TCCSĐT - Trưa 29-5 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã tới sân bay Kokshetau và di chuyển đến thị trấn Burabai ở phía Bắc Cộng hòa Kazakhstan tham dự Lễ ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu.

 
 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Kazakhstan đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở sân bay (Ảnh: VGP)

Đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại sân bay Kokshetau có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Kazakhstan; Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam; Đại sứ Việt Nam tại Kazakhstan Nguyễn Văn Hòa; Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Nguyễn Thanh Sơn; Đại sứ Việt Nam tại Belarus Đỗ Văn Mai cùng các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Kazakhstan và đại diện đoàn đàm phán Hiệp định.


Được chính thức khởi động tại Hà Nội (Việt Nam) vào ngày 28-3-2013, sau khoảng 2 năm đàm phán, các bên đã ký kết Hiệp định FTA với phạm vi toàn diện, mức độ cam kết cao và đảm bảo cân bằng lợi ích, có tính đến điều kiện cụ thể của từng bên.

Hiệp định bao gồm các chương chính về thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), thuận lợi hóa hải quan, hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), công nghệ điện tử trong thương mại, cạnh tranh, pháp lý và thể chế.

Liên minh Kinh tế Á - Âu có dân số hơn 175 triệu người với tổng GDP khoảng 2.500 tỷ USD. Tuy là một tổ chức kinh tế mới được thành lập nhưng liên minh có vai trò hết sức quan trọng đối với việc phát triển một số quốc gia thuộc Liên Xô trước đây hướng tới một không gian kinh tế thống nhất.

Việc ký kết Hiệp định này tiếp tục khẳng định vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong quan hệ hợp tác toàn diện với các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu, đặc biệt là trong việc thực hiện quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

* Nhân dịp tham dự Lễ ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu, chiều 29-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Chủ tịch Ban Thường trực Ủy ban Kinh tế Á - Âu, ông Viktor Khristenko.

 
 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ban Thường trực Ủy ban Kinh tế Á - Âu, Victor Khristenko (Ảnh: TTXVN)

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao việc Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu trong hơn 2 năm đã tích cực đàm phán, cũng như những đóng góp của cá nhân ông Khristenko để hai bên có thể hoàn tất đàm phán và ký Hiệp định theo đúng lộ trình đã dự kiến.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh ý nghĩa của việc ký kết Hiệp định và coi đây là một Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, hiện đại và toàn diện với các linh hoạt cần thiết, có mức độ cam kết cao và bảo đảm cân bằng lợi ích, tính đến điều kiện cụ thể của từng bên; cho rằng đây là bước đột phá cho quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với các nước thành viên Liên minh.

Chủ tịch Ban Thường trực Liên minh Kinh tế Á - Âu cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã quan tâm và chỉ đạo sát sao các bộ, ngành Việt Nam trong quá trình đàm phán để có thể đạt được kết quả như ngày hôm nay.

Ông Khristenko cho biết việc Liên minh chọn Việt Nam là đối tác ngoài khối đầu tiên để đàm phán và ký Hiệp định Thương mại tự do thể hiện sự đánh giá cao vị thế cũng như tiềm năng phát triển của Việt Nam; mong muốn Việt Nam đóng vai trò cầu nối tích cực giữa Liên minh với khối ASEAN.

Hai bên tin tưởng rằng Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu sẽ tạo tiền đề để liên minh mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư với Việt Nam và khu vực Đông Nam Á nói riêng, châu Á - Thái Bình Dương nói chung.

Hai bên nhất trí sẽ hợp tác triển khai thực hiện Hiệp định Thương mại tự do một cách hiệu quả, thiết thực trên tinh thần hữu nghị, góp phần vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam và các nước thành viên Liên minh.

* Cũng trong chiều 29-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Thủ tướng Armenia Hovik Abrahamyan.

 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Cộng hòa Armenia, ông Hovik Abrahamyan (Ảnh: TTXVN) 

Bày tỏ sự coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam luôn ghi nhớ sự ủng hộ, giúp đỡ hiệu quả mà nhân dân Armenia dành cho Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước; nhiều thế hệ sinh viên, thực tập sinh Việt Nam được học tập tại Armenia đã và đang có nhiều đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.

Thủ tướng Abrahamyan nhắc lại chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 2012 của Tổng thống Armenia, nhấn mạnh rằng những kết quả tích cực mà hai bên đạt được sau chuyến thăm đã tạo bước chuyển mới cho quan hệ Việt Nam - Armenia. Hai bên nhất trí cho rằng cần tăng cường hơn nữa tiếp xúc và đối thoại ở các cấp, đẩy mạnh các kênh hợp tác giữa bộ, ngành, địa phương hai nước, qua đó nâng cao hiểu biết lẫn nhau, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư và các lĩnh vực khác giữa hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên sớm thành lập Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật; các bộ, ngành hai nước cần phối hợp chặt chẽ, tạo chuyển biến thực chất trong hợp tác giữa hai nước thời gian tới, đặc biệt sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh chính thức có hiệu lực. Hai thủ tướng nhất trí thời gian tới hai bên cần tập trung xây dựng cơ chế triển khai hiệp định thương mại, tận dụng các ưu đãi để đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho hợp tác song phương, xem xét thiết lập cơ chế phù hợp để cùng triển khai các lĩnh vực hợp tác cụ thể, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, trao đổi thông tin… giữa các doanh nghiệp hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt nhấn mạnh giáo dục - đào tạo là lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Armenia, cần khôi phục lại hợp tác trong lĩnh vực này; trước mắt xem xét ký Hiệp định liên chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, trao đổi đoàn công tác để tìm kiếm cơ hội và tăng cường hợp tác có hiệu quả.

Về vấn đề Biển Đông, hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở khu vực này; ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Thủ tướng Abrahamyan cho biết phía Armenia đang ưu tiên phát triển khoa học - công nghệ trong các lĩnh vực công nghệ cao; phát triển dược phẩm và công nghệ sinh học, hóa chất, cơ giới hóa nông nghiệp và chế tạo máy. Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác, tổ chức các đoàn trao đổi và hội thảo tiến tới xây dựng một số chương trình hợp tác chuyên đề khoa học công nghệ trong thời gian tới.

* Tiếp tục các hoạt động bên lề Lễ ký chính thức Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Medvedev tại tỉnh Burabai của Kazakhstan.

 
 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Liên bang Nga, Ngài Dmitry Anatolyevich Medvedev (Ảnh: TTXVN)

Bày tỏ vui mừng được gặp lại Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Medvedev cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu, thân tình mà phía Việt Nam đã dành cho đoàn trong suốt thời gian chuyến thăm và cho biết đặc biệt ấn tượng trước những bước phát triển của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng Thủ tướng Medvedev về thành công của Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và nhấn mạnh Việt Nam không bao giờ quên những đóng góp to lớn của nhân dân Liên Xô và nhân dân Nga cho hòa bình của nhân loại.

Tại cuộc trao đổi, hai bên bày tỏ hài lòng trước việc Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu sau một thời gian đàm phán tích cực và khẩn trương, đã cùng nhau thống nhất được nội dung của Hiệp định Thương mại Tự do.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao vai trò của Nga với tư cách là nước đầu tàu trong Liên minh đã hợp tác và thúc đẩy để kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định theo đúng kế hoạch được đề ra.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Nga cùng các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu sớm hoàn thành thủ tục phê chuẩn Hiệp định, để có thể tận dụng được tối đa những ưu đãi, đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư trong giai đoạn mới.

Thủ tướng Medvedev cho rằng việc Việt Nam là đối tác đầu tiên ký Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh càng thêm khẳng định vai trò và vị trí của Việt Nam tại khu vực và trên thế giới, tin tưởng rằng Hiệp định không chỉ mở rộng hợp tác song phương, tăng kim ngạch thương mại, mà còn tạo đà thúc đẩy việc thực hiện các dự án đầu tư ưu tiên trên lãnh thổ của nhau, góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga đi vào chiều sâu và hiệu quả.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Medvedev cũng đã trao đổi và nhất trí tích cực triển khai những thỏa thuận đạt được sau chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Thủ tướng Medvedev, đặc biệt là dự án trọng điểm của hợp tác song phương trong các lĩnh vực năng lượng, đầu tư, an ninh - quốc phòng…

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Medvedev khẳng định Liên bang Nga ủng hộ giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

* Trong cuộc gặp Thủ tướng Belarus Andrey Kobyakov, hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hai nước duy trì mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và chủ trương tăng cường hợp tác với các nước bạn bè truyền thống, trong đó có Belarus.

 
 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Belarus Andrei Kobyakov (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước những phát triển tích cực của quan hệ song phương Việt Nam - Belarus trong thời gian qua và mong muốn quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển theo chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại và đầu tư; đồng thời cảm ơn sự giúp đỡ to lớn của Chính phủ và nhân dân Belarus dành cho Việt Nam trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Về phần mình, Thủ tướng Kobyakov khẳng định luôn đánh giá cao những bước phát triển tích cực trong quan hệ song phương Belarus - Việt Nam và nhấn mạnh việc hai bên thường xuyên trao đổi Đoàn các cấp, cũng như việc gặp gỡ và tiếp xúc bên lề các diễn đàn quốc tế chính là động lực góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác giữa hai nước, tăng cường sự tin cậy và phối hợp hành động kịp thời.

Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, hai Thủ tướng ủng hộ việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng A.Kobyakov cũng đã trao đổi và thống nhất một số phương hướng lớn nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương trong thời gian tới, nhất là trước bối cảnh Hiệp định thương mại tự do chuẩn bị có hiệu lực.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, mỗi nước đều có những thế mạnh có thể bổ trợ cho nhau; đồng thời cho rằng cuộc gặp này là một động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng A.Kobyakov cũng đã nhất trí tăng cường hiệu quả hoạt động của Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật; nhấn mạnh hai bên cần chủ động mở rộng hợp tác, tạo điều kiện cho hàng hóa của mỗi nước xuất khẩu thuận lợi vào thị trường của nhau.

Thủ tướng Belarus khẳng định sẵn sàng tạo thuận lợi để Việt Nam xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh của mình như nông thủy sản, hàng dệt may, hàng tiêu dùng, hàng điện tử…

Phía Việt Nam khẳng định sẵn sàng thảo luận việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực chế tạo máy nông nghiệp, ô tô, máy kéo… với Belarus.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định Chính phủ hai nước sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp hai bên đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực và đa dạng hóa hợp tác thông qua việc chuyển giao công nghệ, thành lập xí nghiệp liên doanh, mở văn phòng đại diện trên lãnh thổ của nhau.

Bày tỏ sự hài lòng trước kết quả tích cực của công tác đàm phán và việc ký chính thức Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của sự kiện này, coi đây là bước đột phá trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước thành viên của Liên minh và đề nghị các bộ, ngành Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Belarus để cùng triển khai hiệu quả Hiệp định mang lại lợi tích thiết thực cho cả hai bên.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn Chính phủ Belarus đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống, làm ăn ổn định tại Belarus và đã đào tạo nhiều du học sinh Việt Nam để trở về đóng góp cho đất nước./.