Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương

TS PHÙNG QUỐC HIỂN
Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, Chuyên gia tư vấn của Hội đồng lý luận Trung ương
12:13, ngày 22-12-2024

Di sản của nhân loại, của mỗi quốc gia, dân tộc, của mỗi vùng, mỗi địa phương  là tài sản đặc biệt quý giá, có giá trị rất cao, cả về kinh tế, chính trị và văn hóa. Đó là tài nguyên, là nguồn lực quan trọng để phát triển trong thời đại kinh tế tri thức của cả nhân loại, của mỗi quốc gia, dân tộc, vùng và địa phương. Song các di sản cũng đang đứng trước những thách thức, mâu thuẫn, cần được bảo tồn và phát huy những giá trị, nhất là giá trị về kinh tế. Dưới góc độ quản trị ở cấp độ vùng và địa phương thì vấn đề giải quyết thách thức, mâu thuẫn đó như thế nào?

Giải quyết những thách thức, mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế của di sản

Như chúng ta đã biết, di sản được hiểu một cách đơn giản nhất là những tài sản có giá trị vật chất, giá trị tinh thần, giá trị tự nhiên, cả hữu hình và vô hình mà thế hệ trước để lại cho thế hệ sau. Là những giá trị của nhân loại, của đất nước, dân tộc, tổ tiên, cha ông mở mang, phát triển, tích lũy, gìn giữ, bảo vệ để lại cho con cháu. Di sản có nhiều cách thức phân loại, như: di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, di sản mang tính thừa kế của dòng tộc, gia đình…hay di sản vật thể và di sản phi vật thể; hoặc di sản nhân tạo và di sản thiên nhiên…

Di sản được bảo tồn, gìn giữ đến ngày nay là nhờ các thế hệ trước nối tiếp nhau, từ sơ khai đến hiện đại, từ tự phát đến tự giác, từ vô luật đến có luật, đều phải thực hiện quản trị với trình độ, phạm vi, đối tượng khác nhau. Sơ khai thì quản trị là dùng quyền lực để đưa các đối tượng vào khuôn mẫu, vào quy định để đạt mục tiêu đề ra. Nhưng quản trị theo quan niệm hiện đại là: tận dụng nguồn lực hữu hạn để đạt được mục tiêu tối đa, hay nói cách khác là, tận dụng tốt nhất nguồn lực, sử dụng nguồn lực đạt hiệu quả cao nhất. Quản trị là một tiến trình từ hoạch định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đến tổ chức, lãnh đạo và kiểm tra để bảo đảm cho các nguồn lực được sử dụng đúng mục tiêu và đạt hiệu quả cao nhất.

Có thể hiểu di sản nhìn dưới góc độ kinh tế là những tài sản có giá trị kinh tế, là di sản có thể đem lại nguồn lực kinh tế, tài chính và tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh phục vụ cho sự phát triển. Muốn bảo tồn và phát huy những giá trị kinh tế của di sản một cách hiệu quả và bền vững, thì phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản, với yêu cầu tiên quyết là phải thực hiện tốt việc quản trị những di sản đó. Hay nói cách khác, quản trị tốt thì sẽ bảo tồn và phát huy tốt, sử dụng có hiệu quả giá trị kinh tế của di sản vào sự phát triển của đất nước, của vùng và địa phương.

Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, nhất là giá trị về kinh tế, có thể kể tới: (i) là quan hệ giữa quá khứ với hiện tại, hướng tới tương lai của di sản; (ii) là quan hệ giữa tồn tại và phát triển; (iii) là quan hệ giữa văn hóa và kinh tế (iv); là quan hệ giữa lợi ích công và lợi ích tư, giữa nhà nước với tổ chức, doanh nghiệp và người dân; (v) là quan hệ giữa quốc tế với quốc gia, dân tộc, giữa các địa phương với nhau, giữa các cộng đồng dân cư…

Xét cho cùng, giải quyết mối quan hệ này dưới góc độ quản trị ở cấp độ quốc tế, quốc gia hay ở cấp độ vùng và địa phương là phải giải quyết một cách hợp lý nhất những thách thức, mâu thuẫn đang đặt ra trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế của di sản. Những thách thức, mâu thuẫn đó là:

(i) Thách thức, mâu thuẫn về nhận thức, về triết lý Đông - Tây, về hệ tư tưởng, về văn hóa, dân tộc và tôn giáo, về tư duy nhiệm kỳ và tầm nhìn dài hạn đối với di sản. Về chiến tranh, thiên tai, môi trường và cả sự bào mòn của thời gian với di sản. Đây là thách thức, mâu thuẫn lớn nhất, đã làm hủy hoại rất nhiều di sản, cản trở nghiêm trọng sự phát triển, làm cho bảo tồn và phát huy giá trị của di sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Có rất nhiều ví dụ khó có thể kể hết ở nhiều thể chế chính trị, nhiều giai đoạn lịch sử cả ở cận đại đến hiện đại, trên thế giới, ở trong nước, ở nhiều vùng và địa phương. Việt Nam và các địa phương còn không nhiều các di sản là nạn nhân của tình trạng này.

(ii) Thách thức, mâu thuẫn giữa xây dựng và triển khai thực hiện mục tiêu, mô hình, cơ cấu nền kinh tế, môi trường xã hội, giữa tăng trưởng nhanh và tăng trưởng bền vững, giữa kế thừa và phát triển của đất nước, vùng và địa phương, nổi lên nhất là xung đột về mục tiêu phát triển công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp đã làm tổn hại đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Ví dụ điển hình nhất là việc khai thác tài nguyên để phát triển công nghiệp thì ảnh hưởng trực tiếp đến di sản thiên nhiên, môi trường. Có những môi trường xanh, sạch gắn với thiên nhiên cũng là di sản, nhưng đang bị phá vỡ nghiệm trọng ở nhiều địa phương

(iii) Thách thức, mâu thuẫn về lợi ích toàn xã hội, tập thể và lợi ích cá nhân, lợi ích chung và lợi ích riêng, lợi ích giữa Trung ương và địa phương, và các địa phương với nhau, nhỏ hơn là nhóm nhỏ dòng họ, làng xã cũng phát sinh mâu thuẫn mà di sản cũng bị tác động không nhỏ và phải gánh chịu. Một việc tưởng như bình thường, như thực hiện chủ trương sáp nhập làng, xã cũng đã tác động nhất định đến tâm tư của nhân dân liên quan đến tên làng, tên các địa danh lịch sử có từ lâu đời của một số địa phương.

(iv) Thách thức và mâu thuẫn giữa nhu cầu về tài chính, về nguồn nhân lực để bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế của di sản và khả năng đáp ứng. Nhiều di sản bị xuống cấp nghiêm trọng, bị mai một theo thời gian nhưng nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực lại không đáp ứng. Trường hợp này xảy ra rất nhiều đối với di sản vật thể và cả di sản phi vật thể ở nhiều vùng, nhiều địa phương.

 (v) Thách thức và mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, trong hệ thống quản lý. Xuất hiện nhiều xung đột và khoảng trống về mặt pháp lý của hệ thống pháp luật, hệ thống quản lý. Ví dụ như quản trị vùng, liên kết kinh tế vùng cũng chưa được làm tốt, hay một số xung đột tranh chấp di sản ở nhiều địa phương, dòng họ cũng chưa giải quyết tốt.

Như vậy, ở góc độ quản trị vùng và địa phương, giải quyết những thách thức, mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế của di sản thế nào cho hợp lý để thúc đẩy và sử dụng hiệu quả di sản? Có thể nêu một số giải pháp sau:

Một là, cần phải kiểm kê các di sản vật thể và phi vật thể trên địa bàn của từng vùng có mối liên kết địa kinh tế và của từng địa phương. Từ đó rà soát, đánh giá lại chất lượng, các giá trị, nhất là giá trị về kinh tế, các nguy cơ có thể làm hủy hoại, xói mòn các di sản của vùng, của địa phương.

Hai là, phải đổi mới tư duy và nhận thức trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Tránh cách nghĩ, cách làm mang tính chủ quan, duy ý chí, không tuân thủ các quy luật khách quan, không nhận thức được xu thế phát triển của thời đại. Từ đó cần xây dựng chiến lược, quy hoạch, với tầm nhìn dài hạn, vừa có tính kế thừa, vừa có tính đổi mới. Trên định hướng đó xây dựng kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn để có thể bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản, nhất là giá trị kinh tế của di sản, để biến nó thành nguồn lực cho sự phát triển. Chiến lược và quy hoạch phải xử lý hài hòa các thách thức và mâu thuẫn đã nêu ở các điểm (i) đến (v) ở phần trên. Trong đó phải lấy bảo tồn di sản là mục tiêu chính, mục tiêu trung tâm.

Ba là, phải xây dựng và hoàn thiện được một thể chế hoàn chỉnh về mặt pháp lý, vừa bảo đảm thông lệ quốc tế, bảo đảm quá trình hội nhập, vừa khắc phục được những mâu thuẫn, xung đột pháp lý hiện nay của các luật có liên quan, lấp được các khoảng trống pháp lý hiện nay, nhất là những liên quan đến quản lý, quy hoạch vùng, kinh tế vùng của các di sản. Các vùng cần xây dựng các cơ chế phối hợp vùng, liên vùng để thống nhất về chủ trương, về tổ chức thực hiện nhằm phát huy giá trị của di sản. Đồng thời các địa phương cũng cần xây dựng các cơ chế để có thể quản trị tốt nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản trên địa bàn.

Bốn là, phải huy động được nguồn lực trong và ngoài nước, nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các tổ chức quốc tế, các thành phần kinh tế, các tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo. Phải biến các giá trị hiện tại và giá trị hình thành trong tương lai của di sản thành nguồn lực, thành tài nguyên, tạo thế năng về tài chính, vốn hóa một cách hợp lý các di sản để giải quyết cân đối giữa nhu cầu và khả năng về tài chính cho bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế của di sản, nhằm mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - văn hóa - xã hội. Với phương châm theo cơ chế thị trường, nhưng phải có sự quản lý, dẫn dắt, kiến tạo của nhà nước, sự đồng thuận của nhân dân, lấy bảo tồn là trung tâm, là mục tiêu lâu dài trong khai thác, phát huy giá trị của di sản.

Năm là, phải kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở các cấp độ khác nhau từng vùng, địa phương, từng di sản để kịp thời phát hiện và xử lý kịp thời các sai sót, để khắc phục và điều chỉnh nhanh chóng những khiếm khuyết trong quá trình tổ chức thực hiện. Với cơ chế tự kiểm tra, kiểm soát, giám sát là chính, trong đó chú trọng vai trò của người dân trong hoạt động này. Hoạt động này phải có hệ thống, thường xuyên nhưng không làm cản trở công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

Sáu là, trong thời đại bùng nổ của khoa học - kỹ thuật, trở thành yếu tố hàng đầu, quan trọng để xây dựng và phát triển lực lượng sản xuất mới, nhất là trong kỷ nguyên của công nghệ số, công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới… Thì hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản, và quản trị hoạt động này phải tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ của thời đại vào quá trình này. Có như vậy mới có thể đưa bảo tồn và phát huy giá trị của di sản thành một thế mạnh trong các ngành công nghiệp văn hóa.

Bảy là, phải chú trọng giáo dục ý thức bảo tồn, phát huy di sản cho thế hệ trẻ, người chủ tương lai của di sản, hiểu được di sản là tài sản vô giá của nhân loại, của đất nước, của dân tộc, để từ đó hình thành ý thức tự giác trong bảo tồn di sản và trách nhiệm phát huy giá trị di sản. Không để di sản bị mai một, nhất là di sản phi vật thể. Đồng thời phải đào tạo một lực lượng lao động, lực lượng khoa học kỹ thuật và đội ngũ quản lý, doanh nhân ngang tầm với sự phát triển, nhất là trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đây là khâu trọng yếu nhất để chúng ta có được một lực lượng lao động có trình độ và tính chuyên nghiệp cao.

Tám là, trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, vấn đề hợp tác quốc tế trong bảo tồn và phát huy giá trị của di sản cần được chú trọng và đổi mới toàn diện, trên tất cả các mặt: kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, quản trị. Sự phối hợp và hợp tác quốc tế cần được thực hiện ở các cấp độ khác nhau: trung ương, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. 

Chín là, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, nhất là cấp ủy các cấp. Thực tế cho thấy, không ít cấp ủy chưa thực sự quan tâm đến lãnh đạo công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, cần khắc phục tốt tình trạng này trong thời gian tới. Tiếp tục nâng cao vai trò xây dựng thể chế, kiến tạo, quản trị của chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương. Khắc phục khâu yếu hiện nay là công tác tổ chức thực hiện và sự phân công, phối hợp giữa Trung ương và địa phương, giữa các địa phương, nhất là phối hợp vùng, liên vùng. Cần sự vào cuộc tốt hơn và thực chất hơn của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp và cộng đồng dân cư, của người dân đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Điểm lưu ý nhất là, cần phải đưa người dân là chủ thể mang tính cốt lõi của quá trình bảo tồn và phát huy giá trị, nhất là giá trị kinh tế của di sản. Không ai khác, người dân chính là lực lượng gìn giữ, bảo vệ, phát huy và thụ hưởng thành quả của bảo vệ và phát huy các giá trị của di sản. Chỉ có như vậy di sản sẽ là tài sản, vốn quý của đất nước, của dân tộc.

Mười là, dưới góc độ của quản trị vùng và địa phương, để giải quyết được mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị, nhất là giá trị về kinh tế của vùng và địa phương, thì xuyên suốt là phải bảo đảm tính hệ thống, kết nối của hoạt động quản trị, không bị chia cắt bởi không gian, địa giới, thủ tục hành chính. Đồng bộ làm tốt chín giải pháp nêu trên và luôn lấy hiệu quả làm chính.

Một số gợi ý trong thực hiện quản trị vùng và địa phương với hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị kinh tế của di sản với tỉnh Quảng Ninh

Quảng Ninh là một tỉnh có nhiều di sản tự nhiên và di sản văn hóa, nhất là di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thế giới có giá trị thẩm mỹ và giá trị địa chất địa mạo, được một số tổ chức quốc tế bình chọn là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Ngoài ra, Quảng Ninh còn có bảy di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (Thực hành then của đồng bào Tày, Nùng, Hát nhà tơ, lễ hộ Tiên Công, Lễ hội đền Cửa Ông, Lễ hội đình Trà Cổ, Lễ hội Đình Quan Lạn, lễ hội Bạch Đằng) và 630 di tích và danh thắng, trong đó có bảy di tích quốc gia đặc biệt  ngoài Vịnh Hạ Long (Di tích Yên Tử, Bạc Đằng, di tích nhà Trần tại Đông Triều, Đền Cửa Ông, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô, quần thể thương cảng Vân Đồn, Đình Trà Cổ). Đây là nguồn tài sản, nguồn lực to lớn và vô giá mà không một địa phương nào có được. Quảng Ninh cũng là địa phương duy nhất trong 63 tỉnh, thành phố được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên với, với  ý nghĩa: “Quảng là rộng lớn, Ninh là yên vui, bền vững”. (Nguồn: Chuyện Bác Hồ đặt tên cho Quảng Ninh, Báo Quảng Ninh điện tử, ngày 19-10-2023). Có thể coi đó là một di sản quý báu, một quan điểm phát triển mà Bác Hồ đã để lại cho Quảng Ninh.

Quảng Ninh nằm trong vùng kinh tế - xã hội đồng bằng sông Hồng, là lõi của nền văn minh sông Hồng, với mật độ dày đặc các di sản tự nhiên, di sản văn hóa. Quảng Ninh cũng là một cực trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh của vùng trọng điểm kinh tế Bắc bộ, có đường biên giới trên bộ và biển với Trung Quốc. Vị trí địa kinh tế như vậy, cùng với bề dày lịch sử và văn hóa, đã làm nên tiềm năng từ nguồn lực giá trị di sản đồ sộ của tỉnh Quảng Ninh. Rõ ràng vấn đề quản trị vùng và của tỉnh đối với di sản như thế nào là vấn đề lớn cần được nghiên cứu và giải quyết. Những thành tựu bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nhất là giá trị về kinh tế, cũng như sự liên kết, liên doanh của tỉnh với cả vùng, với cả nước và quốc tế trong những năm qua, nhất là trong giai đoạn 40 năm đổi mới là to lớn, quan trọng. Đem lại những vị thế và sự phát triển chưa từng có của Quảng Ninh. Nhưng cũng còn những khiếm khuyết, thách thức và mâu thuẫn mà tỉnh phải giải quyết cả trước mắt và trong tương lai.

Về cơ bản, những thách thức, mâu thuẫn ở Quảng Ninh mức độ này hay mức độ khác cũng giống như các thách thức, mâu thuẫn nêu ở phần trên. Nhưng có những vấn đề trở nên gay gắt, đó là (i) Thách thức, mâu thuẫn giữa các mục tiêu phát triển, cơ cấu kinh tế với mục tiêu bảo tồn di sản, nổi lên là giữa phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp khai khoáng, Phát triển thủy sản, phát triển dịch vụ, nhất là du lịch, phát triển đô thị với bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường và giữ được cảnh quan. (ii) Thách thức giữa phát triển nhanh và phát triển bền vững, giữa hiệu quả trước mắt, thuần túy và hiệu quả lâu dài, giữa số lượng và chất lượng…(iii) Giữa nhu cầu và khả năng về lực lượng lao động, nhất là lao động có chất lượng cao, về tài chính, về đất đai, về không gian phát triển. (iv) Về quy hoạch, phối hợp quản trị vùng, về trình độ quản trị của địa phương. Cần lưu ý, không gian kinh tế không thể bó hẹp trong ranh giới hành chính.

Gợi mở một số giải pháp với Quảng Ninh để có thể bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế của di sản

1- Cần phải lựa chọn hướng phát triển đúng, đúng xu thế, giảm mức độ xung đột giữa các mục tiêu phát triển của tỉnh, nhất là những xung đột, mâu thuẫn ảnh hưởng đến công tác bảo tồn các giá trị di sản, theo đó nên giảm dần công nghiệp liên quan khai thác khoáng sản, nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm, tổn hại đến đến giá trị di sản. Thực hiện tốt ý tưởng của Bác Hồ khi đặt tên Quảng Ninh là “bền vững”. Lấy phát triển bền vững là hướng đi lâu dài, cương quyết không đánh đổi phát triển nhanh mà ảnh hưởng đến tính bền vững, nhất là bảo tồn di sản thiên nhiên, môi trường, động thực vật quý hiếm của Quảng Ninh.

2- Giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế của di sản, trong đó phải lấy bảo tồn là cốt lõi, là trung tâm mang tính lâu dài. Phát huy giá trị kinh tế là cần thiết, tạo nguồn lực tài chính cho bảo tồn, nhưng không được ảnh hưởng đến nhiệm vụ bảo tồn di sản. Muốn vậy, cần phải làm tốt công tác quản trị vùng, quản trị của địa phương một cách có hệ thống như đã trình bày ở trên, bảo đảm vai trò của quản trị với di sản từ khâu quy hoạch, kế hoạch, lãnh đạo chỉ đạo trong tổ chức thực hiện, tăng cường kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả quá trình tổ chức thực hiện. Làm tốt công tác liên kết, liên doanh với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng, nhất là với Hải Phòng, Hà Nội và các tỉnh duyên hải Bắc bộ.

3- Tỉnh Quảng Ninh phải là tỉnh tiên phong xây dựng và phát triển một nền kinh tế tri thức. Dựa trên nguồn tài nguyên tri thức, nguồn lực của di sản thiên nhiên và di sản văn hóa, coi đó là động lực lâu dài cho sự phát triển của tỉnh, giảm dần tỷ trọng tăng trưởng dựa vào vốn đầu tư, từ tài nguyên, đất đai và lao động giá rẻ. Để văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng, cùng di sản thiên nhiên phát huy được giá trị của mình, cần sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kinh tế với văn hóa, với khoa học và kỹ thuật. Khi thúc đẩy tốt sự kết hợp này sẽ tạo ra bước phát triển bền vững và hiệu quả cho tỉnh Quảng Ninh.

4- Quảng Ninh cần chú trọng hơn nữa đến công tác giáo dục - đào tạo thế hệ trẻ, giáo dục công dân, đào tạo lực lượng lao động có chuyên môn cao, phục vụ lâu dài cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của di sản./.