Truông Bồn xanh
Truông Bồn là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của giặc Mỹ, hòng cắt đứt tuyến đường vận chuyển quan trọng của miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam, trong những năm chiến tranh. Phần lớn trong tổng số 18.936 quả bom Mỹ trút xuống huyện Đô Lương, đã rơi nổ trên Truông Bồn. Từ năm 1964 đến năm 1972, trên đoạn đường Truông Bồn vẻn vẹn 5 km, các chiến sĩ cảm tử đã rà phá được hàng ngàn quả bom nổ chậm các loại. Đồng chí Cớn, chiến sĩ thanh niên xung phong C317 không sợ hy sinh, một mình bò vào giữa bãi bom nổ chậm nối từng mối dây kích nổ giữa trời nắng gắt và máy bay Mỹ quần đảo để phá thành công một lúc 30 quả bom, giải phóng đường. Tấm gương hy sinh của anh Nguyễn Văn Phúc, dân quân xã Mỹ Sơn đã làm xúc động biết bao người. Ông Nguyễn Văn Sáu, đồng đội cũ của anh Phúc giờ còn sống tại xã Mỹ Sơn bùi ngùi kể với chúng tôi: Hôm đó, anh Phúc đề nghị với cấp trên xin được thay anh Sáu phá quả bom nổ chậm nằm giữa tim đường, bởi, như anh Phúc nói: “Anh Sáu đã có vợ, con còn nhỏ, tôi xin đi thay, nếu có hy sinh cũng không vướng bận gì”. Vậy là, cùng với khối thuốc nổ anh Phúc áp vào, quả bom hàng ngàn bảng đã nổ tung cùng với sự hy sinh anh dũng của người thanh niên cảm tử nhà nghèo, giàu lòng nhân hậu.
Kỷ niệm 40 năm Truông Bồn chiến thắng (31-10-1968 - 31-10-2008), ngày 23-9-2008, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có Quyết định số 1304/QĐ-CTN, phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể 14 cán bộ, chiến sĩ thanh niên xung phong Truông Bồn, thuộc Đại đội 317, Đội 65 - Tổng đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An. |
Loạt bom đã chôn vùi cả tiểu đội thanh niên xung phong thuộc C317 ấy là loạt bom cuối cùng vào cái ngày cuối cùng trước khi đế quốc Mỹ tuyên bố ngừng ném bom trên toàn miền Bắc Việt Nam. Đó cũng là thời điểm đơn vị thanh niên xung phong cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm giao thông ở Truông Bồn. Anh Trần Văn Hạp, chiến sĩ trong tiểu đội chuẩn bị về quê cưới vợ, tối hôm trước đã tổ chức liên hoan chia tay anh chị em trong đơn vị… Vậy mà… Một nấm mồ chung cho tất cả 13 người (11 cô gái và 2 chàng trai) đang độ tuổi hai mươi, hôm nay chói chang trước mắt chúng tôi trong cái nắng tháng Bảy, trong nghi ngút khói hương… Anh Hiệp, cán bộ Tỉnh đoàn Nghệ An cho chúng tôi biết, hồ sơ đề nghị trên phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể tiểu đội “Thép” với 13 đồng chí đã hi sinh, một đồng chí còn sống đã hoàn tất và chờ chuẩn y, quyết định. Đây là nguyện vọng tha thiết của lực lượng thanh niên xung phong tỉnh nhà, là mong mỏi của bà con nhân dân Mỹ Sơn, Nhân Sơn - Đô Lương.
Cung đường lửa
Trên tuyến đường 15A ác liệt, xã Mỹ Sơn, xã Nhân Sơn (phía bắc xã Mỹ Sơn) thật sự là nơi huyết mạch giao thông quan trọng, điểm tập kết của những đoàn xe chở vũ khí, đạn dược vào chiến trường miền Nam. Chỉ 5 km, nhưng đây được mệnh danh là “cung đường lửa”. Xã Nhân Sơn là nơi đón nhận, cấp cứu và trung chuyển thương binh từ miền Nam chuyển ra. Và cũng chính vì thế, Nhân Sơn trở thành túi bom ác liệt: hàng nghìn quả bom đã được giặc Mỹ ném xuống từ năm 1964 đến 1972. Xã có 78 liệt sĩ, 134 thương binh khi làm nhiệm vụ thông đường. Hàng vạn m3 đất đá đã được nhân dân Nhân Sơn đào đắp, hàng ngàn tấn hàng, hàng trăm chuyến xe được nhân dân tháo dỡ di chuyển cất dấu… Cứ một khi Truông Bồn bị tắc đường, lập tức xe, hàng, người bị “nén” lại ở từ Cầu Om, kéo dài hàng trăm mét. Máy bay Mỹ lại tập trung đánh phá. Trước tình hình đó, một con đường vòng tránh dài 7km bắt đầu từ eo Đồn rồi qua Khe Lá, Khe Cát, khe Roọng, khe Pù Nha đã được trên quyết định mở cấp tốc phục vụ giao thông… với lực lượng chủ yếu là dân quân xã Nhân Sơn, Mỹ Sơn. Hôm nay, chúng tôi lại được đi trên con đường vòng tránh bom Mỹ năm xưa giờ trở thành tuyến giao thông nội vùng để bà con qua lại, trao đổi, buôn bán hàng hoá. Con đường xưa anh dũng những chuyến xe thẳng hướng giải phóng miền Nam nay rộn vang tươi rói nụ cười, dọc hai bên đường những cây keo, đồi chè xanh ngắt.
Chúng tôi đến thăm ông Nguyễn Sỹ Vơn, người gần 10 năm đảm nhiệm chức vụ trạm trưởng Trạm y tế xã Nhân Sơn trong suốt quãng thời gian chiến tranh ác liệt lúc bấy giờ. Quanh con đường đất khô cằn vẫn còn đó chứng tích của một thời đạn bom ác liệt mà thời gian vẫn chưa thể xoá nhoà. Nhắc đến Truông Bồn, đến những đêm trắng cấp cứu, chăm sóc, chữa trị cho thương binh và nhân dân, từ khoé mắt ông những giọt nước mắt hiếm hoi chảy nhoà khuôn mặt hao gầy, khắc khổ, giọng nói ông nấc nghẹn: Trạm xá chỉ có 2 người, ông và 1 nữ hộ sinh nhưng có từ 25 đến 30 bệnh nhân cả dân thường và bộ đội. Thời điểm cao nhất cũng chỉ có 6 y tá và y sĩ. Ngày 18-7-1968, một trận bom đã cướp đi tính mạng của vợ và hai đứa con ông. Đứa lớn lúc đó mới 3 tuổi và đứa bé là thai nhi vừa tròn 7 tháng chưa kịp cất tiếng khóc chào đời. Hôm đó, mặt trời như chưa bao giờ đỏ đến thế, như chưa bao giờ gay gắt đến thế, như màu máu đổ, như ánh mắt đầy căm hờn… Và phải chăng là định mệnh, vào thời điểm đó, tại chiến trường Quảng Trị, người chồng của nữ y tá đồng nghiệp ông Vơn (bà Hà Thị Lộc) đã anh dũng hy sinh.
Mãi đến 12 năm sau, năm 1980, khi bà Lộc đã nhận được giấy báo tử, ông Vơn và bà Lộc, hai người đồng sự, hai con người với cùng hoàn cảnh, cùng chịu những nỗi đau thương mất mát đã đến với nhau, bù đắp cho nhau. Bây giờ họ đã có thêm 2 người con, ai cũng ngoan ngoãn, học giỏi. Chia tay hai ông bà dưới mái nhà nho nhỏ, nơi bốn cô gái trong tiểu đội “Thép” thanh niên xung phong đã từng ở đó, các chị Đoàn Thị Bốn, Nguyễn Thị Hoài, Nguyễn Thị Văn, Hoàng Thị Tiu. Ông Vơn nói: “Nơi góc nhà ni xưa là cái giường của 4 cô, có hôm bom Mỹ thả hất tung cả 4 người nhưng không ai bị chi. Rứa mà…”, vẫn giọng nói nghẹn ngào, chòm râu bạc trắng, rưng rưng, ông tiễn chúng tôi ra tận cái ao đầu làng. Xưa, ao này cũng là một hố bom lớn…
Truông Bồn thao thức
Tháng 7 năm 2008, dưới chân Truông Bồn, chúng tôi đã gặp ông Đặng Bá Nam, người thương binh, cựu chiến binh già làm trang trại giỏi với 35 ha rừng phòng hộ, chăn nuôi trâu bò… Dự kiến thu nhập từ vườn, đồi, rừng năm nay lên đến 700 - 800 triệu đồng… Thế nhưng, theo như lời ông Võ Thanh Lục – Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mỹ Sơn, thì những hộ làm ăn giỏi như ông Nam chưa có nhiều. Bởi còn quá nhiều khó khăn khách quan như đất đai bạc màu, thiếu nước, thiếu điện sản xuất và nhiều vấn đề thuộc về cơ chế, Mỹ Sơn vẫn là một xã nghèo, là xã cuối cùng của huyện xóa được nhà tranh tre dột nát, 22% hộ nghèo. Trường tiểu học của xã được xây dựng từ năm 1965…
Chúng tôi cùng các bạn trẻ xã Mỹ Sơn lên thắp hương nơi Tượng đài chiến thắng Truông Bồn. Anh Nguyễn Kim Hưng - Bí thư xã đoàn Mỹ Sơn tâm sự: Đây là một địa điểm tụ họp, tổ chức các hoạt động của tuổi trẻ địa phương. Hai chi đoàn thôn 7 và thôn 10 được giao nhiệm vụ thường xuyên chăm sóc, quét dọn khuôn viên tượng đài. Xung quanh tượng đài, những hố bom cũ đã bị tán xanh của rừng thông che kín, phải để ý mới có thể nhìn thấy.
Truông Bồn hôm nay, màu xanh của bạt ngàn cây lá đã phủ lấp vết tích của chiến tranh xưa.../.
Việt Nam là một người bạn gần gũi và hữu nghị của Mông Cổ  (30/10/2008)
Thông cáo số 12 Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII  (30/10/2008)
Việt Nam sau 2 năm gia nhập WTO những thành tựu và thách thức  (30/10/2008)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên