Để các sản phẩm thủ công nghiệp đóng góp phát triển kinh tế di sản tỉnh Quảng Ninh
TCCS - Kinh tế di sản là một lĩnh vực kinh tế đặc biệt, đó là sự phát triển kinh tế dựa trên các giá trị của di sản văn hóa. Đây là một xu hướng phát triển đã và đang được nhiều quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng quan tâm. Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh rất chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế di sản, tuy nhiên đây là một lĩnh vực mới nên vẫn còn nhiều vấn đề cần được thảo luận. Nhận thức đúng đắn, sâu sắc về kinh tế di sản, đánh giá tiềm năng, thực trạng, định hướng phát triển kinh tế di sản của tỉnh là những vấn đề cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Sự phát triển các sản phẩm thủ công nghiệp ở Quảng Ninh
Kinh tế di sản được hiểu như một hình thái phát triển dựa trên nền tảng các giá trị sẵn có từ cả tự nhiên và xã hội ở mỗi địa phương, khu vực. Thủ công nghiệp là lĩnh vực sản xuất bao gồm tất cả các nghề thủ công, trong đó có các nghề thủ công truyền thống, đã có quá trình hình thành và phát triển qua nhiều đời thợ, với những sản phẩm có những đặc trưng và được nhiều người biết đến. Theo đó, phát triển kinh tế di sản dựa trên các sản phẩm thủ công nghiệp được xem như là sự phát triển kinh tế từ các sản phẩm thủ công nghiệp đã được hình thành và phát triển từ lâu đời tại các vùng di sản. Ngày 30-10-2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU, về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh bền vững, với những mục tiêu phù hợp với xu thế thời đại, thích ứng với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết số 17-NQ/TU xác định đến năm 2030 là, xây dựng Đề án phát triển các làng nghề truyền thống trở thành sản phẩm văn hóa du lịch; phát triển văn hóa ẩm thực Quảng Ninh thông qua việc lựa chọn, hoàn thiện các món ăn địa phương, nâng tầm thành nghệ thuật từ khâu sản xuất đến thưởng thức kết nối thành điểm đến của khách du lịch, hướng tới xuất khẩu ẩm thực truyền thống; từng bước hình thành các cơ sở dịch vụ ăn uống đạt chuẩn xếp hạng quốc tế. Đặc biệt, Quảng Ninh xác định sẽ phát huy hơn nữa giá trị văn hóa của từng địa phương qua mô hình OCOP; xác định sản phẩm OCOP là sản phẩm văn hóa và quan tâm đầu tư nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp cho từng sản phẩm, mang đậm giá trị văn hóa bản địa. Để gìn giữ những tinh hoa nghề truyền thống của cha ông gửi gắm cho thế hệ mai sau, các cấp, ngành, địa phương cần có những biện pháp hiệu quả và quyết liệt hơn, huy động mạnh mẽ các nguồn lực cho công tác bảo tồn, tạo điều kiện phát triển nghề gắn với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch; tăng cường công tác đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các nghệ nhân.
Tỉnh Quảng Ninh với nền văn hóa Hạ Long từng là nơi người Việt cổ phát triển từ lâu đời các nghề truyền thống, như chế tác đồ gốm từ các loài nhuyễn thể, đan lát... Một số nghề ra đời sau đó cùng với tiến trình phát triển của lịch sử vùng đất Quảng Ninh, nhiều nghề và làng nghề truyền thống mang đậm nét văn hóa địa phương, góp phần quan trọng tạo việc làm, hiệu quả kinh tế phục vụ đời sống nhân dân. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số nhóm ngành, nghề thủ công truyền thống, như: nghề làm gốm sứ, mây tre đan, điêu khắc than đá, thêu thổ cẩm, chế tác đồ gốm từ các loài nhuyễn thể, nuôi cấy ngọc trai... Trong đó, phải kể đến các làng nghề, như: gốm sứ Đức Chính, gốm sứ Vĩnh Hồng, gốm sứ Đông Thành (Đông Triều); nuôi cấy ngọc trai ở Hạ Long, than đá mỹ nghệ ở Hạ Long, Cẩm Phả…
Một số làng nghề, nghề truyền thống đã chủ động tìm được hướng đi đúng đắn, phù hợp với nhu cầu phát triển của thị trường. Việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP (Mỗi xã, phường một sản phẩm) gắn với xây dựng nông thôn mới trong 10 năm qua đã góp phần hồi sinh, tạo sức sống mới cho các làng nghề truyền thống, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm, thu nhập cho lao động địa phương. Sản phẩm làng nghề trở nên đa dạng hơn, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh giá trị kinh tế, các nghề và làng nghề truyền thống còn đóng góp vào bức tranh văn hóa của địa phương, đưa làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch đã và đang trở thành xu hướng phát triển tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Quảng Ninh đã tạo được dấu ấn trên thị trường trong và ngoài nước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ năm 2023 của Quảng Ninh đạt gần 8.160 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trên thực tế, các nghề truyền thống và làng nghề ở Quảng Ninh vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Một số nghề có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu theo hộ gia đình, chưa có sự liên kết giữa các nhóm hộ với nhau nên còn ít nghề, làng nghề đạt tiêu chí công nhận nghề, làng nghề truyền thống. Cùng với đó là một số nguyên nhân khác, như: người lao động chưa thực sự quan tâm đến việc được công nhận các nghề truyền thống hay làng nghề truyền thống; nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ còn thấp, chính sách phát triển nghề còn nhiều bất cập, nhu cầu tiêu dùng thay đổi dẫn đến những khó khăn trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ..., vì thế, nhiều ngành nghề truyền thống đang dần bị thu hẹp. Một số ngành, nghề thủ công còn giữ được truyền thống và có sự phát triển có thể kể đến là:
Làng nghề thủ công gốm sứ
Gốm sứ Móng Cái đặc trưng cho tính chất của dòng gốm nặng lửa. Sự ra đời của dòng sứ này khá muộn, mãi đến giữa thế kỷ XIX mới xuất hiện cụm lò sứ đầu tiên và Móng Cái đã từng trở thành một trung tâm gốm sứ. Để đạt được sự ghi nhận, đánh giá cao chỉ qua sự hiện diện hơn một thế kỷ, dòng sứ Móng Cái có những đặc điểm riêng, nổi trội so với các dòng sứ khác ở trong và ngoài nước, trong đó, điểm đặc trưng nhất là mỹ thuật tạo hình, hoa văn, các đề tài trang trí mang tích truyện của Đạo giáo, Nho giáo, Phật giáo, mang hàm ý tươi vui, chúc phúc... Gốm sứ Móng Cái ra đời mang dấu ấn riêng ở phần men màu lam nhạt đặc sắc. Những sản phẩm gốm sứ có cách pha trộn màu độc đáo từ đậm nhạt đến tươi, sẫm được nung ở nhiệt độ trên 1.000 độ C cho ra những sản phẩm có độ bền cao. Ngày nay, làng nghề truyền thống gốm sứ còn hoạt động chủ yếu ở Mạo Khê và Đông Triều, sản xuất chủ yếu các đồ gia dụng phục vụ đời sống hằng ngày và vật dụng trang trí có tính thẩm mỹ cao, góp phần phát triển kinh tế xã hội và tăng thu nhập cho người dân nơi đây. Trên địa bàn thành phố Đông Triều có nhiều làng gốm truyền thống còn hoạt động, gồm: gốm sứ Ánh Hồng (phường Mạo Khê), Cầu Đất (phường Đức Chính) và các xưởng của gốm Quang Vinh. Ngoài các tour làng quê, điểm nhấn khi đưa khách du lịch về Đông Triều chính là được thăm các làng nghề gốm cổ, được các nghệ nhân say nghề hướng dẫn làm gốm. Đây chính là nguồn nguyên liệu tuyệt vời cho các sản phẩm, hành trình du lịch, đặc biệt là hướng đến đối tượng khách quốc tế muốn tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa Việt Nam. Từ nguồn nguyên liệu chính là đất cao lanh chịu lửa, do nhiệt độ đốt ở các lò của Đông Triều rất cao nên các sản phẩm làm ra nơi đây có độ bền tốt, nước men rất trong, mang nét đặc trưng mà các làng sản xuất sứ khác không thực hiện được. Đặc biệt là các loại chậu hoa to có đường kính lên tới 100cm, các loại đôn để kê chậu, các loại ang trồng cây, hoa… được khách hàng trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Các mặt hàng sứ, đặc biệt là các chậu hoa, đôn đã được xuất khẩu sang rất nhiều quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Đài Loan, Canada… Hiện trên địa bàn huyện Đông Triều có 11 doanh nghiệp và 54 cơ sở sản xuất gốm sứ của hộ gia đình, tạo việc làm thường xuyên cho trên 2.000 lao động, với thu nhập cao hơn 2 đến 3 lần so với sản xuất nông nghiệp thông thường.
Làng nuôi cấy ngọc trai Vân Đồn
Được ví như “vương quốc” ngọc trai, ngọc trai Vân Đồn đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, có chất lượng đứng đầu thế giới. Với hơn chục nghìn héc-ta diện tích bãi triều ngập nước, cùng với hàng vạn héc-ta diện tích mặt nước, khí hậu, môi trường ở vùng Vịnh Bái Tử Long tạo điều kiện thuận lợi để Vân Đồn phát triển nghề nuôi trai cấy ngọc. Vân Đồn là nơi tập trung 4 loài ngọc trai có giá trị, gồm trai Mã Thị, Vỏ Dày, Cánh Dài và Jamson, đây là những loài trai ngọc rất quý và có giá trị xuất khẩu cao. Trước đây, nghề nuôi trai ở Vân Đồn khá phát triển nhưng do nhiều nguyên nhân nên nghề này đã bị mai một dần. Hiện nay, ở Vân Đồn có 3 doanh nghiệp nuôi trai cấy ngọc, trong đó 2 doanh nghiệp có nguồn vốn 100% của Nhật Bản. Ngọc trai ở đây được thu hoạch quanh năm, qua bàn tay khéo léo của người lao động, cộng thêm điều kiện tự nhiên của vùng biển Vân Đồn khiến ngọc trai Vân Đồn có màu sắc sang trọng không thua kém bất kỳ sản phẩm trai ngọc nào của vùng Đông Nam Á. Hằng năm, làng nuôi cấy ngọc trai trên Vịnh Bái Tử Long thu hoạch những viên ngọc trai có kích thước lớn, lấp lánh đầy màu sắc, có giá trị kinh tế cao, chinh phục được cả những thị trường khó tính nhất như Mỹ, Nhật Bản…
Làng nghề mỹ nghệ than đá
Chế tác mỹ nghệ từ than đá là một nghề thủ công truyền thống độc đáo chỉ có ở vùng than Quảng Ninh, gắn liền với lịch sử hình thành của vùng đất mỏ và người công nhân mỏ. Nghề thủ công mỹ nghệ than đá được du nhập từ Pháp và có mặt từ đầu thế kỷ XX, đến nay làng nghề truyền thống này đã khá nổi tiếng. Những sản phẩm làm từ than đá, nhờ chất liệu độc đáo kết hợp với bàn tay tài hoa của người thợ đã tạo ra những tác phẩm mang giá trị nghệ thuật cao, góp phần tạo nên tên tuổi cho làng nghề truyền thống này. Từ một số mẫu đơn giản ban đầu như phù điêu Vịnh Hạ Long, hòn Trống Mái…, các nghệ nhân đã sáng tạo ra hàng nghìn sản phẩm điêu khắc than mỹ nghệ với độ tinh xảo, nghệ thuật, được du khách ưa thích. Mỗi sản phẩm than đá mỹ nghệ có giá từ vài trăm nghìn đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng, tùy kích cỡ và độ tinh xảo. Nhiều sản phẩm điêu khắc từ than đá tại Quảng Ninh có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong nước và một số quốc gia như Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Anh, Mỹ, Áo, Đức…
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nhưng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh luôn xác định tiết kiệm chi phí sản xuất, đảm bảo đời sống cho người lao động là yếu tố quan trọng để đơn vị phát triển bền vững. Ngoài ra, những hỗ trợ của chương trình khuyến công Quảng Ninh đã góp phần mở rộng quy mô sản xuất, làm phong phú thêm về mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thêm nhiều công việc cho người lao động.
Phát triển kinh tế di sản bền vững từ các sản phẩm thủ công nghiệp
Trong lộ trình xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, việc phát triển kinh tế di sản dựa trên sự phát triển của làng nghề thủ công nghiệp là điều kiện cần thiết. Đẩy mạnh phát triển các làng nghề thủ công nghiệp không chỉ giải quyết được việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người lao động mà còn là cách tốt nhất để người dân không rời bỏ làng quê ra đô thị tìm việc làm, gây ra sự mất cân bằng dân số nông thôn - thành thị và dẫn đến tình trạng già hóa dân số ở khu vực nông thôn. Các làng nghề vốn là một mô hình kinh tế đã hình thành từ lâu đời, dựa trên những giá trị riêng biệt của mỗi địa phương, có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trên toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có khoảng 20 làng nghề lớn nhỏ, trong số đó một số làng nghề truyền thống vẫn được duy trì và phát huy giá trị vốn có, tạo nên bản sắc văn hóa riêng biệt cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công về phát triển nghề và làng nghề thủ công nghiệp thì hiện nay các làng nghề cũng gặp nhiều khó khăn:
- Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún. Do nguồn tài chính đầu tư cho quy mô vốn chưa nhiều, chỉ mới dừng lại ở con số khiêm tốn là vài chục triệu, vài trăm triệu hoặc trên dưới vài tỉ đồng. Quy mô vốn nhỏ, làng nghề lại xuất phát phổ biến từ hộ gia đình nên mặt bằng sản xuất chật hẹp, không sắm được trang thiết bị sản xuất mới, hiện đại. Đối với làng nghề truyền thống thì việc chưa hình thành được quy mô sản xuất lớn còn do yếu tố tâm lý cá nhân, sợ bị lan truyền mẫu mã, bí quyết sản xuất khi nhân rộng việc truyền nghề cho người lao động, việc truyền nghề truyền thống đôi khi chỉ dừng lại trong mối quan hệ họ hàng, huyết thống. Do vậy, cần sự quan tâm, định hướng và tuyên truyền của các tổ chức quản lý và đơn vị sản xuất trong việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu đối với sản phẩm.
- Các làng nghề truyền thống chủ yếu sản xuất thủ công bằng tay, các thiết bị máy móc đơn giản và chậm cập nhật yếu tố công nghệ vào sản xuất. Ví dụ, làng nghề gốm sứ Đông Triều, với đặc thù là các sản phẩm đôn, chậu, lục bình to, nên phải nung ở nhiệt độ cao. Tuy nhiên, đến nay các hộ gia đình, doanh nghiệp vẫn sử dụng công nghệ sản xuất cũ là đốt bằng lò bầu, dùng chất đốt than, củi. Trên địa bàn hiện chỉ có Công ty TNHH Quang Vinh nổi bật nhất khi đã nghiên cứu và được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ và dây chuyền thiết bị sản xuất gốm sứ mỹ nghệ cao cấp ở quy mô công nghiệp”.
- Sản phẩm chưa thực sự có sự cải tiến đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng; hoạt động marketing còn hạn chế. Có thể thấy, các sản phẩm chủ yếu được sản xuất thủ công, lặp đi lặp lại những kiểu dáng mẫu mã truyền thống, chưa tạo nên sự sáng tạo, mới lạ. Ví dụ như mặt hàng gốm sứ Đông Triều chủ yếu vẫn là đôn, chậu cảnh, bình, lư..; làng nghề ngọc trai ở Vân Đồn với cơ sở sản xuất hiện đại cũng đang xuất khẩu thô sản phẩm vớí giá trị kinh tế chưa cao. Một thực tế để có thể tăng nhanh đầu ra cho sản phẩm chính là hoạt động marketing thì các làng nghề truyền thống cũng ít quan tâm hoặc làm chưa tới, hầu hết việc sản xuất gói gọn trong nhu cầu sinh hoạt sử dụng, doanh nghiệp chưa đầu tư cho việc nghiên cứu thị trường, cải tiến mẫu mã, đa dạng sản phẩm, giá cả và xây dựng kế hoạch marketing phù hợp.
- Môi trường sản xuất ô nhiễm là vấn đề nhức nhối hiện nay ở tất cả các cơ sở sản xuất làng nghề do chưa quy hoạch được địa bàn sản xuất. Quảng Ninh là một tỉnh có nguồn tài chính đầu tư mạnh về yếu tố công nghệ cho việc bảo vệ môi trường, tuy nhiên hoạt động của các làng nghề truyền thống hiện nay cũng đang ảnh hưởng chung đến hình ảnh du lịch của tỉnh.
Một số giải pháp cho phát triển làng nghề truyền thống của tỉnh trong giai đoạn hiện nay:
- Củng cố, giữ vững, tiến tới hiện đại hóa các làng nghề thủ công nghiệp hiện có, đồng thời khôi phục các làng nghề truyền thống, phát triển và xây dựng làng nghề mới ở hộ gia đình, khuyến khích và tăng cường đầu tư trang thiết bị tiên tiến cho các làng nghề, có kết hợp với công nghệ kỹ thuật truyền thống; phát triển làng nghề theo hướng hình thành các cụm công nghiệp quy mô nhỏ và vừa; phát triển làng nghề cần gắn với hoạt động văn hóa, du lịch, bảo vệ sinh thái...
- Xây dựng các chính sách ưu đãi cho phát triển nghề, và làng nghề truyền thống của tỉnh. Cần có các chính sách ưu đãi, khuyến khích cho phát triển quy mô doanh nghiệp, hỗ trợ quỹ đất, nguồn vốn hợp lý, thủ tục đơn giản để người dân có thể tiếp cận, đầu tư cho việc tái sản xuất hiệu quả. Quan tâm việc đãi ngộ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các làng nghề, đặc biệt nguồn nhân lực có trình độ, kiến thức công nghệ.
- Tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu được vai trò của việc kế thừa, phát triển nghề truyền thống là nhiệm vụ, trách nhiệm các cá nhân, cộng đồng, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Điều này không chỉ góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú cho các giá trị văn hóa địa phương mà còn tạo công việc, thu nhập, phát triển kinh tế cho cộng đồng.
- Mở các lớp dạy nghề, các lớp đào tạo về kỹ năng, công nghệ cho người lao động. Hiện nay, hầu hết lao động ở các làng nghề là lao động phổ thông, được truyền nghề từ các nghệ nhân lớn tuổi nên đôi khi tính hội nhập chưa được phát huy. Vì vậy, để có thể phát triển sản xuất, kinh doanh quy mô lớn, hiện đại, nâng cao chất lượng và đa dạng mẫu mã sản phẩm, việc mở các lớp đào tạo về thiết kế, marketing doanh nghiệp, kỹ năng bán hàng, ứng dụng công nghệ… là điều cần thiết trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các làng nghề phải thường xuyên học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng để sáng tạo ra nhiều hàng hóa bền đẹp, đa dạng kiểu cách. Nâng cao hiểu biết và ứng dụng marketing vào việc tiêu thụ sản phẩm. Trên thực tế, một số doanh nghiệp, hộ dân cũng chưa quan tâm tới hoạt động này, vì vậy, cả chính quyền, doanh nghiệp và hộ dân cần tìm hiểu, thấy được vai trò quan trọng của marketing trong kích thích tiêu thụ hàng hóa sản phẩm.
- Xây dựng và phát triển làng nghề truyền thống thành thương hiệu sản phẩm hàng hóa và thương hiệu du lịch của tỉnh. Tâm lý chung của khách du lịch và đặc biệt là khách du lịch nước ngoài là rất thích tìm hiểu, khám phá các giá trị văn hóa độc đáo tại nơi tham quan, do đó, các làng nghề thủ công nghiệp truyền thống sẽ là một kênh kết nối hiệu quả cho sự phát triển của du lịch tỉnh.
- Chú trọng bảo vệ môi trường làng nghề truyền thống. Cùng với hoạt động sản xuất, các doanh nghiệp, hộ dân cần có ý thức bảo vệ môi trường làm việc và môi trường cộng đồng xung quanh, góp phần tạo nên không gian làng nghề an toàn, đồng thời cũng là cơ hội giới thiệu, quảng bá cho làng nghề truyền thống đạt hiệu quả hơn.
- Huy động mạnh mẽ các nguồn lực cho công tác bảo tồn. Tiếp tục tạo điều kiện phát triển làng nghề gắn với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch; tăng cường công tác đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo nghề.../.Nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế di sản tỉnh Quảng Ninh  (18/12/2024)
Xúc tiến và khai thác tài nguyên phát triển các khu, điểm du lịch nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững: Từ thực tiễn tỉnh Quảng Ninh  (17/12/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm