Hệ giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong đổi mới và hội nhập
TCCS - Văn hóa Việt Nam trong quá trình xây dựng để trở thành một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cần phải bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làm sống động những gì đặc sắc, ưu tú nhất của văn hóa dân tộc, tạo ra xung lực mạnh mẽ để phát triển chính dân tộc mình, đóng góp xứng đáng vào đời sống văn hóa nhân loại, tham gia quá trình hội nhập quốc tế với sự tự biểu hiện, tự khẳng định giá trị, bản sắc Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại.
1 - Văn hóa là hoạt động sáng tạo và là hệ thống các giá trị do chính con người tạo ra trong mỗi thời đại lịch sử
Việt Nam, xét trên phương diện đất nước học, là cả một địa - văn hóa hết sức độc đáo bên cạnh một địa - kinh tế và địa - chính trị rất đặc thù.
Lịch sử hằng ngàn năm dựng nước và giữ nước đã tạo cho Việt Nam có một truyền thống lâu đời, bền vững đó là truyền thống lịch sử, truyền thống dân tộc. Cái hồn của truyền thống ấy là văn hóa và bản lĩnh sáng tạo, sức sống của con người Việt Nam. Dân tộc Việt Nam có một truyền thống từ lâu đời về văn hóa và văn hiến, kết tinh thành hệ giá trị chân - thiện - mỹ như một hệ giá trị phổ quát của văn hóa, của mọi dân tộc trong quốc gia - dân tộc mình và trong cộng đồng nhân loại. Song mỗi dân tộc, do những điều kiện và hoàn cảnh lịch sử riêng của mình, từ những trải nghiệm trực tiếp trong thực tiễn lao động và đấu tranh, trong môi trường tự nhiên và xã hội để tồn tại và phát triển, lại có những quan niệm và cách thức biểu hiện riêng của mình về chân - thiện - mỹ. Nó biểu hiện thành tâm lý và ý thức, phong tục tập quán và lối sống, tạo thành tính cách của con người và cộng đồng dân tộc. Các giá trị văn hóa truyền thống đó kết tinh lại trong quan niệm, tư tưởng, triết lý, trong đạo đức và cách thức ứng xử, phản ánh diện mạo tinh thần, tâm hồn và tình cảm của cả một dân tộc, có trong các sản phẩm vật thể và phi vật thể của văn hóa. Trong văn hóa tinh thần (phi vật thể) và đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam truyền thống, qua các thời đại lịch sử cần đặc biệt chú trọng tới một lĩnh vực rất phong phú và tinh tế nằm chung trong cấu trúc của văn hóa, ấy là văn học, nghệ thuật, bao gồm cả dòng văn học dân gian và dòng văn học bác học. Đây là di sản tinh thần rất quan trọng mà các thế hệ người Việt Nam từ xa xưa - tổ tiên, ông cha chúng ta đã sáng tạo ra, đã để lại cho đời sau. Nó phải được bảo tồn và phát huy, được kế thừa và phát triển trong những điều kiện lịch sử mới. Nó cần phải có mặt trong hành trang của những con người Việt Nam hiện nay, nhất là thế hệ trẻ nhập cuộc với đổi mới để phát triển, đổi mới trong nội tại của đất nước, con người và dân tộc mình đồng thời hội nhập với bên ngoài để phát triển và hiện đại hóa.
2 - Con người sản xuất và sáng tạo ra văn hóa đồng thời văn hóa đã phát triển và hoàn thiện con người, định hình bản chất người và nhân tính của nó
Văn hóa trong ý nghĩ sâu xa của nó là trình độ người trong phát triển, là tất cả những gì chứng tỏ nhân tính vượt lên trên thú tính (bản năng của loài vật).
Văn hóa được hình dung như một lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, theo cách này, có văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần, có hoạt động văn hóa, sản phẩm văn hóa, có quản lý nhà nước về văn hóa. Trong nền kinh tế thị trường, đã và đang hình thành thị trường văn hóa, xuất phát từ đặc tính thương mại của văn hóa (có sản xuất, kinh doanh, dịch vụ văn hóa, tuân theo quy luật thị trường, quy luật giá trị, cạnh tranh, quy luật cung - cầu). Cũng cần phải tính đến xu hướng thương mại, thương mại hóa văn hóa, tuy nhiên hiện tượng này có thể xem trên hai mặt hợp lý, cần thiết và những biến thái của hiện tượng này có thể dẫn đến những lệch lạc về định hướng giá trị, nhu cầu, thị hiếu mà quản lý văn hóa và giáo dục văn hóa phải điều tiết.
Một nguyên tắc cần được nhận thức đúng và ứng dụng trong thực tiễn văn hóa trước tác động của kinh tế thị trường là, mọi hoạt động văn hóa và phát triển thị trường văn hóa cũng như ngành công nghiệp văn hóa không được để xảy ra những biến dạng văn hóa, thành phản văn hóa, giá trị thành phản giá trị. Muốn vậy, phải bảo đảm cho hoạt động văn hóa và các sản phẩm văn hóa được tạo ra, được lưu thông trên thị trường bảo toàn được 3 chuẩn mực của văn hóa: Khoa học, đạo đức và thẩm mỹ (tương ứng với cấu trúc về loại hình văn hóa, cấu trúc của giá trị văn hóa là chân - thiện - mỹ, phù hợp với nhân bản, nhân đạo và nhân văn của văn hóa).
Tiếp cận văn hóa từ hoạt động cho thấy, văn hóa gắn liền với chủ thể hoạt động là con người, văn hóa là phương thức độc đáo của con người, chỉ riêng có ở con người để biểu hiện và tự biểu hiện mình, để khẳng định và tự khẳng định mình trong phát triển và tự phát triển. Với con người và loài người, hoạt động căn bản quan trọng, quyết định nhất là hoạt động lao động sản xuất ở trong thực tiễn đời sống, gắn liền xã hội với tự nhiên, như một chỉnh thể. Con người không chỉ sản xuất ra văn hóa mà còn cảm thụ, tiêu dùng văn hóa, cả văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Có một tự nhiên được nhân tính hóa và do chính con người làm chủ nó, làm chủ để tồn tại và sống thân thiện với nó chứ không phải can thiệp vô lối, tùy tiện, làm tổn hại “cái thân thể vô cơ của con người” (Các Mác). Con người đối xử với tự nhiên một cách có văn hóa, chứ không phải tàn phá nó như những kẻ thực dân xâm lược theo lời cảnh báo của Ph. Ăng-ghen. Tàn phá, hủy hoại tự nhiên là xa lạ với hiểu biết. Khám phá, sáng tạo để làm chủ tự nhiên. Phá hủy tự nhiên, làm hỏng môi trường sống của con người cũng có nghĩa là đẩy con người và loài người tới chỗ tự sát.
Nếu hoạt động lao động sản xuất là hoạt động tồn tại mãi mãi, vĩnh viễn, cùng với bản chất con người như một tổng hòa các quan hệ xã hội thì lao động như một phạm trù vĩnh viễn, là hằng số của phát triển văn hóa. Rõ ràng, văn hóa không sinh ra từ một hoạt động bất kỳ, tự phát nào. Văn hóa là những giá trị được chọn lọc và thẩm thấu rất sâu rộng trong đời sống thực tiễn, trước hết là thực tiễn tồn tại và phát triển của con người. Theo đó, lao động là phạm trù vĩnh viễn cùng tồn tại với con người, và trong các loại hình văn hóa cần phải dành cho văn hóa lao động một sự tôn vinh đặc biệt. Từ lao động đến văn hóa lao động là cả một quá trình lịch sử lâu dài. Để có văn hóa lao động thì lao động phải là lao động tự do, tự nguyện, sáng tạo, nó không còn bị giam hãm bởi phương tiện sinh tồn vì miếng cơm, manh áo mà nó phải trở thành nhu cầu sống của con người, lao động phải nhằm bộc lộ và phát triển những năng lực sáng tạo, những phẩm giá, đức hạnh của con người. Muốn vậy phải giải phóng lao động và người lao động khỏi tình trạng bị bóc lột, áp lực, bị đầy đọa trong cực nhọc, tăm tối, tức là lao động bị tha hóa kéo theo tha hóa bản chất con người. C. Mác gọi tình trạng đó là làm nhục con người. Phải sao cho trong lao động và trong đời sống, con người được tôn trọng như một con người. Chỉ khi đó, con người mới có thể coi lao động như một nhu cầu sống đầu tiên và con người được tự do khi ở bên ngoài lĩnh vực lao động tất yếu. Văn hóa lao động đòi hỏi phải nhân đạo hóa không ngừng môi trường sống, hoàn cảnh sống, cũng như điều kiện lao động. Quan hệ lao động có thấm nhuần chuẩn mực bình đẳng và công bằng thì thái độ lao động của con người mới là thái độ lao động có văn hóa, tức là tự nguyện, tự giác và sáng tạo. Tình yêu đối với lao động và đức tính cần cù lao động trở thành một giá trị văn hóa. Đó cũng là một giá trị văn hóa nổi bật, hàng đầu trong giá trị văn hóa truyền thống của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam mà ngày nay chúng ta phải bảo tồn và phát huy. Bởi hoạt động tạo ra giá trị nên tiếp cận văn hóa từ hoạt động gắn liền với tiếp cận văn hóa từ giá trị. Chỉ những hoạt động sáng tạo, tích cực, hướng tới sự phát triển và tiến bộ mới được coi là hoạt động văn hóa. Do đó, về phương diện giá trị, cái gọi là văn hóa phải đi liền với những giá trị đích thực, những chân giá trị (chân - thiện - mỹ). Cần phải khẳng định rằng, văn hóa chỉ dùng để nói về những gì tốt đẹp, đúng đắn, hướng tới phát triển và hoàn thiện nhân tính. Những gì đối lập với nó không thể gọi là văn hóa và giá trị văn hóa.
3 - Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong điều kiện hiện đại hóa xã hội đòi hỏi phải thấm nhuần quan điểm và phương pháp biện chứng về phát triển. Đây chính là xử lý mối quan hệ giữa cái cũ và cái mới, giữa kế thừa và phát triển các di sản, các giá trị truyền thống
Văn hóa không chỉ hoạt động và kết tinh thành giá trị. Văn hóa còn mang bản chất sáng tạo mà muốn sáng tạo thì phải thường xuyên đổi mới.
Văn hóa là đổi mới và sự nghiệp đổi mới của Đảng, của nhân dân ta là một sự nghiệp văn hóa, là quá trình sáng tạo văn hóa. Đó là một chỉ dẫn rất sâu sắc của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - một học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà văn hóa lớn, nhà nhân văn chủ nghĩa của Việt Nam thời hiện đại.
Có thể tìm thấy trong tư tưởng Hồ Chí Minh những chỉ dẫn quan trọng, mới mẻ và hiện đại về phương pháp luận nghiên cứu văn hóa trong phát triển, về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống hướng đích vào phát triển mà sâu xa nhất là phát triển con người.
Chăm lo phát triển con người phải không bỏ sót một người nào, không phí phạm một tài năng nào. Phải làm cho mọi sáng kiến, sáng tạo của các cá nhân được khích lệ, phát huy.
Hồ Chí Minh xem việc phát triển con người không chỉ là phát triển cá nhân mà còn là phát triển cả cộng đồng xã hội, đó là nhân dân, đồng bào, là dân tộc, là từng tổ chức, đoàn thể đến toàn Đảng và toàn xã hội. Người nêu rõ: phát triển sức dân, đi liền với bồi dưỡng sức dân và tiết kiệm sức dân.
Mỗi người phải vừa là một công dân, vừa là một chiến sĩ, vì nước, vì dân mà tranh đấu, coi phục vụ dân, làm đầy tớ, công bộc của dân là lẽ sống cao thượng nhất.
Cả dân tộc phải trở thành một dân tộc thông thái.
Cả xã hội là một xã hội văn hóa cao.
Muốn vậy phải dày công phát triển kinh tế, văn hóa, phải làm cho văn hóa đủ sức soi đường cho quốc dân đi, văn hóa không ở bên ngoài mà ở bên trong kinh tế và chính trị. Lại phải làm cho chính trị, thấm sâu vào đời sống dân gian, phải đem sức mạnh văn hóa để chữa thói phù hoa xa xỉ, quan liêu lãng phí, tham ô (ngày nay là tham nhũng). Chiến lược phát triển xã hội trong trù tính của Hồ Chí Minh là cả một phức hợp các chiến lược làm cho kinh tế phồn vinh, chính trị dân chủ pháp quyền, xã hội công bằng, bình đẳng, nước có độc lập, dân có tự do và hạnh phúc, con người, xã hội hài hòa với môi trường tự nhiên, luôn được chăm sóc, giữ gìn và bảo vệ. Một xã hội như vậy là một xã hội văn hóa cao, con người sống trong xã hội ấy trở thành người chủ, biết làm chủ, có quyền và địa vị làm chủ thì phải có nghĩa vụ của người chủ.
Giải phóng dân tộc để phát triển dân tộc, con đường giải phóng và phát triển ấy là độc lập dân tộc và gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Muốn vậy, phát triển kinh tế phải đi liền với chấn hưng giáo dục để chấn hưng dân tộc, bởi kiến thiết chế độ mới phải có nhân tài, có rất nhiều nhân tài, làm cho đời sống vật chất ngày một tăng, đời sống tinh thần ngày một tốt, xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ.
Văn hóa có mặt và tham dự vào tất cả các quá trình ấy. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết phải có những con người xã hội chủ nghĩa.
Đảng phải tỏ ra xứng đáng là một Đảng chân chính cách mạng, thực hiện một nền chính trị đoàn kết và thanh khiết, làm gương cho toàn dân, bởi gương mẫu là cách lãnh đạo tốt nhất, một tấm gương tốt còn quý hơn hàng trăm bài diễn văn.
Như vậy, trên phương diện giá trị, ngoài giá trị lao động và đức tính yêu lao động, cần cù sáng tạo trong lao động, Văn hóa Việt Nam còn nổi bật ở giá trị đạo đức, ở tình thương yêu nhân ái, vị tha, là đoàn kết gắn bó cộng đồng, là đạo lý, đạo nghĩa ở đời và làm người, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”...
Biểu hiện cụ thể trong đời sống hằng ngày, con người Việt Nam và dân tộc Việt Nam, tỏ rõ một thái độ văn hóa trong lựa chọn giá trị, đề cao phẩm giá con người, trọng chân lý và đạo lý, biết vinh và biết nhục, biết giữ trọn khí tiết, sự tham cao của tâm hồn mà “hoa sen Việt Nam”, “cây tre Việt Nam” là một biểu tượng. Vật chất quyết định tinh thần, song văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam thể hiện rõ rệt sự ưu trội khi lựa chọn giá trị, biết đề cao giá trị làm người và tìm thấy động lực sống, động lực phát triển không chỉ là lợi ích vật chất mà còn là các giá trị tinh thần, đạo đức, lương tâm, danh dự.
Trong tục ngữ, ca dao Việt Nam từ xa xưa đã có một sự chiêm nghiệm, một tổng kết rằng:
“Người ta là hoa của đất”
Và tâm linh Việt Nam đã chú trọng đạo hiếu - nghĩa rất thiêng liêng:
“Người ta sống vì mồ vì mả
Không ai sống bằng cả bát cơm”
Ngay khi hướng tới một cái nhìn thực tế và thực dụng, trí tuệ dân gian Việt Nam đã tỏ ra sự tỉnh táo, thiết thực, có lý và hợp lý. ấy là thái độ ứng xử của “thằng Bờm”, biết rõ đâu là giá trị cần có và tương xứng với cái sản phẩm của mình. Nó khước từ mọi hư ảo, phỉnh nịnh, lừa dối, nó tiếp nhận cái thật và sự thiết thực cần phải có... Triết lý ấy là một phần tư tưởng, tinh thần và tâm hồn dân tộc lắng đọng trong văn hóa truyền thống, trước hết trong văn học dân gian với kho tàng ca dao tục ngữ vừa thấm đượm chất trữ tình vừa không kém phần sâu sắc của trí tuệ dân gian.
4 - Yêu nước và tình cảm yêu nước, thương người phát triển thành chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo, đó không chỉ là một nét đẹp đạo đức, một nét văn hóa mà còn kết tinh thành giá trị bền vững của văn hóa truyền thống Việt Nam. Chính giá trị này làm nên sức sống của con người và dân tộc Việt Nam. Đây cũng là cội nguồn sức mạnh của bản lĩnh văn hóa Việt Nam cần phải phát huy trong hội nhập quốc tế ngày nay
Yêu nước, thương người là sự cao quý của tư tưởng và tâm hồn Việt Nam, là giá trị nhân cách của con người Việt Nam, đó là truyền thống dân tộc trải qua bao biến thiên của lịch sử vẫn tồn tại một cách bền bỉ và tỏa sáng rạng rỡ trên gương mặt tinh thần của cả dân tộc. Đó cũng là một truyền thống văn hóa, văn hóa chính trị gắn liền với văn hóa đạo đức của dân tộc Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn truyền thống của Việt Nam được sản sinh và nuôi dưỡng trong lịch sử dựng nước và giữ nước hằng nghìn năm cho tới ngày nay vừa anh hùng vừa bi tráng. Cốt cách Việt Nam định hình trong thử thách khắc nghiệt chống thiên tai và chống ngoại xâm, đoàn kết và cố kết cộng đồng, nương tựa vào nhau để tồn tại và phát triển, bởi sức mạnh của hợp tác và đồng thuận. Sức mạnh ấy chẳng những được quy định thành văn mà còn được tổng kết thành triết lý sống và thành phương châm ứng xử, chỉ dẫn hành động, sự khẳng định các giá trị. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam truyền thống có trong mối liên kết giữa Nhà với Làng với Nước, là liên kết cộng đồng, lấy sức mạnh ở tổng thể, trong đó từng cái riêng, đơn lẻ và cá thể được tập hợp và hòa đồng trong cái chung của cộng đồng rộng lớn, lấy tương đồng, cố kết cộng đồng để khắc phục những khác biệt và những xung đột.
Nhà là biểu hiện đầu tiên, là điểm xuất phát và cũng là chỗ trở về trong mục đích hòa đồng để phát triển của Nước.
Làng là sự mở rộng của Nhà và Nước là sự mở rộng và tập hợp của các làng mà thành. Trong tâm thức con người Việt Nam, làng là quê hương, là cái nôi thiêng liêng. Tổ quốc cũng vậy. Nước là đất nước, là nhà nước.
Giá trị và sức mạnh cộng đồng là một nét nổi bật, là một đặc tính truyền thống Việt Nam, trước hết là trong chống thiên tai và sau đó là chống giặc ngoại xâm.
Trong thời hiện đại, trong bối cảnh mở cửa, hội nhập, giá trị và sức mạnh ấy cũng phải phát huy và đồng thời cũng cần khắc phục những hạn chế của chính giá trị này, sao cho cố kết cộng đồng không bao giờ buông lỏng mà tự do cá nhân cũng không thể xem thường. Hài hòa giữa những “cái tôi” với “cái chung” trong phát triển đòi hỏi những tác động sâu xa của dân chủ và sự công phu trong giáo dục văn hóa lối sống, để vừa phát triển hợp lý, chính đáng những cá thể, vừa phát triển lành mạnh cộng đồng xã hội - những tập thể chân chính chứ không phải những cộng đồng trừu tượng, hư ảo, những biến tướng “giả tập thể” của những phường hội, cục bộ, chủ nghĩa địa phương, cát cứ và bè phái.
Đó chính là sự khắc phục những hạn chế có trong “tính lưỡng diện văn hóa” của tâm lý, lối sống truyền thống mà cơ sở kinh tế - xã hội đã sản sinh ra nó chính là nền kinh tế nông nghiệp của xã hội nông thôn với cộng đồng nhưng tiểu nông tư hữu, sản xuất nhỏ. Di tồn này vẫn còn trong xã hội Việt Nam ngày nay vốn chưa được cải tạo hết, từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại chưa hoàn thành. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống bao hàm cả xây dựng và cải tạo, cả kế thừa và loại bỏ, đổi mới để phát triển.
Cuộc đấu tranh giữa cái mới tiên tiến với cái lạc hậu, bảo thủ là một cuộc đấu tranh phức tạp và lâu dài. Theo V.I. Lê-nin, thói quen là điều đáng sợ nhất. Yêu nước, thương người, chủ nghĩa nhân đạo và chủ nghĩa nhân văn truyền thống là những giá trị văn hóa, những triết lý văn hóa bền vững và đặc sắc nhưng cũng biến đổi khi hoàn cảnh, điều kiện lịch sử đã thay đổi. Nội dung yêu nước ở thời hiện đại, trong bối cảnh quốc tế hiện nay đã có thêm những biểu hiện mới, yêu cầu mới. Tình cảm thương người, vị tha, nhân ái cũng vậy, nó không chỉ thể hiện trong quan hệ giữa người và người trong cộng đồng, trong sự gắn bó, chia sẻ với số phận chung của dân tộc khi gặp hoạn nạn với những thử thách mất - còn, tự do và nô lệ. Ngày nay, trong kinh tế thị trường, trong phát triển để vượt qua cái nghèo vươn tới giàu có, khi cá nhân và lợi ích cá nhân được đề cao, thậm chí phát triển thái quá thành chủ nghĩa cá nhân cực đoan... thì những giá trị trong văn hóa truyền thống nêu trên không tránh khỏi những thách thức. Quan niệm mới và cách thức giải quyết mới, nếu không rõ ràng, không được hướng dẫn và giáo dục thì những lệch lạc về định hướng giá trị và chuẩn mực giá trị sẽ có thể xảy ra. Nó biểu hiện thành hành vi ứng xử ở những đối tượng nào đó, những nhóm xã hội nào đó, cả thế hệ và lứa tuổi, có thể như một sự suy đồi văn hóa, suy đồi đạo đức.
Vì vậy, việc xây dựng quan niệm mới về giá trị, đổi mới nhận thức về giá trị văn hóa truyền thống, chú trọng giáo dục văn hóa, đặc biệt là giáo dục giá trị để hướng dẫn dư luận và thực hành trong lối sống, trong đời sống văn hóa là một đòi hỏi bức xúc, cần thiết. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống hướng tới phát triển có ý nghĩa như là hiện đại hóa truyền thống.
5 - Truyền thống và những giá trị văn hóa truyền thống định hình ở dân tộc này nhưng có thể có ở dân tộc khác, ở nhiều dân tộc khác
Có lẽ, để tồn tại và phát triển, không dân tộc nào trong cộng đồng thế giới nhân loại lại không hình thành nên tình cảm yêu nước, thương nòi, cần cù lao động, sáng tạo trong việc cải biến tự nhiên và chống ngoại xâm. Cũng như vậy, trong văn hóa của dân tộc mình, không dân tộc nào lại không xây dựng cho mình những chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử, những thành tựu riêng thuộc về tư tưởng hay ý thức hệ, về văn chương, nghệ thuật, âm nhạc, hội họa và đưa nó vào trong sinh hoạt tinh thần, thành tâm lý, phong tục, tập quán.
Phân biệt đâu là cái đích thực, cái riêng có của dân tộc mình, kết tinh trong giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình là không đơn giản.
Văn hóa là sự thống nhất trong đa dạng, thống nhất từ những khác biệt. Sự phong phú, sâu sắc của mỗi nền văn hóa là ở những tính riêng đặc thù trong khi biểu hiện thành những tính chung, những cái phổ biến, phổ quát.
Đồng nhất văn hóa là cái chết của văn hóa và điều đó không thể xảy ra trong lý luận cũng như trong thực tiễn văn hóa.
Sự tương đồng, giống nhau về những giá trị văn hóa có lý do từ những tất yếu của tồn tại và phát triển đời sống con người và loài người, của nhân tính. Nó cũng còn bắt nguồn từ sự tiếp xúc và tiếp biến giữa các chủ thể văn hóa trong thời gian và không gian văn hóa, sự tương đồng trong tích lũy kinh nghiệm sống và những trải nghiệm lịch sử về sự sống giữa các dân tộc.
Và khác biệt, có lẽ là ở phương thức biểu hiện, ở hình thái sản xuất và sáng tạo văn hóa, ở quan niệm tư tưởng và triết lý văn hóa của mỗi dân tộc, trong sự đề cao hay ưu tiên giá trị này chứ không phải giá trị khác. Nếu truyền thống hình thành từ lịch sử là khác nhau giữa dân tộc này với dân tộc khác, nếu truyền thống là lịch sử đã trải qua và đã chứng nghiệm của đời sống dân tộc, nó kết động cả mặt tích cực lẫn tiêu cực, cả cái hay lẫn cái dở thì giá trị trong truyền thống lại trải qua sự sàng lọc, đi qua cái “bộ lọc của tinh thần dân tộc” để cái gì trở thành giá trị, được thừa nhận và tôn vinh (trở thành ý thức tự hào dân tộc) phải là cái tốt đẹp, tích cực, với hai phương diện nổi bật: trí tuệ và đạo đức. Dĩ nhiên, điều này cũng là tương đối và có tính lịch sử, bởi rất có thể, cái được quan niệm là giá trị ở dân tộc này lại không được coi là giá trị trong quan niệm của dân tộc khác. Rõ nhất là trong phong tục tập quán. Như đã nói ở trên, truyền thống cũng thay đổi trong những điều kiện lịch sử nhất định mà giá trị truyền thống cũng luôn đổi mới sự biểu hiện và trong thước đo đánh giá của hiện đại.
Không một quá khứ nào có thể giữ nguyên vẹn khi gia nhập vào đời sống của hiện tại và đi tới tương lai. Đó là lẽ tự nhiên của phát triển. Bởi vậy, khi xem xét văn hóa dân tộc với truyền thống và giá trị của nó như là “tấm căn cước” của dân tộc để hội nhập vào thế giới, giúp cho sự nhận thức và đánh giá dân tộc đó là gì và như thế nào trong sự hiểu biết và cảm thông của cộng đồng nhân loại thì nhận diện những khác biệt là rất cần thiết và quan trọng. Những khác biệt đó không chỉ là cái tốt, cái đẹp mà có cả những khiếm khuyết, hạn chế. Cái mạnh của dân tộc này (về văn hóa) có thể là cái yếu của dân tộc khác.
Để nỗ lực vươn tới phát triển và có đóng góp xứng đáng vào phát triển chung, tính tự ý thức của dân tộc là điều không thể thiếu.
Song trong tiếp xúc giao lưu, đối thoại giữa các nền văn hóa trong hội nhập, thái độ chấp nhận và tôn trọng những khác biệt của nhau, không lấy mình làm chuẩn để đánh giá cái ngoài mình cũng vô cùng cần thiết. Đây là thực chất của tinh thần khoan dung và văn hóa khoan dung mà ai ai cũng cần phải nhận biết, trau dồi và thực hành trong ứng xử. Đây cũng là điều cần thiết để gây dựng quan hệ văn hóa giữa các dân tộc trên thế giới đáp ứng yêu cầu dân chủ, bình đẳng giữa các dân tộc, cùng hướng tới hòa bình, phát triển, đoàn kết, hợp tác và đồng thuận.
Bản chất của khoan dung làm cho văn hóa đóng vai trò thúc đẩy các dân tộc xích lại gần nhau, là nhịp cầu của tình hữu nghị và sự thân thiện, đồng cảm và thông cảm lẫn nhau trong việc cùng tham gia, cùng chia xẻ những trách nhiệm chung vì phát triển chung của cả thế giới nhân loại. Bản sắc và bản lĩnh văn hóa của dân tộc trong việc thể hiện những giá trị văn hóa chung, phổ quát của nhân loại và khẳng định phần sáng tạo riêng của dân tộc mình trong việc làm phong phú, sâu sắc những giá trị đó hoặc sáng tạo ra những giá trị thực sự của mình - Đó mới thực là điều cần nhấn mạnh khi bàn về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong hội nhập quốc tế./.
Bình Định với những thành tựu và bài học sau nửa nhiệm kỳ đại hội  (09/04/2009)
Câu chuyện về thắng - thua hay bồ câu - diều hâu  (09/04/2009)
Thấy gì từ một xã bị mất nhiều đất cho công nghiệp  (09/04/2009)
Thấy gì từ một xã bị mất nhiều đất cho công nghiệp  (09/04/2009)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển