Câu chuyện về thắng - thua hay bồ câu - diều hâu
TCCSĐT - Đầu tháng 3 - 2009 vừa qua, tôi có dịp tiếp chuyện bà giáo sư sử học Ca-rô-lin Ai-xen-bớc, trường đại học Hofstra (Mỹ). Bà đến thăm Việt Nam để thu thập tư liệu viết cuốn sách về lịch sử chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, giai đoạn 1969-1973. Tôi tiếp bà trong tư cách “một nhân chứng lịch sử” về Hội nghị Pa-ri. Đơn giản là bà phỏng vấn những gì cần biết và tôi trả lời những gì mình biết được. Đôi lúc, có những câu hỏi liên quan đến ai thắng, ai thua hay ai bồ câu ai diều hâu trong chiến tranh. Tôi nói lên nhận xét của mình mà không có ý gì tranh luận.
Thắng hay thua?
Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn đến cuộc đàm phán Pa-ri giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà khởi đầu từ tháng 5 năm 1968, và sau đó là Hội nghị bốn bên về Việt Nam từ tháng 1-1969 trở đi, tôi có trả lời rằng, nguyên nhân quan trọng nhất là thắng lợi của chúng tôi và là thất bại của Mỹ trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) của quân và dân miền Nam Việt Nam. Bà giáo sư hỏi lại:
- Theo các nhà quân sự Mỹ thì hồi đó, Mỹ không thua trên chiến trường mà chỉ thua trên các đường phố hay trong phòng họp của Quốc hội Mỹ.
Tôi trả lời:
- Người ta nói điều này không chỉ sau cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân của chúng tôi, mà cả sau khi Mỹ đã thất bại hoàn toàn trong cuộc chiến tranh. Hơn nữa, không chỉ giới quân sự nói mà cả nhiều chính trị gia hàng đầu của Mỹ, như Tổng thống Ních-xơn, cũng nói.
Cái Mỹ gọi là “thất bại về tâm lý” chính là điều chúng tôi khẳng định: Việt Nam đã đánh sập (hay làm lung lay) ý chí xâm lược của Mỹ. Chúng tôi đã tiến công và nổi dậy đồng loạt trong tất cả các thành phố và thị xã của miền Nam, trực tiếp đưa chiến tranh vào thành thị, đánh vào tất cả các cơ sở quân sự, cơ quan chỉ huy đầu não của Mỹ, chính quyền và quân đội Sài Gòn, gây tổn thất nặng nề cho đối phương. Từ cuộc tổng tiến công và nổi dậy này, Nhà Trắng đã nhận ra rằng không thể thắng chúng tôi bằng quân sự mà phải tìm một con đường khác để rút ra khỏi cuộc chiến tranh, con đường đó là đàm phán. Nếu chúng tôi không có thắng lợi về quân sự thì sao có thể có thắng lợi về chính trị như thế được? Nếu Mỹ không thất bại về quân sự thì sao có thể giải thích được việc hàng loạt tướng lĩnh cao cấp của Mỹ bị mất chức, Bộ trưởng Quốc phòng Mắc Na-ma-ra phải từ chức và Tổng thống Giôn-xơn đồng ý chấp nhận đàm phán và không ra ứng cử thêm một nhiệm kỳ tổng thống nữa?
- Nhưng sau Tết Mậu Thân, phải chăng đã có một cuộc phản công khiến các ông bị đẩy khỏi các vùng nông thôn và rút đến tận biên giới? Bà giáo sư hỏi lại.
Tôi không trực tiếp trả lời câu hỏi ấy, nhưng đã kể lại một chuyện vui trong một cuộc họp báo của người phát ngôn Đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng tại Hội nghị Pa-ri thời đó. Tại cuộc họp báo này, có một nhà báo Mỹ đưa ra một tấm bản đồ khá lớn và hỏi: “Mặt trận các ông thường khoe là kiểm soát được hai phần ba lãnh thổ Việt Nam, vậy ông vui lòng chỉ cho tôi xem trên tấm bản đồ này các vùng giải phóng đó ở đâu?” Người phát ngôn Mặt trận đáp: “Điều ông hỏi cũng là điều bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn muốn biết. Xin ông hãy đọc thông cáo quân sự của Mỹ ngày hôm nay, xem máy bay của họ đã ném bom những nơi nào ở miền Nam Việt Nam, những nơi ấy chính là vùng giải phóng của chúng tôi đấy!” (hôm ấy, máy bay Mỹ ném bom dữ dội Củ Chi và vùng ngoại vi Sài Gòn). Có tiếng vỗ tay trong phòng họp.
Câu chuyện về “thắng - thua” giữa bà giáo sư và tôi một lần nữa trở lại khi chúng tôi đề cập nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc ký kết Hiệp định Pa-ri ngày 27-1-1973. Tôi có nói tới thất bại của Mỹ trong trận tập kích chiến lược bằng B52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác ở miền Bắc vào cuối tháng 12 năm 1972. Bà giáo sư nói: “Chính quyền Mỹ lại cho rằng nếu không có thắng lợi của cuộc tập kích đó thì Việt Nam không nhanh chóng chịu ký kết Hiệp định”. Tôi hỏi bà giáo sư có từng nghe một danh từ nào đó là “Điện Biên Phủ” không? Bà đáp: “Có. Có. Điện Biên Phủ là trận thắng lừng lẫy của Việt Nam để đi đến kết thúc cuộc chiến tranh Đông Dương trước đây” Tôi nói: “Đúng là như vậy. Chúng tôi coi thắng lợi của chúng tôi đập tan cuộc tiến công bằng B52 của Mỹ chính là một trận Điện Biên Phủ trên không. Ngày nay, không chỉ Pháp mà nhiều nước trên thế giới cũng hiểu rằng ba từ “Điện Biên Phủ” đồng nghĩa với một trận nốc-ao”. Tôi nói thêm: “Nếu không bị trận đòn nốc-ao ấy thì Mỹ dễ gì Mỹ nhận ký kết một bản Hiệp định mà nội dung của nó cơ bản không có gì khác bản dự thảo đã được thoả thuận giữa hai bên từ tháng 10 năm 1972 và sau đó, có sửa đổi chút ít trước khi xảy ra cuộc tiến công”. Tôi cũng nhắc lại một câu nói trong hồi ký sau này của ông Kit-xinh-giơ: “Điều đó có bõ công không? Những thay đổi đạt được liệu có đủ quan trọng để biện minh cho nỗi lo âu và cay đắng (của Mỹ) trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh?”.
Bà giáo sư cười thoải mái. Bà cho biết bà đã tham gia phong trào hoà bình ở Mỹ ngay từ những năm tháng chiến tranh Việt Nam.
Bồ câu hay diều hâu?
Trong câu chuyện, bà giáo sư có hỏi nhận xét của tôi về các vị đại sứ trưởng đoàn đàm phán của Mỹ tại Hội nghị Pa-ri.
Về Đại sứ Ca-bốt Lôt, Trưởng đoàn đầu tiên của Mỹ tại Hội nghị bốn bên, bà giáo sư hỏi: “Ông có nghĩ rằng ông Ca-bốt Lôt là thuộc phái bồ câu, trong khi ông Ních-xơn là thuộc phái diều hâu không?” Khái niệm “phái bồ câu” thường dùng để chỉ những người ôn hoà muốn thương lượng để giải quyết hoà bình cuộc chiến tranh. Còn “phái diều hâu” là dùng để chỉ những người hiếu chiến chủ trương giành chiến thắng bằng quân sự. Câu hỏi này đối với tôi thật đột ngột. Ông Ca-bốt Lôt có thời đã làm đại sứ Mỹ tại Sài Gòn. Thời ấy trên báo Nhân Dân, tôi có viết bài “Toà đại sứ, phủ toàn quyền”, nội dung nói lên rằng cái toà đại sứ Mỹ ở Sài Gòn hiện nay không khác gì phủ toàn quyền của Pháp ngày trước, và ông đại sứ Mỹ đối với ngụy quyền Sài Gòn cũng có vai trò như ông thống đốc toàn quyền của chính quyền thực dân Pháp đối với chế độ bù nhìn tay sai của họ. Ông Ca-bốt Lôt, khi đến Pa-ri được ca ngợi như là người thân cận của Tổng thống Ai-xen-hao-ơ, nhà ngoại giao nhiều sáng kiến. Tôi không tuỳ tiện trả lời mà chỉ nói ngắn gọn với bà giáo sư: “Thưa bà, vào thời điểm Hội nghị Pa-ri, tôi không có cảm nhận như bà nói. Ông Ca-bốt Lốt đến Hội nghị chỉ phát biểu ý kiến rất ngắn. Trong thời gian họp, ông thường lim dim mắt như người ngái ngủ, và ít biểu hiện thái độ lắng nghe người đối thoại với mình. Chỉ có một lần, vào ngày 8-5-1969 ấy, khi Trưởng đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng Trần Bửu Kiến trình bày giải pháp toàn bộ 10 điểm, đến điểm thứ hai, thì tôi thấy ông đại sứ bỗng ngồi thẳng người, mở mắt ra và cầm bút ghi chép. Sau đó, đến lượt mình phát biểu, ông hứa sẽ nghiên cứu ý kiến của đối phương. Tuy nhiên sau đó ít lâu, khi ông Nich-xơn tuyên bố chính sách Việt Nam hoá chiến tranh, thì ông Ca-bôt Lôt cũng bị rút về và thay bằng ông Đa-vít Bru-xơ”.
- Thế ông Đa-vít Bru-xơ như thế nào?
- Ông cũng được ca ngợi là nhà ngoại giao kỳ cựu, có nhiều sáng kiến, có thể góp phần đưa Hội nghị Pa-ri ra khỏi bế tắc… Rất tiếc, đó cũng là những lời quảng cáo. Sau mấy phiên họp, ông không đưa ra được điều gì mới mẻ. Dư luận tỏ ra thất vọng. Một số nhà báo đặt câu hỏi với Bộ trưởng Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Ông Xuân Thuỷ trả lời: “Tôi thấy ông Đa-vít Bru-xơ chỉ lặp lại những gì mà Nhà Trắng nói. Ông Ních-xơn nói một chữ thì ông Đa-vít Bru-xơ nói một chữ. Còn ông Ních-xơn nói nửa chữ thì ông Đa-vít Bru-xơ cũng nói nửa chữ”.
Sau cuộc tiếp chuyện bà giáo sư, tôi thầm nghĩ: Trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, thật không dễ gì phân biệt rạch ròi ai là bồ câu, ai là diều hâu. Có những người một mực theo đuổi cuộc chiến tranh từ đầu đến cuối. Có những người trước sau vẫn không thay đổi lập trường chống lại cuộc chiến tranh. Lại có những người trước vốn là “diều hâu” sau chuyển thành “bồ câu”, tuy sớm hay muộn.
Ông Bộ trưởng Quốc phòng Mắc Na-ma-ra, tác giả của “hàng rào điện tử”, một trong những nhân vật chủ chốt dựng lên màn kịch “sự kiện vịnh Bắc Bộ, để mở ra chiến tranh phá hoại chống miền Bắc, được coi là con diều hâu cỡ bự. Vậy mà, vào lúc cuộc chiến tranh đã leo đến nấc thang cao nhất vào cuối năm 1967 đầu năm 1968, sau thất bại của Mỹ trong Tết Mậu Thân, ông đã “bồ câu hoá”, kiên quyết xin từ chức, rũ áo ra đi bởi cho rằng cuộc chiến tranh là không có lối thoát, dù có tăng cường ném bom ồ ạt miền Bắc.
Tổng thống Lin-đơn Giôn-xơn là người cầm đầu chiến tranh ở Nhà Trắng, tác giả kịch bản Sự kiện Vịnh Bắc Bộ, người ra lệnh mở đầu cuộc chiến tranh cục bộ với việc ồ ạt đưa quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam đồng thời tiến công đánh phá miền Bắc, cũng là người buộc phải ra lệnh chấm dứt ném bom miền Bắc và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam. Trước khi rời ghế Nhà Trắng, ông ngậm ngùi thổ lộ: “Kết thúc năm 1968, sau nhiều năm điều hành cuộc chiến tranh gay cấn ở Việt Nam, tôi thực sự không tin rằng mình có thể sống sót nếu ở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa. Vì tình hình đen tối của chúng ta ở Việt Nam đã làm cho tôi phải căng thẳng suốt 1886 đêm ít khi ngủ được trước 2 giờ sáng” (phát biểu ngày 9-11-1968).
Ông Ngoại trưởng Kit-xinh-giơ, một người chống cộng điên cuồng, người giữ vai trò chủ chốt của phía Mỹ trong đám phán Pa-ri cũng là một trong những nhân vật ở Nhà Trắng chịu trách nhiệm về cuộc tiến công bằng B52 chống Việt Nam, lại cũng là người đại diện phía Mỹ ký tắt Hiệp định Pa-ri vào ngày 23-1-1973. Con diều hâu ấy, cho đến tháng 5 năm 1975, trong một cuộc họp báo ngay sau khi chế độ Sài Gòn sụp đổ, đã thú nhận: “Chúng ta đã sai lầm khi biến Việt Nam thành một nơi thí nghiệm chính sách của chúng ta chứ không phải đối với chính sách của người Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, có lẽ việc đưa các lực lượng quân sự Mỹ vào Việt Nam là biện pháp giải quyết tồi nhất, vì điều đó có nghĩa là đưa một yếu tố ngoại lai vào…”
Tướng Mac-xen Tay-lo là một trường hợp điển hình. Trước đây, ông từng là tác giả Kế hoạch bình định miền Nam trong vòng 18 tháng. Năm 1965, khi là đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, ông ta còn thúc giục Giôn-xơn “cần phải mạo hiểm để có một sự thay đổi, nếu không sẽ phải chấp nhận thất bại trong tương lai khá gần”. Vậy mà đến thượng tuần tháng 4-1975, khi quân giải phóng tiến công như vũ bão dọc ven biển miền Trung, thì ông thốt lên: “Tôi không thể giải thích nổi cuộc thảm bại của chúng ta. Đây là một trận Oa-téc-lô của Mỹ”. Sau sự kiện Sài Gòn, ông còn nói thêm: Tất cả chúng ta đều góp phần của mình vào thất bại của Mỹ ở Việt Nam. Thật chẳng có gì là tốt đẹp cả. Chúng ta không hề có một anh hùng nào trong cuộc chiến tranh này mà chỉ toàn là một lũ ngu xuẩn. Chính tôi cũng nằm trong số đó”
Sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nói đến Tổng thống Ri-sớt Nich-xơn. Ông là con diều hâu từ đầu đến chân. Ngay sau khi lên làm tổng thống chưa đầy nửa năm, ông đã đề xướng chính sách Việt Nam hoá chiến tranh và đeo đuổi nó cho đến cùng. Mặc dù đã ký Hiệp định Pa-ri, ông vẫn tiếp tục đổ tiền của và vũ khí vào Nam Việt Nam để giúp chế độ Sài Gòn tiếp tục cuộc chiến. Cho đến khi xảy ra vụ Oa-tơ-ghết, bị phế truất khỏi Nhà Trắng, ông vẫn đầy lòng hậm hực. Ông là tác giả của nhiều quyển sách như: Cuộc chiến tranh thật sự; Kế hoạch chấm dứt chiến tranh; Không được có những Việt Nam nữa. Toàn là những lời biện hộ cho chính sách chiến tranh của Hoa Kỳ. Chính ông chứ không ai khác là người đặt ra câu hỏi: Mỹ có thua ở Việt Nam không, mà nếu thua thì thua trên chiến trường, trong phòng họp của Quốc hội, trên đường phố hay trong lòng nhân dân Mỹ? Ông tức tối khi càng về cuối cuộc chiến tranh, Quốc hội càng bó tay Tổng thống, không cho dùng hết sức mạnh, trong khi đó thì dân chúng xuống đường phản đối chính quyền… Khẩu hiệu “Không được có những Việt Nam nữa” mà phong trào nhân dân Mỹ nêu lên đã bị ông lợi dụng để đặt tên cho một quyển sách của mình, trong đó ông cắt nghĩa: Có thể can thiệp vũ trang vào nơi nào đó mà Mỹ cho là cần thiết, miễn là Mỹ không được thua một lần nữa như đã thua ở Việt Nam (!)
Thấy gì từ một xã bị mất nhiều đất cho công nghiệp  (09/04/2009)
Thấy gì từ một xã bị mất nhiều đất cho công nghiệp  (09/04/2009)
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở Bạc Liêu  (09/04/2009)
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở Bạc Liêu  (09/04/2009)
Họp báo Bộ Ngoại giao ngày 9-4-2009  (09/04/2009)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển