TCCSĐT- Vì dân, được phụng sự nhân dân, chăm lo đời sống nhân dân là tư tưởng, đạo đức và tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước lúc đi xa Người vẫn nặng lòng vì dân vì nước... Người từng nói: Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân”.

Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng ta, nhân dân ta bản Di chúc lịch sử. Đó là tư tưởng, tình cảm và niềm tin của Bác đối với Đảng ta, nhân dân ta. Trong đó, không ngừng chăm lo nâng cao đời sống nhân dân là một nội dung quan trọng, thể hiện tư tưởng vì dân, tình cảm sâu nặng của Bác đối với nhân dân lao động, đồng thời là một nhiệm vụ mà Bác đặt niềm tin vào Đảng trong quá trình lãnh đạo xây dựng một nước Việt Nam “hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Vì dân, được phụng sự nhân dân, chăm lo đời sống nhân dân là tư tưởng, đạo đức và tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo Người, trên bầu trời này không gì quý bằng nhân dân, trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ lợi ích của nhân dân. Ngay từ khi ra đi tìm đường cứu nước và trong suốt cuộc đời lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một ham muốn tột độ là làm cho nhân dân ta ai cũng có cơm no, áo mặc, ai cũng được học hành. Người từng nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân”. “Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”(1).

Người chỉ ra rằng, sau khi giành được tự do, độc lập, thì “Nhiệm vụ chủ yếu của chúng ta ngày nay là đánh thắng lạc hậu và nghèo nàn, xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm cho nhân dân ta có một đời sống thật sung sướng, tốt đẹp”(2); “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(3). Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, toàn quân, cho các cháu thanh niên, nhi đồng và “chỉ tiếc là tiếc rằng không được phụng sự nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Người căn dặn: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh”. “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 40 năm qua, Đảng ta, trong đường lối của mình, luôn đặt lên hàng đầu quan điểm vì nước, vì dân, không ngừng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tiếp tục định hướng phát triển đất nước được xác định qua các kỳ đại hội, Đại hội Đảng lần thứ VII đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đó xác định những phương hướng cơ bản để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta thời kỳ mới. Cương lĩnh xác định: Xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội do nhân dân lao động làm chủ, có nền kinh tế phát triển cao, có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân; các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Cương lĩnh còn chỉ rõ: Chính sách xã hội bảo đảm và không ngừng nâng cao đời sống vật chất của mọi thành viên trong xã hội về ăn, ở, đi lại, học tập, nghỉ ngơi, chữa bệnh và nâng cao thể chất.

Các kỳ đại hội Đảng lần thứ VIII, IX, X đều nhấn mạnh quan điểm, chính sách vì dân, chăm lo đời sống cho nhân dân lao động. Đại hội X của Đảng chỉ rõ: Thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; giải phóng mạnh mẽ và không ngừng phát triển sức sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hoá, y tế, giáo dục…, giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người.

Trong bốn thập kỷ vừa qua, Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, vượt qua mọi khó khăn, thách thức do hậu quả nặng nề của chiến tranh; những yếu kém của nền kinh tế ở trình độ rất thấp; khủng hoảng kinh tế - xã hội; sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới; xu thế toàn cầu hoá kinh tế; thiên tai, dịch bệnh và sự chống phá với các thủ đoạn thâm độc, nham hiểm của các thế lực thù địch. Trong hoàn cảnh đó, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã ra sức thực hiện thắng lợi nghị quyết các đại hội Đảng, từ Đại hội IV đến Đại hội X, giành được những thành tựu rất quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong lịch sử dân tộc: đưa nền kinh tế nước ta vượt qua hậu quả chiến tranh, khủng hoảng và suy giảm, đạt tốc độ tăng trưởng khá cao và phát triển tương đối toàn diện; văn hoá và xã hội có những tiến bộ, phát triển về nhiều mặt; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng và an ninh được tăng cường; quan hệ đối ngoại có bước phát triển mới; vị thế nước ta trên thế giới ngày càng được khẳng định và nâng cao.

Thành tựu nổi bật nhất trong những thập kỷ vừa qua là, tiến hành đổi mới thành công, đưa đất nước ta vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm sau luôn đạt cao hơn năm trước; những năm 1990-2000 tăng bình quân 7%; giai đoạn 2001-2005 tăng bình quân 7,5%. Theo giá so sánh năm 1994, GDP năm 2006 tăng 8,25% so với năm 2005; năm 2007 tăng 8,48% so với năm 2006; năm 2008 tăng 6,23% so với năm 2007. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước năm 2008 đạt thấp hơn tốc độ 8,48% của năm 2007, nhưng trong bối cảnh khủng hoảng tài chính thế giới, kinh tế của nhiều nước suy giảm mà nước ta vẫn đạt tốc độ tăng trưỏng tương đối cao là một cố gắng rất lớn.

Công tác xoá đói, giảm nghèo trên phạm vi cả nước đạt kết quả nổi bật, được dư luận thế giới đánh giá cao. Đến cuối năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chuẩn Việt Nam cho giai đoạn 2001-2005) còn 7% (năm 2001 là 17,5%); đến cuối năm 2008, theo chuẩn nghèo mới cho giai đoạn 2010, tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước ước tính 13,5%, thấp hơn so với mức 14,8% của năm 2007.

Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân đạt nhiều kết quả: mạng lưới y tế được mở rộng; tuổi thọ trung bình tăng từ 67,8 năm 2000 lên 71,5 vào năm 2005; năm 2008 là 72. Chỉ số phát triển con người (HDI) từ mức dưới trung bình (0,498 năm 1991) tăng lên mức trung bình (0,688 năm 2002; 0,691 vào năm 2004).

Sự nghiệp giáo dục có bước phát triển về quy mô, đa dạng hoá về các loại hình trường lớp từ mầm non đến cao đẳng, đại học. Năm 2000 cả nước đạt chuẩn quốc gia về xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học; đến giữa năm 2004, 20 tỉnh và thành phố đã đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở. Tính đến tháng 12 năm 2008, cả nước có 41/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; 43/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

Nước ta là một nước nông nghiệp, khu vực nông thôn có lịch sử phát triển lâu đời, đất đai rộng lớn, dân số đông với tất cả các thành phần dân tộc; nơi lưu giữ các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đất nước, có một thiết chế xã hội bền vững. Sản xuất nông nghiệp, khu vực nông thôn, cư dân sống ở nông thôn luôn giữ vai trò quan trọng trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. “Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng”(4). Vì vậy, Đảng ta đã luôn quan tâm và có nhiều chủ trương lớn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Các chủ trương của Đảng đã được Nhà nước thể chế bằng các chính sách và được các cấp, các ngành triển khai trong thực tế. Chỉ tính riêng giai đoạn 2000-2007 đã có 34 nghị định về chính sách đầu tư, hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn được ban hành và áp dụng. Quan tâm phát triển sản xuất nông nghiệp, khu vực nông thôn, Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm cao trong việc nâng cao đời sống của trên 75% dân số ở nước ta đang sống ở khu vực nông thôn, với ngành nghề sản xuất nông nghiệp là chủ yếu.

Nhờ có chủ trương, chính sách đúng, nên nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt được thành tựu khá toàn diện và to lớn: Nông nghiệp tiếp tục phát triển với tốc độ khá cao; cơ cấu kinh tế nông thôn đang có sự chuyển dịch cơ bản; bộ mặt nhiều vùng nông thôn thay đổi; đời sống vật chất và tinh thần của dân cư ở hầu hết các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện.

Về tốc độ tăng trưởng, nông nghiệp luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao nhờ thay đổi cơ chế, chính sách phù hợp quy luật và lòng dân. Thời kỳ 1986-1990 đạt tốc độ tăng trưởng 3,6%/năm; 1991-1995 tăng 6,1%/năm; từ 1996 đến nay luôn giữ mức tăng bình quân 5-6%/năm. GDP của sản xuất nông nghiệp từ 228 tỉ đồng năm 1986 lên 175.100 tỉ đồng năm 2005. Trong giai đoạn 2000-2007, với điều kiện diện tích đất nông nghiệp giảm, nhiều thiên tai, dịch bệnh, giá cả vật tư cho sản xuất nông nghiệp trong nước và quốc tế có nhiều diễn biến bất lợi, nhưng giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp vẫn tăng 3,71%/ năm, giá trị sản xuất tăng 5,24%/năm. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2008 theo thời giá 1994 ước đạt 213,5 nghìn tỉ đồng, tăng 6,0% so với năm 2007.

Chỉ tính riêng sản lượng lúa, năm sau luôn đạt cao hơn năm trước. So với năm 1986, năm 1990 tăng 3,225 triệu tấn; những năm 1991-1995 tăng 5,34 triệu tấn; và giai đoạn 1996-2005 tăng 10,84 triệu tấn (bình quân mỗi năm tăng hơn 1 triệu tấn). Hằng năm nước ta sản xuất trên 40,09 triệu tấn lúa và ngô, bình quân 475kg lương thực người/năm; đảm bảo nhu cầu lương thực của cả nước, tăng lượng dự trữ và xuất khẩu khoảng 4 - 5 triệu tấn gạo, thu trên 1 tỉ USD.

Năm 2007, công nghiệp và dịch vụ khu vực nông thôn đã chiếm 60%. Số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp ở nông thôn tăng 2,5 lần. Đến năm 2006, có 34.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại khu vực nông thôn, trong đó 92% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; 3-4% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đã hình thành và phát triển nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, dịch vụ, cụm làng nghề ở nông thôn.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, giao thông nông thôn có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, lưu thông hàng hóa, dịch vụ, thu hút vốn đầu tư về nông thôn, tạo công ăn, việc làm, xóa đói giảm nghèo và giải quyết nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội khác ở nông thôn. Đến năm 2006, cả nước có 96,9% số xã (năm 2001 là 94,2%) có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó có 93,55% xã đảm bảo được cho xe đi lại quanh năm và trên 70% được nhựa hoặc bê tông hóa.

Điện khí hóa nông thôn được đẩy mạnh. Đã có 97,95% số huyện và 96,8% số xã được cấp điện lưới quốc gia. Tính đến 2006, 52,6% số hộ nông dân có xe máy, 71% hộ có ti vi màu, 83% hộ có quạt điện các loại, 17,7% hộ có điện thoại. Đó là những vật dụng mà ở vào thời điểm những năm 90 của thế kỷ XX trở về trước, người dân khó có thể có.

Cơ sở vật chất của các lĩnh vực xã hội, y tế, giáo dục ở nông thôn cũng được cải thiện đáng kể. Đến năm 2007 đã có 99,3% xã có trạm y tế, trong đó có 46% đạt chuẩn quốc gia về y tế; 85,5% xã có điểm bưu điện - văn hóa xã (những năm 1998-2007, xây dựng thêm 8.000 điểm, nâng tổng số lên 18.941 điểm, trong đó có 1.524 điểm ở các xã đặc biệt khó khăn); 30,6 xã có nhà văn hoá xã. Có 70% dân cư nông thôn có nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Năm 2006, tỷ lệ người dân được khám chữa bệnh chiếm 38,1% dân cư, tăng 2,07 lần so với năm 2002. Đến nay đã có 51, 6% cư dân nông thôn có bảo hiểm y tế. Tỷ lệ trẻ em từ 10 tuổi trở lên biết chữ tăng từ 90,9% năm 2002 lên 92% năm 2006. Để bảo đảm an sinh xã hội khu vực nông thôn, năm 2008, Nhà nước đã chi 42,3 nghìn tỉ đồng gồm chi trả trợ cấp dầu cho các hộ nông dân chưa có điện; hỗ trợ xăng dầu cho ngư dân đánh bắt xa bờ; mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho hộ nghèo; hỗ trợ đồng bào bị thiên tai; miễn giảm thủy lợi phí; cấp học bổng cho học sinh nội trú, bán trú, v.v.

Cùng với sự phát triển kinh tế, nhà ở khu vực nông thôn đã có sự cải thiện đáng kể. Khu vực đồng bằng Bắc Bộ và vùng miền Trung cơ bản xóa nhà tranh tre, nứa lá, nhiều nơi đã cơ bản “ngói hóa”. Đồng bằng Nam Bộ đã cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát; xây dựng được 1.100 cụm tuyến dân cư, bố trí 108 nghìn hộ dân có nơi cư trú trong mùa lũ. Cuộc vận động giúp người nghèo xoá nhà dột nát do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động đã thu được kết quả rất tốt. Từ năm 2000 đến năm 2006 thu được 1.717 tỉ đồng, xây dựng 418.954 ngôi nhà “Đại đoàn kết”.

Đối với đồng bào miền núi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đồng bào miền núi có truyền thống cần cù và dũng cảm. Trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến, đồng bào miền núi đã có nhièu công trạng vẻ vang và oanh liệt”. Người căn dặn, phải làm sao cho miền núi tiến kịp miền xuôi, sao cho “Nhân dân ấm no hơn, mạnh khoẻ hơn. Văn hoá sẽ cao hơn. Giao thông tiện lợi hơn. Bản làng vui tươi hơn. Quốc phòng vững vàng hơn”(5).

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, trong những thập kỷ vừa qua, Đảng và Nhà nước luôn giành sự quan tâm đặc biệt đối với nhân dân lao động ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Tính đến 2005, Nhà nước đã huy động hơn 9.000 tỉ đồng để thực hiện các chương trình 134, 135 với 1.920 xã đặc biệt khó khăn. Kết quả, 97% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% xã có trạm y tế; 90% xã có trường tiểu học; 80% xã có trường trung học cơ sở kiên cố; 70% xã có điểm bưu điện - văn hoá; trên 70% xã có điện thoại; 90% xã có trạm truyền thanh; 36% xã hoặc liên xã đã có chợ; tỷ lệ trẻ em biết chữ là 92%; và 38,1% số dân được khám, chữa bệnh. Năm 2008, để đẩy nhanh xoá đói nghèo, phát triển bền vững, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về hỗ trợ 61 huyện có hộ nghèo trên 50%, trong đó, vùng Tây Bắc có 43 huyện.

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì dân, không có gì khác hơn là vì nhu cầu và đáp ứng ngày càng cao lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần của nhân dân. Một xã hội mới là một xã hội mà mọi người dân phải được hưỏng ấm no, hạnh phúc. Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, không có quyền lợi nào khác ngoài quyền lợi của giai cấp, của dân tộc; vì vậy, Đảng phải vì dân, không ngừng chăm lo đời sống của nhân dân lao động.

Tuy rằng đời sống của nhân dân ta có mặt còn khó khăn nhưng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo phát triển đời sống của nhân dân trong những thập kỷ vừa qua là cơ bản, mang ý nghĩa to lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc, Đảng đã thực hiện thành công một trong những điều căn dặn mấu chốt trong Di chúc của Chủ tich Hồ Chí Minh: “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”./.



(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t 4, tr240

 (2) Hồ Chí Minh: Sđd, t 10, tr 309

(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t 4, tr.152

(4) Văn kiện đại hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 190,191.
 
 (5) Hồ Chí Minh: Sđd, t 10, tr 610