Hội nghị Trung ương 7 khóa XII: Công tác cán bộ chưa thực thi “kỷ luật thép”
Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, diễn ra từ ngày 07 đến 12-5, tập trung thảo luận, cho ý kiến về các nội dung: xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp; cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; và một số vấn đề quan trọng khác.
Cần thay đổi chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện
Liên quan đến cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố vẫn còn khoảng 224.000 người lao động tại 20.000 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trên địa bàn chưa tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội. Đây chính là những doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động mà cơ quan bảo hiểm xã hội rất khó tiếp cận, kiểm tra bởi không thể tìm thấy địa chỉ doanh nghiệp trên thực tế. Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01-01-2018 chính là công cụ hữu ích và đủ sức răn đe để Bảo hiểm xã hội có cơ sở thực hiện tốt hơn công tác quản lý Bảo hiểm xã hội trên từng địa bàn.
Bên cạnh bảo hiểm xã hội bắt buộc, hiện Thành phố Hồ Chí Minh có 9.678 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, con số này còn quá ít so với tiềm năng của một thành phố đông dân bậc nhất cả nước.
Ông Phan Văn Mến cho rằng, việc vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện rất khó do bản thân chính sách này chưa thực sự hấp dẫn. Nếu những người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng đến 6 chế độ gồm: Ốm đau, thai sản, thất nghiệp, hưu trí, tử tuất và tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp thì người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. Do vậy, theo ông Phan Văn Mến, cần có những thay đổi trong chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm tạo sự công bằng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Bà Nguyễn Thị Minh Thu, cán bộ phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long cho rằng, cần hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật các đơn vị, doanh nghiệp cố tình chây ì trong việc đóng bảo hiểm xã hội.
Cơ quan quản lý người lao động là Ủy ban Nhân dân cấp huyện, thành phố phải chuyển từ mức đóng tiền lương đối với người lao động sang mức đóng bảo hiểm xã hội theo ngạch bậc mà lao động đang được hưởng. Việc bàn và thông qua Đề án cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội tại Hội nghị lần này sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng theo nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ rủi ro. Nhất là trong tình trạng hiện nay, chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội chưa phản ánh được đúng bản chất của vấn đề, gây mất công bằng giữa những người cùng làm việc trong một môi trường…
Theo ông Đàm Lực Sĩ, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Sóc Trăng, việc cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội thời gian tới cần có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần (chỉ hưởng trong phạm vi đóng bảo hiểm xã hội của cá nhân).
Bên cạnh đó, cần tăng mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tạo điều kiện chuyển đổi dễ dàng giữa bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc, hướng tới chuyển đổi hoàn toàn bảo hiểm xã hội tự nguyện thành bảo hiểm xã hội bắt buộc; đồng thời tăng mức xử phạt vi phạm quy định về bảo hiểm xã hội từ 2-4 lần so với số tiền chậm đóng, trốn đóng, trục lợi Quỹ bảo hiểm xã hội...
Trả lương đúng, tạo động lực nâng cao năng suất lao động
Đối với đề án về cải cách chính sách tiền lương, ông Trương Hồng Sơn, Chánh Văn phòng Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, tiền lương hiện nay còn mang tính bình quân, cào bằng, chưa tạo động lực để nâng cao hiệu quả công việc đối với công chức, viên chức. Hiện có quá nhiều loại phụ cấp, mà có người cho rằng “lương thì thấp mà phụ cấp thì nhiều”, làm méo mó quan hệ tiền lương. Ngoài ra, cần có cơ chế tiền thưởng để khuyến khích những sáng kiến, sáng tạo, đổi mới phong cách làm việc, nâng cao đạo đức công vụ và chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ các cấp.
Đánh giá thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới có nhiều điểm mới, tiến bộ, ông Trương Hồng Sơn cho rằng, tiền thưởng cần thiết phải gắn với việc hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (được đánh giá theo bộ tiêu chí xác thực gắn với chất lượng, hiệu quả công tác, thực thi công vụ, sáng kiến, sáng tạo, đạo đức công vụ…).
Theo ông Trương Hồng Sơn, để thực hiện thành công đề án Cải cách chính sách tiền lương, Ban Chỉ đạo đề án cần xác định tiền lương phải đáp ứng đúng bản chất và chức năng của tiền lương; phải là thu nhập chính bảo đảm đời sống và tái tạo sức lao động cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động và cả gia đình họ. Trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động.
Ông Trương Hồng Sơn bày tỏ tin tưởng Đảng và Nhà nước sẽ có quyết sách đột phá liên quan đến nội dung này.
Thượng tá Lê Văn Tuấn, Trưởng Ban Tuyên huấn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện nay, vấn đề về cải cách chính sách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp được người dân hết sức quan tâm. Hội nghị sẽ bàn bạc đưa ra thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới gồm: mức lương cơ bản; các khoản phụ cấp và tiền thưởng, cùng với đó, sẽ thống nhất về việc ban hành hệ thống bảng lương mới.
Bên cạnh đó, sẽ có những chế độ đãi ngộ, khen thưởng xứng đáng, góp phần tạo động lực để các cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.
Ông Mã Chí Thanh, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng cho rằng việc cải cách tiền lương cho người lao động là cấp thiết. Hiện ở Sóc Trăng, mức lương trung bình của người lao động ở khối doanh nghiệp là 2,9 triệu đồng/người/tháng, như vậy là thấp so với mặt bằng chung và nhu cầu thực tế. Nếu được tăng lên mức 3,5 triệu đồng/người/tháng sẽ đáp ứng được nhu cầu cuộc sống và giúp người lao động tận tâm hơn với công việc.
Trong khi đó, ở khối cơ quan Nhà nước, lương cán bộ, viên chức vẫn còn nhiều bậc, ngạch, mỗi lần tăng lương không cao. Theo ông Thanh, cần giảm số ngạch, bậc, tăng mức lương cơ bản, có chế độ đãi ngộ xứng đáng với từng chức danh, vị trí việc làm. Lương có cao, thu nhập đáp ứng được cuộc sống, cán bộ, công chức nhà nước mới tận tâm với nghề, hạn chế tham nhũng…
Về vấn đề tuổi nghỉ hưu, theo ông Thanh, có thể áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu với những người làm việc trong khối hành chính sự nghiệp. Bên cạnh đó, cần có cơ chế “mở” như, nữ đến tuổi 55, nam đến tuổi 60 muốn nghỉ hưu do sức khỏe không đảm bảo, đơn vị sử dụng không có nhu cầu…vẫn giải quyết cho những trường hợp này nghỉ.
Công tác cán bộ chưa thực thi “kỷ luật thép”
Đồng tình với phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 7 khóa XII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Nguyễn Thị Dung (nguyên giảng viên Trường Cao đẳng Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng công tác cán bộ đang là vấn đề "nóng" và gây bức xúc trong dư luận thời gian gần đây với hàng loạt vụ việc tiêu cực liên quan đến "chạy chức, chạy quyền", bổ nhiệm người nhà. Thậm chí, cán bộ sai phạm vẫn được bổ nhiệm. Có thể nói, công tác cán bộ vẫn còn bất cập, hiệu quả còn thấp là do chưa thực thi “kỷ luật thép.'
Theo bà Nguyễn Thị Dung, để xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp có chất lượng, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, chỉ có công khai minh bạch hóa mọi vấn đề mới có thể chống được tình trạng "chạy chức, chạy quyền". Có công khai và dân chủ hóa thì 'tai mắt' nhân dân mới được mở rộng để giám sát. Bên cạnh đó, chế tài đã có nhưng còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe trước những cám dỗ của tiền tài, vật chất và quyền lực. Do đó, cần xem xét sửa đổi Luật công chức và Luật viên chức với những chế tài nghiêm khắc hơn để kiểm soát cán bộ từ cấp thấp đến cấp cao.
Theo ông Vi Văn Vượng, Chánh Văn phòng Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân huyện Bình Liêu (Quảng Ninh), Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm với nhiệm vụ đã và đang thu hút được sự quan tâm của nhân dân cả nước. Vì thực tế, thời gian qua, bên cạnh những ưu điểm nổi trội, công tác cán bộ của nước ta còn bộc lộ không ít hạn chế, nhất là tình trạng “chạy chức, chạy quyền,” bổ nhiệm cán bộ không đúng tiêu chuẩn còn diễn ra ở một số nơi. Thậm chí. do có biểu hiện “lợi ích nhóm,” đã có trường hợp phải xử lý hình sự.
Ông Vi Văn Vượng cho rằng để xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm với nhiệm vụ, cần phải đổi mới công tác đánh giá cán bộ, chỉ đạo xây dựng mới tiêu chuẩn chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá cụ thể đối với từng chức danh, từng đối tượng cán bộ; kết hợp xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý với quy hoạch cán bộ chuyên môn, quản lý, nhất là đối với cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số...
Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần đảy mạnh, quan tâm đào tạo sớm, đào tạo trình độ cao ở trong và ngoài nước; khắc phục tình trạng nể nang, chạy theo hình thức, chưa lấy tiêu chuẩn, nhu cầu cán bộ làm căn cứ; đổi mới cách thức tuyển chọn để chọn đúng người, bố trí đúng việc.
Cùng với đó, quyền đề cử, tự ứng cử cần mở rộng và giới thiệu nhiều phương án nhân sự để chọn. Đồng thời, cán bộ kém phẩm chất và năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ bị thay thế và thực hiện theo phương châm "có lên, có xuống, có vào, có ra"./.
Người bí thư chi bộ thôn tâm huyết với xây dựng nông thôn mới  (10/05/2018)
Nhận rõ hơn nữa quan điểm và giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược của Đảng ta  (10/05/2018)
Phương thức đánh giá, đo lường kiến thức và năng lực của cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược  (10/05/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên