“Làm giàu chân chính là yêu nước”

TS. Vũ Tiến Lộc Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam
20:44, ngày 13-10-2015
TCCSĐT - Ngày 05-10-2015, tại Át-lan-ta (Hoa Kỳ), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - cuộc hội nhập đỉnh cao của thế giới đương đại đã chính thức kết thúc đàm phán, dự kiến sẽ được ký kết và thực thi trong năm 2016. Đây là niềm vui song cũng là nỗi lo của tất cả chúng ta bởi cơ hội nhiều, thách thức lớn và cạnh tranh vì thế cũng sẽ khắc nghiệt hơn.
TPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là trận tuyến của các doanh nghiệp, là chiến trường của các doanh nhân. Sự thành bại của một nền kinh tế trong hội nhập được quyết định bởi sức mạnh của đội ngũ doanh nhân. Doanh nhân là người lính xung trận. Nhà nước là hậu phương vững chắc. Đội ngũ doanh nhân cần phải được xốc lại để vươn tới những chuẩn mực toàn cầu, để có thể cạnh tranh thắng lợi. Nhà nước phải đẩy mạnh cải cách thể chế để hậu thuẫn cho đội ngũ doanh nhân. Mệnh lệnh “đột phá để đổi mới”, để bắt kịp thiên hạ lại một lần nữa vang lên sau chặng đường 3 thập kỷ nền kinh tế nước ta chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường.

Ở thời điểm quan trọng này, chúng ta lại nhớ tới Bác Hồ. 70 năm về trước, sau Cách mạng Tháng Tám, từ chiến khu Việt Bắc trở về thủ đô chuẩn bị cho ngày độc lập, Bác đã đến ở nhà của một doanh nhân. Tại đây, Bác đã viết bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau ngày Quốc khánh, giới doanh nhân cũng là giới chức xã hội đầu tiên được Bác tiếp trên cương vị Chủ tịch chính phủ lâm thời. Ngày 13-10-1945, khi giới doanh nhân tập hợp lại thành lập Công thương cứu quốc đoàn và gia nhập mặt trận Việt Minh, Bác đã viết thư động viên, cổ vũ. Bức thư của Bác đã trở thành tuyên ngôn đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta về vai trò và sứ mệnh của doanh nhân và cũng là lời kêu gọi thi đua ái quốc đầu tiên Bác dành cho giới doanh nhân. Bác đặt trọn niềm tin ở doanh nhân. Bác coi sự nghiệp của doanh nhân là sự nghiệp của đất nước. Bác nói: “việc nước, việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng, nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”. Bác khẳng định: Chính phủ, nhân dân có trách nhiệm “tận tâm” giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết. Bác kêu gọi giới công thương hãy “mau mau gia nhập công thương cứu quốc đoàn, cùng đem vốn ra làm những công cuộc ích quốc, lợi dân”.

Công cuộc “đổi mới” do Đảng ta phát động suốt 3 thập kỷ qua là quá trình trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh về doanh nghiệp, doanh nhân. Từ chỗ không có tên trong từ điển tiếng Việt, những người làm kinh doanh đã tìm lại được tên mình bằng 2 chữ “doanh nhân” trong thời đại mới.

Theo đề nghị của Phòng thương mại và Doanh nghiệp Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội doanh nghiệp, năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 13-10 hằng năm là ngày doanh nhân, Năm 2011, Đảng ta có nghị quyết về doanh nhân. Năm 2013, hai tiếng “doanh nhân” đã được hiến định trong Hiến pháp. Doanh nhân Việt Nam vinh dự được đồng hành với giai cấp công nhân, nông dân, trí thức trong đoàn diễu hành của toàn dân tộc trên Quảng trường Ba Đình trong ngày Quốc khánh 2-9. Sự hồi sinh và phát triển của đội ngũ doanh nhân trong lòng dân tộc là một trong những thành quả quan trọng nhất của công cuộc đổi mới ở nước ta những năm qua. Đội ngũ doanh nhân tự hào là đội quân xung kích góp phần đưa Việt Nam từ một nước nghèo trở thành một nước có thu nhập trung bình trên thế giới. Nhưng đất nước vẫn chưa giàu và hàng chục triệu người dân lam lũ ở cả nông thôn và thành thị vẫn đang thiếu việc làm, vẫn chưa có được cái “cần câu” để có thể thoát nghèo. Công cuộc đổi mới kinh tế vẫn chưa tới đích, chưa mang lại sự giàu mạnh, phồn vinh cho đất nước và cho tất cả mọi người. Đội ngũ doanh nhân đang nghe “Tổ quốc gọi tên mình” !

Nhà nước chỉ có thể tạo môi trường, chỉ có thể là bà đỡ, là hậu phương trong trận chiến kinh tế. Chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu và đưa đất nước trở nên giàu là sứ mệnh của doanh nhân. Cả hệ thống chính trị có trách nhiệm hậu thuẫn cho đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp làm giàu và tạo cơ hội, việc làm cho những người lao động. Phong trào thi đua yêu nước trong thời đại mới cần có quan điểm mới “làm giàu chân chính là yêu nước”. Và ai cản trở sự nghiệp làm giàu chân chính của người dân là có tội với đất nước này.

Muốn cho dân làm giàu, Nhà nước có trách nhiệm tạo ra một thể chế tốt, khuyến khích cạnh tranh sáng tạo và công bằng. Nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và đẩy mạnh hội nhập những năm qua được ghi nhận theo hướng đó. Nhưng đang còn rất nhiều việc cần phải làm. Sự thành bại của doanh nghiệp trong hội nhập với thế giới được quyết định không chỉ bởi khung khổ pháp luật, định hướng hay chính sách vĩ mô từ tầm Chính phủ, ở cấp trung ương mà còn được quyết định bởi những hành vi công vụ hàng ngày từ cấp xã, phường, từ chị văn thư, anh hộ tịch... Khoảng cách giữa lời nói và việc làm còn khá xa. Vì vậy, thách thức lớn nhất của công cuộc cải cách hành chính là rút ngắn lại khoảng cách ấy, làm sao cho quyết tâm và chương trình đổi mới được quyết định từ trung ương đến địa phương, từ người đứng đầu các ban, bộ, ngành, địa phương và trở thành hành vi của đội ngũ công chức ở cơ sở. Một chính quyền vì dân phải hiện hữu trong thái độ tận tâm của từng công chức.

Riêng với các doanh nhân, trải qua gần 1/3 thế kỷ hình thành và phát triển, đất nước ta đã có hàng triệu doanh nhân đang đứng mũi chịu sào, tổ chức quản lý điều hành gần 500 nghìn doanh nghiệp, hơn 15 nghìn trang trại và hợp tác xã, trên 4 triệu hộ kinh doanh… Qua đó tạo công ăn việc làm cho hàng chục triệu người lao động, đóng góp nguồn thu chủ yếu cho ngân sách nhà nước, và giữ vai trò động lực chính cho sự tăng trưởng của kinh tế quốc gia. Các doanh nhân đang là lực lượng chủ công xung kích trên trận tuyến chống đói nghèo, làm giàu cho đất nước. Họ là những anh hùng của thời kỳ đổi mới và hội nhập. Chỉ riêng việc họ trụ vững trong bối cảnh khó khăn những năm vừa qua, duy trì được việc làm cho người lao động, đóng góp cho tăng trưởng, họ đã xứng đáng là dũng sỹ. Hơn nữa, trong 5 năm qua, hơn 50 đơn vị, cá nhân các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong cả nước đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, hàng trăm người là chiến sỹ thi đua, là doanh nhân tiêu biểu toàn quốc, hàng chục ngàn người được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều danh hiệu khác của các bộ, ngành trung ương và các địa phương…

Những danh hiệu thi đua, những tấm huân chương đó là quan trọng. Nhưng điều quan trọng hơn là đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có được niềm tin yêu của toàn Đảng, toàn dân. Hàng chục triệu người lao động, hàng chục triệu nông dân và các nhà khoa học đang sát cánh cùng họ trong những nỗ lực kiến tạo nền kinh tế nước nhà, làm giàu cho mình và cho đất nước. Hàng chục triệu người tiêu dùng trong cả nước và trên thế giới đang lựa chọn và tin dùng những sản phẩm, dịch vụ “Made in Việt Nam” và “Made by Việt Nam”. Đó là những phần thưởng và sự ghi nhận lớn nhất đối với đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Nhưng đó mới chỉ là những kết quả bước đầu. Chặng đường trong thời gian tới, nhất là trong khoảng thời gian của Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IX (2015 - 2020), thời gian bắt đầu của những cuộc hội nhập lớn nhất, sâu rộng nhất, đối với đội ngũ doanh nhân sẽ là một chặng đường rất gian nan. Họ sẽ phải cạnh tranh với những nền kinh tế hàng đầu thế giới trên một sân chơi bình đẳng, trong khi trình độ phát triển và năng lực cạnh tranh của chúng ta đang xếp ở thứ hạng thấp (với TPP, với EVFTA… là thấp nhất). So với yêu cầu phát triển, đội ngũ doanh nhân hiện vẫn còn chưa đông, chưa mạnh. Về số lượng, ở nước ta, vào thời điểm hiện nay, bình quân 200 người dân mới có 01 doanh nghiệp, trong khi ở các nền kinh tế phát triển cao, 15-20 người dân là có 01 doanh nghiệp. Khoảng 96%-97% các doanh nghiệp trong nền kinh tế nước ta có qui mô nhỏ và siêu nhỏ. Một cuộc cách mạng về khởi nghiệp cần phải bắt đầu. Chúng ta phải đặt mục tiêu tới năm 2020, nước ta sẽ có 01 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả và phấn đấu đạt được con số 05 triệu doanh nghiệp trong một tương lai không xa. Chúng ta cũng cần phấn đấu để có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đạt tầm cỡ trong khu vực ASEAN, châu Á và thế giới. Tháng 9 vừa qua, trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ do tạp chí Forbes công bố có 01 doanh nhân người Việt được xếp ở vị trí 149. Doanh nhân của chúng ta đã thành công ở Hoa Kỳ. Một số doanh nhân nước ta cũng bắt đầu được xếp thứ hạng cao trong các nước châu Á và ASEAN nhưng những gương mặt đó chưa nhiều. Và để có được những doanh nghiệp, doanh nhân và thương hiệu hàng đầu cần những nỗ lực đột phá từ hai phía: từ cộng đồng kinh doanh và từ phía Nhà nước.

Để trụ vững và vượt lên trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, yêu cầu quan trọng nhất đối với cộng đồng kinh doanh là phải chuẩn bị một tâm thế “Tự cứu lấy mình” trong mối quan hệ với Nhà nước và “chấp nhận một cuộc cạnh tranh sòng phẳng” trong quan hệ với thị trường; Phải nắm vững thông tin hội nhập, phải phân tích sát những tác động của tiến trình hội nhập đối với doanh nghiệp và sản phẩm của mình; Phải chuẩn bị một kế hoạch hành động chủ động và tích cực trên các phương diện: định hướng thị trường, đối tác, đổi mới phương thức sản xuất và quản trị; Phải thiết thực và tiết kiệm; Phải vươn tới chuẩn mực quốc tế; Phải liên kết; Phải chuyên nghiệp và không nóng vội; Phải sáng tạo; Phải thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và chú trọng nền tảng văn hóa kinh doanh: làm giàu bằng cách phụng sự xã hội. Đối với nhiều doanh nhân, đó sẽ là cuộc lột xác thực sự và rất đau đớn. Nhưng để vươn lên doanh nghiệp không có sự lựa chọn nào khác.

Giới chức xã hội đầu tiên được Bác Hồ ra mắt tại Phủ Chủ tịch trên cương vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời năm 1945 là doanh nhân và giới chức xã hội được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi lá thư cuối cùng trước lúc đi xa vào năm 2013 cũng là doanh nhân. Đây có thể xem là một sự trùng hợp có ý nghĩa. Trong bức thư của Đại tướng, ông đã gọi doanh nhân là những “nhạc trưởng” trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước và căn dặn doanh nhân “phải luôn luôn đổi mới, luôn luôn sáng tạo, nghĩ những điều chưa ai nghĩ, làm những việc chưa có tiền lệ, với ý thức vượt khỏi những ràng buộc của lối mòn, vươn tới trình độ khu vực và quốc tế”.

Để hậu thuẫn cho sự phát triển của giới doanh nhân, bên cạnh việc cải cách thể chế để bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển, Đảng và Nhà nước cần quan tâm đổi mới công tác thi đua khen thường với doanh nghiệp, doanh nhân. Chú trọng những đóng góp thực tế của doanh nghiệp, doanh nhân cho xã hội, không quá câu nệ cách làm bỏ phiếu bình bầu theo kiểu hành chính và cảm tính như hiện nay. Trong việc tôn vinh, khen thưởng, cần coi những đóng góp của doanh nhân cho việc tạo việc làm, đóng góp cho ngân sách, thực hiện đúng pháp luật và thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội là những tiêu thức chính.

Tạo việc làm cho người dân, mang đến những cơ hội thoát nghèo cho hàng chục triệu nông dân, trong điều kiện gấp rút phải tổ chức lại nền sản xuất nông nghiệp và nông thôn, phải là mục tiêu kinh tế - xã hội quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong những năm sắp tới. Vì vậy, Nhà nước nên chăng xây dựng quy định nếu một doanh nhân có thể giải quyết công ăn việc làm cho 10 lao động, chính quyền cấp xã cần tri ân họ, nếu tạo ra việc làm cho 100 lao động, thì huyện cần khen thưởng, tạo ra 1.000 việc làm thì tỉnh tri ân, khen thưởng, 10.000 việc làm thì Nhà nước khen thưởng và trao tặng danh hiệu Anh hùng, Chiến sỹ thi đua… để đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân có thêm động lực làm giàu, kiến quốc, mang lại công ăn, việc làm cho mọi người dân, làm cho đất nước mạnh giàu và tự chủ, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong đợi. Yêu nước hãy làm giàu chân chính, đó không còn là khẩu hiệu mà chính là sứ mệnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam!./.