Nạn "chảy máu" chất xám, nhất là trong các lĩnh vực then chốt như y tế và công nghệ, ngày càng trở nên đáng lo ngại ở các quốc gia đang phát triển. Đây là nhận định của các nhà lãnh đạo thế giới tại một hội nghị về vấn đề di cư của Liên hợp quốc diễn ra ngày 11-11 ở Mê-hi-cô.

Phát biểu tại Diễn đàn toàn cầu về Di cư và Phát triển lần thứ 4, tổ chức tại khu du lịch Pu-éc-tô Va-lác-ta (Puerto Vallarta) của Mê-hi-cô, quan chức Bộ Ngoại giao Cu-ba U-li-xét Phéc-nan-đết (Ulises Fernandez) khẳng định việc cho phép nhập cư có chọn lọc khiến các nước đang phát triển mất dần nhân tài - nhân tố không thể thiếu đối với sự phát triển của các nước này.

Tại Hội nghị, chính phủ nhiều nước, trong đó có I-xra-en, Băng-la-đét, Ma-rốc và Bồ Đào Nha, cũng đưa ra tài liệu nhấn mạnh những mặt tiêu cực của tình trạng di cư. Theo tài liệu này, có khoảng 15.000 - 20.000 người I-xra-en hiện đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ trên khắp thế giới hơn là đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Pê-ru Mắc đê la Pu-en-tê (Max de la Puente) cho biết với thực trạng các thế hệ y bác sỹ mới của Pê-ru hiện đang làm việc tại Mỹ, nạn "chảy máu" chất xám thực sự là một vấn đề đáng lo ngại ở Pêru nói riêng và các nước Mỹ La-tinh nói chung.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu người Pháp thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển (IRD), ông Giăng-Báp-tít-xtơ Mây-e (Jean-Baptiste Meyer), lại có cái nhìn khác về vấn đề này. Ông cho rằng thực tế nhiều hợp đồng về trao đổi các chuyên gia có trình độ cao giữa Ấn Độ và Đan Mạch cho thấy những mặt tích cực của vấn đề, giúp kết nối các chuyên gia đang làm việc ở nước ngoài với cộng đồng trong nước và chuyển giao công nghệ./.