Chúng ta kế thừa di sản nào?

GS. Văn Tạo
09:27, ngày 18-04-2007

“Chúng ta kế thừa di sản nào?” - đó là câu hỏi đặt ra không chỉ của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, mà còn là của tất cả chúng ta, khi đưa đất nước ta tiến từ xã hội cũ lên xã hội mới. Bởi vì bất cứ ở đâu trên trái đất này, con người làm ra lịch sử cũng không phải tự do, tùy tiện, mà là phải căn cứ vào cái nền móng, cái di sản từ quá khứ, do ông cha để lại.

Di sản là những giá trị tinh thần và vật chất của văn hóa dân tộc truyền lại. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam đã để lại không ít những di sản quý báu trên nhiều lĩnh vực. Những di sản đó đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, đưa đến những thành tựu rực rỡ trên nhiều phương diện.

Thực tiễn lịch sử dựng nước và giữ nước cho thấy, việc kế thừa và phát huy những di sản truyền thống của dân tộc có vai trò vô cùng quan trọng, là nhân tố thúc đẩy con người hoàn thiện nhân cách, là động lực đưa đất nước tiến lên. Bước sang thiên niên kỷ mới, trong bối cảch hội nhập và phát triển, việc kế thừa và phát huy những giá trị của nền văn hiến dân tộc Việt Nam vẫn tiếp tục được coi trọng; vấn đề tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm phong phú thêm các giá trị văn hóa dân tộc cũng ngày càng được đề cao. Tuy nhiên, ở những thời điểm lịch sử khác nhau, giá trị của di sản cũng được nhìn nhận khác nhau. Việc xác định đâu là di sản tích cực cần phải phát huy, đâu là di sản tiêu cực cần phải xóa bỏ... là một vấn đề phức tạp, mang ý nghĩa cấp thiết trong thời đại ngày nay.

Bằng lòng say mê, tâm huyết với lịch sử dân tộc, GS văn tạo đã trở lại cội nguồn dân tộc, dày công nghiên cứu và kiến giải những di sản do ông cha để lại, với mong muốn góp phần vào việc kế thừa, phát huy các giá trị đó trong sự nghiệp đổi mới toàn diện và xây dựng đất nước hiện nay. Cuốn sách công bố kết quả nghiên cứu trên ba lĩnh vực:

- Khoa học và công nghệ.

- Pháp luật và hương ước (hay còn gọi là “Luật nước và Lệ làng”).

- Nông thôn và nông nghiệp.