Cuộc bầu cử Quốc hội ở Italia và những tác động
TCCSĐT - Ngày 04-3-2018, khoảng 46,5 triệu cử tri Italia đã đi bỏ phiếu để bầu ra Quốc hội mới nhiệm kỳ thứ 18 của nước này. Dư luận nhận định, đây là cuộc bầu cử quan trọng nhất ở châu Âu trong năm 2018 bởi có tác động rất quan trọng đối với nền kinh tế khu vực cũng như chính sách nhập cư ở châu Âu, đồng thời cũng là cuộc bầu cử khó dự đoán nhất tại Italia trong nhiều năm qua.
Diễn biến và kết quả cuộc bầu cử
Theo Luật bầu cử mới vừa được Quốc hội Italia thông qua vào tháng 10-2017, Italia đã quy định thêm hai điểm mới trong Luật bầu cử nước này: Một là, 1/3 số ghế trong Hạ viện và Thượng viện Italia sẽ được bầu trực tiếp (cho người giành nhiều phiếu nhất của từng danh sách ở mỗi khu vực sẽ thắng cử), 2/3 số ghế còn lại sẽ được bầu theo danh sách các chính đảng theo tỷ lệ phiếu bầu. Cụ thể: tại Hạ viện, 232 ghế sẽ được bầu theo cơ chế thứ nhất, 386 ghế được bầu theo danh sách chính đảng và 12 ghế còn lại thuộc về các đơn vị cử tri ở nước ngoài; tại Thượng viện, 116 ghế sẽ được bầu theo cơ chế thứ nhất, 193 ghế được bầu theo danh sách chính đảng và 06 ghế còn lại thuộc về các đơn vị cử tri ở nước ngoài. Hai là, cho phép các chính đảng liên minh với nhau trước bầu cử và liên minh các chính đảng phải giành được ít nhất 10% số phiếu bầu mới có ghế tại Quốc hội, trong khi mức này đối với các đảng đơn lẻ là 3%. Một đảng hoặc một liên minh các đảng phải giành được tối thiểu 40% số phiếu bầu mới đủ điều kiện đứng ra thành lập chính phủ.
Với việc áp dụng luật bầu cử mới, cuộc chạy đua vào Quốc hội Italia năm 2018 đã hình thành ba lực lượng chính trị chủ chốt. Thứ nhất, liên minh cánh hữu, gồm: Đảng trung hữu “Tiến lên Italia” (FI) của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi (1), Đảng cực hữu Liên đoàn (LN), Đảng cực hữu Những người Italia (FDI), Đảng Chúng ta với Italia (NCI). Thứ hai, liên minh cánh tả, gồm: Đảng Dân chủ trung tả (PD) của Thủ tướng Paolo Gentiloni và cựu Thủ tướng Matteo Renzi (2), Đảng More Europe (+E), Đảng Together (L), Đảng Popular Civic List (CP) và Đảng SVP-PATT. Thứ ba, Đảng Dân túy “Phong trào năm ngôi sao” (M5S) của ông Luigi Di Maio tham gia với tư cách là đảng đơn lẻ, là đảng theo chủ nghĩa dân túy có sức ảnh hưởng lớn tại Italia (3). Đặc biệt, trong cương lĩnh tranh cử, cả ba liên minh đều đưa ra nhiều giải pháp về các vấn đề xã hội, như cải thiện thu nhập bình quân đầu người, giải quyết tình trạng thất nghiệp cao, các loại thuế cũng như loại trừ tình trạng tham nhũng ở các cấp… Bên cạnh đó, còn có một số đảng đơn lẻ khác tham gia tranh cử nhưng không có nhiều lợi thế, gồm: Đảng Tự do và Công bằng (LeU) mang hệ tư tưởng dân chủ xã hội, Đảng Quyền lực nhân dân (PaP) mang hệ tư tưởng cộng sản, Đảng CasePound Italia (CPI) mang hệ tư tưởng chủ nghĩa phát-xít mới và Đảng Người của gia đình (PdF) mang hệ tư tưởng xã hội bảo thủ.
Theo kết quả công bố vào ngày 06-3-2018, tại Hạ viện, liên minh cánh hữu giành chiến thắng với 37,46% phiếu bầu và 259 ghế; xếp thứ hai là Đảng M5S (32,64% số phiếu bầu và 220 ghế); xếp thứ ba: liên minh cánh tả (22,8% số phiếu bầu và 112 ghế); xếp thứ tư: Đảng Tự do và công bằng (3,39% số phiếu bầu và 14 ghế). Tại Thượng viện, Liên minh cánh hữu giành vị trí thứ nhất với 37,54% số phiếu và 135 ghế; vị trí thứ hai thuộc về Đảng M5S (32,18% số phiếu bầu và 112 ghế); vị trí thứ ba: liên minh cánh tả (22,97% số phiếu và 44 ghế); xếp vị trí thứ tư: Đảng Tự do và công bằng (3,27% số phiếu bầu và 04 ghế). Như vậy, kết thúc cuộc bầu cử, Italia đang phải đối mặt với tình thế “Quốc hội treo” sau khi không có đảng nào đủ điều kiện cần thiết để thành lập chính phủ; và khả năng đàm phán thành lập chính phủ mới cũng khó khăn, khiến nước này đứng trước nguy cơ về một cuộc khủng hoảng chính trị sau bầu cử, tác động tiêu cực đến tình hình nước này nói riêng và EU nói chung.
Phản ứng của dư luận
Sau khi kết quả cuộc bầu cử tại Italia được công bố, lãnh đạo Đức đã bày tỏ mong muốn Italia hậu bầu cử sẽ sớm thành lập được chính phủ ổn định chứ không phải mất 06 tháng để thành lập chính phủ như ở Đức vừa qua và cho rằng một chính phủ ổn định tốt cho cả người Italia và cho cả châu Âu. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho rằng, áp lực về người nhập cư đóng vai trò quan trọng trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua tại Italia. Khi được hỏi về ảnh hưởng của các đảng hoài nghi châu Âu đã giành thắng lợi tại Italia, Tổng thống Pháp E. Macron cho biết: “Pháp sẽ tiếp tục ủng hộ một châu Âu bảo vệ các nước thành viên, một châu Âu của tham vọng”. Trong khi đó, người phát ngôn của Tổng thống Nga V. Putin cho rằng, cuộc bầu cử tại Italia là “một vấn đề nội bộ” và người Italia “có quyền bỏ phiếu cho những đảng mà họ cho rằng đó là tương lai của đất nước”.
Các nhà lãnh đạo dân túy ở châu Âu, trong đó có: ông Geert Wilders (Đảng vì Tự do Hà Lan - PVV), bà Marine Le Pen (Đảng Mặt trận quốc gia Pháp - FN) và ông Nigel Farage (cựu lãnh đạo Đảng Độc lập Anh - UKIP), đã chúc mừng kết quả cuộc tổng tuyển cử tại Italia với thắng lợi thuộc về các đảng dân túy và cực hữu. Ngoài ra, bình luận về cuộc bầu cử Quốc hội Italia lần này, Hãng Thông tấn BBC (Anh) cho rằng, đây là cuộc bầu cử quan trọng bởi Italia là nền kinh tế lớn thứ 3 của EU và những thắng lợi đạt được của các đảng dân túy và cực hữu là mối quan ngại lớn ở một số nước châu Âu.
Hệ lụy của cuộc bầu cử Quốc hội Italia
Kết quả của cuộc bầu cử tại Italia (ngày 04-3-2018) đã phản ánh xu thế chung của chính trường các nước Tây Âu qua các cuộc bầu cử từ năm 2017 tại Hà Lan, Pháp, Đức về sự “trừng phạt” của cử tri đối với các đảng truyền thống và sự vươn lên “đáng lo ngại” của các đảng cực hữu, dân tộc chủ nghĩa, dân túy. Kết quả lần này là thất bại đối với Đảng PD của cựu Thủ tướng M. Ren-di và Đảng FI của cựu Thủ tướng S. Berlusconi, mặc dù liên minh cánh hữu do FI dẫn đầu giành vị trí thứ nhất nhưng tỷ lệ ủng hộ của cử tri giành cho hai đảng này đã giảm mạnh. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với các đảng dân túy có xu hướng gia tăng. Điển hình là, Đảng M5S - đảng dân túy có tư tưởng chống hội nhập EU, chống đồng tiền chung euro - trở thành đảng đơn lẻ giành được nhiều phiếu ủng hộ nhất; Đảng Liên đoàn cực hữu đã gia tăng đáng kể số phiếu ủng hộ (so với mức 4% trong tổng tuyển cử năm 2013) và thậm chí đã giành được nhiều phiếu hơn FI trong cùng liên minh, vượt ngoài dự đoán trước bầu cử. Điều này khiến khả năng lần đầu tiên một nước sáng lập EU và thành viên đầu tiên của liên minh tiền tệ chung sẽ do một đảng dân túy, phản đối EU lãnh đạo trở nên hiện hữu. Phong trào dân túy và cực hữu ở nhiều nước châu Âu thời gian qua tuy chưa đủ sức “trỗi dậy” mạnh mẽ song vẫn đang âm ỉ và có thể bùng phát trở lại sau thắng lợi của M5S và Liên đoàn trong cuộc tổng tuyển cử lần này tại Italia.
Theo giới phân tích, sau cuộc bầu cử Quốc hội Italia vừa qua, tình hình chính trị Italia lâm vào bế tắc với tình trạng “Quốc hội treo” sẽ làm dấy lên những căng thẳng chính trị ở trong nước, đồng thời hạn chế những nỗ lực khắc phục và giải quyết vấn đề kinh tế - xã hội. Hơn nữa, kết quả lần này càng khẳng định được xu hướng bất mãn của người dân đối với các đảng truyền thống và sự ủng hộ của người dân với chủ nghĩa dân túy đang lan rộng.
Với kết quả này, giới chuyên gia cho rằng, tương lai chính trường Italia sẽ tiếp tục bất ổn định trong ít nhất một vài tháng tới; đồng thời đã đưa ra 05 kịch bản có thể diễn ra tiếp theo đối với nước này:
Kịch bản 1: Chính phủ do liên minh cánh hữu cầm quyền với ghế Thủ tướng thuộc về lãnh đạo của Đảng Liên đoàn M. Salvini. Trước cuộc bầu cử, ông M. Salvini đã công khai mong muốn trở thành Thủ tướng Italia và đã đổi tên Đảng từ Liên đoàn phương Bắc thành Liên đoàn để thể hiện đây là một đảng tầm quốc gia chứ không còn là một đảng khu vực như trước. Tuy nhiên, một chính phủ được dẫn dắt bởi một đảng có quan điểm chống EU sẽ gây khó khăn cho các dự án hội nhập của EU.
Kịch bản 2: Chính phủ liên minh giữa Liên đoàn (ở phương Bắc) và M5S (ở phương Nam). Nếu điều này xảy ra, đây có thể sẽ là kịch bản tồi tệ nhất đối với EU cũng như thị trường tài chính do hai đảng này đều có quan điểm chống nhập cư và hoài nghi EU. Mặc dù trước đó hai đảng đã loại trừ khả năng liên minh với nhau sau bầu cử nhưng lựa chọn liên minh có thể giúp kiểm soát đa số ở Quốc hội. Tuy vậy, khả năng này vẫn khó có thể xảy ra do những mẫu thuẫn giữa phương Bắc và phương Nam Italia cũng như tham vọng trở thành Thủ tướng của ông M. Salvini sẽ không thành hiện thực nếu tham gia vào liên minh với M5S.
Kịch bản 3: Chính phủ liên minh giữa M5S và PD. Mặc dù, trước đó, cựu Thủ tướng M. Renzi đã bác bỏ khả năng liên minh với M5S tuy nhiên việc ông từ chức Chủ tịch Đảng (sau khi có kết quả bầu cử vào ngày 05-3-2018) có thể mở đường cho kế hoạch này. Đồng thời, ông Luigi Di Maio - 31 tuổi, lãnh đạo của M5S, trước bầu cử đã nêu tên một vài nhân vật cánh tả tham gia vào nội các (như Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng giáo dục) nếu M5S giành được quyền lập chính phủ.
Kịch bản 4: Nếu các cuộc đàm phán rơi vào bế tắc, Tổng thống Italia Sergio Mattarella có thể sẽ phải chỉ định một chính phủ lâm thời với một số quyền hành giới hạn chủ yếu nhằm thông qua ngân sách cho năm nay và thay đổi luật bầu cử để tránh một quốc hội treo tiếp diễn.
Kịch bản 5: Đại liên minh giữa cánh hữu và Đảng PD trung tả, đây được cho là phương án được mong chờ nhất của các nhà đầu tư và giới chức EU. Tuy nhiên, chính phủ tả - hữu giữa PD và FI đã có tiền lệ tan rã, đẩy Italia rơi vào tình trạng bất ổn chính trị cuối năm 2013, khi nước này đang chìm sâu trong suy thoái với tình trạng nợ công cao và tỷ lệ thất nghiệp cao hàng đầu trong khu vực đồng tiền chung euro. Chính vì vậy, trong thời gian tới, tiến trình đàm phán để thành lập chính phủ tại Italia có thể sẽ kéo dài và khó đoán định, có thể gây ra những tác động tiêu cực đến khu vực đồng tiền chung châu Âu. Nếu tiến trình này thất bại, Italia có thể phải tổ chức một cuộc tổng tuyển cử mới.
Ngày 23-3-2018, Quốc hội Italia đã họp phiên đầu tiên để tìm giải pháp cho bế tắc chính trị của đất nước từ cuộc bầu cử ngày 04-3-2018; tuy nhiên, sau 02 vòng bỏ phiếu, tình hình vẫn rơi vào bế tắc, chưa bầu ra được lãnh đạo của hai viện. Trước tình hình đó, các bên đi đến thống nhất đàm phán, thương lượng tìm ra phương án tốt nhất. Sau 02 ngày đàm phán, các bên đã lựa chọn được người đứng đầu Hạ viện và Thượng viện. Theo đó, ông Roberto Fico - 43 tuổi, thành viên của M5S được bầu làm Chủ tịch Hạ viện Italia, với 422/620 phiếu; bà Lisabetta Alberti Casellati - 71 tuổi, thành viên của Đảng FI, một phần của liên minh cánh hữu được bầu làm Chủ tịch Thượng viện Italia, với 240/319 phiếu bầu.
Kết quả cuộc bầu cử tại Italia cũng gây ra một số tác động đến xu hướng ổn định lâu dài của EU và khu vực đồng tiền chung châu Âu. Một là, chính trường Italia bất ổn hậu bầu cử hay quá trình thành lập chính phủ Italia bị kéo dài giống như ở Đức trong thời gian vừa qua (điều này cũng đã có tiền lệ trong lịch sử đất nước Italia) (4) sẽ dẫn đến tác động tiêu cực lan truyền ra toàn bộ khu vực đồng tiền chung châu Âu, dự án cải tổ EU cũng như cản trở tham vọng về chính sách của nước này trong nội khối EU. Hai là, cuộc bầu cử Quốc hội Italia cho thấy sự chia rẽ chính trị gia tăng tại châu Âu, nơi mà các đảng quyền lực đang mất dần lòng tin từ cử tri truyền thống của mình cho các đảng cấp tiến mới. Việc các đảng cấp tiến mang tư tưởng dân túy, cực đoan đứng ra thành lập chính phủ mới sẽ mở ra con đường cho chủ nghĩa dân túy và xu hướng bài EU phát triển sâu rộng hơn tại châu Âu, đồng thời sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ của Italia với Mỹ và EU./.
------------------------------------------
(1) Cương lĩnh của đảng này là đề xuất hệ thống “đồng tiền song song” để sử dụng trong nước và giữ đồng euro trong thương mại quốc tế; đánh thuế thu nhập với mức cố định cho cả công ty và cá nhân; xóa bỏ thuế nhà ở, thừa kế và đường bộ; tăng gấp đôi lương hưu tối thiểu; tăng thu nhập tối thiểu lên 1000 euro/tháng và trục xuất người nhập cư.
(2) Cương lĩnh của đảng này là đề xuất tăng mức thu nhập tối thiểu hàng tháng lên 780 euro; đàm phán bãi bỏ các khoản ổn định tài khóa (fiscal compact) và tăng mức thâm hụt ngân sách lên 3% để cắt giảm thuế và thu hút đầu tư.
(3) Cương lĩnh của đảng này là đề xuất mức thu nhập tối thiểu là 780 euro/tháng; tăng thâm hụt ngân sách; thương lượng lại đối với các khoản ổn định tài chính; bãi bỏ 400 luật “vô dụng” trong đó có luật cải cách lao động và lương hưu từ thời Thủ tướng Hà Lan M. Renzi , nhằm cho phép người lao động có thể nghỉ hưu sớm hơn và khó bị sa thải hơn; tăng thuế đối với các công ty năng lượng và cải thiện quan hệ với Nga.
(4) Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2013, các chính đảng của Italia cũng đã phải mất hơn 02 tháng mới có thể thành lập chính phủ.
Chính sách tiền lương: Nguyên nhân bất cập  (10/05/2018)
Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran đặt ra nhiều thách thức  (10/05/2018)
Hội nghị Trung ương 7: Cải cách đáp ứng nguyện vọng của người lao động  (10/05/2018)
Hội nghị Trung ương 7 khóa XII: Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội  (10/05/2018)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên