Nỗi đau còn mãi
TCCSĐT - Ngày 10-8-1961, máy bay H.34 của Mỹ đã rải những lít chất độc đầu tiên xuống dọc quốc lội 14 (từ Kon Tum đến Đắc Tô), mở đầu cuộc chiến tranh hóa học tàn bạo kéo dài 10 năm (1961-1971) trong cuộc chiến xâm lược Việt Nam. Trong mười năm đó, đế quốc Mỹ đã rải xuống Việt Nam khoảng 80 triệu lít chất diệt cỏ, có chứa 366 kg đi-ô-xin, khiến 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó có hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin. Với những di chứng tàn khốc mà hành động này để lại, ngày 25-6-2004, tại Hội nghị “Vì các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam”, tổ chức ở Hà Nội, các đại biểu đã nhất trí lấy ngày 10-8 hằng năm là “Ngày cả nước hành động vì nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam”.
Chất độc giết người
Agent Orange (hay AO - chất độc da cam) là loại thuốc có tính năng diệt cỏ với thành phần gồm 2 loại a-xít chính là 2,4 dichlorophenoxyacetic và 2,3,7,8 Tetrachlorodibenzo-p-dioxin (chính là đi-ô-xin). Từ những năm 40 của thế kỷ XX, chất độc này được phát triển nhằm mục đích diệt cỏ dại và năm 1957, trong một vụ nhiễm độc của công nhân nhà máy sản xuất diệt cỏ 2,4,5-T, các nhà khoa học của Cộng hòa Liên bang Đức mới tìm ra chất đi-ô-xin với những biểu hiện nhiễm độc lúc đó của các công nhân này là các vết sạm da xuất hiện quanh miệng, mắt, mũi, tai… và kéo dài trong vài tháng rồi biến mất.
Phải đến những năm 70 của thế kỷ XX, với trang thiết bị kỹ thuật phân tích hóa học tinh vi hơn, các nhà khoa học mới có thể đi sâu vào thế giới vi lượng và đo được lượng hóa chất cực nhỏ, tới mức phần triệu tỉ, thì bức màn về chất độc đi-ô-xin được vén mở bởi những kết quả của các cuộc thí nghiệm. Với một lượng đi-ô-xin chỉ vài microgram (tương đương với 1/triệu gam) cho 1kg trọng lượng cơ thể, nó có thể giết chết một con vật. Còn nếu cho một lượng đi-ô-xin từ 1 đến 3/tỉ gam trọng lượng cơ thể/ngày ở động vật thí nghiệm trong nhiều ngày thì sẽ thấy xuất hiện các loại ung thư: gan, phổi, não, tuyến tiền liệt, hoặc các tai biến sinh sản: sảy thai, thai chết lưu, dị tật bẩm sinh. Và chỉ cần pha 80 gam đi-ô-xin vào nguồn nước, chất độc này có thể giết chết một thành phố 7 triệu dân. Kết luận của các nhà khoa học: đi-ô-xin là chất hóa chất độc hại nhất mà con người tìm ra được cho tới nay.
Vậy là, 1 phần triệu gam đi-ô-xin đủ để giết chết 1 con vật, 80 gam đi-ô-xin có thể giết chết 7 triệu dân, còn với 366 kg đi-ô-xin mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam không khác nào một đại thảm họa.
Và nỗi đau còn mãi
Theo các nhà nghiên cứu, phải mất từ 80 đến 100 năm thì những khu vực bị nhiễm chất độc đi-ô-xin mới có thể phục hồi, trở lại trạng thái tự nhiên. Sự mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng, những thiệt hại không lường trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, đến sự biến đổi của cả một hệ động vật và thực vật từ trên cạn lẫn dưới nước là hậu quả của chất độc đi-ô-xin gây ra đối với môi trường. Đó là ảnh hưởng đối với môi trường. Còn đối với con người thì sao? Các nhà khoa học đã công bố chính thức 13 loại bệnh có liên quan đến chất độc da cam/đi-ô-xin là:
1. Ung thư phần mềm: gồm hơn 20 loại ung thư có nguồn gốc trung mô (trừ ung thư xương, ung thư các tạng, ung thư võng nội mô) và ung thư tổ chức thần kinh ngoại vi.
2. U lympho không Hodgkin và U lympho Hodgkin: Hai loại này có nguồn gốc từ các tế bào lympho, phát sinh chủ yếu từ hệ thống bạch huyết, điển hình là các hạch ở vùng cổ, nách, bẹn, ổ bụng, trung thất.
3. Choloracnea (mụn nhọt ở mặt do clor).
4. Bệnh sạm da (hay còn có tên là Porphyria cutanea tarda): là những vết sạm da xuất hiện ở mặt, quanh mắt, vành tai, cổ, bụng, chân, tay… tăng dần, có viêm nhiễm kèm theo và ngứa.
5. Ung thư phế quản, phổi.
6. Ung thư khí quản.
7. Ung thư thanh quản
8. Ung thư tiền liệt tuyến.
9. Đa u tủy.
10. Tiểu đường.
11. Bệnh thần kinh ngoại vi cấp và bán cấp tính.
12. Dị tật bẩm sinh: sipina bifida (nứt đôi cột sống gây thoát vị não tủy).
13. Bệnh nhiễm Porphyrin da chậm.
Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Học viện Quân y trong thời gian dài cũng khẳng định, có sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh tật của nhóm những người có tiền sử phơi nhiễm chất độc hóa học đi-ô-xin. Trong hơn 47.800 bộ đội, cựu chiến binh và gia đình, phả hệ gia đình họ tại 8 tỉnh, thành phố, có trên 28.800 người có tiền sử bị phơi nhiễm chất độc hóa học đi-ô-xin với tỷ lệ con (F1) bị dị tật bẩm sinh chiếm 2,95%, và tỷ lệ cháu (F2) bị dị tật là 2,69%. Trong đó, dị tật ở hệ cơ xương chiếm tỷ lệ 22,31%; dị tật ở hệ thần kinh chiếm 16,85%; dị tật ở mặt và các giác quan chiếm 15,59%; và đa dị tật chiếm tỷ lệ 16,44%.
Như vậy, do chất đi-ô-xin được rải vào trong không khí nên khi thâm nhập vào cơ thể con người qua đường hô hấp, qua da, qua đường tiêu hóa và đọng lại ở gan, các mô mỡ, chúng thường gây nên những bệnh nguy hiểm cho con người như suy giảm miễn dịch, gây rối loạn chuyển hóa các loại men, ung thư các tổ chức phần mềm, ung thư gan, ung thư hạch, ung thư máu và các bệnh lý chuyển hóa khác. Nguy hiểm hơn là chất độc này có thể tồn tại trong cơ thể hàng chục năm và có thể di truyền sang các thế hệ con, cháu.
Trong số 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc màu da cam/đi-ô-xin, có khoảng 1 triệu người bị nhiễm chất độc nặng, 150 nghìn trẻ em bị mắc các bệnh đo tác hại của đi-ô-xin với 27% bị bại liệt, chậm phát triển trí tuệ; 12% bị khiếm thị; 15% bị khiếm thính; 19% khó khăn về vận động; 27% còn lại bị nhiều loại dị tật và dị dạng khác. Thương tâm nhất là trong số 40,8% trẻ em bị nhiễm chất độc da cam không có khả năng tự phục vụ sinh hoạt cho mình thì có đến 53,5% em thuộc diện đói nghèo. Bản thân các em cùng lúc phải gánh trên mình hai nỗi đau: nỗi đau vật chất và nỗi đau tinh thần.
Thế giới cảm nhận gì về nỗi đau này?
Chiến tranh đã qua đi, nhưng nỗi đau cùng những di chứng do chất độc da cam/đi-ô-xin gây ra vẫn còn mãi như một minh chứng cho tội ác của đế quốc Mỹ. Hàng triệu gia đình, hàng vạn con người đang phải ngày đêm hứng chịu nỗi đau. Vậy ai là người chịu trách nhiệm, là người phải bồi thường cho những tổn hại về vật chất và tinh thần cho họ?
Ngày 30-1-2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam đã chính thức đứng nguyên đơn khởi kiện 37 công ty và tập đoàn sản xuất hóa chất Mỹ đã bán cho Bộ Quốc phòng nước này loại hóa chất độc giết người làm vũ khí hủy diệt hàng loạt được sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam tới Tòa án Liên bang quận Brúc-lin, bang Niu-Oóc (Mỹ), yêu cầu các công ty này phải bồi thường cho những hậu quả nghiêm trọng mà mình gây ra. Ngày 28-2-2005, tại Tòa án Liên bang quận Brúc-lin, bang Niu Oóc (Mỹ), phiên tòa tranh tụng đầu tiên được tiến hành. Gần 1 tháng sau, ngày 10-3-2005, Tòa án sơ thẩm ra phán quyết, bác bỏ đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin với lý do: đó là chất diệt cỏ, không phải là chất độc chết người.
Tháng 7-2007, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam lại gửi đơn kháng cáo đến Tòa phúc thẩm Liên bang Mỹ tại Niu-Oóc. Gần 1 năm sau, ngày 18-6-2007, Tòa phúc thẩm Liên bang Mỹ tại Niu-Oóc mở phiên tranh tụng miệng. Vụ kiện kéo dài đến ngày 22-2-2008, Tòa phúc thẩm Liên bang Mỹ tại Niu-Oóc một lần nữa lặp lại phán quyết của phiên sơ thẩm, rằng các bên không đưa ra đủ lý lẽ buộc tội các công ty hóa chất Mỹ. Ngày 6-10-2008, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tiếp tục gửi đơn thỉnh cầu lên Tòa án Tối cao Mỹ đề nghị xem xét lại phán quyết của Tóa án phúc thẩm tại Niu Oóc, nhưng một lần nữa, công bằng và công lý không đến với các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam. Ngày 2-3-2009, Tòa án Tối cao Mỹ công bố quyết định không xem xét đơn thỉnh cầu của các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam kiện 37 công ty và tập đoàn sản xuất chất độc hóa học của Mỹ.
Đã có lúc người ta ví đây như một vụ "con kiến kiện củ khoai". Song, kết quả mới đây của một phiên tòa công luận quốc tế đầu tiên về vấn đề chất độc da cam/đi-ô-xin trong cuộc chiến tranh ở Việt nam, do Hội Luật gia Dân chủ quốc tế (IADL) tổ chức, diễn ra trong 2 ngày 15 và 16-5-02009, tại Pa-ri (Pháp), đã cho thấy, "con kiến" ấy không hề đơn độc. Những người dân Anh, Pháp, thậm chí cả những công dân Mỹ, những người yêu hoà bình và công lý đang lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ các nạn nhân chất độc màu da cam tại Việt Nam. Tại phiên tòa với tên gọi “Tòa án lương tâm quốc tế”, một phán quyết ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin đã được đưa ra. Dựa trên các điều luật quốc tế, Tòa khẳng định, việc sử dụng chất độc da cam/đi-ô-xin là một tội ác chiến tranh chống lại loài người. Tòa đã kết luận: Chính phủ Mỹ là thủ phạm sử dụng chất đi-ô-xin mà hậu quả của nó đối với môi trường Việt Nam có thể coi là “diệt chủng môi trường”. Chính phủ Mỹ và các công ty cung cấp các hóa chất trên sẽ phải bồi thường toàn bộ cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin và gia đình họ. Đồng thời, Chính phủ Mỹ và các công ty cung cấp chất độc này cũng sẽ phải tìm cách cải thiện môi trường, tẩy chất độc đi-ô-xin trong nước, trong đất ở các khu vực bị nhiễm độc ở Việt Nam.
Tại cuộc họp báo ngay sau phần tuyên án, đại diện “Tòa án lương tâm quốc tế” đã nhấn mạnh: chất độc da cam/đi-ô-xin được sử dụng trong chiến tranh là một trong những vũ khí hóa học nguy hiểm. Việc tổ chức phiên tòa này không chỉ thể hiện sự ủng hộ của quốc tế đối với các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam mà còn là hành động lên án và đấu tranh chống lại các loại vũ khí hóa học hủy diệt môi trường và con người hiện vẫn được sử dụng trong các cuộc xung đột tại nhiều nơi trên thế giới. Đó là một hành động đúng đắn và được cả thế giới ủng hộ./.
Nghị định Về chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn  (10/08/2009)
Nhiều ưu đãi tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn  (10/08/2009)
Nhiều ưu đãi tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn  (10/08/2009)
Nhiều ưu đãi tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn  (10/08/2009)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên