Hà Nội đẩy mạnh phát triển ngành “công nghiệp không khói” trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng
TCCS - Hà Nội - Thủ đô “ngàn năm văn hiến” - mang trong mình những giá trị văn hóa độc đáo và đa dạng, đang ngày càng khẳng định rõ vị thế quan trọng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế. Trong giai đoạn 2024 - 2025, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch Thủ đô bền vững, hiệu quả, vừa là “cửa ngõ” đón và phân phối khách du lịch ở khu vực phía Bắc và cả nước, vừa là điểm đến du lịch “an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”, đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Vùng đất giàu tiềm năng
Theo Sở Du lịch thành phố Hà Nội, Hà Nội hiện có 5.922 di tích được kiểm kê; trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích quốc gia, 1.456 di tích cấp thành phố; hàng chục bảo tàng, nhà hát cấp quốc gia, như Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học, Nhà hát Lớn, Nhà hát Chèo Trung ương, Nhà hát Múa rối Thăng Long… Các di tích lịch sử, di sản văn hóa chính là nguồn tài sản quý giá, cấu thành môi trường sống của con người Thủ đô; là tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực để Thủ đô phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch văn hóa.
Hà Nội cũng quy tụ nhiều làng nghề - khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm khoảng 56% tổng số làng ở khu vực nông thôn; trong đó, có 318 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống - hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước. Đơn cử như, làng nghề gốm sứ Bát Tràng, dát vàng quỳ bạc quỳ Kiêu Kỵ, dệt lụa Vạn Phúc, thêu ren Quất Động, mây tre đan Phú Vinh, sừng Thụy Ứng; cùng những làng hoa, cây cảnh nổi tiếng, như Nhật Tân, Quảng Bá, Nghi Tàm, Tây Tựu, Mê Linh…
Là trung tâm văn hóa của cả miền Bắc từ nhiều thế kỷ, Hà Nội còn có văn hóa ẩm thực đặc sắc với những món ăn nổi tiếng, như phở Hà Nội, bún chả, bún thang, bún ốc, bánh cuốn Thanh Trì, cốm làng Vòng, chả cá Lã Vọng, bánh tôm Hồ Tây,… Theo số liệu thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới, mỗi khách du lịch đến Hà Nội thường chi trung bình 1/3 tổng chi phí của chuyến đi cho các hoạt động liên quan ẩm thực. Điều này cho thấy, đối với khách du lịch, ẩm thực không đơn thuần là việc ăn, uống mà còn là sự khám phá, trải nghiệm những nét văn hóa đặc trưng của một vùng, miền, quốc gia.
Với 18 huyện, thị xã và là nơi mang đậm dấu ấn văn hóa Thăng Long, văn hóa xứ Đoài, vùng ngoại thành Hà Nội chứa nhiều tiềm năng phát triển văn hóa, du lịch, tiểu thủ công nghiệp. Hiện nay, khu vực ngoại thành Hà Nội còn lưu giữ nhiều làng cổ truyền thống với hình thái cây đa, bến nước, sân đình, những ngôi nhà cổ mái ngói phủ màu thời gian, cổng làng rêu phong, đường làng rợp bóng cây kết nối với ruộng đồng xanh ngát. Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), làng Cựu (huyện Phú Xuyên), làng Cự Đà, làng Ước Lễ (huyện Thanh Oai)… là những làng cổ tiêu biểu cho việc bảo tồn các giá trị kiến trúc truyền thống và đang trở thành điểm du lịch thu hút đông đảo du khách. Một số địa phương, như Thường Tín, Ứng Hòa, Đông Anh, Sóc Sơn, Thạch Thất, Ba Vì,... có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, diện tích rộng, nhiều sản vật địa phương và có các làng nông nghiệp truyền thống lâu đời, phù hợp để phát triển du lịch nông nghiệp. Trong số các di sản văn hóa, một phần lớn các di tích, di sản văn hóa phi vật thể nằm ở ngoại thành Hà Nội.
Đặc biệt, Hà Nội là một trong ba vùng tập trung nhiều lễ hội của miền Bắc Việt Nam, cùng với vùng đất Tổ Phú Thọ và xứ Kinh Bắc. Những yếu tố “thiên thời, địa lợi” chính là nguồn tài nguyên vô giá để Hà Nội phát triển các loại hình du lịch văn hóa làng nghề, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng,... với những bản sắc riêng có, mang thương hiệu cả trong nước và quốc tế.
Xác định phát triển du lịch là khâu đột phá, một nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, Hà Nội đã ban hành nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ này; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, triển khai đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội; xây dựng đề án bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn thành phố, xúc tiến quảng bá phát triển sản phẩm và thu hút đầu tư vào du lịch; triển khai các chương trình kích cầu du lịch trong nước và quốc tế; xây dựng các điểm, tuyến du lịch. Nhờ đó, du lịch của thành phố đã có nhiều khởi sắc, với bức tranh toàn cảnh về môi trường thiên nhiên, địa lý và văn hóa hấp dẫn, tạo sức hút, cơ hội cho các nhà đầu tư và khách du lịch đến với vùng đất đầy tiềm năng này; đồng thời, từng bước khẳng định tính đúng đắn trong chủ trương phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Theo Cục Thống kê Hà Nội, năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 24 triệu lượt khách (bao gồm 4 triệu lượt khách quốc tế và 20 triệu lượt khách nội địa), tăng 27% so với năm 2022 (tăng 9,1% so với kế hoạch, tương đương 83% kết quả năm 2019). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 87,65 nghìn tỷ đồng, tăng 45,5% so với năm 2022 (tăng 13,83% so với kế hoạch, tương đương 84,4% kết quả năm 2019). Trong 6 tháng đầu năm 2024, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt hơn 3 triệu lượt người, tăng 36,9%. Trong đó, khách quốc tế đạt 2.150 nghìn lượt người, tăng 48,4%; khách du lịch nội địa đạt 892 nghìn lượt người, tăng 15,4%. Tính đến cuối tháng 6-2024, trên địa bàn Hà Nội có 3.760 cơ sở lưu trú du lịch với gần 71,2 nghìn phòng; trong đó có 607 khách sạn, khu căn hộ được xếp hạng từ 1-5 sao với 26,6 nghìn phòng, chiếm 16% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn, 37% tổng số phòng. Hà Nội hiện có 43 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 41 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 7 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí và 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch(1). Năm 2025, Hà Nội phấn đấu đón trên 30 triệu lượt khách du lịch, trong đó có trên 7 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130 nghìn tỷ đồng; đóng góp tổng hợp của ngành du lịch vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố đạt trên 8%; công suất sử dụng buồng phòng trung bình khối khách sạn, lưu trú đạt trên 60%(2).
Mới đây nhất, ngày 9-9-2024, tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) khu vực châu Á và châu Đại Dương lần thứ 31, diễn ra ở Thủ đô Manila (Philippines), Hà Nội đã được vinh danh với 3 giải thưởng: “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á” (Asia’s Leading City Destination), “Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á” (Asia’s Leading City Break Destination) và “Điểm đến văn hóa hàng đầu Việt Nam” (Vietnam’s Leading City Cultural Destination). Đây là lần thứ ba Hà Nội được tôn vinh ở hạng mục “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á”. Trước đó, Hà Nội đã được World Travel Awards khu vực châu Á và châu Đại Dương trao giải thưởng này vào năm 2022 và năm 2023. Đồng thời, đây là lần thứ hai Hà Nội được tôn vinh ở hạng mục “Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á” (năm 2023, 2024), qua đó khẳng định sự hấp dẫn của Hà Nội đối với khách du lịch trong nước và ngoài nước.
Để tạo đột phá trong phát triển du lịch
Xuất phát từ xu hướng phát triển du lịch của thế giới và trong nước, nhu cầu du lịch của người dân, cũng như từ những lợi thế so sánh trong phát triển của Thủ đô; bám sát Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22-2-2022, của Thành ủy Hà Nội, “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và trên cơ sở Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 26-6-2016, của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, “Về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo”; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 169/KH-UBND, ngày 4-6-2024, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 26-6-2016, của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, giai đoạn 2024 – 2025”. Mục tiêu của kế hoạch là hướng đến đẩy mạnh phát triển du lịch Thủ đô bền vững, hiệu quả, thu hút đông đảo nhân dân, khách du lịch quốc tế và nội địa đến tham quan, trải nghiệm tại Hà Nội; tạo bước tăng trưởng, phát triển toàn diện du lịch Thủ đô đạt cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, số lượng và cơ cấu khách du lịch; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, khẳng định là điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới.
Sở Du lịch Hà Nội cũng chủ động ban hành các văn bản, kế hoạch, báo cáo tổ chức thực hiện, kết quả thực hiện các chương trình công tác của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, như Kế hoạch số 55/KH-SDL, ngày 17-4-2024, về triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch thành phố Hà Nội năm 2024; Báo cáo số 31/BC-SDL, ngày 8-3-2024, về 2 năm kết quả thực hiện Kế hoạch số 73/KHUBND, ngày 4-3-2022, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025; Báo cáo số 65/BC-SDL, ngày 23-4-2024, về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố trong lĩnh vực du lịch…; đồng thời, ban hành Kế hoạch số 30/KH-SDL, ngày 27-3-2024, về xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đêm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nhiều sản phẩm tour du lịch đêm được các địa phương, khu, điểm du lịch đẩy mạnh hoạt động và thu hút sự tham gia, đánh giá cao của du khách, như tour du lịch Đêm Thiêng Liêng của Khu Di tích Nhà tù Hỏa Lò; tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám “Tinh hoa đạo học”; tour du lịch đêm tại Đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm với chủ đề “Ngọc Sơn - đêm huyền bí”; khai trương phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây; Không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố - Phố đi bộ Trịnh Công Sơn; tour du lịch văn học chữ Tâm, chữ Tài; tour Tìm về kinh đô người Việt cổ… Các tuyến phố đi bộ tiếp tục thu hút sự quan tâm tham gia của đông đảo nhân dân và du khách, nhất là dịp kỷ niệm ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng.
Trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục ưu tiên hỗ trợ, chỉ đạo các đơn vị quản lý điểm đến di sản, di tích văn hóa đầu tư, nghiên cứu xây dựng các tour, sản phẩm du lịch văn hóa trải nghiệm gắn với du lịch đêm trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa truyền thống. Song song với đó, Hà Nội chú trọng xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm mới gắn với di sản - di tích, làng nghề theo tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên; tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức; phát triển các sản phẩm du lịch là thế mạnh của Hà Nội, như du lịch ẩm thực, du lịch MICE, du lịch chăm sóc sức khỏe… Hiện nay, Hà Nội đang đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến du lịch dọc khu vực sông Hồng, tuyến du lịch Chương Dương Độ - Bát Tràng - Đền thờ Chử Đổng Tử. Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với các quận, huyện nghiên cứu, đề xuất triển khai các mô hình du lịch văn hóa, làng nghề mới như nghiên cứu, phát triển làng du lịch tại huyện Sóc Sơn; trung tâm thiết kế sáng tạo làng nghề kết hợp với hoạt động du lịch tại huyện Phú Xuyên…
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch của Hà Nội cũng tồn tại một số hạn chế. Công tác phối hợp giữa các ngành, cơ quan và đơn vị liên quan trong triển khai nghị quyết chưa thực sự chủ động và thường xuyên. Hạ tầng phục vụ du lịch, nhất là hạ tầng giao thông đến các tuyến, điểm du lịch còn khó khăn và thiếu đồng bộ. Các dịch vụ du lịch còn thiếu, chưa được quan tâm phát triển, nhất là các điều kiện về ăn, nghỉ phục vụ lưu trú của du khách; sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu du khách còn đơn điệu. Các sản phẩm du lịch ra đời chưa phản ánh hết sự phong phú và đa dạng về văn hóa của Hà Nội. Thiếu tính đồng bộ và liên kết trong phát triển sản phẩm, thiếu liên kết giữa các đơn vị trong quá trình khai thác tài nguyên văn hóa cho phát triển du lịch, vì vậy chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch có chất lượng bền vững. Các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn quy mô còn nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết hiệu quả. Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực phát triển du lịch còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Tại các tuyến, điểm du lịch, công tác bảo vệ, giữ gìn cảnh quan sinh thái, vệ sinh môi trường, các điều kiện phục vụ khách du lịch chưa thực sự tốt; nếu không được khắc phục kịp thời sẽ tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn, rủi ro trong hoạt động du lịch, gây ấn tượng không tốt cho du khách. Nguồn nhân lực du lịch tuy đã được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và có bước chuyển biến tích cực, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, nhất là thiếu đội ngũ lao động có trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo chính quy, chuyên nghiệp...
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do công tác tham mưu và tổ chức triển khai phát triển du lịch của các phòng, ban chức năng chưa thực sự chủ động; công tác xây dựng quy hoạch và quản lý du lịch chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến việc phát triển du lịch còn mang tính tự phát, chưa hiệu quả; kinh phí dành cho hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của huyện còn hạn chế; việc triển khai hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội với các địa phương trong nước và quốc tế chưa thường xuyên, chưa khai thác được lợi thế mỗi bên để tạo thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Nhiều doanh nghiệp chưa chủ động, thiếu sự liên kết chặt chẽ trong công tác xúc tiến, quảng bá và tổ chức các sự kiện thu hút khách du lịch; hoạt động kinh doanh du lịch còn mang tính nhỏ lẻ, tính chuyên nghiệp chưa cao; công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch chưa được chú trọng.
Tiếp tục khẳng định thương hiệu du lịch
Để khai thác hiệu quả hơn nữa nguồn tài nguyên đa dạng về văn hóa của Hà Nội, cũng như thúc đẩy các hoạt động du lịch, văn hóa gắn với sự phát triển hiện đại, hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến toàn cầu và thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới, Hà Nội cần tập trung đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, rà soát quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật du lịch chuyên nghiệp, đồng bộ. Hoàn thiện phương án Quy hoạch du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; xâu chuỗi, tích hợp quy hoạch cụm du lịch trọng điểm, mạng lưới các điểm đến du lịch trọng điểm vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ hai, tăng cường triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch, ở khu vực phía Bắc, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, khu vực miền Trung và Tây Nguyên,... nhằm xây dựng các chương trình du lịch liên kết thu hút khách du lịch. Đẩy mạnh chủ trì, phối hợp với các đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tham gia, tổ chức các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm tại các thị trường trọng điểm như: Hội chợ du lịch TOPRESA tại Paris (Pháp), Hội chợ xúc tiến du lịch JATA tại Nhật Bản; Hội chợ ITB - Singapore tại Singapore... Tích cực tham gia các hội chợ du lịch quốc tế hoặc chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các cơ quan ngoại giao, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tổ chức…
Thứ ba, đổi mới công tác truyền thông, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và quốc tế theo quy định và được cấp thẩm quyền phê duyệt. Đa dạng các hình thức truyền thông trên các nền tảng số, trang website, nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook, Tiktok, ...) và các hình thức tuyên truyền quảng bá khác phù hợp trên không gian mạng nhằm tạo sức lan tỏa lớn và thu hút khách du lịch đến Hà Nội với thông điệp xuyên suốt “Hà Nội - Đến để yêu” và “Hà Nội - Điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn”; tổ chức nhiều sự kiện, chương trình, lễ hội quảng bá du lịch chuyên nghiệp, hấp dẫn, đặc sắc, nhất là các sự kiện thường niên, mang dấu ấn thương hiệu du lịch Thủ đô.
Thứ tư, xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số trong ngành du lịch Thủ đô. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng nền tảng địa chỉ số trong hoạt động du lịch; số hóa hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, thị trường du lịch Hà Nội; tiếp tục thực hiện số hóa bằng giao diện ảnh 360° và các công nghệ mới tại các điểm đến làng nghề, di tích, di sản văn hóa trên địa bàn thành phố; xây dựng phần mềm tiện ích, thông minh hỗ trợ công tác quản lý, phục vụ khách du lịch tra cứu thông tin, quảng bá du lịch Hà Nội; phần mềm quản lý để thu thập, xử lý các cơ sở dữ liệu điều tra, đánh giá hiện trạng du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội; nâng cấp trang thông tin điện tử du lịch Hà Nội./.
--------------------------------
(1) Xem: “Du lịch Hà Nội khởi sắc nhờ đổi mới cách làm”, Cổng Thông tin điện tử Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ngày 3-7-2024, https://bvhttdl.gov.vn/du-lich-ha-noi-khoi-sac-nho-doi-moi-cach-lam-20240703103254637.htm
(2) Xem: “Phát triển du lịch Hà Nội bền vững, hiệu quả”, Cổng Thông tin điện tử Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ngày 7-6-2024, https://bvhttdl.gov.vn/phat-trien-du-lich-ha-noi-ben-vung-hieu-qua-20240607081842778.htm
Thành phố Hà Nội chú trọng phát triển chất lượng giáo dục thường xuyên  (01/10/2024)
Giải pháp góp phần tăng cường năng lực thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ Thủ đô  (01/10/2024)
Hà Nội cần hoàn thiện và nâng cao hiệu quả phân cấp phân quyền trong phát triển giáo dục  (01/10/2024)
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam