Diễn ra trong hai ngày 11 và 12-11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ hai với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” đã kết thúc với ghi nhận lớn nhất là tại hội thảo lần này, mọi vấn đề của biển Đông đã được mổ xẻ, trong đó tập trung thảo luận những vấn đề cụ thể và thực chất.

Tổng kết hội thảo, Phó giáo sư, Tiến sỹ Dương Văn Quảng, Giám đốc Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao), đơn vị đồng tổ chức hội thảo, khẳng định, Hội thảo đã thực sự thành công như mong đợi trên tinh thần tôn trọng và đảm bảo các nguyên tắc thẳng thắn, khách quan, trung thực, xây dựng và cầu thị.
 
Hội thảo lần này tập trung thảo luận những vấn đề cụ thể và trao đổi ý kiến một cách thực chất qua việc nhiều đại biểu đã phân tích sâu và so sánh những yêu sách của các bên về Biển Đông, cả dưới góc độ pháp lý lẫn thực tiễn; các tranh luận về vai trò và lợi ích của các nước bên ngoài Biển Đông.

Với 8 phiên thảo luận diễn ra trong hai ngày, hội thảo về Biển Đông lần này đã tập trung vào các vấn đề: Tầm quan trọng của Biển Đông trong môi trường chiến lược đang thay đổi; Những diễn biến gần đây ở Biển Đông: Hệ lụy đối với an ninh và thịnh vượng ở khu vực; Tranh chấp tại Biển Đông: Những vấn đề luật pháp quốc tế; Giải quyết tranh chấp và quản lý xung đột ở Biển Đông: Kinh nghiệm và triển vọng; Triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác vì an ninh và phát triển ở Biển Đông; Thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực chuyên ngành ở Biển Đông.

Đề cập đến vấn đề tranh chấp tại Biển Đông, nhiều học giả đã nêu một số giải pháp nhằm quản lý, kiểm soát được tranh chấp cũng như giải quyết các tranh chấp. Tướng Đa-ni-en Sêp-phơ (Daniel Shaeffer), thành viên của Cơ quan Think Tank Asie21, Pháp, cho rằng, nếu đối thoại giữa các bên để giải quyết xung đột không có tiến triển, cần tính đến việc đưa các tranh chấp khu vực ra Tòa án Luật Biển hoặc Tòa án Công lý Quốc tế. Giáo sư Stên Tô-ne-xơn (Stein Tonnesson), Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế, Na-uy, nhấn mạnh giải pháp nào muốn bền vững cũng cần coi trọng công cụ pháp lý. Đại sứ Rô-đôn-phơ Xê-ven-ri-nô (Rodolfo Severino) (Phi-lip-pin), nguyên Tổng thư ký ASEAN, cho rằng vấn đề chủ quyền Biển Đông sẽ khó giải quyết trong một, hai thế hệ tới do nhiều tranh chấp liên quan tới nhiều bên, và quan trọng hơn, tất cả các bên đều coi Biển Đông là lợi ích căn bản không thể thỏa hiệp. “Nhưng điều đó không có nghĩa là xung đột ở Biển Đông không thể tránh được” – Đại sứ Xê-ven-ri-nô nhấn mạnh.

Một trong những ưu tiên hàng đầu để giải quyết các tranh chấp, xung đột ở Biển Đông là tăng cường xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác trong khu vực. Nhiều ý kiến tại hội thảo cho thấy các bên liên quan còn thiếu lòng tin, vì vậy cần xây dựng lòng tin giữa các bên về Biển Đông. “Đối thoại là cần thiết nhưng chưa đủ. Sự minh bạch trong quan điểm, minh bạch trong chính sách cùng với thiện chí là điều kiện tiên quyết cho quá trình tìm kiếm giải pháp lâu dài và công bằng” – Tiến sỹ Dương Văn Quảng tóm lược ý kiến của các đại biểu.

Giáo sư Ha-xim Gia-lat (Hasjim Djalal), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, In-đô-nê-xi-a, cho biết: “ Điều kiện để có thể thúc đẩy hợp tác là các bên không sử dụng vũ lực, phải có quyết tâm chính trị, không khuấy động dư luận trong nước, cần minh bạch chính sách và luật pháp. Nguyên tắc thúc đẩy hợp tác là cần cởi mở; bắt đầu từ những việc dễ, ít nhạy cảm; cần lãnh đạo cấp cao nhưng với tư cách cá nhân, không chính thức, không thể chế hóa; nhấn mạnh điểm đồng, không xoáy vào những điểm bất đồng; làm từng bước, bắt đầu từ những vấn đề có tính kỹ thuật; không lùi bước nếu không có được kết quả ngay”. Theo Giáo sư, việc kiểm soát xung đột ở Biển Đông có thể làm được và đã làm được, nhưng nếu dừng các hoạt động này thì xung đột có thể lại xảy ra. Ông khuyến nghị các trung tâm nghiên cứu về biển Đông trong khu vực cần kết nối với nhau và cùng thúc đẩy các hoạt động hợp tác. Ông cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc đã tỏ ra rất tích cực trong việc tổ chức hàng loạt hội thảo về kiểm soát xung đột ở Biển Đông, kêu gọi các nước ASEAN chủ động và tích cực hơn./.