Nhật Bản-Trung Quốc lên kế hoạch đàm phán cấp cao về hàng hải

An An (tổng hợp từ TTXVN)
22:33, ngày 05-12-2015
TCCSĐT - Ngày 04-12-2015, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết trong tuần tới, nước này và Nhật Bản sẽ tổ chức vòng thứ 4 tham vấn cấp cao về các vấn đề hàng hải dự kiến được tổ chức trong hai ngày 07 và 08-12-2015 tại Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Đông Nam Trung Quốc.
Tham gia cuộc đàm phán cấp cao Trung Quốc - Nhật Bản lần này có các quan chức thuộc các bộ ngoại giao, quốc phòng, cục hàng hải của hai nước. Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh cuộc đàm phán là cách thức toàn diện để phối hợp và trao đổi thông tin giữa cục hàng hải của hai nước, qua đó hai bên có thể chia sẻ quan điểm nhằm tăng cường hiểu biết và sự tin cậy lẫn nhau.

Các cuộc tham vấn cấp cao Trung Quốc-Nhật Bản về các vấn đề hàng hải được tổ chức từ tháng 01-2012, với vòng đàm phán đầu tiên diễn ra hồi tháng 5-2012 ở Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc. Vòng đàm phán thứ hai được tiến hành vào tháng 9-2014 tại Thanh Đảo, Trung Quốc. Vòng đàm phán thứ ba được diễn ra vào tháng 01-2015,tại Yokohama (Nhật Bản). Trong các cuộc tham vấn đó, hai bên đã trao đổi quan điểm về các vấn đề liên quan đến biển Hoa Đông cũng như hợp tác hàng hải. Hai bên đã thống nhất trên nguyên tắc sẽ nối lại liên lạc hàng hải giữa các cơ quan quốc phòng của hai nước.

Một thông tin có liên quan, cách đây đúng một tháng, ngày 04-11-2015, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani và người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn cũng đã có cuộc gặp bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), được tổ chức tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia với sự tham dự của các bộ trưởng quốc phòng 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, New Zealand, Nga và Mỹ. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai bộ trưởng kể từ tháng 6-2011.

Tại cuộc gặp này, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Nhật Bản - Trung Quốc đã nhất trí về tầm quan trọng của việc sớm triển khai cơ chế liên lạc trên biển và giao lưu quốc phòng giữa hai nước nhằm tránh những đụng độ bất ngờ trên biển và cùng hợp tác để duy trì hòa bình trên Biển Đông.

Trước đó, ngày 01-11-2015, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã gặp người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Tại cuộc gặp, hai bên đã nhất trí nối lại các cuộc đàm phán liên quan đến hoạt động khai thác khí đốt trên Biển Hoa Đông, đồng thời sẽ tích cực phối hợp để sớm thực thi cơ chế liên lạc giữa quân đội hai nước.

Trong khi đó mới đây, tại buổi tiếp đoàn đại biểu Đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản đang ở thăm Bắc Kinh ngày 04-12, Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị toàn quốc (Chính Hiệp) Trung Quốc, Du Chính Thanh đã đề cấp đến vấn đề Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Điếu Ngư/Senkaku tại vùng biển Hoa Đông. Theo đó, Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị toàn quốc (Chính Hiệp) Trung Quốc Du Chính Thanh nhấn mạnh, quan hệ Trung-Nhật vẫn cần thêm thời gian để cải thiện, và tình cảm giữa nhân dân hai nước lâu nay luôn trong tình trạng xấu đi một phần là do chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, đồng thời kêu gọi hai bên cần duy trì nguyên tắc không đe dọa lẫn nhau, thúc đẩy cải thiện hơn nữa quan hệ Trung-Nhật.

Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Du Chính Thanh nêu rõ, liên quan đế vấn đề Biển Đông, Trung Quốc từ trước đến nay chưa hề cản trở Nhật Bản tự do đi lại trên biển. Tuy nhiên, đáp lại lời của Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị toàn quốc (Chính Hiệp) Trung Quốc, đại diện đoàn đại biểu Đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản nhấn mạnh, nước này coi trọng nguyên tắc tự do hàng hải. Biển Đông cũng là tuyến giao thông trên biển quan trọng của Nhật Bản, đây là vấn đề cần phải được các bên quan tâm.

Có thể nói, quan hệ giữa hai nước Nhật Trung từ lâu vẫn bị ảnh hưởng bởi những di sản từ thời chiến tranh thế giới thứ hai và những tranh chấp xung quanh các đảo tại biển Hoa Đông, thêm vào đó là những tranh chấp chủ quyền xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã làm mối quan hệ
giữa hai cường quốc châu Á thêm căng thẳng, dù lãnh đạo hai nước đã có những kêu gọi nỗ lực chung nhằm duy trì và tăng cường đà tích cực trong cách tiếp cận giữa hai nước, trong đó nhấn mạnh việc hai nước cần xử lý các vấn đề nhạy cảm trong quan hệ chính trị song phương dựa trên tinh thần đối diện thẳng thắn với lịch sử và coi lịch sử là một tấm gương, đồng thời đảm bảo chắc chắn mối quan hệ chiến lược song phương phát triển toàn diện phục vụ lợi ích chung. Dư luận hy vọng, cuộc đàm phán lần thứ 4 tới đây giữa hai nước sẽ có thế xoa dịu sự bất đồng và thúc đẩy "mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước trên tinh thần hướng tới tương lai"./.