Ngày 11-11, tại Hội thảo “Nông nghiệp và biến đổi khí hậu: Đổi mới, chính sách và các thể chế” diễn ra ở thủ đô Xan-ti-a-gô (Santiago) của Chi-lê, Uỷ ban kinh tế Liên hợp quốc khu vực Mỹ La-tinh (ECLAC) đã kêu gọi các nước thực hiện khẩn cấp các chính sách công phù hợp để thích nghi và giảm tác động của tình trạng biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp và người nghèo.


Phó Thư ký chấp hành ECLAC An-tô-ni-ô Pra-đô (Antonio Prado) nhấn mạnh, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã thực sự đe dọa an ninh lương thực của khu vực, các nước Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê vẫn chưa có các chính sách thích hợp để làm giảm tác động ngày càng nghiêm trọng của tình trạng này. ECLAC kêu gọi các nước trong khu vực hành động khẩn cấp để cứu ngành nông nghiệp Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê, trong đó chú trọng nghiên cứu khoa học công nghệ, phối hợp các ngành nông nghiệp, khoa học công nghệ, môi trường và y tế nhằm giảm tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, tăng sức đề kháng và khả năng thích nghi của nông nghiệp đối với biến đổi khí hậu cũng như triển khai các sáng kiến hợp tác xuyên quốc gia và khu vực về chống biến đổi khí hậu.

ECLAC cũng kêu gọi các nước Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê đầu tư lớn hơn cho nông nghiệp và phát triển nông thôn để hỗ trợ người nghèo. Theo ECLAC, trước nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu, nông nghiệp cần phải đóng vai trò chiến lược, không chỉ sản xuất lương thực, mà còn cung cấp các nguồn lực kinh tế và môi trường ở nông thôn, nơi đa số dân cư là người nghèo dễ bị tổn thương trước mọi cuộc khủng hoảng.

Số liệu của ECLAC cho thấy người nghèo chiếm tới hơn 50% dân số sống ở nông thôn các nước Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê, trong đó 1/3 sống cùng khổ, đặc biệt dễ tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu. Các nước đang phát triển ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trong khu vực phụ thuộc vào nông nghiệp bị tác động mạnh nhất./.