Thăng Long Hà Nội - một nghìn sự kiện lịch sử

PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên
16:48, ngày 17-04-2007

Kể từ ngày đoàn thuyền ngự của Lý Công Uẩn dừng bên dòng Tô giang dưới chân thành Đại La mùa Thu năm Canh Tuất (1010) mở đầu trang lịch sử mới của vùng đất núi Nùng sông Nhị này, gần một nghìn năm đã trôi qua. Sử chép rằng, vào thời khắc lịch sử quan trọng ấy, có rồng vàng hiện lên trên thuyền ngự, nhà vua nhân đấy đổi tên Đại La thành Thăng Long. Thăng Long có nghĩa là rồng bay lên, thể hiện khát vọng vươn lên của cả dân tộc. Sự thực là quốc gia độc lập Đại Cồ Việt, rồi Đại Việt, qua hơn một trăm năm nỗ lực phấn đấu trải qua các đời Khúc, Dương, Đinh, Tiền Lê thực sự bước vào kỷ nguyên phục hưng mạnh mẽ. Với nhiều tên gọi, từ Thăng Long (năm 1010 -1397), Đông Đô (năm 1397-1407, năm 1428-1430), Đông Quan (năm 1407-1427), Đông Kinh (năm1430-1789) đến Bắc Thành (năm 1789-1831), Hà Nội (từ năm 1831), cuối cùng lắng lại thành tên gọi thiêng liêng nhất: Thăng Long – Hà Nội.

Trong dặm dài lịch sử ấy, Thăng Long – Hà Nội là nơi diễn ra, và là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lớn lao, nhiều biến cố thăng trầm của riêng mảnh đất này và của chung đất nước, có nhiều vinh quang chói lọi, nhưng cũng không ít tủi cực lầm than. Lịch sử Thăng Long – Hà Nội, vì thế, đã trở thành lịch sử chung của đất nước Việt Nam, của mọi người Việt Nam. Và cũng vì thế, hiểu biết về lịch sử Thăng Long – Hà Nội không chỉ là nhu cầu của riêng người Hà Nội, mà là của mỗi người Việt Nam.

Thăng Long – Hà Nội một nghìn sự kiện lịch sử là một phác họa tiến trình lịch sử Thủ đô dưới hình thức biên niên. Một nghìn sự kiện trong gần một nghìn năm kể từ ngày Lý Công Uẩn định đô rõ ràng chưa phải là toàn bộ lịch sử Thăng Long – Hà Nội. Do vậy, con số một nghìn sự kiện ở đây, vừa cụ thể lại vừa biểu trưng.

Cuốn sách được chia thành bốn phần theo các thời kỳ lịch sử:

Phần một: Hà Nội trước định đô

Phần hai: Hà Nội trong kỷ nguyên độc lập

Phần ba: Hà Nội thời kỳ cận đại

Phần bốn: Hà Nội từ 1945 đến nay

Việc phân kỳ vừa phản ánh đặc điểm riêng của lịch sử Thăng Long – Hà Nội, vừa thống nhất với lịch sử dân tộc.

Việc trình bày các sự kiện được quy định thống nhất gồm: tên gọi, niên đại và nội dung. Dung lượng mỗi sự kiện được thể hiện có thể dài ngắn khác nhau, nhưng cũng chênh lệch không nhiều.

Cuốn sách được biên soạn trên cơ sở khai thác các nguồn sử liệu gốc, bao gồm trước hết là các sử liệu – văn bản chính thức của nhà nước, từ chính quyền trung ương đến địa phương.

Lịch sử thế giới đến nay, khắp nam bắc đông tây, bao nhiêu quốc gia có thủ đô chuẩn bị bước vào tuổi một nghìn? Chắc chắn không nhiều. Không chỉ có bề dày lịch sử, Thăng Long – Hà Nội, kể từ ngày định đô, gần như liên tục giữ vị trí kinh đô của quốc gia, dù có đôi ba lần gián đoạn thì cũng vẫn là thủ phủ của cả nước. Gần một nghìn năm cùng lịch sử đất nước, với bao thăng trầm, Thăng Long – Hà Nội đã thực sự trở thành nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa của văn hóa Việt Nam, thành hình ảnh của đất nước, của dân tộc.