Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam luôn coi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam. Sự thành công của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng chính là thành công của mình...

Sáng 23-8, tại Hà Nội, đã khai mạc Diễn đàn 100 nhà doanh nghiệp khu vực Đông Nam Á lần thứ 4 (ASEAN 100 Leadership Forum). Đây là lần đầu tiên diễn đàn này được tổ chức tại Việt Nam với sự phối hợp của Hãng truyền thông châu Á (Asia Inc Forum) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng và đối thoại với các doanh nghiệp tại Diễn đàn.


Diễn đàn 100 nhà lãnh đạo doanh nghiệp khu vực Đông Nam Á là nơi gặp gỡ và xây dựng mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo thế hệ mới đây hứa hẹn của khu vực Đông Nam Á, những người có vị trí rất quan trọng đối với tương lai của khu vực. Diễn đàn là nơi hội tụ của các nhà lãnh đạo mới và tương lai cùng thảo luận và tranh luận về những vấn đề quan trọng trong khu vực và những thách thức mà khu vực đang và sẽ đối mặt. Đây là hoạt động thường niên do Asia Inc. Forum khởi xướng và tổ chức.


Chủ đề chính của Diễn đàn năm nay là “Xu hướng phát triển của Đông Nam Á trong tương lai”, quy tụ hơn 200 nhà doanh nghiệp, các cơ quan chính phủ và các tổ chức xã hội trong khu vực Đông Nam Á.

Các đại biểu tham dự diễn đàn

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Diễn đàn được tổ chức vào dịp rất có ý nghĩa là các nước thành viên ASEAN đang long trọng kỷ niệm ASEAN vừa tròn 40 tuổi. Nhìn lại 40 năm qua, chúng ta vui mừng về sự trưởng thành và phát triển của ASEAN và những thành tựu to lớn mà Hiệp hội đã đạt được. ASEAN ngày nay đã bao gồm cả 10 quốc gia Đông Nam Á, với gần 600 triệu dân cùng nhau chung sống trong hoà bình, hữu nghị, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, hợp tác toàn diện và ngày càng gắn kết chặt chẽ. ASEAN đã trở thành một thực thể chính trị - kinh tế quan trọng, là động lực thúc đẩy hợp tác và các mối liên kết khu vực ở châu Á – Thái Bình Dương, là đối tác không thể thiếu trong chính sách khu vực của các nước và trung tâm lớn trên thế giới và được đánh giá là một tổ chức hợp tác khu vực thành công nhất thế giới”.


Thủ tướng nhấn mạnh: Trong 12 năm qua, kể từ khi trở thành thành viên chính thức của ASEAN, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công việc xác định phương hướng hợp tác và các quyết sách lớn của ASEAN, như: Xây dựng Tầm nhìn 2020, Chương trình hành động Hà Nội, Tuyên bố Hà Nội thu hẹp khoảng cách phát triển, Tuyên bố Bali II về xây dựng cộng đồng ASEAN, Chương trình hành động Vientiane (VAP); đồng thời tham gia tích cực trên tất cả các lĩnh cực hợp tác của ASEAN và có nhiều đóng góp cụ thể quan trọng trên 4 lĩnh vực hợp tác chính của ASEAN về chính trị - an ninh, kinh tế, hợp tác chuyên ngành và quan hệ đối ngoại.


Cũng trong 12 năm qua, quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước ASEAN không ngừng tăng nhanh. Kim ngạch thương mại năm 2006 đạt trên 20 tỉ USD, tăng gần 40% so với năm 2005, chiếm 1/4 kim ngạch ngoại thương của Việt Nam. Các nước ASEAN hiện nay có gần 1.000 dự án đầu tư đang triển khai ở Việt Nam, với số vốn đầu tư trên 13 tỉ USD, chiếm gần 20% vốn đầu tư các dự án nước ngoài đang triển khai tại Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam cũng có trên 120 dự án đầu tư đang triển khai ở các nước thành viên ASEAN với tổng số vốn đầu tư khoảng 700 triệu USD. Kết qủa góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước ASEAN và xây dựng cộng đồng ASEAN ngày càng vững mạnh.


Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, diễn đàn là dịp để các doanh nghiệp tìm hiểu về cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư với Việt Nam và các nước ASEAN trên tất cả các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực có nhiều tiềm năng. Môi trường đầu tư của Việt Nam ngày càng thông thoáng, minh bạch và thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh thành công tại Việt Nam.

Thủ tướng đã nêu một số nét chính về tiềm năng và cơ hội đầu tư và thương mại tại Việt Nam. Đó là: Kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng cao trong hơn 20 năm qua với mức 7-8%/năm, dự báo tiếp tục tăng cao ở những năm tiếp theo. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển. Việt Nam là một thị trường có quy mô dân số lớn thứ 2 ở Đông Nam Á, với 85 triệu dân hiện nay và trong tương lại không xa sẽ là 100 triệu. Một đất nước có nguồn nhân lực trẻ và khá dồi dào, 70% dân số dưới 40 tuổi. Người Việt Nam làm việc cần cù, năng động và có trình độ giáo dục khá cao, thích nghi nhanh với cái mới, giá nhân công vẫn còn thấp. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội Việt Nam ổn định và sẽ ngày càng ổn định vững chắc; đời sống các tầng lớp nhân dân được cải thiện rõ rệt, đặc biệt Việt Nam đã thực hiện giảm nghèo đạt kết quả nổi trội, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Đến năm 2006, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xoá đói giảm nghèo trước thời hạn 10 năm.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện nhất quán chủ trương là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia, các dân tộc vì hoà bình, hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, cùng phát triển; sẽ thực hiện nghiêm túc những cam kết của mình với cộng đồng quốc tế và tiếp tục đẩy nhanh hơn, mạnh mẽ hơn việc hoàn thiện thể chế và cải cách các thủ tục hành chính để tạo môi trường thông thoáng, minh mạch và thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong cộng đồng ASEAN và quốc tế phát triển mạnh ở Việt Nam vì lợi ích chung.


Kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập đầy đủ với nền kinh tế thế giới. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với trên 170 nước, có quan hệ thương mại với trên 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch thương mại của Việt Nam với các nước đạt 85 tỉ USD, tăng bình quân gần 20%/năm trong 20 năm qua. Việt Nam đã có trên 8.800 dự án đầu tư trực tiếp của 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng số vốn đầu tư trên 80 tỉ USD và hầu hết các dự án đầu tư đều thành công. Việt Nam cũng có trên 200 dự án đầu tư đang thực hiện ở 33 nước và vùng lãnh thổ, với số vốn 1,2 tỉ USD.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Việt Nam luôn coi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam. Sự thành công của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng chính là thành công của mình...


Tại diễn đàn, các đại biểu đã đề cập đến các vấn đề quan trọng như: Kinh tế hội nhập theo kiểu mẫu châu Âu là bước tiến tiếp của Đông Nam Á; Hiện tượng thay đổi khí hậu và phát triển kinh tế, chính trị hồi giáo, quản lý, phát triển cơ sở hạ tầng và khả năng cạnh tranh của khu vực Đông Nam Á. Việt Nam thời kỳ hội nhập, cơ hội và thách thức cũng là một chủ đề được các nhà lãnh đạo doanh nghiệp khu vực bàn tới./.