu cử trước, loại bỏ ngay ứng cử viên từ công đoạn này.
Về việc phân bổ ứng cử viên ở Trung ương về ứng cử ở các địa phương
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội hiện hành, tại Điều 46 chỉ quy định "Căn cứ vào danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội được Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu, Hội đồng bầu cử gửi tới các ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội...danh sách những người được giới thiệu về ứng cử tại địa phương...". Từ nhiều cuộc bầu cử trước cho đến hai cuộc bầu cử gần đây, Hội đồng bầu cử đều chỉ dựa vào số lượng đại biểu của mỗi địa phương (địa phương nào có số lượng đại biểu nhiều thì cũng có nhiều đại biểu ở trung ương hơn) và nguyện vọng của ứng cử viên để phân bổ. Đáng quan tâm là số ứng cử viên dự kiến sẽ làm đại biểu chuyên trách ở các cơ quan Quốc hội các khóa sau này tăng với số lượng lớn mà phần đông các ứng cử viên đều ghi 2 nguyện vọng đầu ở các tỉnh, thành phố càng gần thủ đô càng tốt; một số địa phương lại nêu nguyện vọng muốn lựa chọn ứng cử viên có lợi thế cho địa phương nên Hội đồng bầu cử (Trung ương) rất khó khăn trong việc phân bổ. Trong quá trình xem xét, phân bổ, Hội đồng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII đã tạm thời áp dụng 5 tiêu chí: Một là, các ứng cử viên được ghi nguyện vọng tối đa 5 địa phương; hai là, các trường hợp ứng cử viên là lãnh đạo thuộc diện cơ quan cấp cao quản lý thì nên có ý kiến của các cơ quan đó; ba là, các trường hợp tái cử nếu thấy nơi mình đang làm nhiệm vụ đại biểu mà được tín nhiệm thì được quyền tái cử ở đó; bốn là, nếu ứng cử viên thấy ở nơi làm việc, nơi cư trú hay quê quán thuận lợi cho việc phát huy khả năng làm nhiệm vụ đại biểu thì được quyền ghi nguyện vọng; năm là, các ứng cử viên là lãnh đạo cấp cao thì nên ứng cử ở các địa phương là trung tâm kinh tế, chính trị hoặc ở những vùng xa, vùng sâu để bảo đảm sự lãnh đạo đồng đều trên địa bàn toàn quốc. Năm tiêu chí nói trên, trước đây chỉ được thống nhất bằng miệng thì nay nên đưa vào văn bản hướng dẫn của ủy ban Thường vụ Quốc hội cho “danh chính ngôn thuận”.
Về thời gian và số lượng các cuộc tiếp xúc cử tri và vận động bầu cử
Thời gian và số lượng các cuộc tiếp xúc cử tri và vận động bầu cử tại các địa phương ở các cuộc bầu cử trước cũng không đồng đều, có địa phương quá ít, có địa phương quá nhiều cũng tạo ra sự so sánh không cần thiết giữa các ứng cử viên và giữa các địa phương, vì Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội chỉ quy định "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức để những người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri và vận động bầu cử" (Điều 52), không quy định phải tiếp xúc bao nhiêu cuộc và với bao nhiêu cử tri. Để khắc phục tình trạng trên, cần hướng dẫn thống nhất số lượng các cuộc tiếp xúc cử tri và vận động bầu cử (tối thiểu và tối đa) dựa vào số lượng đơn vị hành chính, số lượng cử tri của mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các cuộc tiếp xúc cử tri và vận động bầu cử nằm trong thời gian chuẩn bị, do đó phải kết thúc trước ngày bầu cử ít nhất là 3 ngày.
Về số đại biểu được bầu và số ứng cử viên ở một đơn vị bầu cử
Điều 46 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân quy định: “Số người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ở đơn vị đó; nếu đơn vị bầu cử được bầu ba đại biểu thì số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ít nhất là hai người. Trong trường hợp khuyết người ứng cử vì lý do bất khả kháng thì do Hội đồng bầu cử quyết định”. Việc quy định “...nhiều hơn số đại biểu được bầu ít nhất là hai người” là điểm mới, nhưng Luật mới chỉ quy định cho lần bầu thứ nhất, còn bầu thêm (bầu lần thứ nhất chưa đủ, phải bầu thêm cho đủ) thì Điều 72 của Luật chỉ quy định: “Trong cuộc bầu cử thêm cử tri chỉ chọn bầu trong danh sách những người đã ứng cử lần đầu nhưng không trúng cử. Người trúng cử là người được quá nửa số phiếu hợp lệ và được nhiều phiếu hơn”. Trên thực tế, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII, có 7 đơn vị bầu cử của 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã bầu thiếu 7 đại biểu thì đều rơi vào các trường hợp số ứng cử viên nhiều hơn số đại biểu được bầu từ 2 người trở lên, trong đó 5 đơn vị có số người ứng cử là 6, bầu lấy 3 và 2 đơn vị có số người ứng cử là 5, bầu lấy 3. Kết quả, chỉ bầu được 2 trên 6 và 2 trên 5. Trong các trường hợp này, nếu bầu thêm, cứ 4 người thì bầu lấy 1, hoặc 3 người thì bầu lấy 1, chắc chắn phiếu sẽ rất phân tán; mặt khác, thời gian không cho phép nên Hội đồng bầu cử đã quyết định không bầu thêm. Bởi vậy, trong cuộc bầu cử tới, một mặt, cần chỉ đạo hết sức chặt chẽ để có thể bầu đủ một lần; mặt khác, cần có sự hướng dẫn cụ thể khi xảy ra việc bầu thêm. Có thể có hai cách: Một là, trong số người chưa trúng cử, chọn 2 người có số phiếu cao hơn để bầu lấy 1 người; hai là, để bầu cả 4 hoặc 3 người, ai có số phiếu cao nhất thì trúng cử (không kể có quá bán hay không). Từ đó có thể hướng dẫn một cách tổng quát nhất là, số người ứng cử ở một đơn vị bầu cử tối đa là gấp đôi số đại biểu được bầu.
Về một số cơ cấu kết hợp
Tỷ lệ nữ trong Quốc hội khóa XI đạt 27,31%, khóa XII là 25,76% (dự kiến là 30%); tỷ lệ đại biểu ngoài Đảng trong Quốc hội khóa XI là 10,24%, nhưng khóa XII chỉ có 8,72% (dự kiến là 10%); tỷ lệ đại biểu tái cử Quốc hội khóa XI là 27,11%, khóa XII là 27,99% (dự kiến từ 30% đến 32%).
Việc giảm về số lượng và tỷ lệ đại biểu nữ là vấn đề rất đáng quan tâm. Có thể nói, không ít ứng cử viên nữ được cơ cấu là đại biểu trẻ (được đào tạo cơ bản, có trình độ khoa học - kỹ thuật), song bề dày cuộc sống và thời gian công tác khó có thể so sánh với các ứng cử viên khác (dày dạn hơn) trong cùng một đơn vị bầu cử. Trong khi ở nhiều đơn vị bầu cử các ứng cử viên tương đối đồng đều về tiêu chuẩn thì ở một số đơn vị lại quá chênh lệch (mặc dù cùng đủ tiêu chuẩn ứng cử viên nhưng mức độ lại rất khác nhau), mà mức độ thấp hơn thường là nữ, do đó rất khó đạt phiếu cao. Trong các đơn vị bầu cử, có khoảng 10% số đơn vị bố trí các ứng cử viên quá chênh lệch về trình độ và chức vụ, gây bất lợi cho ứng cử viên là nữ. Ví dụ, 2 nữ làm việc gia đình, 1 nữ nhân viên phục vụ cùng đơn vị bầu cử với ứng cử viên ở Trung ương và ứng cử viên là chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh; hoặc 2 nữ cán bộ của một sở cùng đơn vị bầu cử với ứng cử viên là chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, ứng cử viên ở Trung ương và ứng cử viên là giám đốc bệnh viện tỉnh... Nói chung, ở những đơn vị bầu cử này, nữ ứng cử viên địa phương đều rất khó trúng cử. Như vậy, ở đây có vấn đề về lãnh đạo, chỉ đạo của một số địa phương (về lựa chọn ứng cử viên, chỉ đạo thực hiện cơ cấu, bố trí ứng cử viên vào các đơn vị bầu cử ). Riêng việc bố trí ứng cử viên vào đơn vị bầu cử, như đã trình bày ở trên, khi hướng dẫn phải quy định cụ thể tiêu chí, nguyên tắc bố trí (ví dụ, không bố trí 3 hay 4 nữ trong số 5 ứng cử viên vào một đơn vị bầu cử; không bố trí 3 hay 4 nữ cùng ngành nghề vào một đơn vị bầu cử...). Số đại biểu là người ngoài Đảng đạt tỷ lệ thấp là do nhiều nguyên nhân, như chỉ đạo chưa sát sao, chưa chặt chẽ; cách sắp xếp các ứng cử viên vào đơn vị bầu cử chưa thật hợp lý; cách vận động bầu cử của ứng cử viên chưa thật sắc sảo; cử tri tín nhiệm đảng viên hơn người ngoài Đảng... Tỷ lệ đại biểu tái cử (chủ yếu là để hoạt động chuyên trách) đạt thấp là do khó lựa chọn ứng cử viên (những người đủ tiêu chuẩn, đang giữ các chức vụ ở các cơ quan đảng, cơ quan hành pháp thường không muốn làm đại biểu chuyên trách ở Quốc hội, nhất là ở địa phương; người chấp thuận làm đại biểu chuyên trách thì "vị thế" lại thấp, trong khi yêu cầu trình độ phải tương đương phó chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh); ở một số địa phương, do điều chỉnh cơ cấu so với các khóa trước nên cũng khó tái cử... Đây là những vấn đề chủ yếu thuộc công tác chỉ đạo, điều hành, cần được lưu ý trong cuộc bầu cử lần này, nhất là tại các ủy ban bầu cử, các đơn vị bầu cử.
Về việc giới hạn độ tuổi của các ứng cử viên chuyên trách
Đây cũng là vấn đề cần được xem xét, rút kinh nghiệm. Trong các văn bản của Đảng và Nhà nước chỉ đạo bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XI, quy định nữ không quá 52 tuổi, nam không quá 56 tuổi đối với người tham gia Quốc hội lần đầu là để có thể tham gia được từ một đến hai khóa. Nhưng trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII, quy định trên không chỉ áp dụng cho người tham gia lần đầu mà cho cả người đang hoạt động chuyên trách tái cử. Nói chung, phải đủ tuổi để làm trọn một khóa. Đại biểu tái ứng cử để bảo đảm tính kế thừa cũng không nên quá 60 tuổi. Vì quy định này mà các đại biểu chuyên trách ở độ tuổi 58 là nữ, 60 tuổi là nam không được tái cử. Một trong những đặc điểm của đại biểu dân cử tham gia khóa đầu là, hai năm đầu làm quen với công việc; năm thứ ba bắt đầu quen việc; năm thứ tư làm việc có hiệu quả hơn; năm thứ năm chuẩn bị tổng kết và kết thúc. Chính vì vậy, đại biểu chuyên trách được tái cử nên có bề dày hoạt động từ hai khóa trở lên. Đây là biện pháp sử dụng kinh nghiệm của đại biểu, là biện pháp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Do đó, không nên quá câu nệ về tuổi đối với các đại biểu chuyên trách, nhất là những đại biểu hoạt động có hiệu quả cao.
Về danh sách cử tri
Hai cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội vừa qua cho thấy, sự di biến động của các cử tri là rất lớn, do họ được quyền tự do di chuyển để tìm kiếm việc làm trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, quy định tại các Điều 22 và 27 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội hiện hành lại thiếu khả thi. Người lao động khó có thể từ Nam ra Bắc hay từ Bắc vào Nam để lấy giấy "Đi bỏ phiếu nơi khác" nộp cho ủy ban nhân dân xã, phường, nơi mình đang sinh sống và làm việc. Sau các cuộc giám sát, trước nguy cơ một số người thuộc diện này sẽ không thực hiện được quyền bầu cử, Hội đồng bầu cử đã vận dụng và hướng dẫn các địa phương xem xét cụ thể, cho phép các đối tượng này được ghi tên vào danh sách cử tri và tham gia bầu cử ở nơi họ đang sinh sống và làm việc. Vì vậy, trong cuộc bầu cử sắp tới, vấn đề này cần được quy định trong văn bản hướng dẫn của ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về việc bầu thiếu đại biểu trong khi thừa người đạt số phiếu quá bán
Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII có tới 37 ứng cử viên đạt trên 50% số phiếu hợp lệ nhưng không trúng cử, trong đó có 5 người đạt trên 55% số phiếu, 3 người đạt trên 58% số phiếu; trong khi thiếu 7 đại biểu nữa mới đủ số lượng được bầu là 500. Đây là một mâu thuẫn cần được nghiên cứu xử lý trong cuộc bầu cử tới. Một trong những cách xử lý là điều hòa giữa các địa phương: trong số những người đạt phiếu quá bán, lấy từ ứng cử viên có tỷ lệ cao nhất trở xuống, cho tới khi đủ số lượng cho phép thì dừng lại. Có thể làm như vậy vì thực tế nhiều khóa Quốc hội, một số đại biểu đã được chuyển từ địa phương này sang địa phương khác do được điều động công tác.
Về tổng kết, khen thưởng sau bầu cử
Từ năm 1946 đến nay, chúng ta đã có 12 cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, nhưng chỉ đến cuộc bầu cử thứ 12 mới có khen thưởng. Việc khen thưởng là có ý nghĩa thiết thực, vì vậy cần được chính thức hóa trong văn bản hướng dẫn cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII sắp tới./.
Kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại Thái Nguyên và Tuyên Quang  (16/05/2011)
Hội thảo "Chương trình đối tác công - tư (PPP) giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ"  (16/05/2011)
Trao tặng Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam”  (16/05/2011)
Liên hợp quốc: Chế độ thương mại toàn cầu phải bảo vệ các nước nghèo  (16/05/2011)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên