Nghị định Về chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn
CHÍNH PHỦ _________ Số: /2009/NĐ-CP |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ________________ Hà Nội, ngày tháng năm 2009 |
DỰ THẢO LẦN 3
NGHỊ ĐỊNH
Về chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ
phát triển nông nghiệp, nông thôn
_________________
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 01/1997/QH10 ngày 12 tháng 12 năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 10/2003/QH11 ngày 17 tháng 6 năm 2003;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng số 02/1997/QH10 ngày 12 tháng 12 năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng số 20/2004/QH11 ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, BCHTW Đảng Khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Xét đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống của nông dân.
2. Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn là một hệ thống các chính sách của Nhà nước nhằm khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng, xoá đói giảm nghèo và từng bước nâng cao đời sống của nhân dân.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các tổ chức được thực hiện cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bao gồm:
a) Các tổ chức tín dụng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng;
b) Các tổ chức tài chính quy mô nhỏ, thực hiện việc cho vay các món tiền nhỏ cho người nghèo và các đối tượng khác trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo quy định của pháp luật;
c) Các ngân hàng, định chế tài chính được Chính phủ thành lập để thực hiện việc cho vay theo chính sách của Nhà nước.
2. Tổ chức, cá nhân được vay vốn theo quy định tại Nghị định này để sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp bao gồm:
a) Hộ gia đình, cá nhân;
b) Chủ trang trại;
c) Các hợp tác xã ở nông thôn;
d) Các tổ chức và cá nhân cung ứng các dịch vụ phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp;
đ) Các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Điều 3. Các lĩnh vực cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn
1. Cho vay các chi phí sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp ở nông thôn;
2. Cho vay phát triển ngành nghề tại nông thôn;
3. Cho vay đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn: điện, đường, trường, trạm, nước sạch và các công trình cơ sở hạ tầng khác ở nông thôn;
4. Cho vay để chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp;
5. Cho vay để sản xuất, kinh doanh, cung ứng các sản phẩm dịch vụ phục vụ nông nghiệp và đời sống nông dân ở nông thôn;
6. Cho vay tiêu dùng ở nông thôn;
7. Cho vay theo các chương trình kinh tế của Chính phủ.
Điều 4. Nguyên tắc cho vay
1. Các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính quy mô nhỏ đầu tư tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống của nhân dân trên nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư.
2. Các tổ chức tín dụng cho vay theo quy định hiện hành về cơ chế bảo đảm tiền vay. Các tổ chức tín dụng xác định mức cho vay không có bảo đảm đối với từng đối tượng cụ thể, phù hợp với đặc điểm kinh doanh của khách hàng và khả năng quản lý rủi ro của tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng thông báo công khai mức cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, điều kiện, thủ tục cho vay cụ thể trên cơ sở tuân thủ các quy định hiện hành về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.
3. Các ngân hàng, định chế tài chính thực hiện cho vay các đối tượng chính sách và các chương trình kinh tế theo chỉ định của Chính phủ, được Chính phủ bảo đảm các điều kiện để thực hiện thông qua các chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong từng thời kỳ.
4. Các tổ chức tài chính quy mô nhỏ cho vay các đối tượng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thực hiện theo quy định của pháp luật.
5. Chính phủ có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với việc đầu tư vốn vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua các công cụ điều hành chính sách tiền tệ, chính sách thuế, chính sách xử lý rủi ro phát sinh trên diện rộng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và các chính sách cụ thể khác trong từng thời kỳ.
Chương 2
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Nguồn vốn cho vay
1. Các ngân hàng, định chế tài chính thực hiện cho vay các đối tượng chính sách, các chương trình kinh tế của Chính phủ ở nông thôn, được Chính phủ bảo đảm nguồn vốn cho vay từ ngân sách chuyển sang hoặc cấp bù chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng.
2. Nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng đối với lĩnh vực nông thôn bao gồm:
a) Nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng;
b) Vốn vay, vốn nhận tài trợ, uỷ thác của các tổ chức tài chính, tín dụng trong và ngoài nước;
c) Nguồn vốn uỷ thác của Chính phủ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn;
d) Vốn vay Ngân hàng Nhà nước: Căn cứ mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ và yêu cầu phát triển kinh tế trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho các tổ chức tín dụng thông qua việc sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ.
3. Đối với các ngân hàng thương mại có tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 50% trong tổng dư nợ thì không phải thực hiện việc chuyển 2% vốn huy động sang Ngân hàng Chính sách Xã hội để thực hiện cho vay theo chính sách.
4. Hàng năm, các tổ chức tín dụng được trích một tỷ lệ thu nhập trước thuế để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cụ thể như sau:
Được trích 5% đối với các tổ chức tín dụng có tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 50% tổng dư nợ;
Được trích 2% đối với các tổ chức tín dụng có tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm từ 30% đến 50% tổng dư nợ.
Điều 6. Cơ chế bảo đảm tiền vay
1. Tổ chức tín dụng được xem xét cho khách hàng vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản.
2. Tổ chức tín dụng phải quy định rõ đối tượng cho vay, mức cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, điều kiện và thủ tục cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đối với từng đối tượng khách hàng, phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng. Các quy định nêu trên phải được Chủ tịch Hội đồng Quản trị (Tổng Giám đốc) của tổ chức tín dụng ký ban hành và được thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống của tổ chức tín dụng.
Tổ chức tín dụng được xem xét cho vay không có bảo đảm đối với các đối tượng quy định tại Khoản 2, Điều 2 Nghị định này. Mức cho vay không có bảo đảm cho từng loại đối tượng khách hàng do tổ chức tín dụng xem xét quyết định theo các mức tối đa như sau:
a) Cho vay tối đa đến 50 triệu đồng đối với đối tượng là các cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp;
b) Cho vay tối đa đến 200 triệu đồng đối với các hộ sản xuất ngành nghề, làm dịch vụ ở nông thôn;
c) Cho vay đến 500 triệu đồng đối với các đối tượng là chủ trang trại, hợp tác xã.
3. Tổ chức tín dụng thoả thuận với các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức đoàn thể khác ở nông thôn cho vay tín chấp đối với một số đối tượng ở nông thôn, theo hình thức các tổ chức này thực hiện uỷ thác của tổ chức tín dụng để thực hiện toàn bộ hoặc một số khâu của nghiệp vụ tín dụng.
4. Căn cứ vào đặc thù của cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các tổ chức tín dụng hướng dẫn cụ thể quy trình, thủ tục về cho vay, bảo đảm tiền vay đối với khách hàng vay vốn tại các tổ chức tín dụng theo hướng đơn giản, thuận tiện và phù hợp với điều kiện về mặt bằng dân trí của người dân ở nông thôn.
5. Các đối tượng khách hàng được vay không có tài sản bảo đảm quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều này phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với các đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) hoặc được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp để đảm bảo khách hàng không thụ hưởng chính sách này cùng một lúc tại hai tổ chức tín dụng trở lên. Riêng đối với đối tượng là doanh nghiệp do tổ chức tín dụng quy định điều kiện cụ thể để được vay không có tài sản bảo đảm, trên cơ sở khả năng tài chính và hiệu quả của phương án, dự án sản xuất kinh doanh.
6. Các cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã và chủ trang trại khi đăng ký giao dịch bảo đảm để vay vốn tại tổ chức tín dụng để sản xuất kinh doanh thì không phải nộp phí đăng ký giao dịch bảo đảm cho văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc trung tâm đăng ký giao dịch bảo đảm.
Điều 7. Thời hạn cho vay
Căn cứ vào thời gian sinh trưởng của vật nuôi, cây trồng, thời gian luân chuyển vốn, khả năng hoàn vốn của dự án, phương án sản xuất kinh doanh của khách hàng, tổ chức tín dụng và khách hàng thoả thuận thời hạn vay vốn phù hợp.
Điều 8. Cơ cấu lại thời hạn nợ và cho vay mới
1. Trường hợp khách hàng chưa trả được nợ đúng hạn cho tổ chức tín dụng do nguyên nhân khách quan (thiên tai, dịch bệnh…), tổ chức tín dụng xem xét cơ cấu lại thời hạn nợ cho khách hàng theo quy định hiện hành, đồng thời căn cứ dự án, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có khả năng trả được nợ, tổ chức tín dụng xem xét cho khách hàng vay mới để phục vụ sản xuất kinh doanh. Việc cho vay mới không phụ thuộc vào dư nợ cũ của khách hàng.
2. Trường hợp thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, khi có thông báo của cấp có thẩm quyền (Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ngoài việc xem xét cơ cấu lại thời hạn nợ cho khách hàng quy định tại Khoản 1 Điều này, Chính phủ có chính sách hỗ trợ cụ thể đối với nông dân và tổ chức tín dụng bị thiệt hại nặng, không có khả năng trả nợ. Tổ chức tín dụng cho vay được thực hiện khoanh nợ không tính lãi cho người vay đối với dư nợ hiện còn tại thời điểm xảy ra thiên tai, dịch bệnh được công bố tại địa phương. Thời gian khoanh nợ tối đa là 2 năm và được giảm trừ vào lợi nhuận trước thuế khoản lãi không thu được của tổ chức tín dụng cho vay.
Điều 9. Lãi suất cho vay
1. Các ngân hàng, định chế tài chính thực hiện cho vay các đối tượng chính sách, các chương trình kinh tế ở nông thôn theo chỉ định của Chính phủ thì thực hiện việc cho vay theo mức lãi suất do Chính phủ quy định.
2. Lãi suất cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của các tổ chức tín dụng được thực hiện theo cơ chế tín dụng thương mại hiện hành.
3. Những khoản cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn của các tổ chức tín dụng do Chính phủ hoặc các tổ chức cá nhân khác uỷ thác thì mức lãi suất được thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc theo thoả thuận với người uỷ thác.
4. Các tổ chức tài chính quy mô nhỏ thực hiện việc cho vay theo lãi suất thoả thuận với khách hàng, phù hợp với quy định của pháp luật.
Điều 10. Trích lập dự phòng rủi ro
1. Tổ chức tín dụng cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn thực hiện trích lập dự phòng rủi ro theo thực tế phát sinh. Trong năm các tổ chức tín dụng thực hiện trích lập dự phòng rủi ro theo thực tế rủi ro phát sinh năm trước, cuối năm điều chỉnh theo thực tế rủi ro phát sinh trong năm không phân biệt khoản vay đó có tài sản hay không có tài sản làm đảm bảo.
2. Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro đối với cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Điều 11. Xử lý rủi ro
1. Trường hợp rủi ro phát sinh trong điều kiện hoạt động kinh doanh bình thưởng, tổ chức tín dụng cho vay tự xử lý từ nguồn dự phòng rủi ro của tổ chức tín dụng theo quy định hiện hành.
2. Trường hợp phát sinh rủi ro trên diện rộng do các nguyên nhân khách quan, vượt quá khả năng của tổ chức tín dụng, Nhà nước xem xét có chính sách cụ thể đối với từng trường hợp.
Điều 12. Bảo hiểm trong nông nghiệp
1. Khuyến khích các khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng mua bảo hiểm đối với các rủi ro phát sinh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50% phí bảo hiểm phải nộp cho khách hàng là cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, chủ trang trại khi tham gia mua bảo hiểm.
2. Tổ chức tín dụng có chính sách lãi suất ưu đãi để khuyến khích khách hàng vay vốn tham gia mua bảo hiểm khi vay vốn của tổ chức tín dụng.
Điều 13. Chính sách thuế
Áp dụng chính sách thuế suất 0% cho người sản xuất sử dụng các phế liệu trong nông nghiệp để sản xuất sản phẩm phục vụ sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu.
Chương 3
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN ĐƠN VỊ
Điều 14. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
1. Hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định này.
2. Thực hiện chính sách hỗ trợ đối với các tổ chức tín dụng cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn thông qua việc sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ quốc gia.
3. Xây dựng chính sách hỗ trợ thông qua đào tạo và đào tạo lại cán bộ tín dụng cho các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở và các tổ chức tài chính quy mô nhỏ.
4. Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc kiểm tra, giám sát, đề xuất biện pháp xử lý nợ và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình xử lý nợ theo quy định tại Điều 11 Nghị định này.
5. Xây dựng cơ chế đặc thù để khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới (chi nhánh, phòng giao dịch) đến địa bàn nông thôn, đặc biệt vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn.
Điều 15. Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có quy hoạch chi tiết về phát triển cây trồng, vật nuôi, ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
2. Chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến ngư và phối hợp giữa khuyến nông, khuyến ngư với việc cho vay của các tổ chức tín dụng.
3. Hỗ trợ nông dân về khoa học kỹ thuật, giống, bảo quản sau thu hoạch để phục vụ cho tiêu thụ sản phẩm của nông dân.
4. Phối hợp với các đơn vị có liên quan trong việc hoàn thiện các quy định pháp lý và hướng dẫn thực hiện việc cấp giấy chứng nhận đối với các đối tượng được quy định tại Khoản 2, Điều 2 Nghị định này để làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng cho vay.
5. Thông báo cụ thể thời gian, phạm vi thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại trên diện rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng để các đơn vị có liên quan thực hiện các biện pháp hỗ trợ.
Điều 16. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
1. Hướng dẫn cơ chế hỗ trợ đối với các tổ chức tín dụng theo quy định tại Nghị định này và chính sách thuế suất 0% cho người sản xuất sử dụng các phế liệu trong nông nghiệp để sản xuất sản phẩm phục vụ sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu.
2. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cơ chế bảo hiểm đối với các sản phẩm nông nghiệp.
3. Nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ chính sách khuyến khích các quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính quy mô nhỏ tăng vốn điều lệ theo hướng các tổ chức này được trích lại một phần trong tổng số thuế phải nộp ngân sách Nhà nước để bổ sung vốn điều lệ.
4. Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát, đề xuất biện pháp xử lý nợ và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình xử lý nợ theo quy định tại Điều 11 Nghị định này.
5. Phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc không thu phí đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định tại Điều 6 Nghị định này.
Điều 17. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
1. Làm đầu mối trong việc đàm phán, khai thác nguồn vốn hỗ trợ trong và ngoài nước để uỷ thác qua các tổ chức tín dụng cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn.
2. Phối hợp với các Bộ, ngành trong việc xây dựng cơ chế và dự kiến nguồn vốn từ ngân sách hàng năm để cho vay uỷ thác qua các tổ chức tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn.
3. Phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn và dự kiến phân bổ vốn đầu tư xây dựng để làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng cho vay.
Điều 18. Trách nhiệm của Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường
1. Bộ Công Thương xây dựng chính sách hỗ trợ nông dân về thông tin thị trường và tiêu thụ hàng hoá trong nông nghiệp; thực hiện xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm nông nghiệp.
2. Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc không thu phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã và chủ trang trại sử dụng tài sản làm bảo đảm cho các khoản vay tại các tổ chức tín dụng.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Điều 19. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
1. Đẩy mạnh công tác quy hoạch phát triển các sản phẩm nông nghiệp và quy hoạch cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh, thành phố; có chính sách hỗ trợ nông dân về khoa học kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, thông tin thị trường và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
2. Chỉ đạo các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp dưới trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng thẩm định, cho vay, thu hồi nợ vay theo quy định của pháp luật.
3. Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xem xét xác nhận giấy đề nghị vay vốn tín chấp của các đối tượng khách hàng theo quy định tại Khoản 5, Điều 6 của Nghị định này.
4. Chủ trì xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ (thông qua Bộ Tài Chính và Ngân hàng Nhà nước) về cơ chế xử lý rủi ro đối với các khoản vay của các đối tượng khách hàng bị thiệt hại do các nguyên nhân khách quan (thiên tai, dịch bệnh) trên diện rộng.
Điều 20. Trách nhiệm của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể
1. Thực hiện toàn bộ hoặc một số khâu trong nghiệp vụ tín dụng, theo thoả thuận uỷ thác của tổ chức tín dụng đối với cho vay một số đối tượng khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
2. Thực hiện việc theo dõi, giám sát và hỗ trợ các thành viên trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và trả nợ các tổ chức tín dụng đúng hạn.
Điều 21. Trách nhiệm của các tổ chức tín dụng
1. Căn cứ vào Nghị định này và văn bản hướng dẫn của các cơ quan quản lý thực hiện việc hướng dẫn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong toàn hệ thống tổ chức tín dụng theo hướng rõ ràng, minh bạch và thủ tục đơn giản để tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay của tổ chức tín dụng.
2. Ban hành quy định, thủ tục cho vay không có tài sản bảo đảm để thực hiện thống nhất trong hệ thống theo hướng thuận tiện, đơn giản, phù hợp với đối tượng vay, mức cho vay không có tài sản đảm bảo đối với khách hàng vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
3. Xây dựng chính sách cho vay lãi suất ưu đãi đối với các khách hàng có mua bảo hiểm rủi ro đối với sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp khi vay vốn tại tổ chức tín dụng.
4. Mở rộng mạng lưới hoạt động tại các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn; phối kết hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể tại địa phương để thực hiện cho vay, thu hồi nợ vay và giám sát quá trình sử dụng vốn vay của khách hàng.
Chương 4
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 22. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.
Điều 23. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Văn phòng TW và các Ban của Đảng; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Toà án Nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - UBTW Mặt trận Tổ quốc VN; - Cơ quan trung ương của các đoàn thể; - VPCPV: BTCN, các PCN; - Công báo; - Lưu văn thư. |
TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng |
Nhiều ưu đãi tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn  (10/08/2009)
Nhiều ưu đãi tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn  (10/08/2009)
Nhiều ưu đãi tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn  (10/08/2009)
Nhiều ưu đãi tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn  (10/08/2009)
Nỗi đau còn mãi  (10/08/2009)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam