Con mắt giả

Lê Hải Hà
14:32, ngày 10-04-2007

TCCSĐT - Trước đây, tôi và K cùng thi đỗ vào đại học. Tôi trở thành sinh viên khoa ngữ - văn, Trường đại học Tổng hợp; K là sinh viên khoa văn, Trường đại học Sư phạm. Sau khi tốt nghiệp, tôi được phân công về một cơ quan báo chí, rồi ngay sau đó được cử làm phóng viên mặt trận ở chiến trường B (tức miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước); K thì được giữ lại trường làm cán bộ tổ chức.

Thú thật, sinh viên chúng tôi thời đó, anh nào vừa mới tốt nghiệp đã được cử ngay vào chiến trường là "oai" lắm; nếu được giữ lại trường thì phải là cán bộ giảng dạy mới thích, chứ làm cán bộ tổ chức như K thì chẳng mấy ai mê (mặc dù người phải rất được tin cậy, lý lịch đủ tiêu chuẩn mới được phân công làm việc đó).

Tôi mãn nguyện đã đành. K cũng có cái để tự an ủi. Chẳng những hài lòng với công tác được phân công, mà K còn rất say mê nó nữa. Điều chứng minh rõ rệt cho việc này là từ khi tốt nghiệp đại học đến nay, anh chỉ chuyên làm công tác tổ chức cán bộ. Nếu không phải là người say mê công việc, có tài và có tâm thì K không thể tiến bộ nhanh và có nhiều thành tích đến như vậy. Từ một cán bộ bình thường anh lần lượt được đề bạt làm phó phòng, trưởng phòng, rồi vụ phó, vụ trưởng và bây giờ là một cán bộ cao cấp thuộc hàng VIP trong lĩnh vực tổ chức cán bộ.

Tạm gác lại những chuyện về K, bây giờ tôi chuyển sang nói tản mạn đôi điều về Q (cũng là một người tôi quen biết). Phải nói ngay để bạn đọc hiểu tất cả những chuyện về K và Q đều có liên quan với nhau. Lúc đầu Q cũng là một cán bộ nhà nước. Từ khi Đảng ta tiến hành công cuộc đổi mới thì Q xin thôi việc nhà nước ra ngoài làm ăn, sau đó, trở thành một doanh nhân thành đạt. Và, bây giờ là một doanh nhân "cỡ bự". Phải nói là anh rất giàu, tới mức ai bảo anh là tỉ phú đô-la thì anh hơi đỏ mặt, cảm thấy ngượng vì chưa xứng tầm. Nhưng nếu bảo anh là tỉ phú "VNĐ" thì anh lại nhăn mặt, tỏ vẻ khó chịu, bởi vì nói như thế chẳng bằng coi thường anh quá.

Anh vẫn khoe với mọi người: "Tôi làm giàu một cách chính đáng, bởi vì những tiêu chí để trở thành một doanh nhân thành đạt là tài, tâm, trí, tín thì tôi đều có cả". Tôi sẽ không sa đà vào việc phân tích Q đã làm giàu như thế nào và việc làm giàu đó có chính đáng hay không, bởi vì nhân vật chính của câu chuyện này là K.

Xin được nói tiếp. Trong một lần bị tai nạn, không may anh Q bị hỏng con mắt trái. Mặc dù được đưa đi cấp cứu kịp thời, song vì vết thương quá nặng, các bác sỹ đành khoét bỏ con mắt đó để đề phòng những biến chứng có thể xảy ra đối với con mắt bên phải.

Thấy người ta mách bảo kỹ thuật nhãn khoa của Mỹ giỏi lắm, anh bèn sang đó để làm con mắt giả. Đúng là y học Mỹ giỏi thật. Con mắt giả của anh không khác gì con mắt thật, đến nỗi, có người còn khuếch trương rằng, nếu không có sự hỗ trợ của máy móc hiện đại thì cũng chịu không phân biệt được con mắt nào thật, con mắt nào giả. Có lẽ trong cái rủi cũng có cái may. Q rất hài lòng về con mắt giả của mình. Đôi lúc anh còn nói đùa: "Tớ vẫn thừa sức tán gái".

Trở lại chuyện về K. Anh đúng là người có năng khiếu về công tác tổ chức cán bộ. Người ta ca ngợi anh rằng: "Phải, trái; trắng đen; vàng, thau… anh không bao giờ lẫn lộn". Nói như thế tức là trong cách nhìn người anh tài lắm. Đó không phải là cái tài xem tử vi, tướng số đâu mà là cái tài thực được tích lũy từ kinh nghiệm của những năm làm công tác tổ chức cán bộ. Chẳng hạn, nhìn qua một người nào đó, anh có thể nói ngay một cách chính xác rằng, anh ta thuộc hạng người trung thực hay xảo trá, có thể tin được hay phải cảnh giác đề phòng… Chắc hẳn K phải là một con người như vậy cho nên mới được cấp dưới quý trọng, cấp trên tin dùng.

Tất nhiên là tôi cũng rất tin và rất phục K. Mặc dù là chỗ bạn bè thân quen, song tôi vẫn muốn bí mật thử làm một cuộc trắc nghiệm. Tôi dẫn Q đến nhà K chơi. Để K yên tâm, tôi nói luôn: "Q cũng là bạn. Mình muốn giới thiệu để hai ông quen biết nhau, chứ không phải để nhờ vả nhau đâu". Trong không khí cởi mở, thân mật, Q khoe với K là mới sang Mỹ làm con mắt giả. Anh hết lời ca ngợi trình độ y học của nước Mỹ, rồi đột nhiên đố K: "Tôi đố anh con mắt nào là thật, con mắt nào là giả". K thoáng nhìn rồi chỉ ngay vào con mắt trái của Q: "Con mắt này là mắt giả". Q sững sờ nhìn K thán phục, rồi thốt lên câu hỏi: "Sao ông biết?". K bình thản trả lời: "Bởi vì con mắt đó trông hiền chứ không gian như con mắt phải".

Dường như thấy mình hơi thiếu tế nhị, nên K bèn đính chính: "Tức là trông nó không lanh lợi bằng". Biết bị xỏ ngọt, nhưng Q vẫn vui vẻ - vui vẻ trong sự thán phục K một cách thật lòng.

Có người nói, trong công tác tổ chức cán bộ nếu làm đúng được 60% cũng là tốt lắm rồi. Đó là câu nói cửa miệng của một quan chức cao cấp phụ trách lĩnh vực này vào những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước. Riêng tôi lại nghĩ hơi khác: "Trong công tác tổ chức - cán bộ, nếu có được nhiều người như K thì sự đúng đắn không chỉ ở mức 60% mà chắc chắn phải cao hơn thế nhiều".