1810 - Phong trào đấu tranh giành độc lập

Kể từ năm 1808, khu vực Mỹ La-tinh bắt đầu công cuộc đấu tranh giành độc lập. Trước đó, 13 thuộc địa của đế quốc Anh tại bắc Mỹ và một thuộc địa của Pháp tại vùng biển Ca-ri-bê đã giành được độc lập cho dân tộc mình.

Nước Mỹ là quốc gia đầu tiên giành được độc lập tại Tân lục địa và cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa những nguyên tắc cơ bản về tự do vào trong Hiến pháp. Họ đã hình thành nên một thể chế chính phủ cộng hòa, tránh được việc hình thành một chế độ chuyên chế; đồng thời xây dựng một chế độ liên bang để có thể duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ. Chính vì hai lý do này mà các chiến sĩ đấu tranh vì độc lập tại Mỹ La-tinh đã cố gắng liên minh với nước Mỹ và sử dụng Hiến pháp của Mỹ như một mô hình lập hiến kiểu mẫu.

Trong khi đó, Ha-i-ti, quốc gia thứ hai tại châu Mỹ giành được độc lập, lại là nơi đầu tiên trên toàn tân lục địa xóa bỏ chế độ nô lệ và tách Nhà nước khỏi những ảnh hưởng của Nhà thờ. Quốc gia này trở thành một trung tâm ủng hộ cho các cuộc đấu tranh vì độc lập trên toàn Mỹ La-tinh.

Việc Na-pô-lê-ông xâm chiếm Tây Ban Nha đã trở thành ngòi nổ cho hàng loạt những cuộc nổi dậy đòi độc lập tại các thuộc địa ở Mỹ La-tinh. Nếu như trong suốt 300 năm bị đô hộ bởi thực dân Tây Ban Nha, đã có vô số các nhóm thổ dân nổi dậy đấu tranh vì quyền lợi và cố gắng tách khỏi vòng kiểm soát của thực dân thì quá trình đấu tranh đầu tiên vì độc lập mới chỉ được bắt đầu từ năm 1808, dưới vỏ bọc là nguyên tắc “nếu thể chế quân chủ không có hoàng đế trị vì thì quyền tự chủ sẽ thuộc về nhân dân”.

Tháng 9 năm 1808, lần đầu tiên trong lịch sử, các quan chức trong Hội đồng Thành phố Mê-hi-cô đã tuyên bố về những nguyên tắc chủ quyền; ngay lập tức họ bị tống giam. Giới thượng lưu, nhà buôn giàu có Tây Ban Nha tại Mê-hi-cô đã gây sức ép, lật đổ thể chế quyền lực, lấy lý do rằng ông Toàn quyền tại Mê-hi-cô đã cấu kết với các quan chức Francisco de Azcarte và Francisco de Verdad trong việc nêu ra những định nghĩa đi ngược lại lời thề trung thành với vua Tây Ban Nha. Mặc dù những mầm mống đấu tranh đòi độc lập đã bị vùi dập, nhưng những nguyên tắc cơ bản đầu tiên về chủ quyền, tự chủ đã lan tỏa đi khắp châu Mỹ.

Trong suốt cuộc khủng hoảng chính trị tại Tây Ban Nha và các thuộc địa của nước này tại Mỹ La-tinh những năm đầu thế kỷ XIX, những nguyên tắc, định nghĩa về quốc gia, thuộc địa, chế độ quân chủ, chủ quyền, Quốc hội, hình thức dân chủ đại diện dần hình thành và liên tục được nhắc đến. Tuy nhiên, danh từ độc lập vẫn chưa được quan tâm đến, hay ít nhất là chưa được định hình một cách rõ ràng và chính thức. Điều đó xuất phát từ 2 nguyên nhân: thứ nhất, lúc bấy giờ, trong tâm thức của mọi người, chỉ có chế độ quân chủ mới được coi là thể chế hợp pháp và trên thực tế, dù vẫn có những ràng buộc nhất định nhưng chế độ quân chủ tại thuộc địa vẫn có thể đưa ra những quyết định độc lập với mẫu quốc, tức là họ vẫn có nền độc lập tương đối; thứ hai, chính quyền thuộc địa chưa bao giờ có được sự toàn quyền và độc lập trong việc đưa ra các quyết định như bấy giờ bởi lẽ đại diện của mẫu quốc tại thuộc địa (cả đại diện của vua Tây Ban Nha lẫn của vua Pháp) gần như không có quyền lực và tiếng nói nữa.

Khi Hoàng gia Tây Ban Nha tuyên bố từ bỏ quyền trị vì Tây Ban Nha và các nước thuộc địa, đồng thời nhượng những quyền đó cho hoàng đế nước Pháp, ngay lập tức, ngày 15 tháng 7 năm 1808, Hội đồng thành phố Mê-hi-cô đã tiến hành họp bất thường để thảo luận tình hình và đưa ra những bước đi tiếp theo.

Lúc đó, hai danh từ vua đất nước được coi là một. Vuađất nướcđất nướcvua. Tuy nhiên sau hành động đê hèn của vua Carlos IV, Hội đồng thành phố Mê-hi-cô đã quyết định: việc mẫu quốc đầu hàng nước khác không có nghĩa là các thuộc địa cũng đầu hàng nước khác, do đó hội đồng thành phố yêu cầu Toàn quyền đặt Mê-hi-cô vào vị trí đối đầu, sẵn sàng chống lại bất cứ cuộc tấn công nào của nước Pháp cũng như của các thế lực khác; tuyên bố không chấp nhận sự thoái vị của hoàng gia Tây Ban Nha; đồng thời tuyên bố ủng hộ chế độ quân chủ Tây Ban Nha cho tới hoàng đế cuối cùng.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi không còn mẫu quốc, không còn hoàng đế trị vì thì Toàn quyền - người đại diện của hoàng đế tại thuộc địa - không còn giá trị pháp lý nữa. Trong suốt 2 năm, các quan chức, chính trị gia Mê-hi-cô đã cố gắng hình thành một cơ quan đại diện cho nhân dân (Tập hợp Hội đồng) để có thể duy trì chính quyền độc lập một cách hòa bình và dân chủ, đồng thời ủng hộ cho nền quân chủ Tây Ban Nha. Nhưng các cuộc tranh luận trong suốt 2 năm đều không đi được tới một kết quả nhất định nào.

Ngày 16 tháng 9 năm 1810, Miguel Hidalgo tiến hành đảo chính, lật đổ và bắt giữ tất cả các quan chức, chính trị gia đang cố gắng tham gia xây dựng Tập hợp Hội đồng. Miguel Hidalgo tự phong là người đứng đầu Nhà nước Mê-hi-cô mới, thực thi chế độ độc tài dân chủ cách mạng, tuyên bố độc lập và tự do cho quốc gia. Ngoài ra, ông còn đưa ra những định nghĩa chính trị mới về quốc gia, độc lập, nhân dân và chủ quyền, ứng dụng mô hình quyền lực mới nhằm đại diện và thực thi những quyền của quốc gia, khôi phục mô hình Quốc hội đại diện thông qua bầu cử - để có thể đưa ra được những bộ luật thỏa mãn được các nhu cầu của người dân trong cả nước, cũng như là cơ quan giám sát các quyền hành pháp và tư pháp. Miguel Hidalgo cũng bãi bỏ chế độ nô lệ tại Mê-hi-cô, tuyên bố mọi người đều có những quyền bình đẳng và đều được tự do.

Tuy nhiên sau đó một vài tháng, lực lượng đảo chính không chính quy với hơn 100.000 người chủ yếu là nông dân, thợ thủ công, dân nghèo…, vốn quá đông và vô kỷ luật đã bị đánh bại bởi 6000 lính hoàng gia. Hidalgo phải bỏ chạy lên phía Bắc và sau đó bị bắt giữ. Ông bị xử tử vào khoảng giữa tháng 6 và 7 năm 1811. Dù bị bắt và giết nhưng cuộc nổi dậy do ông khởi xướng không vì thế mà lụi bại. Các đồng chí của ông vẫn tiếp tục đấu tranh vũ trang trên khắp cả nước. Cuộc nội chiến diễn ra trong suốt thời gian dài sau đó mới chấm dứt, hình thành nên quốc gia Mê-hi-cô.

Kể từ cuộc đảo chính của Miguel Hidalgo, Mê-hi-cô chấm dứt giai đoạn lệ thuộc vào mẫu quốc, cũng như chấm dứt những cố gắng của tầng lớp quý tộc trong việc duy trì nền quân chủ và sự hiện diện của nền quân chủ Tây Ban Nha tại Mê-hi-cô. Cuộc đảo chính của Miguel Hidalgo được coi như bước mở đầu cho giai đoạn độc lập đầu tiên của Mê-hi-cô, cũng như là ví dụ điển hình cho các cuộc đấu tranh vì độc lập tại các thuộc địa khác ở Mỹ La-tinh.

1910 - Cách mạng tư sản dân chủ

Sau gần một thế kỷ trải qua các thể chế độc tài và các cuộc nội chiến tranh giành quyền lực, đầu năm 1907, Mê-hi-cô rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Giá cả các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của đất nước bị rơi thảm hại. Những tầng lớp bị chịu ảnh hưởng nhiều nhất, tất nhiên vẫn là người lao động, nông dân, công nhân…bên cạnh đó còn có cả tầng lớp trung lưu. Người dân thực sự cảm thấy khó chịu, bất mãn với chế độ độc tài của Porfirio Diaz đang lãnh đạo đất nước. Ngày càng có nhiều người tham gia vào Đảng Tự do Mê-hi-cô đối lập.

Đầu năm 1908, để xoa dịu căng thẳng của người dân trong nước, độc tài Porfirio tuyên bố trên báo chí rằng sẽ không tiếp tục ra tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo vào năm 1910. Theo đó, đất nước Mê-hi-cô đã được chuẩn bị kỹ càng cho một nên dân chủ mới, đồng thời bắt đầu xuất hiện của các đảng chính trị mới. Tháng 1 năm 1909, trên chính trường xuất hiện cuốn sách mang tựa đề “Tổng thống kế nhiệm năm 1910. Đảng Dân chủ Quốc gia” của tác giả Francisco I. Madero. Tác giả sinh ra trong một gia đình tư sản giàu có, nhiều ảnh hưởng trên thương trường và chính trường tại khu vực Tây Bắc Mê-hi-cô. Madero đã có thời gian học tập tại Mỹ và Pháp, là một người dân chủ, đối xử rất tốt với người lao động và cũng là một nhà tư tưởng. Cuốn sách của ông tập trung đả kích các chính sách của chính quyền Porfirio, đề xuất xây dựng một hệ thống dân chủ với nguyên tắc cơ bản là không cho phép người đứng đầu Nhà nước được quyền tái cử và trong trường hợp nếu như chính phủ độc tài không lắng nghe ý kiến của người dân thì đề xuất đấu tranh vũ tranh lật đổ chính quyền. Cuốn sách trở nên nổi tiếng và trong vòng 3 tháng đã bán hết toàn bộ hơn 3000 bản. Trong khoảng thời gian từ tháng 2 tới tháng 5 năm 1909, Madero thành lập nên Đảng Chống tái cử của mình, bên cạnh sự xuất hiện của 2 đảng chính trị mới là Đảng Dân chủ và Câu lạc bộ chủ nghĩa Rey 1910.

Vào thời điểm đó, nhân vật Bernado Reyes xuất hiện như ứng cử viên nặng ký nhất cho một sự thay đổi. Tuy nhiên, dưới sức ép của Porfirio, người này đã phải rút lui khỏi chính trường. Sau sự kiện này, Madero trở thành nhân vật quan trọng nhất của lực lượng đối lập. Một lượng lớn những người đã từng ủng hộ Reyes nay chuyển sang ủng hộ Madero. Tới tháng 6 năm 1910, đã có hơn 100 câu lạc bộ ủng hộ Đảng Chống tái cử tại 22 bang, 65 quận và cả thủ đô liên bang.

Từ tháng 6-1909 tới tháng 6-1910, Madero đã tiến hành 6 lần đi vòng quanh các tiểu bang để vận động tranh cử, đặc biệt tại các bang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kinh tế 1907 và các chính sách đàn áp của chế độ độc tài. Những cuộc vận động này là vô cùng quan trọng và đã tập hợp được một lượng lớn những người ủng hộ.

Kể từ khi thành lập Đảng tới khi tiến hành vận động tranh cử, Madero luôn khôn khéo thực hiện mọi hoạt động trong khuôn khổ pháp lý lúc bấy giờ. Lúc đầu, chính quyền độc tài không quan tâm tới phong trào này nhưng từ khi sức mạnh của Đảng Chống tái cử tăng lên, chính quyền độc tài tìm mọi cách làm suy giảm uy tín cũng như có những hành động “chơi bẩn” .

Tới cuối năm 1909, Đảng Chống tái cử trở nên mạnh mẽ. Họ tiếp tục liên minh với các đảng chính trị tiến bộ khác như Đảng Tự do và Đảng Dân chủ Quốc gia. Tuy nhiên tại chuyến đi vận động tranh cử cuối cùng của mình, tháng 6-1910, Madero bị chính quyền bắt giữ với lý do xúi giục nổi loạn. Ngày 10-6-1910, Mê-hi-cô tổ chức bầu cử và không ai ngạc nhiên khi tên độc tài Porfirio Diaz lại tái đắc cử. Với quan hệ của gia đình mình, một tháng sau đó, Madero được thả nhưng chịu sự giám sát chặt chẽ. Ngày 5-10, Madero rời nhà đi dạo và không quay trở lại nữa. Những người ủng hộ đã giúp ông trốn sang Mỹ.

Từ Texas, Madero thiết lập trung tâm chỉ huy mới. Những người ủng hộ đã thành lập nên Tập hợp Cách mạng và kêu gọi người dân Mê-hi-cô nổi dậy. Họ tuyên bố không chấp nhận kết quả bầu cử vừa diễn ra, không chấp nhận chính quyền mới, đưa vào Hiến pháp nguyên tắc không được tái cử, đồng thời đưa Madero lên như tổng thống lâm thời. Ngày 20-11, lời kêu gọi người dân Mê-hi-cô lật đổ chính quyền độc tài Porfirio bằng vũ trang được đưa ra. Chính quyền lâm thời tuyên bố sẽ trả lại đất đai cho nông dân, xóa bỏ những chính sách cũ trước đây, đồng thời kêu gọi Quân đội Liên bang gia nhập vào lực lượng nổi dậy.

Madero và những nhà lãnh đạo Đảng Chống tái cử cho rằng phong trào nổi dậy sẽ nhanh chóng lan rộng. Tuy nhiên, ngược lại, cuộc cách mạng của Madero phát triển rất chậm, chủ yếu tập trung ở phía Bắc. Sau một số thắng lợi và thất bại, tới tháng 3-1911, cách mạng mới lan rộng được ra cả nước. Quân đội Liên bang cũng chống trả yếu ớt chủ yếu do trang bị không đầy đủ. Thành phần của lực lượng cách mạng cũng có thay đổi so với giai đoạn bầu cử: họ là thợ mỏ, thợ xe lửa, công nhân đồn điền, giáo viên nông thôn, công nhân, thợ thủ công… những nhóm người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng kinh tế 1907 và các chính sách độc đoán của Porfirio.

Ngày 21-5-1911, chính quyền Porfirio thất bại trong việc bảo vệ thành phố quan trọng Ciudad Juarez và buộc phải từ chức. Cách mạng do Madero lãnh đạo (khởi xướng ngày 20-11-1910), dù không đạt được tất cả các mục tiêu như đã đề ra (chủ yếu do mâu thuẫn nội bộ trong việc phân chia quyền lợi) nhưng đã chấm dứt được chế độ độc tài Porfirio tại Mê-hi-cô, trở thành cuộc cách mạng dân chủ tư sản đầu tiên tại Mỹ La-tinh. Đất nước Mê-hi-cô bước vào giai đoạn phát triển mới.

2010 - Mê-hi-cô ngày nay

Mê-hi-cô ngày này là một quốc gia theo thể chế cộng hòa. Đứng đầu nhà nước là Tổng thống với chế độ lưỡng viện. Nền chính trị đất nước trong những năm gần đây tương đối ổn định. Mê-hi-cô thực thi chính sách chính trị thực dụng, trung lập, tránh xa các mâu thuẫn quốc tế, tập trung tăng cường quan hệ hợp tác, phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội trong nước.

Đây là đất nước đang trong đà phát triển với nhiều tiềm lực, có nền kinh tế tương đối phát triển (GDP năm 2008 đạt khoảng 1.088 tỷ USD) thu nhập bình quân đầu người là 14.119 USD/năm. Mê-hi-cô là thành viên của nhiều tổ chức kinh tế khu vực châu Mỹ và thế giới như: Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Đông Á và Mỹ La tinh (FEALAC). Đó là những điều kiện thuận lợi nhưng ngược lại cũng là khó khăn cho Mê-hi-cô. Việc gia nhập khối thị trường chung bắc Mỹ và Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ đã khiến cho nhiều hàng hóa của Mê-hi-cô không thể cạnh tranh được với hàng hóa của Mỹ và Ca-na-da, đặc biệt là nông sản khi mà 2 quốc gia còn lại thực thi chính sách bảo hộ.

Tài nguyên của Mê-hi-cô rất phong phú và đa dạng (vàng, bạc, dầu lửa...), là nước thứ năm trên thế giới về khai thác dầu mỏ và khí đốt; du lịch cũng là ngành mũi nhọn; ngoài ra sản lượng ngô, lúa mỳ, bông, cà phê của Mê-hi-cô cũng rất lớn. Nông nghiệp là lĩnh vực chủ chốt nhưng do khí hậu khô cằn nền diện tích đất canh tác chỉ đạt 13%. Đây là thách thức lớn cho chính quyền Mê-hi-cô trong thời gian tới khi phải đảm bảo được an ninh lương thực trong điều kiện thay đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng.

Về mặt xã hội, trong những năm gần đây Mê-hi-cô có biểu hiện bất ổn định do khoảng cách giàu nghèo ngày một gia tăng. Cuộc nổi dậy vũ trang của thổ dân ở Chiapas nổ ra từ đầu năm 1994 đến nay vẫn là vấn đề nổi cộm chưa có giải pháp. Ngoài ra, tình hình buôn bán, vận chuyền ma túy qua Mê-hi-cô vào Mỹ cũng trở nên gay gắt. Nhiều nhóm mafia tranh giành lãnh địa, thị trường đã tạo nên những cuộc chiến đẫm máu tại các thành phố, địa phương giáp biên giới với Mỹ. Mặc dù chính phủ đã có nhiều biện pháp chống buôn bán ma túy, thậm chí sử dụng quân đội vào nhiệm vụ này nhưng cũng không giải quyết được.

Có thể thấy, thời gian gần đây, Mê-hi-cô đã đạt được những kết quả đáng chú ý về phát triển kinh tế, tuy nhiên Mê-hi-cô cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức do sức ép của cạnh tranh trong quá trình tự do hóa thương mại, cũng như do tác động của khủng hoảng kinh tế tài chính vừa qua.

Năm 2010, Mê-hi-cô tiến hành nhiều hoạt động nhân kỷ niệm 200 năm ngày Độc lập và 100 năm Cách mạng Mê-hi-cô, đây cũng là dịp để nhìn nhận, đánh giá quá trình phát triển, nhằm có bước phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn./.