An Giang sau một năm thực hiện Nghị quyết số 29 NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

ThS. Trần Ngọc Trường Giang Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang
20:42, ngày 13-10-2015

TCCSĐT - Năm học 2014 - 2015 là năm đầu tiên ngành giáo dục An Giang triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo...” đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận. Từ những bài học kinh nghiệm bước đầu, ngành giáo dục và đào tạo An Giang tiếp tục triển khai có hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Thành tựu nổi bật

Quán triệt Nghị quyết 29-NQ/TW, Hội nghị Trung ương tám, khóa XI của Đảng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang đã chủ động phối hợp với các ban, ngành hữu quan tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh để ban hành các Chương trình, Kế hoạch, Đề án phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện. Ngành giáo dục cùng với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức quán triệt, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, lực lượng báo cáo viên và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, thầy cô giáo toàn ngành về Nghị quyết số 29-NQ/TW, đồng thời nhanh chóng triển khai các Chương trình, Kế hoạch, Đề án nêu trên. Qua một năm triển khai thực hiện, bước đầu ngành giáo dục đã đạt được rất nhiều kết quả đáng trân trọng: chất lượng giáo dục và đào tạo từng bước được củng cố và có bước phát triển vững chắc, toàn diện hơn; tỷ lệ học sinh khá, giỏi ngày một tăng, tỷ lệ học sinh có học lực trung bình, yếu giảm; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 95,5%, cao hơn bình quân chung của cả nước (93,5%) và giữ vững vị trí tốp đầu các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long; tỷ lệ học sinh giỏi ổn định; học sinh trúng tuyển vào các trường đại học và cao đẳng tăng;…

Để đạt được kết quả trên, ngành giáo dục đã triển khai đổi mới phương pháp dạy và học gắn với đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục. Theo đó, các cơ sở giáo dục tập trung chuyển mạnh từ giáo dục chủ yếu truyền thụ kiến thức sang giáo dục bồi dưỡng phẩm chất và phát triển năng lực người học, từ giáo dục khép kín sang giáo dục mở. Trong đào tạo, tăng cường các hoạt động thực hành, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, chú trọng giáo dục đạo đức, giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh; nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo được tổ chức trong nhà trường ở các cấp học nhằm tạo điều kiện cho học sinh phát huy năng lực, phát triển năng khiếu và hình thành kỹ năng sống, góp phần thực hiện tốt công tác giáo dục toàn diện.

Ngành giáo dục xác định vấn đề mang tính quyết định và đảm đương tốt trọng trách được Đảng, Nhà nước cũng như toàn xã hội tin tưởng giao phó là chăm lo sự nghiệp “trồng người”, không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục là yếu tố then chốt sẽ quyết định việc thực hiện thắng lợi đổi mới giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cho nên, ngành rất quan tâm đào tạo, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý có tư duy tiến bộ, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, biết ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và giảng dạy. Đến nay, toàn ngành có tới 28.550 cán bộ, giáo viên, nhân viên đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đây là thuận lợi cho ngành trong tổ chức triển khai có hiệu quả trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Công tác thi đua, khen thưởng tiếp tục được đổi mới, bảo đảm sự đánh giá khách quan, công bằng, kịp thời động viên và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Công tác thanh tra, kiểm tra, khảo thí, kiểm định chất lượng giáo dục được tiến hành thường xuyên có nhiều đổi mới, có tác dụng tích cực. Hoạt động của hội đồng chuyên môn các cấp tạo được nhiều chuyển biến tích cực, góp phần vào việc nâng cao chất lượng dạy và học. Các phong trào thi đua của ngành như phong trào “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được phát động trở thành nhiệm vụ thường xuyên đối với các cơ sở giáo dục, theo đó nề nếp, kỷ cương của nhà trường ngày một tốt hơn.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học của ngành học, cấp học tiếp tục được đầu tư bổ sung từ ngân sách của tỉnh và xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai đổi mới phương pháp dạy và học. Việc đầu tư phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật cho ngành giáo dục tiếp tục được quan tâm nhằm tạo điều kiện thực hiện các biện pháp nâng chất lượng giáo dục. Số lượng trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học đều tăng, tổng số trường đạt chuẩn là 87, trong đó mầm non có 19 trường, tiểu học có 42 trường, trung học cơ sở có 16 trường, trung học phổ thông có 10 trường. Quy mô giáo dục, mạng lưới trường lớp tiếp tục được củng cố và từng bước phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, phục vụ yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Một trong những nhiệm vụ hết sức khó khăn, đó là công tác phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, trong năm học qua công tác này được chú trọng đầu tư nên đã có 155/156 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở, tỷ lệ 99,35%, toàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu

Công tác phối hợp giữa ngành giáo dục với Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức các cấp chặt chẽ, thiết thực, hiệu quả, có tác dụng tích cực trong việc huy động các nguồn lực xã hội cùng chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà. Nhờ vậy, phát huy tốt các nguồn lực trong xã hội để đóng góp tích cực cho các phong trào khuyến học, khuyến tài, quỹ tiếp sức tài năng, đã có rất nhiều tổ chức xã hội từ thiện hỗ trợ quà “Tiếp sức đến trường”, cấp các loại học bổng cho hàng chục ngàn học sinh, sinh viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn học tốt với tổng tiền giá trị lên đến trên 30 tỷ đồng. Qua những hoạt động này đã mang lại hiệu quả hết sức thiết thực cho người học, góp phần tạo nên hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, sự ổn định, phát triển giáo dục và đào tạo. Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua, khối các trường trung học phổ thông đã phối hợp tốt với trường Đại học An Giang tổ chức thi cử nghiêm túc, chất lượng và được dư luận xã hội đánh giá rất tốt. Qua kỳ thi này, phần nào khẳng định chất lượng, uy tín giáo dục của tỉnh và xác lập được mối quan hệ tốt đẹp với tỉnh bạn có thí sinh dự thi.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, cấp ủy, chính quyền và ngành giáo dục tỉnh vẫn phải đối mặt với những trăn trở như tỷ lệ học sinh đi học so với dân số độ tuổi còn thấp; tình trạng học sinh bỏ học cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông có chiều hướng gia tăng trở lại đã gây trở ngại trong việc thực hiện mục tiêu phổ cập bền vững; công tác phối hợp giữa ngành giáo dục với chính quyền địa phương trong vận động học sinh bỏ học trở lại trường chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ; hoạt động giáo dục hướng nghiệp để phân luồng cho học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở được chuyển tiếp vào các trường trung cấp chuyên nghiệp - dạy nghề và lớp 10 bổ túc văn hóa còn nhiều vấn đề bất cập; sự phối hợp giữa nhà trường, cơ sở đào tạo nghề với các đơn vị sử dụng lao động còn lúng lúng; việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa nhiều;...

Một số bài học kinh nghiệm

Sau một năm thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo tại An Giang, ngành giáo dục và đào tạo đã rút ra được một số kinh nghiệm bước đầu như sau:

Thứ nhất, các cấp quản lý giáo dục, tuỳ theo nhiệm vụ của mình cần làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác xã hội hóa giáo dục. Qua đó, sẽ huy động có hiệu quả sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp trồng người.

Thứ hai, thường xuyên quan tâm và tạo điều kiện cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên được tham gia học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ... để họ sớm cập nhật được những thông tin mới phục vụ cho công tác quản lý, giảng dạy nhằm đáp ứng yêu cầu của ngành trong tình hình mới.

Thứ ba, trong hoạt động giáo dục và đào tạo, cần có sự phân công rõ ràng từng nhiệm vụ công tác, gắn với kiểm tra, đôn đốc quá trình thực hiện. Thường xuyên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, qua đó phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những khó khăn, tồn tại, hạn chế xảy ra.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thực hiện xã hội hóa, huy động các nguồn lực chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Những đóng góp công sức của tổ chức, cá nhân cho sự nghiệp giáo dục phải được ghi nhận công khai, minh bạch, vinh danh kịp thời, qua đó tạo niềm phấn khích, tin tưởng của xã hội đối với ngành giáo dục.

Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW: “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc có hiệu quả”, theo chúng tôi ngành giáo dục An Giang trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, đẩy mạnh hơn nữa việc quán triệt, phổ biến sâu rộng đến toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức và học sinh toàn ngành giáo dục về Nghị quyết số 29-NQ/TW nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động về đổi mới giáo dục và đào tạo. Đồng thời, các cơ quan báo chí, truyền thông tăng số lượng, thời lượng thông tin về những thành tựu công tác đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của địa phương đạt được để giúp cho xã hội thấy rõ sự tiến bộ của ngành giáo dục, từ đó sẽ chung tay góp sức xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục với nhiệt huyết cao.

Hai là, tiếp tục triển khai sâu rộng, có hiệu quả các Chương trình hành động của Chính phủ, Kế hoạch hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện mục tiêu về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đạo tạo đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Ba là, đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” cùng các phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Dạy tốt - học tốt” và quan tâm giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, giá trị sống cho học sinh trong giai đoạn hiện nay.

Bốn là, tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nề nếp công tác quản lý dạy và học. Trong đó, cán bộ quản lý phải là những tấm gương sáng cho học sinh noi theo; thực hiện tốt quy chế dân chủ, công khai minh bạch trong nhà trường; khắc phục bệnh thành tích và tiêu cực trong quản lý giáo dục, lấy hiệu quả đào tạo làm tiêu chí quyết định cho công tác thi đua, khen thưởng; phân cấp, giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trong công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính và chuyên môn.

Năm là, thực hiện mục tiêu giáo dục học sinh phát triển toàn diện. Chú trọng chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, đặc biệt tăng cường giáo dục đạo đức học sinh trong giai đoạn hiện nay. Lấy nội dung đổi mới phương pháp dạy và học làm động lực chủ yếu, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Đầu tư chất lượng giảng dạy ngoại ngữ trong nhà trường phổ thông theo đúng như Đề án 1400 của Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Sáu là, tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp. Trong đó, tập trung tổ chức tuyên truyền, tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện các giải pháp để phân luồng học sinh sau trung học cơ sở vào học trung cấp chuyên nghiệp theo Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 05-12-2011, của Bộ Chính trị về phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án xây dựng trường chuẩn quốc gia./.