Đó là chủ đề của Hội thảo khoa học do Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội và Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 9-4, tại Hải Dương. Đông đảo các nhà nghiên cứu, chuyên gia về lĩnh vực kinh tế trong và ngoài nước đã tham dự Hội thảo.

Chủ trì Hội thảo, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Hà Văn Hiền cho biết: Cuối năm 2008 và đầu năm 2009, cũng như nhiều nước khác trên thế giới, nền kinh tế Việt Nam đã và đang chịu tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhờ sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng và Nhà nước, sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và của toàn dân, nền kinh tế nước ta đã đạt được những kết quả tích cực, thể hiện rõ trong một số ngành, lĩnh vực… Nhiệm vụ đặt ra cho Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là cùng với các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách tiếp tục theo dõi những diễn biến mới của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, phân tích những tác động để dự báo tình hình kinh tế nước ta từ nay đến hết năm 2009; đánh giá hiệu quả của các chính sách, giải pháp ứng phó hiện nay và kiến nghị chính sách, giải pháp tiếp theo để tham mưu cho Quốc hội và Chính phủ.

Báo cáo đề dẫn do Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng trình bày nêu rõ: Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp và trong điều kiện kinh tế có độ mở cửa lớn, Việt Nam cần có những đánh giá sát thực với các lợi thế và bất lợi trước tác động của cuộc khủng hoảng khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới. Vì vậy, cần nhìn nhận đúng tác dụng của các nhóm giải pháp của Chính phủ đã thực hiện, cả chính sách tổng thể và các chính sách về tài khoá, tiền tệ, cơ cấu và về điều chỉnh thể chế.

Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đóng góp ý kiến, phân tích sâu về phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trước cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu trên 3 chủ đề: Đánh giá bổ sung tình hình kinh tế Việt Nam năm 2008; đánh giá và dự báo các chiều hướng tác động mới của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đối với nền kinh tế nước ta; đề xuất các giải pháp ngăn chặn suy giảm, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng bền vững, bảo đảm an sinh xã hội năm 2009 và chuẩn bị các điều kiện phát triển sau khi thế giới đã ra khỏi khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu chia sẻ kinh nghiệm của các nước trong việc ngăn chặn khủng hoảng tài chính; đánh giá tác động của suy giảm kinh tế thế giới đối với nước ta; đồng thời đưa ra pháp mới nhằm đối phó với những thách thức của nền kinh tế Việt Nam hiện tại và sắp tới. Theo tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng, Viện Kinh tế Việt Nam: để ngăn ngừa các tác động tới kinh tế - xã hội ở Việt Nam, bên cạnh việc tự nghiên cứu, cần tiếp tục theo dõi, tăng cường khả năng dự báo kinh tế của thế giới để có nhìn nhận đúng và có giải pháp ứng phó kịp thời.

Trước khó khăn của ngành công nghiệp hiện nay, phó giáo sư, tiến sỹ Phan Đăng Tuất, Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) đã nêu 4 vấn đề cần giải quyết để kích thích phát triển công nghiệp: Chính phủ cần tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hai hướng là thực hiện đồng bộ các chính sách thông qua việc thu hút đầu tư, tài chính tiền tệ, lao động tiền lương và tập trung phát triển hệ thống công nghiệp hỗ trợ; Đẩy mạnh nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp mới; Khuyến khích hình thành hệ thống vườn ươm doanh nghiệp; Xác định lựa chọn các đối tác chiến lược cho ngành, các doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia vào chuỗi các giá trị của các tập đoàn đa quốc gia.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam Cao Sĩ Kiêm cho rằng: Các giải pháp thực hiện và triển khai gói kích cầu của Chính phủ còn chậm, nặng về kích cung. Vấn đề đặt ra trong thời gian tới là cần tuyên truyền rộng rãi, công khai, minh bạch các thủ tục vay vốn, hỗ trợ để các doanh nghiệp nắm được các chủ trương, chính sách của Nhà nước, kịp thời ứng phó với suy thoái kinh tế.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Bùi Thanh Quyến kiến nghị các chuyên gia kinh tế cần đánh giá sự tác động suy giảm kinh tế thế giới đến các tập đoàn kinh tế nhà nước; tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các ngành nghề lao động thủ công; hỗ trợ, đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, giúp nông dân có việc làm, phát triển sản xuất. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: Nước ta đang phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài nên cần đánh giá đúng, đầy đủ, cần nhìn thẳng vào sự thật tình hình diễn biến của cuộc khủng hoảng tài chính để đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình Việt Nam.../.