Ngày 29-10 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học pháp lý kinh doanh quốc tế tổ chức hội thảo “Việt Nam sau 2 năm gia nhập WTO những thành tựu và thách thức”. Tham dự hội thảo có nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và nước ngoài.

Hội thảo tập trung làm rõ 2 nhóm vấn đề: 1- Sau gần 2 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã học được những gì trong việc điều hành vĩ mô? 2- Đánh giá những kết quả đạt được, nhận diện rõ những thách thức và tìm giải pháp hữu hiệu cho tiến trình hội nhập.

Các đại biểu tham dự Hội thảo có chung nhận xét: Sau 2 năm gia nhập WTO, riêng việc thực hiện cam kết mở cửa thị trường, áp dụng nguyên tắc không phân biệt đối xử, xóa bỏ bao cấp và các loại trợ cấp bị cấm, công khai, minh bạch chính sách… đã thúc đẩy việc hình thành tư duy, các chuẩn mực quản lý mới trong bộ máy quản lý nhà nước.

Nhiều chuyên gia nhận định, sau 2 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã xuất hiện nhiều cơ hội mới, thể hiện rõ nhất là nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng rất mạnh. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2008, Việt Nam đã thu hút được 56,2 tỉ USD, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2007. Thị trường xuất khẩu được mở rộng đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đã đạt 48,6 tỉ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch tăng cao, ngoài nguyên nhân giá thế giới tăng, còn do mức tăng về lượng đã lên tới 35% trong tổng kim ngạch. Thực tế đó đã chứng tỏ năng lực sản xuất và đáp ứng các đơn đặt hàng của doanh nghiệp được nâng lên. Riêng nhóm hàng hóa khác đã đạt tới 11,2 tỉ USD, tăng gần 60%. Điều đó cho thấy đã và đang có sự dịch chuyển rất lớn trong việc đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới trên thế giới.

Phân tích về những thách thức và những yếu kém trong quá trình hội nhập, có ý kiến đã thẳng thắn nêu rõ mối tương tác giữa Việt Nam với các nước khi gia nhập WTO: Nếu như năm 2007, năm đầu tiên Việt Nam vào WTO với tinh thần đầy phấn khởi thì bước sang năm 2008, kinh tế Việt Nam bắt đầu chịu những “cú sốc” khá nặng. Việc biến động của giá dầu và khủng hoảng tài chính thế giới đã tác động trực tiếp đến Việt Nam. Hệ quả là lạm phát tăng cao, cán cân thương mại bị thâm hụt nghiêm trọng. Xuất khẩu năm 2008 dự kiến tăng trưởng là 34% nhưng tăng trưởng về giá đã chiếm đến 20%.

Dự kiến năm 2008 sẽ đạt 60 tỉ USD vốn FDI, trong đó, vốn thực hiện sẽ đạt 11 tỉ USD nhưng khả năng giải ngân thực sự chỉ đạt 8 tỉ USD. Vấn đề đầu tư từ khối doanh nghiệp tư nhân đang có chiều hướng giảm sút bởi nhiều lý do; đầu tư công vẫn bị thất thoát. Dự tính, tỷ lệ thất nghiệp năm 2008 vào khoảng 5,1%; xu hướng những người có trình độ bị thất nghiệp ngày càng tăng; tỷ lệ giàu nghèo có nguy cơ giãn ra, trong đó người có tài sản cao hơn nhiều so với người có thu nhập cao… Đó là những thách thức mà các chuyên gia cảnh báo.

Ông An-tô-ni-ô Bê-ren-gơ, Cố vấn thương mại Ủy ban châu Âu tại Việt Nam khi nói về những thách thức nội tại của Việt Nam đã cho rằng, nếu không kiềm chế được lạm phát thì sự tăng trưởng kinh tế sẽ bị “ăn mòn” và làm cho người nghèo ít có cơ hội hưởng lợi từ việc gia nhập WTO.

Muốn tận dụng được cơ hội để tiếp tục tiến trình hội nhập,  Việt Nam vẫn phải tiếp tục thực hiện các cam kết với WTO; tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường gắn với việc xây dựng các tiêu chí và cơ chế kiểm soát các lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, bảo hiểm; phải mạnh dạn chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, bằng cách chuyển từ việc chủ yếu dựa vào khai thác và xuất khẩu tài nguyên, nguyên liệu thô sang phát triển công nghệ, xuất khẩu các sản phẩm tinh, và đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực, coi đây là sức mạnh cơ bản và lâu dài.

Tại diễn đàn Hội thảo, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã đánh giá một cách khái quát: 2 năm gia nhập WTO đã giúp Việt Nam hiểu rõ mình hơn. Và, trước những thách thức, nếu linh hoạt trong chính sách, không đặt nặng vấn đề tăng trưởng để phải đánh đổi một cái gì đó, tạo đà cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, gắn với cải cách hành chính, cải cách doanh nghiệp nhà nước, thì Việt Nam sẽ vượt qua được những cú sốc hiện tại. Năm 2009 sẽ “dễ thở” hơn. Làm được những điều này, Việt Nam nhất định sẽ trưởng thành trong WTO./.