"Ngày 9-4, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học "Vai trò của công nghiệp khai thác bô-xít, sản xuất a-lu-min - nhôm đối với phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên và những yếu tố ảnh hưởng môi trường, văn hóa khu vực".
 
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc hội thảo. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình tham dự. Hội thảo đã thu hút hơn 170 đại biểu, đại diện các cơ quan trung ương; các nhà khoa học, lịch sử, văn hóa; các chuyên gia trong ngành khai thác, chế biến bô-xít; đại diện lãnh đạo các địa phương có quặng bô-xít, một số nhà thầu nước ngoài. Ðại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư đến hội thảo bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề này.

Tại hội thảo, Bộ Công thương cho biết, nước ta có nguồn tài nguyên bô-xít đứng thứ ba trên thế giới, với trữ lượng xác định và dự báo khoảng 5,4 tỉ tấn, chủ yếu tập trung ở khu vực Tây Nguyên. Nhiều năm qua, Tây Nguyên tập trung phát triển cây công nghiệp nhưng hiệu quả kinh tế còn thấp, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, cơ sở hạ tầng nghèo nàn. Vì vậy, bô-xít được xác định là nguồn lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, góp phần ổn định tình hình an ninh - chính trị trên địa bàn. Việc phát triển ngành công nghiệp khai thác bô-xít, sản xuất a-lu-min - nhôm là bước cụ thể thực hiện Nghị quyết Ðại hội lần thứ X của Ðảng. Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam được giao làm chủ đầu tư hai dự án khai thác bô-xít, chế biến a-lu-min tại Lâm Ðồng và Ðác Nông, công suất mỗi nhà máy 600 nghìn tấn/năm cũng đã giới thiệu tóm tắt việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, lịch sử, văn hóa đã phát biểu ý kiến bày tỏ mối quan ngại về ô nhiễm môi trường, hiệu quả kinh tế của dự án cũng như tác động về xã hội, đến nền văn hóa khu vực Tây Nguyên... do khai thác bô-xít gây ra.

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc hội thảo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, chủ trương phát triển công nghiệp khai thác bô-xít và chế biến a-lu-min - nhôm là đúng đắn. Phó Thủ tướng hoan nghênh và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu liên quan dự án khai thác bô-xít tại vùng Tây Nguyên cùng các yếu tố ảnh hưởng môi trường, xã hội và những biện pháp khắc phục, giảm thiểu tác hại. Phó Thủ tướng khẳng định: "Nước ta có nguồn tài nguyên bô-xít dồi dào, đủ tiềm năng để phát triển thành một ngành công nghiệp mới. Nhưng chúng ta không thể phát triển với bất cứ giá nào mà cần phải bảo đảm phát triển bền vững, có những giải pháp quản lý chặt chẽ, mang tính khoa học.

Tiếp thụ ý kiến của các đại biểu, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương sớm điều chỉnh lại "Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô-xít giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025", phù hợp tình hình mới của đất nước, dựa trên những căn cứ, số liệu mới, trong đó cần có báo cáo đánh giá về tác động môi trường. Giai đoạn trước mắt, khi chưa có lợi thế về nguồn điện thì việc chế biến bô-xít sẽ hạn chế ở mức sản xuất a-lu-min, nhưng vẫn cần có kế hoạch xây dựng nhà máy điện phân nhôm tại nước ta. Các cơ quan chức năng cần phối hợp nhà đầu tư tiếp tục thực hiện các chiến lược đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, ưu tiên cho các con em đồng bào địa phương. Ðể bảo đảm tính hiệu quả kinh tế - xã hội, cần đẩy mạnh các biện pháp giám sát các giải pháp bảo đảm hạn chế đến mức thấp nhất sự ảnh hưởng đến văn hóa, xã hội khu vực Tây Nguyên. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc phát triển các dự án khai thác, chế biến bô-xít ở Tây Nguyên sẽ chỉ thật sự thành công, mang lại động lực phát triển cho kinh tế - xã hội các địa phương Tây Nguyên và cả nước khi nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân. Những lo lắng của các nhà khoa học về tác động môi trường, hiệu quả kinh tế, tác động xã hội vùng Tây Nguyên,... khi dự án triển khai là hoàn toàn chính đáng, nhưng thực tế đã có những giải pháp kỹ thuật khả thi để giải quyết, vấn đề còn lại là tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện các giải pháp này.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương liên quan các dự án khai thác, chế biến bô-xít để chương trình phát triển ngành công nghiệp bô-xít đạt hiệu quả kinh tế cao và không ảnh hưởng môi trường, xã hội và cuộc sống văn hóa, tinh thần của người dân, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên và cả nước. Những ý kiến trao đổi tại cuộc hội thảo sẽ được tổng hợp đầy đủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Ðảng, Nhà nước./.