Diện mạo mới trong nông nghiệp, nông thôn ở thành phố mang tên Bác

TS. Hoàng An Quốc Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh
20:37, ngày 13-10-2015

TCCSĐT - Là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và lan tỏa lớn đến vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua đã đầu tư thích đáng cho phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng hiện đại, coi đây là đòn bẩy cho việc xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Thành phố đã tạo được diện mạo mới trong nông nghiệp, nông thôn.

Địa phương đầu tiên đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới của Thành phố Hồ Chí Minh, đến hết qúy I năm 2015 trên địa bàn Thành phố đã có 48/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cụ thể, huyện Củ Chi có 20 xã, Hóc Môn 8 xã, Bình Chánh 8 xã, Nhà Bè 6 xã và Cần Giờ 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Và, đến giữa năm 2015, Thành phố hoàn thành cơ bản xây dựng nông thôn mới ở tất cả các xã trên địa bàn. Như vậy, Thành phố đã trở thành địa phương cấp tỉnh, thành đầu tiên trong cả nước cơ bản hoàn thành Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Nhìn chung, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả khá toàn diện, đời sống người dân nông thôn được nâng cao, khoảng cách thu nhập của dân cư khu vực nông thôn so với khu vực đô thị được thu hẹp, môi trường sống của người dân nông thôn được cải thiện, hệ thống kết cấu hạ tầng được nâng cấp và xây mới, người dân được tiếp cận nhiều hơn với các hoạt động văn hóa - xã hội… Theo kết quả điều tra của Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, vào cuối năm 2014 thu nhập bình quân khu vực nông thôn đã đạt 3,29 triệu đồng/người/tháng, trong khi khu vực thành thị là 4,12 triệu đồng/người/tháng, khoảng cách thu nhập giữa người dân đô thị và người dân nông thôn được rút ngắn.

Những năm gần đây, hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn của Thành phố được chú trọng tập trung đầu tư nâng cấp, xây dựng, đưa vào sử dụng, đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất và dân sinh. Tính đến hết năm 2014, trên địa bàn Thành phố đã có 1.107 công trình giao thông nông thôn được nâng cấp và xây mới; 321 công trình thủy lợi được xây, nạo vét và gia cố; 42 chợ, 24 trạm y tế và 133 trường học được xây mới đạt chuẩn; xóa trên 2.797 căn nhà tạm, nhà dột nát… Nhu cầu sử dụng điện và nước sạch của người dân các xã nông thôn mới nói riêng và vùng ven đô nói chung cơ bản đã được đáp ứng. Hệ thống phân phối nước hợp vệ sinh đã phủ kín 100% khu dân cư trên địa bàn, nước sạch hiện đến được các xã xa nhất của Thành phố như các xã ở huyện Cần Giờ. Toàn bộ 56/56 xã nông thôn mới đều được đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt. Tổng Công ty Điện lực Thành phố cũng đã đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời cho ấp đảo xa nhất là ấp Thiềng Liềng và đang đẩy nhanh tiến độ công trình xây dựng tuyến cáp ngầm 22KV vượt biển, bảo đảm nguồn điện ổn định, liên tục cho các hộ dân trên xã đảo Thạnh An cũng thuộc huyện Cần Giờ.

Công tác đào tạo, phát triển ngành nghề nông thôn được chú trọng đẩy mạnh. Thành phố đã thực hiện thí điểm thành công một số mô hình dạy nghề có hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, lấy đó làm cơ sở để triển khai nhân rộng. Số lao động nông thôn được học nghề ngày càng tăng, riêng năm 2014 đã có 53.569 lượt lao động được hỗ trợ dạy nghề, trong đó số lao động có việc làm mới và tiếp tục làm nghề cũ đạt trên 80%(1).

Ngành nông nghiệp của Thành phố liên tục tăng trưởng. Năm 2014, giá trị gia tăng của khu vực này đã đạt 5,9%, gấp 1,8 lần so với mức tăng bình quân của cả nước, giá trị sản xuất đạt 6%, gấp 1,6 lần so với cả nước. Giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp Thành phố năm 2014 đạt 325 triệu đồng/ha/năm, thuộc loại cao so với cả nước(2).

Dựa vào sức mạnh của dân, chung sức xây dựng nông thôn mới

Trong xây dựng nông thôn mới ở Thành phố Hồ Chí Minh, cả hệ thống chính trị đã biết tận dụng và dựa vào sức mạnh nguồn lực trong dân, đặt người dân luôn ở vị trí trung tâm, vừa là chủ thể thực hiện vừa là người thụ hưởng thành quả đạt được của nông thôn mới. Lãnh đạo Thành phố đã nhiều lần khẳng định: “Xây dựng nông thôn mới là nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa cho nông dân và dân cư nông thôn; lấy việc cải thiện, nâng cao đời sống và sự hài lòng của nông dân là thước đo cho kết quả”(3).

Do vậy, phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” luôn nhận được sự quan tâm, hưởng ứng và tham gia tích cực của người dân nông thôn nói riêng và Thành phố nói chung. Việc hơn 11.800 hộ nông dân hiến hơn 1,2 triệu m2 đất với trị giá đạt đến gần một nghìn tỷ đồng để cùng chính quyền Thành phố xây dựng nông thôn mới là một minh chứng của sức mạnh lòng dân. Một trong những nguyên nhân quan trọng giúp Thành phố hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trước thời hạn là đã thu hút được các nguồn lực lớn từ xã hội. Theo ước tính, trong tổng nguồn vốn huy động để xây dựng nông thôn mới của Thành phố, phần vốn ngân sách Trung ương cấp chỉ chiếm 0,13%, ngân sách của Thành phố chiếm 29,85%, còn lại là vốn huy động từ cộng đồng lên đến 70,02% (tính theo giá trị đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng). Như vậy, đồng vốn ngân sách bỏ ra đã thu hút được nhiều đồng vốn từ xã hội để đầu tư xây dựng nông thôn mới.

Với nỗ lực “Đi trước - về đích trước”, cả hệ thống chính trị của Thành phố đã vào cuộc, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới bằng nhiều cuộc vận động, phong trào. Cụ thể, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới ”, Bộ Tư lệnh Thành phố phát động phong trào “Lực lượng vũ trang thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới ”, Thành đoàn có “Tháng thanh niên hành động xây dựng nông thôn mới” và phong trào “Thanh niên nông thôn lập nghiệp”, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố có phong trào “Phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới”, Hội Nông dân phát động phong trào “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, xây dựng xã nông thôn mới”, Hội Cựu chiến binh đi đầu trong phong trào vận động nhân dân “Hiến đất làm đường, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới và giữ gìn an ninh trật tự”…

Phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng hiện đại: Đòn bẩy cho việc xây dựng nông thôn mới

Một trong những nguyên nhân chủ yếu góp phần nâng cao thu nhập của người dân, tăng sức dân tham gia thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là chính sách chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng đô thị, hiện đại của Thành phố. Những năm qua, đặc biệt là năm 2014, Thành phố đã triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chuyển mạnh từ phát triển chiều rộng lấy số lượng làm mục tiêu, sang nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất bằng giá trị và lợi nhuận. Nền nông nghiệp Thành phố được khuyến khích tập trung chuyển đổi theo hướng giảm diện tích trồng lúa kém hiệu quả, năng suất thấp sang sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: trồng rau an toàn mang lại lợi nhuận 400 triệu đồng/ha/năm, trồng hoa phong lan mang lại lợi nhuận 900 triệu/ha/năm, nuôi bò sữa với quy mô 20 con mang lại lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm, nuôi cá cảnh với quy mô 30m² - 40m² mang lại lợi nhuận 20 - 60 triệu đồng/năm… Năm 2014, giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất canh tác ở Thành phố Hồ Chí Minh là 325 triệu đồng/ha/năm, tăng 15,2% so với năm 2013 và tăng 2 lần so với năm 2010, trong khi bình quân cả nước con số này chỉ khoảng 100 triệu đồng/ha/năm(4).

Năm 2014, diện tích gieo trồng rau ở Thành phố đạt 15.200ha, trong đó rau an toàn chiếm diện tích đến 14.896ha. Thành phố đã hình thành được một số vùng chuyên canh rau tập trung tại huyện Củ Chi ở các xã Nhuận Đức, Trung Lập Hạ, Tân Phú Trung; huyện Bình Chánh ở các xã Tân Qúy Tây, Hưng Long, Quy Đức và huyện Hóc Môn ở các xã Xuân Thới Thượng, Xuân Thới Sơn, Thới Tam Thôn. Đến nay Thành phố đã có gần 2.000 ha đất trồng hoa phong lan, cây cảnh. Đàn bò sữa đạt gần 100.000 con... Thành phố thật sự trở thành đầu mối cung cấp giống nông nghiệp cho khu vực Đông Nam Bộ, mỗi năm cung cấp khoảng 9,5 triệu cây giống hoa phong lan cấy mô, 920.000 con lợn giống, 25 triệu con tôm sú, 75 triệu con cá giống nước ngọt, bình quân xuất khẩu khoảng 9 đến 10 triệu con cá cảnh, 24.000 con bò sữa(5) …

Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nhiều huyện ngoại thành đã sáng tạo trong thực hiện các mô hình kinh tế hợp tác, thành lập các hợp tác xã sản xuất rau sạch, muối sạch, cây, cá cảnh… và đạt kết quả cao tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ. Hoạt động của các hợp tác xã đã hỗ trợ sản xuất, cung ứng các dịch vụ tốt, ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, giúp nhà nông ngày càng có thu nhập cao một cách vững chắc.

Cùng với những chủ trương phát triển kinh tế theo hướng bền vững, Thành phố còn liên tục cập nhật, bổ sung những chính sách phù hợp, trong đó chính sách ưu đãi lãi vay có tác động lớn trong việc huy động nguồn vốn xã hội, giúp người dân đầu tư, chuyển đổi sản xuất. Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quyết định số 13/2013, đây được xem là một giải pháp đột phá, được người dân và doanh nghiệp đồng tình cao. Từ khi quyết định này có hiệu lực, đã có gần 6.500 lượt nông dân vay vốn, giúp hơn 15.000 lao động có việc làm, trong đó gần 2.000 lao động thuộc diện hộ nghèo, hơn 2.700 phương án sản xuất, kinh doanh được phê duyệt hỗ trợ với tổng vốn vay gần 1,8 tỷ đồng. Bình quân mỗi tháng có 324 hộ dân có phương án sản xuất, kinh doanh được phê duyệt hỗ trợ lãi vay, trong đó các huyện có số hộ, số vốn đầu tư và vốn vay chiếm tỷ lệ cao như Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè. Ngoài ra Quyết định số 40/2014 về việc bổ sung thêm một số đối tượng được hỗ trợ lãi vay tại các quận, huyện có làng nghề truyền thống càng cho thấy quyết tâm của chính quyền Thành phố trong mục tiêu chuyển dịch cơ cấu sản xuất, xây dựng nền nông nghiệp đô thị hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo thu nhập cao cho người nông dân.

*
*     *

Quán triệt Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, để chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, tạo ra diện mạo mới cho nông nghiệp - nông thôn, thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục duy trì, phát huy và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời sẽ cập nhật, bổ sung một số tiêu chí mới phù hợp hơn với thực tiễn của Thành phố, hoàn thiện cơ chế, chính sách, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, giải quyết đầu vào - đầu ra cho nông sản để hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân… Với mục tiêu phấn đấu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố đã và đang đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó./.

------------------------------------------

(1) Xây dựng nông thôn mới ở TP.HCM: “Kết quả đạt được lớn nhất là lòng tin” http://danviet.vn/nong-thon-moi

(2) Tái cơ cấu ngành nông nghiệp TPHCM: Rút ngắn khoảng cách nông thôn - đô thị. http://www.sggp.org.vn/nongnghiepkt

(3) Phát biểu của đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tại hội nghị Sơ kết Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới năm 2014.

(4) Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh: Rút ngắn khoảng cách nông thôn - đô thị. http://www.sggp.org.vn/nongnghiepkt.

(5) Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nông nghiệp đô thị Nông thôn đổi mới, nông dân tăng thu nhập http://danviet.vn/nong-thon-moi.