Chính sách tiền lương: Nguyên nhân bất cập

BTV/TTXVN
22:10, ngày 10-05-2018

TCCSĐT - Chính sách tiền lương hiện nay còn nhiều bất cập với mức lương thấp, chưa đáp ứng đầy đủ mức sống tối thiểu ở khu vực thành thị, chưa sát với đặc thù nghề nghiệp và tính chất lao động của một số ngành.

Hiện có quá nhiều loại phụ cấp đang tồn tại, có người hưởng cùng một lúc nhiều loại phụ cấp. Phụ cấp đang chiếm tỷ lệ cao trong lương làm mất đi bản chất của tiền lương. Đây là đánh giá của Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên.

Theo nguyên lý chung, phần lương chính bao giờ cũng chiếm 70% trong tổng thu nhập, các khoản phụ cấp chỉ một phần nhỏ, tối đa không quá 30%. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, tiền lương là phần chính lại bé hơn phần phụ, dẫn đến việc không minh bạch trong hệ thống tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức.

Quan hệ lương gây bối rối trong khu vực công

Nhìn về vấn đề chính sách tiền lương trong khu vực công ở Việt Nam, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO) Chang Hee Lee cho rằng, hiện tượng quan hệ lương gây bối rối trong khu vực công của Việt Nam là mối quan hệ giữa cấp bậc, vị trí việc làm và tiền lương, cấp bậc cao hơn nhưng ở vị trí thấp hơn, cấp bậc/vị trí cao hơn nhưng tiền lương thấp hơn... Không sắp xếp hợp lý quan hệ cấp bậc/vị trí việc làm/tiền lương sẽ có thể gây hại đến mối quan hệ làm việc hiệu quả trong một đơn vị nhất định, với thẩm quyền thiếu rõ ràng, làm hỏng hoạt động hiệu quả của công chức.

Cách tiếp cận dùng hệ số lương đang gây ra nhầm lẫn giữa cấp bậc, vị trí việc làm và tiền lương. Hệ thống hệ số lương gây khó cho việc điều chỉnh lương thường xuyên và có trật tự ở khu vực công, không thích hợp với một xã hội đang già hóa. Tỷ lệ các phụ cấp khác nhau trong toàn bộ gói tiền lương còn quá cao.

“Không ai hiểu anh, chị ấy được trả lương ở một mức nhất định. Đây là bằng chứng rõ nhất về sự thất bại của hệ thống tiền lương khu vực công ở Việt Nam. Khi không ai hiểu lý do đứng đằng sau tiền lương, tiền lương sẽ mất đi chức năng động viên mọi người, khen thưởng những đóng góp và công việc”, ông Chang Hee Lee nhận định.

Tiền lương tối thiểu chung (tiền lương cơ sở) áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức là cách tiếp cận trong điều kiện cũ, với chính sách tiền lương thấp và không đủ sống, chưa bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức có mức sống từ trung bình trở lên. Trên thực tế, không có cán bộ, công chức, viên chức hưởng mức lương này. Với cách xây dựng và điều chỉnh như hiện nay sẽ ngày càng tạo ra sự bất hợp lý, không công bằng về tiền lương giữa cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khu vực thị trường doanh nghiệp.

Phân tích của TS. Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy thiết kế hệ thống thang, bảng lương, mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức theo hệ số, chia ra nhiều bậc lương rất phức tạp, khoảng cách giữa các bậc về tiền lương rất nhỏ, có tính bình quân cao. Chỉ tính bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ cán bộ, công chức có 11 ngạch lương, 98 hệ số mức lương, chênh lệch mức lương giữa các ngạch lương chỉ là 11% - 31%, giữa các bậc lương quá nhỏ, không đáng kể hoặc trùng nhau. Đồng thời, lại có nhiều loại phụ cấp lương (trên 20 loại) có tính chất cơi nới bù vào lương cho cán bộ, công chức, viên chức lương thấp. Hệ thống này vẫn chưa triệt để trả lương theo vị trí việc làm với chức danh và tiêu chuẩn rõ ràng. Do đó, dẫn đến việc trả lương theo người và thâm niên là chủ yếu làm cho biên chế ngày càng tăng và khó kiểm soát.

Nhìn vào hệ thống bảng lương, có thể thấy việc thiết kế còn mang tính bình quân, cào bằng, chưa thực sự tạo được động lực để nâng cao hiệu quả làm việc của người lao động, chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo.

“Quy định mức lương bằng hệ số nhân với mức lương tối thiểu đã không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Có quá nhiều loại phụ cấp, đặc biệt là phụ cấp theo nghề và hệ số tiền lương tăng thêm đã phát sinh nhiều bất hợp lý. Tiền lương theo chế độ thấp nhưng nhiều trường hợp có các khoản ngoài lương như bồi dưỡng họp, xây dựng đề án, đề tài... chiếm tỷ lệ lớn trong thu nhập của cán bộ, công chức, làm mất vai trò đòn bẩy của tiền lương”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá.

Băn khoăn về việc Việt Nam vừa sử dụng mức lương cơ sở chung cho tất cả các cán bộ, công chức, vừa áp dụng hệ số lương, ông Chang Hee Lee cho rằng, hệ số nhân phức tạp có thể là nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề về lương trong khu vực công. Nó làm mờ sự khác biệt tiền lương giữa các cấp bậc khác nhau. Tăng lương cơ sở được nhân lên theo hệ số khiến cho Bộ Tài chính rất khó kiểm soát tổng tiền lương. Với hệ thống hệ số lương như vậy, rất khó để đảm bảo sự bình đẳng trong trả lương giữa khu vực công và khu vực tư, đồng thời cũng làm khó cho vấn đề bảo hiểm xã hội.

Tiền lương chưa gắn với năng suất lao động

Chính sách tiền lương trong doanh nghiệp hiện cũng chưa thực sự phát huy được vai trò, tác dụng của cơ chế thương lượng, định đoạt tiền lương giữa người sử dụng lao động và người lao động trong quan hệ lao động. Vi phạm quy định pháp luật về tiền lương còn nhiều. Cơ chế quản lý tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước còn nhiều bất cập.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ quy định về tiền lương tối thiểu khu vực doanh nghiệp chưa cụ thể, tiêu chí xác định còn nhấn mạnh vào nhu cầu sống tối thiểu; chưa quy định mức lương tối thiểu theo giờ; chức năng bảo vệ người lao động yếu thế còn hạn chế. Việc quy định một số nguyên tắc xây dựng thang, bảng lương còn ảnh hưởng đến quyền tự chủ tiền lương của doanh nghiệp. Tiền lương của người lao động chưa thực sự gắn với năng suất lao động; chưa tách bạch giữa tiền lương của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên với Ban giám đốc.

Những hạn chế, bất cập của chính sách tiền lương có nguyên nhân khách quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra rằng, tiền lương là vấn đề phức tạp, ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội; còn tư tưởng bình quân, cào bằng; chưa có nghiên cứu toàn diện về tiền lương trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc; đối tượng hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước quá lớn và ngày càng tăng, nhất là biên chế viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố dẫn đến tổng quỹ lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước ngày càng lớn (khoảng 20% chi ngân sách nhà nước).

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, việc xác định vị trí việc làm còn chậm, chưa thực sự làm cơ sở để xác định biên chế và trả lương. Nguồn kinh phí được giao tự chủ trong tổng chi ngân sách nhà nước cấp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa hợp lý, dẫn đến việc sử dụng các khoản chi hoạt động hành chính để bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức khá lớn và trở thành phổ biến.

Việc gắn điều chỉnh tiền lương với điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công, dẫn đến thay đổi lộ trình của từng chính sách. Chưa phân định rõ mối quan hệ giữa quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp, giữa đại diện chủ sở hữu với ban điều hành doanh nghiệp. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và việc phát huy vai trò của tổ chức công đoàn còn nhiều hạn chế. Công tác hướng dẫn, tuyên truyền về chính sách tiền lương chưa tốt, chưa tạo được đồng thuận cao./.